Ở tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở trung học cơ sở và trung học phổ thông có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học sẽ trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và Tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực ở từng cấp học. Chương trình Ngữ văn xây dựng theo hướng mở Trên cơ sở các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình Ngữ văn mới được xây dựng trên quan điểm lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực, bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Chương trình được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Chương trình quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, Tiếng Việt và quy định một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc bắt buộc phải học đối với học sinh toàn quốc.
Qua văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng tình yêu với Tiếng Việt và Văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam.
Ngoài việc góp phần phát triển các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về Văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá. Môn học cũng góp phần hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Xuất phát từ phẩm chất và năng lực người học Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Tiếng Việt/Ngữ văn, điểm khác biệt nhất của chương trình Ngữ văn lần này so với những năm trước là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất, năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng lớn: đọc,viết, nói và nghe. Đọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).