Chúng ta thường nhắc đến cụm từ ” Năm châu bốn biển ” để nhắc đến sự rộng lớn của thế giới, của hành tinh. ‘Nghĩa đen’ của cụm từ này chính là nói đến “Năm châu” – tức 5 châu lục trên thế giới, gồm: Châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại dương; và “Bốn biển” – tức 4 đại dương bao quanh Trái Đất, gồm: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.
Ngày 8/6/2021 – Ngày Đại dương Thế giới – chính thức phá bỏ 2 thứ cũ kỹ: (1) là cụm từ “Năm châu bốn bể” và (2) tập bản đồ thế giới vẽ từ năm 1915. Bởi, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Sociaty) chính thức công nhận Nam Đại Dương hay Nam Băng Dương là đại dương thứ 5 của thế giới .
Trước đó:
– Năm 1999, Ủy ban Tên địa lý Mỹ đã sử dụng tên Nam Đại Dương.
– Tháng 2/2021, NOAA chính thức công nhận Nam Đại Dương là khác biệt, và không phải chỉ là vùng nước vô danh.
– Ngày 3/6/2021, Từ điển Cambridge Dictionary đã chính thức thêm cụm từ “the Southern Ocean” (also the Antarctic Ocean) – nghĩa là Nam Đại Dương/Nam Băng Dương – và định nghĩa nó là: Vùng biển bao quanh lục địa Nam Cực.
Vậy Nam Đại Dương ở đâu trên bản đồ thế giới?
Nam Đại Dương ở đâu trên bản đồ thế giới: Khoanh tròn đỏ là toàn bộ Nam Đại Dương, bao bọc lục địa Nam Cực – Mũi tên vàng: Chỉ Vĩ độ 60 về phía nam của ranh giới phía bắc Nam Đại Dương. Credit: Trang Ly
– Nam Đại Dương nằm ở cực Nam của Trái Đất. Tiếp xúc với 3 đại dương khác là Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
– Không giống như các đại dương khác (được lục địa bao bọc và tạo nên ranh giới tự nhiên), Nam Đại Dương bao bọc lục địa Nam Cực, với ranh giới phía bắc là vĩ độ nam 60 độ.
KỶ LỤC CỦA ĐẠI DƯƠNG LỚN THỨ 4 TRÊN TRÁI ĐẤT
Tài liệu của CIA chỉ ra rằng:
– Nam Đại Dương hiện là đại dương lớn thứ 4 trong số 5 đại dương trên thế giới (sau Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, nhưng lớn hơn Bắc Băng Dương).
– Diện tích Nam Đại Dương là 21,960 triệu km vuông. Bao gồm biển Amundsen, biển Bellingshausen, một phần của Drake Passage, biển Ross, một phần nhỏ của biển Scotia, biển Weddell và các vùng nước nhánh khác.
– Khí hậu: Bão xoáy thuận di chuyển về phía đông quanh lục địa và thường có cường độ mạnh do sự tương phản nhiệt độ giữa băng và đại dương.
Khu vực đại dương từ khoảng vĩ độ 40 về phía nam đến Vòng Nam Cực có gió trung bình mạnh nhất được tìm thấy ở bất kỳ đâu trên Trái Đất.
– Độ sâu: Nam Đại Dương sâu 4.000 đến 5.000 m trên phần lớn diện tích của nó, chỉ có một số vùng nước nông hạn chế; Thềm lục địa Nam Cực nhìn chung hẹp và sâu bất thường, rìa của nó nằm ở độ sâu từ 400 đến 800 m.
– Dòng hải lưu: Dòng hải lưu Nam Cực lạnh, chảy theo chiều kim đồng hồ (dài 21.000 km) di chuyển vĩnh viễn về phía đông quanh lục địa và là dòng hải lưu lớn nhất và mạnh nhất thế giới, vận chuyển 130 triệu mét khối nước mỗi giây – gấp 100 lần dòng chảy của tất cả các con sông trên thế giới cộng lại; Nó cũng là dòng hải lưu duy nhất chảy khắp hành tinh và kết nối Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương;
Dòng hải lưu lạnh giá Nam Cực (East Wind Drift) là dòng hải lưu cực nam trên thế giới, chảy về phía tây và song song với đường bờ biển Nam Cực.
– Nam Đại Dương có vai trò quyết định với khí hậu và sự sống Trái Đất: Dòng hải lưu Nam Cực (ACC), một dòng hải lưu chảy từ tây sang đông quanh Nam Cực, đóng một vai trò quan trọng trong lưu thông đại dương toàn cầu.
Khu vực nơi các dòng nước lạnh của ACC gặp gỡ và hòa trộn với các vùng nước ấm hơn ở phía Bắc xác định một biên giới riêng biệt – Hội tụ Nam Cực – dao động theo mùa. Hội tụ Nam Cực sở hữu một vùng sinh thái độc đáo, nơi tập trung các chất dinh dưỡng, thúc đẩy đời sống thực vật biển, và do đó, cho phép đời sống động vật phong phú hơn.
– Tài nguyên thiên nhiên: Nam Đại Dương có các mỏ dầu khí lớn ở rìa lục địa; Polymetallic nodules, trầm tích sa khoáng, cát và sỏi, nước ngọt, núi băng trôi; Ngoài ra còn có mực, cá voi và hải cẩu – không được khai thác; nhuyễn thể, cá.
Trang Ly