Mông Cổ là đất nước trải dài từ Trung Á sang Đông Á. Phía Bắc nước này giáp với Nga, 3 phía còn lại được bao tròn bởi Trung Quốc. Mông Cổ không có biên giới chung với Kazakhstan, nhưng điểm cực Tây của đất nước này chỉ cách điểm cực Đông của Kazakhstan 38km, nên khi nhìn trên bản đồ sẽ rất nhiều người nhầm lẫn là hai nước giáp nhau. Diện tích của Mông Cổ khá rộng với hơn 1.500.000 km2, thế nhưng dân số nước này chỉ có 3,3 triệu người, vì vậy, Mông Cổ có mật độ dân số thấp nhất thế giới.
Thủ đô Ulan Bator có vị trí biệt lập, nằm ở độ cao 1.350m (4.430 ft) so với mực nước biển, hơi lệch về phía Đông ở miền Trung Mông Cổ và nằm bên sông Tuul, một phụ lưu của sông Selenge, thuộc một thung lũng nằm tại chân núi Bogd Khan. Dù có quỹ đất rộng nhưng 45% dân số Mông Cổ lại sinh sống tại Thủ đô Ulan Bator.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, rằng đất nước Mông Cổ chỉ có sa mạc và thảo nguyên xanh, với người dân cưỡi ngựa, thì Ulan Bator là một thành phố rất hiện đại, những tòa nhà cao tầng, xe cộ tấp nập. Đây cũng là nơi nằm trong TOP những thủ đô lạnh nhất thế giới, khi mùa đông có thể lạnh đến – 40 độ C. Đất nước này có vô vàn những điều thú vị và bí ẩn mà không phải ai cũng biết.
Nền kinh tế “bấp bênh”
Mông Cổ là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên và được xem là “cái rốn mới” của trái đất, dưới những sa mạc mênh mênh lại là những mỏ sắt, mỏ đồng và uranium. Năm 2011, khi giá đồng và quặng sắt tăng vọt, tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ nhanh nhất thế giới với mức tăng tới 17,29%, thế nhưng chỉ sau vài năm, nền kinh tế nước này bị “tuột dốc”. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mông Cổ năm 2014 là 7,89%; năm 2015 là 2,38%; năm 2016 xuống mức 1,17%; năm 2018 là 6,95%. Nợ công của Mông Cổ ở mức 30 tỷ USD cao hơn hai lần GDP quốc gia.
Thu nhập bình quân đầu người của Mông Cổ theo sức mua tương đương năm 2020 là 12.970 USD. Tuy nhiên, mức sống của người dân ở đất nước này vẫn khá chênh lệch, có đến 36% người dân sống dưới mức nghèo khổ. Những người dân nghèo này mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 2 USD. Trong khi đó lại có những đại gia siêu giàu với cuộc sống xa hoa, đầy đủ tiện nghi. Người ta có thể bắt gặp những tòa nhà chọc trời, dàn xe siêu sang, quán bar hay những công trình rất hiện đại ở Mông Cổ.
Thiên đường “không rác”
Thế kỷ 21, thật khó để tìm một nơi nào đó không có sự xuất hiện của rác, ấy vậy mà nhiều người đã được bước chân vào một “thiên đường” mà tìm mỏi mắt không thấy có một mẩu rác nào – Thảo nguyên Mông Cổ. Chỉ cần đi ra khỏi thành phố không bao xa là có thể thấy những thảm xanh bạt ngàn nối tiếp nhau, bất tận như tấm thảm khổng lồ giữa trời đất, được thả hồn theo những cánh chim tự do, rong ruổi trên lưng ngựa để sống cuộc sống như những người dân du mục nơi đây.
Người Mông Cổ có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Họ không bao giờ xả rác ra môi trường. Sau mỗi lần chuyển chỗ ở, rác đều được thu gọn vào và mang về thành phố, chuyển đến đúng điểm thu nhận. Thói quen này dần được khách du lịch học theo. Dường như, không ai nỡ để thảo nguyên bị rác làm gợn mắt.
Nhiều tập tục “kỳ lạ”
Ít dùng nước để tắm: Người Mông Cổ có một quan niệm thật kỳ lạ rằng, nếu dùng nước để tắm sẽ đụng chạm đến long mạch và các thần linh. Với họ, người nào nặng mùi cơ thể thì người đó càng mang lại nhiều may mắn. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, quan niệm này đã không còn rộng rãi như thời xa xưa, nhưng nều vô tình gặp một ai đó đến từ Mông Cổ và thấy họ “có mùi” thì cũng đừng cảm thấy ngạc nhiên.
“Tết Tháng Trắng”: Tết cổ truyền của người Mông Cổ còn được gọi là tết Tsagaan Sar, trùng vào dịp tết Nguyên Đán của người Việt. Tuy nhiên, do sự giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia Trung Quốc và Nga nên Tết Nguyên đán của Mông Cổ không hoàn toàn giống với phong tục tập quán của phần lớn các nước châu Á khác. Người Mông Cổ coi màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự cát tường, may mắn. Trong những ngày đầu năm mới, họ thường mặc đồ trắng hay tặng nhau những đồ vật có màu trắng. Họ có tập tục quỳ gối khi uống rượu và uống trà lúc Giao thừa, chén bát được rửa sạch bằng sữa ngựa.
Lễ hội trên hồ đóng băng: Mỗi năm một lần, người Mông Cổ ở khắp chốn lại lặn lội tới vùng biên giới giáp với Nga, nơi có hồ Khövsgöl sâu nhất thảo nguyên. Trong cái lạnh xuống dưới cả -40 độ C và mặt hồ đóng băng, họ tụ tập vui chơi, ăn mừng vì đã qua mùa đông khắc khổ, chuẩn bị đón những ngày tươi sáng. Trên mặt hồ Khövsgöl đóng băng và sâu đến cả hàng trăm mét, người ta tổ chức đủ các loại hình vui chơi từ truyền thống đến hiện đại.
Phụ nữ càng đẹp càng dễ “ế”: Mông Cổ là nơi phụ nữ có sự nghiệp thăng tiến hơn cả đàn ông. Phụ nữ ngày càng hơn đàn ông về trình độ học thức, họ ít gặp phải tình trạng thất nghiệp hơn. Công việc chăn nuôi gia súc vốn dĩ chỉ dành cho nam giới. Ở bất cứ quán bar, quán rượu hay câu lạc bộ nào, thì khách hàng là nữ luôn chiếm số đông. Nhưng cũng chính vì quá vượt trội về địa vị xã hội so với đàn ông, những người phụ nữ Mông Cổ với lối sống hiện đại, quyết định bám trụ ở thành phố để tìm việc sau khi tốt nghiệp, lại cực kỳ vất vả để tìm được một nửa của đời mình.
Tình trạng này diễn ra phổ biến tại các trường đại học cũng như chốn công sở. Chính điều này cũng dẫn tới một thực trạng rằng đàn ông ở Mông Cổ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn: hơn 40% nam giới trên độ tuổi 15 đều đã kết hôn, trong khi còn số này đối với nữ giới chỉ là 32%.
Tượng đài khắp nơi
Tại Thủ đô Ulan Bator, tượng Thành Cát Tư Hãn ở khắp mọi nơi, từ những vị trí trang nghiêm đến những nơi bình dị, trong nhà lều và đặc biệt luôn hiện diện trong các món đồ trang trí sinh hoạt của nhiều người du mục. Đất nước còn nghèo nhưng Mông Cổ dám bỏ ra trên 4 triệu USD để đầu tư khu tượng đài kết hợp bảo tàng hoành tráng. Tượng Thành Cát Tư Hãn cao khoảng 40m, mang gương mặt uy nghiêm, quyền lực cưỡi trên lưng ngựa dáng đầy oai vệ hướng mặt về phía Đông là nơi ông sinh ra. Như vậy đủ để thấy họ thần tượng Thành Cát Tư Hãn và các vị vua của cựu đế chế ra sao.
Hải quân chỉ ở trong “hồ”
Mông Cổ không có biển, thế nhưng mọi người không thể tin rằng Chính phủ Mông Cổ vẫn bỏ tiền ra mua tàu biển và thường dùng một trong số tàu này để chở dầu qua hồ Khövsgöl đến Nga. Không chỉ có tàu, Mông Cổ còn có hẳn một lực lượng hải quân đông tới “7 người”. Công việc của những người lính hải quân Mông Cổ rất đơn giản, đó là làm hướng dẫn viên du lịch. Thật lạ lùng khi trong số đó lại chỉ có 1 người biết bơi – thủy thủ Batbayan. Anh này còn đóng vai trò cứu hộ khi các du khách gặp nạn. Dù tai nạn và số người tử vong là rất nhiều nhưng bản thân anh đã từng cứu được 2 người./.