1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Trãi nằm trên địa bàn ba phường Thuận Hòa, Tây Lộc và Phú Thuận, phần chính thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (ngoài cửa Nhà Đồ), chạy qua ngã tư các đường Đặng Trần Côn, Yết Kiêu, Thạch Hãn, Lê Đại Hành, Thái Phiên, qua cửa An Hòa đến đường Tăng Bạt Hổ, dài 2385m. Phía trong Thành nội đường lưu thông hai chiều, (hai cửa Nhà Đồ và An Hòa ô tô ra vào một chiều), cấm xe tải nặng qua hai cửa này.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước, chia thành hai đoạn mang hai tên đường Nhà Đồ và An Hòa. Sau năm 1956, gộp hai đoạn làm một đặt tên là đường Cường Để. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Trãi. Đường này có một vị thế quan trọng của khu phía Tây Hoàng thành Huế.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Trãi (Canh Thân 1380 – Nhâm Tuất 1442) Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa lớn thế kỷ XV, hiệu ức Trai, tổ tiên vốn người gốc làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, sau về ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc Hà Tây. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, cha là Nguyễn Phi Khanh, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 19 tuổi, mẹ là con gái của Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán – Tôn Thất nhà Trần. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh lúc 20 tuổi. Được bổ làm Ngự sử đài Chánh chưởng dưới triều nhà Hồ. Khi quân Minh sang cướp nước ta, cha của ông bị bắt giải về Kim Lăng, ông theo đến Nam Quan. Cha của ông khuyên ông hãy trở về lo việc báo thù rửa hận cho nước, ông vâng lời trở về, bị quân Minh bắt, giam lỏng ở phía Nam thành Đông Quan. Năm 1418, ông cùng Trần Nguyên Hãn trốn vào Lam Sơn, tham dự cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo. Suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh cứu nước, ông là người được Lê Lợi tin cẩn giao trọng trách, ông tỏ rõ bản lĩnh của một nhà ngoại giao, chính trị, quân sự, nhà văn hóa giúp cho cuộc kháng chiến thành công. Ông được liệt vào hàng Đại phu, coi sóc các việc chính trị và các việc ở Viện Khu mật. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, ông được phong: Khai quốc Công thần, Nhập nội Hành khiển, Trung thư Hàn lâm ngự sử, Lục Bộ Thượng thư, Tứ Kim Ngư Đại Thượng Hộ, tước Quang Phục Hầu và cho theo họ vua, thành Lê Trãi. Khi Lê Thái Tổ mất, bọn gian thần ghen ghét dèm pha, ông đành cáo quan về ẩn dật ở Côn Sơn, tỉnh Hải Dương. Năm 1434, Lê Thái Tông lại triệu ông ra, bổ làm quan coi sóc việc văn hóa, chính trị, ông vì việc nước mà phải nhận. Năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Hải Dương, vua ghé Vườn Vải (Lệ Chi Viên) của Nguyễn Trãi ở lại, rồi đột ngột trúng bệnh mà mất tại đấy. Đám gian thần đã lợi dụng “Vụ án này” khép ông vào tội sai nàng hầu Nguyễn Thị Lộ giết vua, ông bị bắt giam vào ngục. Tháng 9/1442 ông bị giết với cả ba họ (tru di tam tộc), thọ 62 tuổi. Đến đời Lê Thánh Tông, nỗi oan của ông mới được giải, vua xuống chiếu truy phong ông là Tế Văn Hầu, các con cháu sót lại đều được trọng dụng. Nguyễn Trãi là một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà văn hóa lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại quá nhiều tác phẩm cả thơ lẫn văn, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, những tác phẩm nổi tiếng như: Bình Ngô Đại Cáo, Quân Trung từ mệnh tập, Quốc âm thi tập, ức Trai di tập, Dư địa chí, Ngọc Đường di cảo, Gia huấn ca. Không chỉ triều Lê Thánh Tông, mà nhiều triều đại sau nữa đều cảm phục tài đức của ông và chia sẽ nỗi oan khiên cũng như tấm lòng son sắt với đất nước, đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Trường Tiểu học Thuận Hòa, Cổ nhạc từ (nhà thờ tổ ngành ca nhạc truyền thống Huế), UBND phường Thuận Hoà, Đình cổ phường Tri Vụ, Giáo xứ Tây Lộc, Trung tâm Thể dục thể thao thành phố, Chợ Tây Lộc (chợ Trời cũ), Công an phường Tây Lộc, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Bệnh viện Y học dân tộc nằm trên đường này.