Từ ngữ mới của tiếng Việt xuất hiện và phát triển ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt ở các sáng tác văn học, nhiều từ ngữ mới cũng ra đời phản ánh cách nhìn đời sống, cách tư duy và cảm xúc của nhà văn. Với ý nghĩa ấy, từ ngữ trong một số tác phẩm văn chương hiện nay chứa đựng những sáng tạo mang tính “thể nghiệm” của nhà văn. Nó góp phần làm cho bức tranh ngôn ngữ văn học nói riêng và của tiếng Việt nói chung trở nên đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc.
Từ ngữ mới là những khái niệm có cách hiểu và những phạm vi phản ánh khác nhau, bởi cảm quan có tính xã hội về ngôn ngữ của mỗi người không giống nhau. Nói một cách đơn giản, có thể có những từ ngữ mới đối với người này nhưng lại không mới đối với người khác. Ở đây chúng tôi quan niệm từ ngữ mới là những từ ngữ hoàn toàn mới hoặc đã từng có mặt trong vốn từ vựng nhưng chưa được đưa vào một cuốn từ điển nào. Đây là quan niệm có tính chất mềm dẻo giúp người sử dụng ngôn ngữ dễ dàng thu thập và giải thích những từ ngữ mới trong tiếng Việt.
Các tác phẩm văn học hiện nay, ngoài những biến đổi về tư duy sáng tác còn chứa đựng những thể nghiệm ngôn từ của người viết. Nhiều từ ngữ mới trong một số tác phẩm văn chương được sáng tạo để phản ánh hiện thực cuộc sống, những biến đổi trong cách con người nhìn vào chính mình, đồng thời cũng thể hiện rất rõ quá trình phát triển nội tại của hệ thống ngôn ngữ, là tiền đề quan trọng cho sự đa dạng và phong phú trong bức tranh cấu tạo từ tiếng Việt.
Xem xét sự phát triển từ vựng bằng con đường cấu tạo từ qua một số tác phẩm văn chương hiện nay, chúng tôi nhận thấy có một số xu hướng tạo từ sau:
Thay đổi trật tự các tiếng của từ có sẵn
Các nhà văn hiện nay thường dùng sự thay đổi trật tự các tiếng để tạo từ mang ý nghĩa biểu thái khác biệt (thường là ý nghĩa biểu thái có tính chất mạnh hơn so với từ đã có). Đó là:
– Thay đổi trật tự các tiếng trong từ láy có sẵn: bềnh bồng, bổng bay, mai mỉa, vẳng văng, rời rã, vời vẽ, xuyến xao, khạo khờ, xác xao, ngác ngơ, lảng bảng, rực rào…
– Thay đổi trật tự các tiếng trong từ ghép hợp nghĩa có sẵn: cũ xưa, hãi sợ, nát nghiền, hỏi đòi, nộ cuồng, buộc trói, soạn sửa, đẩy đưa, đạp quẫy, buốt nhức, nhợt tái, huống cảnh, giống dòng, cơ nguy…
Từ ngữ mới được tạo ra theo xu hướng này làm “lạ hóa” ngôn ngữ văn chương, giúp cho nhà văn thể hiện một cách triệt để thái độ, tình cảm của mình trước xã hội và nhân thế.
Xây dựng từ ghép hợp nghĩa dạng thức bao gộp
Đây là loại từ ghép hai thành tố thường đi đôi với nhau thành từng cặp phản ánh những sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất. Nó trở thành một thói quen, tập quán của người Việt đến mức khi nhắc đến sự vật, hiện tượng này mà không nhắc đến sự vật, hiện tượng kia sẽ cảm thấy như thiếu sót, hẫng hụt. Xem xét một số tác phẩm văn học hiện nay, có thể nhận thấy từ ngữ mới thuộc xu hướng này phát triển rất mạnh và có tính đồng loạt. Thí dụ: xích thép, vóc dạng, giống dòng… (danh từ); phình nở, xổng thoát, oằn đạp, vờn rượt, sà sát, chèn lấp, tràn lấp, buộc trói, soạn sửa, rời đứt, kéo hất, tốc xoáy, trao trút, bấu riết, khơi nhóm, tuôn túa, bấu xé, vằng đập, giằng giật, dằn ép, ríu vấp, đụng cựa, trườn toài, trườn lượn, nghiền xé, rung giật, rú xé, rủa xả, chùi xóa, xổ xõa, bừng rực, cuồng náo, tróc lở, quành rẽ, lở vữa… (động từ); cóng buốt, thừa ứ, mịn mượt… (tính từ). Các từ ghép hợp nghĩa bao gộp thuộc từ loại động từ phản ánh hai hoạt động đi đôi với nhau (hoạt động xảy ra đồng thời hoặc kế tiếp nhau) chiếm số lượng lớn góp phần thể hiện rõ những sáng tạo ngôn từ của người viết.
Xây dựng từ ghép hợp nghĩa dạng thức rút gọn bao gộp
Từ ghép hợp nghĩa được hình thành theo xu hướng này được hiểu là từ hai thành tố biểu thị hai sự vật, hiện tượng gần nhau hoặc đi đôi với nhau, trước khi ghép lại đã rút đi một thành tố trong từng đơn vị. Chọn lựa thành tố nào trong hai từ ghép bậc một để tham gia tạo từ ghép bậc hai tùy thuộc vào nhiều lí do khác nhau. Ví dụ:
– Săm sục = săm soi + sục sạo
– Duyên do = duyên cớ + nguyên do
– Nền nhã = nền nã + nhã nhặn
– Tẻ lạnh = buồn tẻ + lạnh lẽo
– Ngây khờ = ngây thơ + khờ dại
Đây là xu hướng được sử dụng phổ biến để tạo từ mới. Bởi từ mới được tạo ra vừa đơn giản về cấu tạo vừa có khả năng biểu thị một phạm vi rộng lớn của hiện thực khách quan.
Xây dựng từ ghép phân nghĩa sắc thái hóa
Ghép phân nghĩa sắc thái hóa là loại từ được các nhà văn ưa dùng bởi vì từ ghép này diễn tả rõ rệt những sắc thái đạt mức đỉnh điểm của một tính chất nào đó. Thí dụ:
– Nóng hực “Chưa kịp định thần, bỗng dưng mái tóc, thân thể tôi nóng hực và tiếng cô Út hét lên: Bát hương cháy rồi” (Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu)
– Lãng nhoẹt “Thụ ấm ớ giữa cơn mê lãng nhoẹt nào, trừng trừng mở mắt, bọt mép nhòe môi” (Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu)
– Chua nặc “Mùi mồ hôi trộn mùi bụi đường chua nặc, chua đến nỗi chính tôi cũng ngửi thấy” (Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai)
– Đỏ rịm “Nó đọc mà tay run, mặt mày đỏ rịm, mồ hôi mồ kê” (Sách cấm, Bảo Ninh)
Ngoài ra còn có các từ như ẩm rít, ẩm dượt, quỳ mọp, đục lờ, cười nhệch, lặn tút, trắng đuỗng, mỏng quẹt, nhợt tái, tươi mởn, láng nhẫy…
Xây dựng từ láy
Mặc dù không chiếm vị trí ưu thế như phương thức ghép nhưng phương thức láy trong những năm trở lại đây vẫn tiếp tục được sử dụng để tạo từ mới.
– Từ láy mới được hình thành bằng cách láy lại phụ âm đầu của tiếng gốc hoặc láy vần: rịn rạn, vung vắp, đu đượi, nhều nhào, nhào nhõe, xoa xuê, lúc loác, khắn khít, duỗi dệt, xệch xạo, nhớn nhao, gục gặc, cục kịch, mốc mác, vâm vam, lử lả, rạc rài, võ vàng, rì rịt, quang quét, mùi mè, ngốt ngát, lạch xạch, lỏng thỏng…
– Từ láy mới hoàn toàn: trèo trẹo, phành phành, vẳng văng, rình rịch, rền rền, chòn chon, nhôn nhốt, nhừa nhựa…
– Từ láy mới được hình thành bằng cách thay đổi một phần hình thức ngữ âm của từ láy đã có: nhều nhào (thều thào), bực bõ (bực bội), rà rẫm (rờ rẫm), ỏe ợt (ẽo ợt), nhó nhoáy (nhí nhoáy), lí rí (lí nhí)…
Những cách tạo từ láy trên đây là những kiểu không mới trong tiếng Việt. Tuy nhiên ý nghĩa của nó thể hiện rõ đặc điểm đột biến hoặc sắc thái hóa ý nghĩa của hình vị cơ sở như: xệch xạo, đu đượi, nhều nhào, rào rỡ, rà rẫm, nhó nhoáy, chòn chõn, tã tượi, lập chập…
Quan sát cách sử dụng các đơn vị từ vựng về mặt cấu tạo trong một số tác phẩm văn học hiện nay có thể nhận thấy hai phương thức tạo từ cơ bản là ghép và láy đã bổ sung cho hệ thống từ vựng tiếng Việt ngày càng nhiều các đơn vị đa tiết. Hệ thống này liên tục được mở rộng giúp cho người sử dụng tiếng Việt có được những phương tiện biểu đạt phong phú và đa dạng.
Nguồn Văn nghệ số 42/2020