Câu hỏi này khá đánh đố. Vì Nga có 77% diện tích đất nước nằm ở châu Á nhưng đa phần dân cư lại sống ở phần lãnh thổ thuộc châu Âu. Tự người Nga cũng tranh cãi với nhau là mình thuộc nhóm người nào, châu Âu hay châu Á. Một số người thì cho rằng họ có một bản sắc rất đặc biệt, chẳng châu Âu mà cũng chẳng châu Á, mà là sự pha trộn giữa cả hai.
Ngay quốc huy của nước Nga cũng phản ánh bản chất kép của Nga: một đầu đại bàng ngoảnh về phía châu Âu, một đầu nhìn về châu Á. Ảnh: 123RF.
Nga chắc chắn không thiếu đài tưởng niệm đánh dấu ranh giới giữa châu Âu và châu Á. Có khoảng 50 công trình như vậy và một số có thể gây hiểu sai về vấn đề. Ví dụ, khối bút tháp “châu Âu-châu Á” nổi tiếng ở Orenburg (cách Moscow 1.400km về phía đông) được xây dựng trên ý tưởng cho rằng dòng sông Ural chia nước Nga làm hai phần – châu Âu và châu Á. Nhưng bây giờ ý tưởng này đã bị coi là sai.
Theo truyền thông, hầu hết các nhà khoa học cho rằng nửa phía đông của dãy núi Ural tạo ra ranh giới tương đối giữa châu Âu và châu Á ở Nga. Theo đó, lãnh thổ Âu-Á của Nga được chia theo tỷ lệ 23%-77%.
Vấn đề khó hơn là liệu nước Nga nói chung tự coi mình là Âu hay Á?
Khía cạnh châu Âu chiếm ưu thế?
Mặc dầu đất nước lớn nhất thế giới có phần lớn diện tích nằm về phía đông dãy Ural (tức là nằm ở nửa châu Á), đa số dân cư nước này lại tập trung ở phần châu Âu. Khoảng 75% dân số Nga sống ở phần châu Âu của đất nước này. Còn đa phần lãnh thổ rộng lớn ở Siberia và Viễn Đông thì nhìn chung dân cư rất thưa thớt do khí hậu khắc nghiệt.
Vladimir Kolosov, Chủ tịch Liên minh Địa lý Quốc tế, nói với Russia Beyond rằng “dân số Nga ở phần châu Á có mật độ chỉ là 2 người trên mỗi kilômét vuông”. Hai thành phố lớn nhất của Nga là Moscow và Saint Petersburg cũng nằm ở châu Âu. Giới chức liên bang cũng cho rằng phần châu Âu là quan trọng hơn.
Nhưng mặt khác, chính phần đất châu Á là nơi tập trung hầu hết tài nguyên thiên nhiên của Nga. Do vậy, sẽ không khôn ngoan nếu đánh giá thấp tầm quan trọng của nửa phía đông của nước Nga.
Tranh cãi văn hóa
Câu hỏi chính liên quan đến bản sắc của Nga trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài là “Liệu Nga là nước châu Âu hay không?”.
Câu hỏi trên đã tạo ra tranh cãi gay gắt vào thế kỷ 19 với hai nhóm có ảnh hưởng nhất trong giới trí thức Nga là người thân Slav và người thân phương Tây.
Hồi đó, người thân Slav tin rằng Nga lẽ ra nên dựa vào di sản độc đáo của mình (truyền thống, Chính thống giáo, và cuộc sống thôn dã) trong khi phe thân phương Tây ủng hộ ý tưởng hiện đại hóa kiểu châu Âu và chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên cuộc tranh cãi này đã bị gián đoạn bởi cuộc Cách mạng Nga 1917, khi lực lượng Bolshevik cấp tiến lên nắm chính quyền. Ngày nay cuộc tranh cãi giữa 2 phe này vẫn tiếp diễn. Lập luận chính của họ là gì?
“Vâng, chúng tôi là người châu Á”
Những người phản đối ý tưởng Nga thuộc về thế giới phương Tây thường nhấn mạnh rằng người Nga trong suốt lịch sử đã sống ở “giao lộ” giữa các nền văn minh và do đó đã đón nhận các giá trị văn hóa đến từ cả châu Âu và châu Á.
Lev Gumilev, một sử gia Nga và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng của phái Á-Âu (phái chủ trương cho rằng Nga là một nước Á-Âu, Đông-Tây), nói: “Nga là một nước riêng biệt, kết hợp cả yếu tố của phương Tây và phương Đông”.
Hơn nữa, lịch sử nhiều rắc rối của nước Nga trong mối quan hệ với các nước châu Âu và phương Tây nói chung đã chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho nhiều người ái quốc Nga nghĩ rằng “Chúng tôi không phải là châu Âu vì châu Âu sẽ không bao giờ đón nhận chúng tôi”.
Alexander Blok, một nhà thơ Nga nổi tiếng đầu thế kỷ 20 đã viết vào năm 1918 một bài thơ đầy tức giận nhằm vào những người châu Âu phủ nhận Nga là châu Âu. Bài thơ mang tên “người Scythia” có đoạn: “Ừ – chúng tôi là người Scythia, ừ – chúng tôi là dân châu Á, với đôi mắt xếch và tham lam!”.
Một phần tích hợp của phương Tây
Mặt khác, một bài thơ tương tự của Blok thì lại kêu gọi đoàn kết giữa người Nga và các láng giềng châu Âu “Hỡi các đồng chí, chúng ta sẽ là anh em!”.
Đây là một thí dụ về tư tưởng cho rằng mối liên hệ văn hóa giữa Nga và châu Âu vượt lên trên các khác biệt và các hiểu lầm chính trị.
Quan điểm này có nhiều người ủng hộ, kể từ khi Pi-e Đại đế (cai trị Nga từ năm 1682-1725) mang các giá trị, thói quen và thậm chí cả quần áo của châu Âu vào Nga vào đầu thế kỷ 18.
Chẳng hạn, Alexander Baunov – một nhà báo Nga và tổng biên tập của trang Carnegie.ru, viết trong một bài báo hồi năm 2014 rằng cả người phương Đông và phương Tây coi Nga gần gũi hơn với phương Tây, ít nhất là về văn hóa.
Baunov viết: “Các khác biệt của chúng tôi với bất cứ nước phương Tây nào đều rất đáng kể nhưng các khác biệt đó không nhiều hơn các khác biệt giữa Phần Lan và Bồ Đào Nha, Hungary và Ireland, Síp và Ba Lan”./.