Chương trình bổ sung vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 UI và 200.000 UI) cho trẻ dưới 36 tháng tạm dừng từ cuối năm 2022 đến nay do thiếu nguồn. Trong khi đó, trên mạng xã hội facebook, không ít cá nhân rao bán công khai vitamin A liều cao. Việc tùy tiện mua bán, sử dụng vitamin A liều cao không theo hướng dẫn chuyên môn có thể gây hại đối với sức khỏe của trẻ, đặt ra yêu cầu ngăn chặn tình trạng trên.
Rao bán tràn lan trên mạng
Chị Bùi Thị Huyền, ở ngõ 82 phố Vũ Chí Thắng, phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân) có con nhỏ 22 tháng tuổi. Do địa phương không có đợt bổ sung vitamin A cho trẻ từ cuối năm 2022, nên những ngày này, chị Huyền sốt ruột lên mạng facebook và một số sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada tìm mua để bổ sung cho con. Vitamin A liều cao được rao bán với mức giá từ 18 nghìn đồng tới 25 nghìn đồng/viên vitamin A 200.000 UI, mỗi người bán hàng tư vấn sử dụng khác nhau, nên chị chưa dám mua về cho con uống.
Càng gần tới thời điểm bổ sung vitamin A cho trẻ (ngày 1 và 2/6), những bài viết rao bán sản phẩm này xuất hiện trên mạng facebook càng dày đặc. Nhiều cá nhân khi viết bài bán hàng nhấn mạnh vào việc các địa phương không có đợt bổ sung vitamin A liều cao như trước để giới thiệu, quảng cáo người mua nhanh chóng đặt hàng. Với mức giá cao nhất là 25 nghìn đồng/viên vitamin A loại 200.000 UI, không ít người đặt mua từ 5 đến 7 viên về để bổ sung cho cả gia đình.
Trưởng Trạm y tế phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) Trần Thị Hải Yến thông tin, từ cuối năm 2022 đến nay, trạm y tế địa phương đều không có chương trình cho trẻ uống bổ sung vitamin A như mọi năm do không có nguồn. Vì vậy, việc các cá nhân rao bán vitamin A trên mạng với số lượng lớn đặt ra câu hỏi về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Người dân cần cẩn trọng, không nên tự ý mua, sử dụng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Không tùy tiện bổ sung vitamin A
Sáng 24/5, trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng, bác sĩ chuyên khoa 2 Tăng Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm CDC (Sở Y tế) cho biết: Do cộng đồng quốc tế dừng viện trợ nguồn vitamin A hàm lượng cao từ cuối năm 2022, đến nay trạm y tế các địa phương cũng tạm dừng chương trình bổ sung vitamin A diện rộng trong cộng đồng. Thời gian tới, Bộ Y tế chủ trì việc mua sắm vitamin A liều cao tập trung cấp quốc gia theo nhu cầu khảo sát từ các địa phương. Hiện, toàn thành phố còn 22.000 viên vitamin A liều cao, đủ cung cấp cho người cần bổ sung (gồm phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng, trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A gồm trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, trẻ bị sởi hoặc bị bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại, tiêu chảy kéo dài…) trong 4 tháng. Ngay khi Bộ Y tế phân bổ vitamin A liều cao, ngành Y tế thành phố sẽ tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A. Hiện, CDC cử cán bộ trực tiếp về các trạm y tế xã, phường, thị trấn để kiểm tra, phối hợp với các cán bộ y tế trạm khám sàng lọc, kịp thời phát hiện những trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất, trong đó có vitamin A để bổ sung kịp thời.
Theo các bác sĩ khuyến cáo, chất lượng bữa ăn của các gia đình ngày càng được cải thiện, người dân không cần quá lo lắng khi việc bổ sung vitamin A không được duy trì đủ 2 lần/năm như trước đây. Trước khi bổ sung vitamin A liều cao nói riêng, các loại vitamin khác nói chung cho trẻ, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhân viên y tế để được tư vấn, hướng dẫn chính xác. Ngoài ra, các gia đình nên ăn uống đa dạng, tăng cường rau xanh, hoa quả để phòng nguy cơ thiếu hụt vitamin nói chung, vitamin A nói riêng.
Quyết định số 3893/QĐBYT ngày 11/10/2007 của Bộ Y tế nêu rõ, vitamin A 100.000 UI và 200.000 UI là thuốc được sản xuất dạng viên nang màu xanh và màu đỏ. Khi dùng vitamin A liều rất cao một lúc hoặc dùng kéo dài có thể xuất hiện ngộ độc cấp (tăng áp lực nội sọ, nôn mửa…) hoặc ngộ độc mãn tính (đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, kém ăn…).
Ngày 11/5/2023, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ban hành văn bản số 4724/QLDKD nêu rõ, hiện chỉ có 3 thuốc vitamin A hàm lượng 5.000 UI có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Như vậy, quảng có bán hàng nêu trên là vi phạm quy định về quảng cáo thuốc (quảng cáo thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành). Theo quy định tại Điểm 3, Khoản 4, Điều 50 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, hành vi này bị xử phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra việc rao bán vitamin A liều cao trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Ngành Y tế và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và bình tĩnh chờ bổ sung vitamin A; không tự ý mua, sử dụng các sản phẩm vitamin bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, tránh gây hậu quả đáng tiếc./.
Bài và Ảnh: Thành Lê