Nam Dương là xã nằm phía Nam huyện Nam Trực, phía Đông giáp xã Nam Hùng, phía Tây giáp Sông Đào, phía Nam giáp xã Bình Minh- Đồng Sơn, phía Bắc giáp trung tâm huyện Nam Trực. Nam Dương có địa hình tương đối bằng phẳng, với tổng diện tích đất tự nhiên 608,11 ha, tổng số nhân khẩu là 12.050 người, bao gồm 08 thôn, làng cổ: Rối, Đế, Chiền, Phượng, Bái Dương, Giữa, Vọc, Đầm. (Hiện nay là 14 thôn, xóm theo quyết định của UBND tỉnh). Nam Dương có 02 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo, tỷ lệ dân số theo đạo Thiên Chúa giáo chiếm khoảng 10% dân số toàn xã.
Nam Dương có 42 di tích lịch sử gồm Đình, Đền, Chùa, Phủ, Từ đường, Nhà thờ Thiên chúa giáo. Tiêu biểu là Đền Gin (được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1964), Đền thờ tướng công Kiều Công Hãn- người giúp Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán ở thế kỷ thứ X; Đền Trần làng Bái Dương (được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009), chùa Hồng, chùa Đầm, chùa Chiền, Đền Đồng, Từ đường Ngô Thế Vinh…Cùng các di tích lịch sử văn hóa là các Lễ hội truyền thống như: Lễ hội truyền thống Đền Trần làng Bái Dương, Lễ hội Đền Đồng…Đặc biệt là Lễ hội truyền thống Đền Gin (ngày 08, 09, 10 tháng 12 Âm lịch) với những nghi thức tế lễ và các sinh hoạt Văn hóa-Thể thao mang đậm bản sắc dân tộc.
Nam Dương là vùng đất cổ được hình thành từ hàng nghìn năm trước, lúc đó tổng Bái Dương có 04 xã gồm: Bái Dương, Tang Trữ, Hiệp Luật, Cổ Lũng. Từ cuối thế kỷ thứ IX đến nay, tổng Bái Dương có chung nguồn gốc là thờ tướng công Kiều Công Hãn- người có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cấp tổng bị bãi bỏ, tổng Bái Dương đổi thành xã Lâm Hòa, sau này lại được đổi tên thành xã Nam Bình. Đến tháng 02 năm 1947 chi bộ Quang Trung ra đời là tiền thân của chi bộ Lâm Hòa và Đảng bộ xã Nam Dương ngày nay. Tháng 06 năm 1956 cải cách ruộng đất thắng lợi, xã Nam Bình được chia thành 02 xã: xã Nam Dương gồm các làng: Rối, Đế, Chiền, Phượng, Rót, Bái Dương, Phan, Xẫy, Cổ Lũng, Xứ Trưởng; xã Nam Bình gồm các làng: Giữa, Vọc, Đầm, Hành Quần, Nho Lâm. Ngày 18 tháng 9 năm 1972 theo Quyết định của HĐND và UBND huyện Nam Ninh chuyển thôn Cổ Lũng, Phan, Xẫy, Rót, Xứ Trưởng về xã Nam Bình; làng Giữa, Vọc, Đầm về xã Nam Dương. Đó là xã Nam Dương của chúng ta ngày nay, gồm các thôn làng: Rối, Thi Châu, Chiền, Phượng, Bái Dương, Trung Hòa, Vọc, Đầm.
Dưới chế độ phong kiến xã Nam Dương đã xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm như: Thế kỷ thứ XV có cụ Ngô Bật Lượng làng Bái Dương đỗ Tam Giáp Đồng Tiến sỹ khoa Canh Tuất đời Cảnh Lịch (1550), cụ Ngô Thế Mỹ đỗ Giải Nguyên khoa Ất Mão đời Gia Long thứ hai (1804)…trong các phong trào yêu nước có các sỹ phu: Ngô Lý Duyên, Vũ Doãn Đạm, Nguyễn Khắc Doanh…Nhân vật nổi tiếng được ghi ttong sử sách là cụ Ngô Thế Vinh đỗ Tam Giáp Đồng Tiến sỹ khoa Kỷ Dậu đời Minh Mệnh thứ tư (1829), cụ được nhà vua bổ nhiệm giữ chức Hàn Lâm Viện Biên Tu rồi thăng chức Chi phủ Định Viễn năm Canh Dần và có bia đá tại kinh thành Huế.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Dương là vùng đất đệm liền kề với bốt Giáp Tư, nhân dân đã anh dũng chiến đấu ngăn cản sự càn quét của quân địch, là nơi tập kết đưa đón cán bộ từ vùng kháng chiến ra vùng giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Dương đã thực hiện khẩu hiệu “Miền Bắc chi viện sức người, sức của cho Miền Nam đánh Mỹ”, hàng ngàn thanh niên đã lên đường tòng quân giết giặc. Nam Dương có 165 liệt sỹ đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế tại nước bạn Lào và Campuchia.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Dương đã nêu cao tinh thần cách mạng, cần cù, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, an ninh, quốc phòng; Đảng bộ xã Nam Dương hiện có 429 đảng viên, được phân bổ theo 18 Chi bộ đảng, có 14 Chi bộ nông thôn, 03 Chi bộ nhà trường, 01 Chi bộ y tế; có 01 Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Nghề nghiệp chính của nhân dân trong xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trong mỗi thôn, xóm có các nghề phụ và dịch vụ khác nhau. Nhìn chung, nhân dân có thu nhập ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững, kinh tế- văn hóa- xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, số hộ nghèo ngày càng giảm, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh.
Lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất, con người Nam Dương là thành quả đấu tranh kiên cường mở và giữ đất kết tinh thành truyền thống và là khí phách của con người đồng bằng Sông Hồng nói chung và mảnh đất văn hiến Nam Định nói riêng. Truyền thống đó được hun đúc từ trí tuệ, mồ hôi công sức và cả máu của bao thế hệ người dân Nam Dương để gìn gìn mảnh đất truyền thống này. Ngày nay, người con Nam Dương dù ở quê hương, mọi miền của Tổ quốc hay ở nước ngoài đều một lòng hướng về quê hương để cùng chung tay xây dựng quê hương Nam Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trích: Lịch sử Đảng bộ xã Nam Dương