Theo The New York Times, xu hướng này mới nổi vài năm gần đây và hiện đang lan rộng ở nhiều quốc gia châu Á.
Từ nhà đến quán cà phê
Rái cá có răng sắc nhọn, cơ thể nặng mùi, tính cách hiếu động, thích ồn ào… Dẫu vậy, chúng đang được nhiều bạn trẻ châu Á ưa chuộng.
Tại Nhật gần đây đã có gần 15 quán cà phê mới mở dành riêng cho những người mê và muốn mua bán rái cá. Các quán này đang có xu hướng ‘lấn lướt’ những quán cà phê trước đây vốn thịnh hành như cà phê chó, mèo…
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu nuôi rái cá làm thú cưng đang gia tăng và dường như nhu cầu chưa đáp ứng kịp” – The New York Times dẫn lời một chủ quán cà phê ở Nhật.
Không chỉ ở Nhật, rái cá thú cưng ngày càng được ưa chuộng ở các nước lân cận như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và cả Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, nuôi rái cá làm giống, nhất là trên quy mô lớn, để cung cấp cho thị trường rất khó vì rái cá không dễ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt nếu không có chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ.
Do đó, giới khoa học tin rằng rái cá “cưng” trên thị trường hiện nay phần lớn là từ môi trường hoang dã.
TS Nicole Duplaix – nhà sinh vật học ở ĐH Oregon (Mỹ), đồng thời là trưởng ban rái cá của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) – cũng cho biết nhu cầu ngày càng gia tăng khiến tình trạng buôn lậu rái cá trong khu vực này đang diễn ra phức tạp.
Truyền thông Thái Lan mới đây đưa tin một nhóm người Nhật bị hải quan nước này chặn lại khi đang cố đưa những con rái cá hoang dã qua cổng an ninh sân bay.
Trong khi đó tháng 11-2018, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) cũng đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ thành công 10 cá thể rái cá vuốt bé (tên khoa học: Aonyx cinereus). Đây cũng là đợt giải cứu rái cá có số lượng lớn nhất trong vòng 14 năm qua, theo The New York Times.
TS Duplaix cho biết rái cá vuốt bé là loài mà những kẻ săn trộm châu Á “dòm ngó” nhiều nhất trong họ hàng rái cá, bên cạnh loài rái cá lông mũi và rái cá lông mượt.
Dắt rái cá… dạo phố
Theo TS Vincent Nijman – nhà nhân loại học từ ĐH Oxford Brookes (Anh) – thú chơi rái cá có thể có nguồn gốc từ Indonesia.
“Ở đó, chúng ta dễ dàng thấy hàng trăm lời rao mua bán rái cá trên Facebook hay Instagram, dĩ nhiên họ đều không có giấy phép” – TS Vincent Nijman nói.
Dẫu vậy, những người chủ rái cá thú cưng ở Indonesia dễ dàng kết nối và hợp hội với nhau, thậm chí có thể dắt rái cá dạo phố mỗi chủ nhật ở Jakarta.
“Truyền thông Indonesia đưa tin về trào lưu này như một việc làm có thể chấp nhận được, thú vị, hay chỉ là sự khác biệt khi một người muốn có một chú rái cá cưng thay vì chó hay mèo” – TS Nijaman nói.
Ở Thái Lan, pháp luật cấm buôn bán rái cá nhưng việc này vẫn diễn ra thường xuyên. TS Penthai Siriwat – ĐH Oxford Brookes (Anh) – đã dành thời gian theo dõi các trang facebook buôn bán động vật hoang dã ở Thái Lan và ghi nhận có 572 cá thể rái cá đã được rao bán kể từ năm 2017 đến năm 2019.
Thị trường lớn nhất vẫn là Nhật. Theo Traffic Japan – tổ chức chuyên theo dõi các vụ mua bán động vật hoang dã ở Nhật, 70% vụ bắt giữ vận chuyển rái cá trái phép ở các nước Đông Nam Á là đang trên đường đến Nhật tiêu thụ.
Ông Yoshiaki Nagayasu – chủ cửa hàng cà phê rái cá Kotsumate nổi tiếng ở Tokyo, Nagoya và Fukuoka – thông tin với truyền thông rằng hầu hết rái cá mà ông đang nuôi dưỡng đến từ một cơ sở chăm sóc rái cá ở Malang, Indonesia.
Đây là tổ chức chuyên giải cứu những con rái cá gặp nạn ngoài tự nhiên rồi chăm sóc, hỗ trợ sinh sản, sau đó những con khỏe mạnh sẽ được trả về tự nhiên, số còn lại được đưa đến Nhật.
“Giá mỗi con rái cá bán cho khách hàng khoảng 10.000 USD, tuy nhiên toàn bộ lợi nhuận chúng tôi gửi trả lại Indonesia cho việc duy trì cơ sở vật chất và bảo tồn loài rái cá” – ông Nagayasu nói và cho biết đây là cách thức bảo vệ hữu hiệu loài rái cá đang gặp nguy hiểm.
Sẽ bảo vệ ở mức độ cao nhất
Dù không biết sự thật có phải như ông Nagayasu nói hay không, nhưng có điều chắc chắn rằng tháng 5 tới đây, một trang mới có thể mở ra với loài rái cá.
Khi đó, đại diện của các quốc gia tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt CITES) sẽ biểu quyết có nâng mức độ đe dọa của loài rái cá vuốt ngắn và rái cá lông mượt lên cấp cao nhất hay không.
Nếu được thông qua, hoạt động buôn bán những loài rái cá hoang dã này sẽ bị cấm. Từ đó, các quốc gia cũng như những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế sẽ có thêm cơ sở tiến hành những hoạt động bảo vệ rái cá của mình.
Trong khi đó, theo ông Daniel Willcox – cố vấn khoa học của tổ chức Save Vietnam’s Wildlife, trong cộng đồng vẫn có nhiều người thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường nói chung và động vật hoang dã nói riêng.
“Nếu chúng ta biết cách cho họ thấy nuôi rái cá như thú cưng là việc làm không đúng, họ có thể trở thành những người bảo vệ thiên nhiên hoang dã cùng với chúng ta” – ông Daniel Willcox nói.