Câu 1
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Thế nào là rút gọn câu?
a) So sánh và rút ra nhận xét về đặc điểm cấu tạo của hai câu sau:
(1) Học ăn, học nói, học gói, học mở.
(Tục ngữ)
(2) Chúng ta học ăn, học nói, học gói, học mở.
Gợi ý: Hãy so sánh:
(1):
Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Các cụm động từ – Vị ngữ
(2):
Chúng ta / học ăn, học nói, học gói, học mở.
C
V1
V2
V3
V4
b) Vì sao chủ ngữ trong câu (1) được lược bỏ?
Gợi ý: Có thể thêm những từ ngữ nào làm chủ ngữ cho câu (1)? Có thể thêm các từ: chúng tôi, ta, người Việt Nam,… vào vị trí chủ ngữ của câu (1). Như vậy, tuỳ từng trường hợp vận dụng mà có thể hiểu chủ ngữ cụ thể là ai. Cũng chính vì điều này mà người ta lược bỏ chủ ngữ của câu, để cụm động từ vị ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở.” trở thành kinh nghiệm chung, lời khuyên chung, đúng với tất cả mọi người.
c) Trong các câu dưới đây, câu nào được rút gọn? Thành phần nào của câu được lược bỏ?
(1) Hai ba người đuổi theo nó. Rồi ba bốn người, sáu bảy người.
(Nguyễn Công Hoan)
(2) – Bao giờ cậu đi Hà Nội?
– Ngày mai.
Gợi ý: Phân tích thành phần cấu tạo của từng câu để xác định câu rút gọn.
– Câu “Rồi ba bốn người, sáu bảy người.” được rút gọn vị ngữ; người ta có thể căn cứ vào câu đứng trước để xác định được vị ngữ của câu này là: đuổi theo nó.
– Câu “Ngày mai.” được rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ; người ta có thể căn cứ vào câu đứng trước nó để hiểu được là: Tôi đi Hà Nội vào ngày mai. hoặc Ngày mai tôi đi Hà Nội.
2. Cách sử dụng câu rút gọn
a) Trong những câu dưới đây, câu nào thiếu thành phần? Có nên rút gọn như vậy không? Vì sao?
Sáng chủ nhật, trường em tổ chức cắm trại. Sân trường thật đông vui. Chạy loăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co.
Gợi ý:
– Các câu “Chạy loăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co.” thiếu thành phần chủ ngữ;
– Không phải bao giờ việc rút gọn câu cũng hợp lí. Tuỳ tiện lược bỏ thành phần câu như những câu trên khiến cho lời văn trở nên cộc lốc, khó hiểu.
b. Trong các câu dưới đây, câu nào được rút gọn? Rút gọn như vậy có hợp lí không? Tại sao?
– Mẹ ơi, hôm nay được điểm 10.
– Con mẹ giỏi quá! Bài nào được điểm 10 thế con?
– Bài kiểm tra toán.
Gợi ý:
– Tìm chủ ngữ của câu “Mẹ ơi, hôm nay được điểm 10.“;
– Nói với mẹ “Bài kiểm tra toán.” như thế có gì sai không?
Câu “Mẹ ơi, hôm nay được điểm 10” không có thành phần chủ ngữ. Nói như thế, câu trở nên khó hiểu (không biết ai được điểm 10); hơn nữa, nói với người bậc trên không nên xưng hô cụt lủn như vậy. Câu “Bài kiểm tra toán.” mặc dù thiếu vị ngữ nhưng có thể chấp nhận được nếu thêm vào những từ ngữ xưng hô lễ phép, chẳng hạn: Bài kiểm tra toán ạ! hoặc Bài kiểm tra toán mẹ ạ!
c) Như vậy, khi rút gọn câu ta cần lưu ý điều gì?
– Tránh làm cho người nghe (đọc) khó hiểu hoặc hiểu sai nội dung cần nói;
– Tránh sự khiếm nhã, thiếu lễ độ khi dùng những câu cộc lốc.