Huyền thoại phố Nhà Thờ! Nho Quế – Dòng sông huyền thoại
Tìm về núi Đôi, người ta sẽ nhìn thấy hai quả đồi xanh mướt mắt của rừng thông, gió vi vu thổi qua, rì rào kể lại truyện xưa, những câu chuyện bắt nguồn từ thời Vua Hùng mở nước, kể về niềm vui của tướng sĩ đang hành quân đánh trận mà tạm nghỉ chân ở vùng non xanh, nước biếc, phong cảnh hữu tình, về tình yêu tha thiết của đôi trai gái những ngày kháng chiến chống Pháp, về những thú vui dân dã trong những ngày lễ hội.
Tọa lạc bên núi Đôi là làng Xuân Dục Đông, xa xưa có tên gọi Xuân Đán Trang, nay thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Xuân Dục là điểm tụ cư của người Việt cổ, là điểm nối giữa vùng đất tổ Phong Châu với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đình Xuân Dục thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tương truyền rằng, vào thời Hùng Vương, có một cánh quân của Thánh Gióng do tướng Hữu Lâm chỉ huy, một buổi chiều giáp Tết hành quân qua Xuân Đán Trang. Vị chủ tướng thấy nơi đây có rừng già, phong cảnh đẹp bèn cho quân dừng chân nghỉ lại. Để quân dân cùng vui, dân làng đem cơm nắm, cà muối ra thết nghĩa quân (nay ở Xuân Dục còn có địa danh Rừng Cơm). Các phụ lão ở đây còn kể, lúc các chiến sĩ đi chơi xuân, thấy trẻ mục đồng túm năm tụm ba, bèn nghĩ ra trò chơi húc cầu. Đến nay mỗi năm Tết đến xuân về, dân làng Xuân Dục Đông vẫn rộn ràng mùa lễ hội tranh cầu, cướp hoa trúc cầu may trong hội húc cầu. Người đi xa, người về gần đều nô nức, vui mừng trong không khí lễ hội tưng bừng.
Hết lễ hội, qua ngày mùa, đến nông nhàn, người người có thời gian dạo núi Đôi, có chăng trong gió vang lời thơ:
“Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi”.
Những câu thơ dung dị khắc họa tình yêu đầy lãng mạn và cũng đầy bi tráng của đôi trai trẻ trong thời gian đất nước lâm cơn nguy biến. Bài thơ “Núi Đôi” là một câu chuyện được viết bằng thơ, bằng tâm sự của một người thi sĩ-chiến sĩ, là một khúc ca về người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng đau thương nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc. Thể thơ thất ngôn giàu nhịp điệu được nhà thơ Vũ Cao sử dụng rất đắt, bởi nó có nhịp chẵn lẻ, đầy du dương nhưng cũng đầy khắc khoải. Cùng với “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Núi Đôi” của Vũ Cao xứng đáng là những bài thơ sử thi hay nhất của thời kháng Pháp.
Ngày hôm nay, cũng ít người còn nhớ biết rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp, núi Đôi là căn cứ quân sự của người Pháp. Và đến ngày hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, người ta vẫn còn thấy những lô cốt, những tháp canh, những căn hầm kiên cố, dù chúng chẳng còn đem đến cho con người bất cứ sự đe dọa nào nữa.
Năm tháng đi qua, vết tích còn ở lại. Núi Đôi vẫn xanh rì ở đó, chờ người đến thăm để kể câu chuyện xưa, chuyện nay. Không những thế, núi Đôi còn hội tụ đủ yếu tố để trở thành một điểm du lịch văn hóa-lịch sử. Về địa lý, núi Đôi thật lý tưởng để tổ chức các tour du lịch trong ngày, bởi chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội trên 30 km. Về thiên nhiên, phong cảnh núi Đôi thật hữu tình, với núi non, với rặng thông, với thảm cỏ xanh rờn. Về di chuyển, rõ ràng đường đến núi Đôi ngày hôm nay rất thuận tiện và có những chặng khá đẹp với phong cảnh còn hoang sơ. Và hơn tất cả, núi Đôi là một huyền thoại.
Trên thế giới, người ta trân trọng các huyền thoại trong văn học nghệ thuật, bởi đó vừa là giá trị tinh thần, vừa là nguồn thu cho du lịch. Ai đến Trung Hoa mà chẳng muốn đến thăm vườn đào nơi ba anh em Lưu – Quan – Trương kết nghĩa để sống lại không khí của tình huynh đệ ngày trước, chẳng muốn đến thăm nơi Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài hóa bướm để xót thương cho đôi tình nhân yêu nhau mà chẳng đến được với nhau. Ai sang Paris mà chẳng muốn đến thăm cống ngầm vĩ đại của thành phố này, nơi người tù khổ sai vĩ đại Giăng Van Giăng cả đời chạy trốn gã mật thám Gia-ve, bên cạnh những địa danh nổi tiếng khác. Ai sang Nga mà chẳng muốn một lần được ngắm mùa thu vàng như trong bức họa nổi tiếng của danh họa Levitan. Nói như vậy để thấy rằng, một tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc là một giá trị lớn, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Người ta cứ than phiền về chuyện học sinh ngày nay không chịu học lịch sử, không yêu văn học. Thực ra đổ lỗi cho nhà trường cũng đúng, và dễ. Nhưng học sinh, và cả những người không phải học sinh, vẫn có cách khác để yêu lịch sử, yêu văn học. Đó là qua những huyền thoại như vậy. Lại thấy tiếc, bởi trên mảnh đất Việt Nam này, có biết bao huyền thoại đã dần bị chìm vào lãng quên?
Nhưng có lẽ, nếu để huyền thoại núi Đôi chìm dần vào quên lãng, thì sẽ là có lỗi với người xưa, những người đã đổ xương máu xuống cho dân tộc này được trường tồn. Và cũng là có tội với người sau, bởi thế hệ kế tiếp phải được hiểu về cha ông, về những gì cha ông đã đánh đổi, về những thành công và cả những sai lầm của tổ tiên, để sau này, thế hệ sau có hành trang là truyền thống văn hóa và lịch sử.
Trong suốt chiều dài của lịch sử loài người, thực tế đã chứng minh rằng dân tộc nào giữ được nền văn hóa thì giữ được tất cả. Gìn giữ văn hóa, là gìn giữ những huyền thoại như núi Đôi, huyền thoại về tình yêu mãnh liệt thời chiến, tình yêu đủ hóa giải những cam go nhất của đời người. Ngày hôm nay, khi giới trẻ rủ nhau đi núi Đôi chơi, gần như họ mặc định đó là núi Đôi ở Quản Bạ, Hà Giang. Nói chung, với điều kiện địa lý nhiều núi đồi như nước ta, những cặp núi sóng đôi không phải là ít. Hà Giang có núi Đôi, thì tỉnh miền núi nào cũng có. Nhưng xin hãy làm gì đó, để núi Đôi chỉ là huyền thoại của đôi trai gái yêu nhau trong thời chiến, bởi đó mới tạo nên hình ảnh núi Đôi bất tử bước ra từ văn học nghệ thuật.