Nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập và nội chiến
Năm 1498 đánh dấu sự xuất hiện của người Bồ Đào Nha ở Mozambique. Họ bắt đầu quá trình dần dần thuộc địa hóa và định cư vào năm 1505. Sau hơn bốn thế kỷ cai trị của Bồ Đào Nha, Mozambique đã giành được độc lập vào năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Mozambique (FRELIMO – sau này là chính đảng lớn nhất tại Mozambique), trở thành Cộng hòa Nhân dân Mozambique ngay sau đó. Chỉ sau hai năm độc lập, đất nước rơi vào một cuộc nội chiến dữ dội và kéo dài từ năm 1977 đến năm 1992. Năm 1994, Mozambique tổ chức cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên, và kể từ đó vẫn là một nước cộng hòa tổng thống tương đối ổn định. Cơ quan hành pháp bao gồm Tổng thống, Thủ tướng và Hội đồng Bộ trưởng. Cơ quan lập pháp gồm Quốc hội và các hội đồng thành phố. Cơ quan tư pháp bao gồm Tòa án Tối cao và các tòa án cấp tỉnh, huyện và thành phố trực thuộc trung ương.
Ngôn ngữ chính thức duy nhất của Mozambique là tiếng Bồ Đào Nha. Dân số khoảng 29 triệu người của đất nước này bao gồm phần lớn là người Bantu. Tôn giáo lớn nhất của Mozambique là Cơ đốc giáo, với các dân tộc thiểu số đáng kể theo Hồi giáo và các tôn giáo truyền thống châu Phi.
Mozambique là thành viên của Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, Khối thịnh vượng chung, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Cộng đồng các nước ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Phát triển Nam Phi và là quan sát viên tại Cộng đồng Pháp ngữ.
Vị trí của Quốc hội qua các bản Hiến pháp
Bản Hiến pháp đầu tiên của Mozambique được thông qua năm 1975 và có các sửa đổi được Quốc hội Nhân dân thông qua vào năm 1978 và văn bản được gọi là Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Mozambique với phần mở đầu là Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mozambique do Samora Moisés Machel đưa ra.
Trên cơ sở bản Hiến pháp này, Quốc hội Nhân dân của Mozambique (tiền thân của Quốc hội Cộng hòa) đã được thành lập tại Đại hội đảng FRELIMO lần thứ ba, vào năm 1977. Hiến pháp năm 1975 trao cho 6 cơ quan nhà nước quyền xây dựng luật, bao gồm Ủy ban Trung ương đảng FRELIMO, Ủy ban Điều hành đảng FRELIMO, Ủy ban Thường trực của Quốc hội Nhân dân, Tổng thống, Quốc hội Nhân dân và Hội đồng Bộ trưởng. Bản Hiến pháp sửa đổi năm 1978 giảm các cơ quan này xuống còn 4 cơ quan, cắt giảm quyền lực của Ủy ban Điều hành FRELIMO và của Tổng thống.
Năm 1990, Quốc hội Nhân dân đã thông qua Hiến pháp để quản lý Nhà nước trong điều kiện mới. Hiến pháp gồm 206 điều, có hiệu lực từ ngày 30.11.1990.
Điểm khác biệt lớn nhất của Hiến pháp 1990 là quy định về chế độ đa đảng, nền kinh tế thị trường và bầu cử tự do. Nội chiến kết thúc vào năm 1992. Sau đó, vào năm 1994, Quốc hội đa đảng đầu tiên được bầu. Cũng trong giai đoạn này, vai trò của Quốc hội được nâng cao, đặc biệt là trong chức năng làm luật.
Vào năm 2004, Quốc hội Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp mới với 306 điều. Hiến pháp quy định, Quốc hội Cộng hòa là mô hình đơn viện gồm 250 đại biểu, được bầu trực tiếp thông qua hệ thống đại diện theo tỷ lệ theo danh sách đảng với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội thực hiện các quyền lập pháp, phê duyệt Ngân sách Nhà nước chung, giám sát hoạt động của Chính phủ và thực hiện các chức năng còn lại mà Hiến pháp giao cho.
Theo kết quả cuộc bầu cử năm 2019, có 3 đảng có đại diện trong Quốc hội là đảng FRELIMO (chiếm đa số với 184 ghế), đảng RENAMO (60 ghế) và Phong trào Dân chủ Mozambique (6 ghế).