Cổng trường mở ra – tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Cổng trường mở ra Ngữ văn lớp 7, bài học tác giả – tác phẩm Cổng trường mở ra trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Cổng trường mở ra
Văn bản ghi lại tâm trạng đầy cảm xúc của người mẹ trong đêm chuẩn bị cho con trước ngày khai trường vào lớp Một. Trái ngược với cảm xúc của người con đầy háo hức, mong chờ thì người mẹ lại trằn trọc không ngủ được, vừa nghĩ đến tâm trạng của con lại vừa sống lại tuổi thơ đến trường của bản thân. Đó cũng là tình cảm, niềm tin và khát vọng của người mẹ đối với tương lai của đứa con. “Cổng trường mở ra” còn là một câu chuyện về chính ngày đầu tiên đi học của mẹ trong kí ức, cùng với đó là sự đề cao vai trò của trường học trong sự nghiệp giáo dục.
B. Đôi nét về tác phẩm Cổng trường mở ra
1. Tác giả
– Lý Lan sinh năm 1957 quê ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tám năm đầu đời Lý Lan sống ở quê mẹ, sau khi mẹ mất thì gia đình về Chợ Lớn định cư.
– Là một phụ nữ đa tài, vừa là giáo viên, nhà văn và dịch giả nổi tiếng
– Các tác phẩm chính: Chàng nghệ sĩ (1978), Cỏ hát (1983)…
– Phong cách nghệ thuật: dịu dàng, đằm thắm và dạt dào cảm xúc trên từng trang viết.
2. Tác phẩm
a, Hoàn cảnh sáng tác
– Trích từ Báo Yêu trẻ, số 166, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/09/2000
b, Bố cục
– Gồm 2 phần
Phần 1: Từ đầu… “ngày đầu năm học”: Tâm trạng của hai mẹ con trong đêm trước ngày khi giảng
Phần 2: Còn lại: Cảm nghĩ của mẹ về vai trò của nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em.
c, Phương thức biểu đạt
– Văn bản sử dụng phương thức biểu cảm ghi lại chân thực cảm xúc của người mẹ trong đêm trước ngày khai trường của con.
d, Ngôi kể
– Ngôi thứ nhất trong vai người Mẹ.
e, Ý nghĩa nhan đề
– “Cổng trường mở ra” mang ý nghĩa của sự khởi đầu cho một chặng đường học sinh bắt đầu trong cuộc đời mỗi con người. Cổng trường rộng mở hay cũng chính là tương lai đang mở ra với nhân vật khi trên hành trình tiếp nhận tri thức.
f, Giá trị nội dung
– Văn bản là những suy tư đầy xúc cảm của người mẹ trước ngày con vào lớp Một- một bước ngoặt to lớn của con. Qua đó đã thể hiện tình cảm yêu thương sâu sắc của mẹ. Đồng thời văn bản cũng nhấn mạnh vai trò to lớn của nhà trường trong việc giáo dục con người.
g, Giá trị nghệ thuật
– Miêu tả diễn biến tâm trạng đặc sắc qua việc sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng, kín đáo thể hiện tâm tư nội tâm thầm kín của mẹ.
C. Sơ đồ tư duy Cổng trường mở ra
D. Đọc hiểu văn bản Cổng trường mở ra
1. Tâm trạng của người mẹ trong đêm trước ngày con khai trường
– Những tình cảm dịu dàng mẹ dành cho con thật ấm áp:
+ Trìu mến quan sát con làm những việc trước tối hôm đến trường (giúp mẹ thu dọn đồ chơi, háo hức chờ đợi ngày mai thức dậy cho kịp giờ…)
+ Vỗ về cho con ngủ, xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con trong ngày đầu tiên đến trường.
– Hồi tưởng lại những kỉ niệm không thể nào quên của bản thân trong ngày đầu tiên đến trường
– Không thể tập trung làm bất cứ việc gì hôm đấy, mẹ trằn trọc… không ngủ được.
=>Tình yêu thương con dạt dào vô bờ bến từ tấm lòng của người mẹ, luôn suy nghĩ và lo lắng cho con. Sự quan tâm của phụ huynh với con trong việc học tập.
2.Tâm trạng của con
– Hồn nhiên, vô tư
– Háo hức chờ ngày khai trường với những sự mới mẻ và mong đợi, cậu cứ nghĩ đây là một chuyến đi chơi xa
– Giúp mẹ dọn đồ chơi
– Giấc ngủ đến dễ dàng
=> Trái ngược với tâm trạng đầy suy tư của người mẹ, cậu bé đã đón nhận ngày khai trường với một cảm xúc hoàn toàn vô tư và thoải mái. Sự mong chờ một cánh cửa mới mẻ sắp đón chờ mình là tinh thần khát khao tìm hiểu và học tập trong mỗi con người.
3.Vai trò của nhà trường trong giáo dục thế hệ trẻ
– Từ câu chuyện về ngày khai trường ở Nhật, người mẹ bày tỏ suy nghĩ nghĩ về vai trò của nhà trường với việc giáo dục thế hệ trẻ: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước vào cánh cổng trường là cả thế giới diệu kỳ sẽ mở ra.”
– Nhà trường là nơi ươm mầm, dẫn dắt những bước trưởng thành của mỗi con người.
=> Khẳng định vai trò to lớn của nhà trường đối với mỗi con người và niềm tin vào sự nghiệp giáo dục