Phân tích 14 câu thơ cuối đoạn trích Chí khí anh hùng gồm dàn ý và 8 mẫu dưới đây không chỉ giúp các em lớp 10 có thêm những ý tưởng hay cho bài viết của mình mà còn nâng cao hiểu biết về hoàn cảnh ra đời, nội dung tác phẩm. Qua đó thấy được hình tượng người anh hùng cùng ý chí, quyết tâm đầy mạnh mẽ của nhân vật Từ Hải.
Phân tích Chí khí anh hùng 14 câu cuối chúng ta thấy Nguyễn Du đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất Từ Hải, đó không chỉ là một con người giàu tình cảm mà còn là một người anh hùng có khát vọng lớn cùng ý chí, quyết tâm đầy mạnh mẽ, quyết liệt. Từ Hải quả là người anh hùng tuyệt đẹp trong “Truyện Kiều”, chàng xứng đáng được bạn đọc trân trọng, ngưỡng mộ.
Dàn ý 14 câu cuối Chí khí anh hùng
I. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều: Nguyễn Du là cây đại thụ của nền văn học trung đại Việt Nam. Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học
– Giới thiệu 14 câu đầu Chí khí anh hùng: Vị trí và nội dung
II. Thân bài
1. Cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải (12 câu)
a. Lời của Kiều
– Xưng hô: “chàng- thiếp” → dịu dàng, ân cần.
– “Phận gái chữ tòng”: Ý thức bổn phận
– “Một lòng xin đi”: quyết tâm theo Từ Hải
→ Thúy Kiều kính trọng và hết mực yêu thương chồng. Xứng danh là tri kỷ của Từ Hải.
b. Lời của Từ Hải
* Lời đáp
– “Tâm phúc tương tri”: Coi Kiều là tri kỉ, hiểu mình hơn ai hết.
– “Nữ nhi thường tình”: Người phụ nữ ủy mị, yếu đuối
→ Khuyên Kiều vượt lên tình cảm thông thường để xứng đáng làm vợ một anh hùng.
* Lời hứa
– Mười vạn tinh binh”, “Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”: tương lai thành công.
– “Rõ mặt phi thường”: chứng tỏ được tài năng xuất chúng
→ Từ Hải nói lên niềm tin tưởng sắt đá vào tương lai, sự nghiệp
– “Rước nàng nghi gia”: cho Kiều danh phận, cuộc sống viên mãn
→ Từ Hải là người anh hùng có chí khí, thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.
* Lời khuyên
– “Bốn bể không nhà”: thực tế khó khăn, gian nan.
– “Theo càng thêm bận”: việc lớn sẽ bị ảnh hưởng, không quan tâm, lo cho Kiều được
– “Đành lòng chờ đó ít lâu”: an ủi, mong Kiều bằng lòng chờ đợi.
– “Một năm sau”: thời gian cụ thể. Hứa hẹn sẽ thành công
→ Từ Hải là người chồng tâm lí-người anh hùng nhưng rất vẫn đời thường, gần gũi, chân thực.
⇒ Từ Hải là người anh hùng có khát vọng lớn lao, tin tưởng vào tương lai lại là người tâm lí, rất đời thường.
2. Quyết tâm ra đi của Từ Hải (2 câu thơ cuối)
– Hành động: Quyết lời, dứt áo ra đi
→ Thái độ, hành động dứt khoát, không hề do dự, bịn rịn.
– Hình ảnh ẩn dụ: “chim bằng”: Là loài chim quý tượng trưng co người anh hùng.
→ Khẳng định Từ Hải chính là bậc anh hùng cái thế, có tầm vóc phi thường, sánh ngang với đất trời, vũ trụ
⇒ Từ Hải là người anh hùng có tài năng, bản lĩnh, chí khí, ước mơ công lí.
4. Nghệ thuật.
– Sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng
– Lời đối thoại bộc lộ tính cách.
– Nghệ thuật xây dựng hình tượng người anh hùng qua dáng vè, hành động.
III. Kết bài
– Khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
– Ý nghĩa 14 câu cuối đoạn trích: Thể hiện ước mơ về người anh hùng lý tưởng và ca ngợi tấm chân tình của Từ Hải và Thúy Kiều.
Phân tích 14 câu cuối Chí khí anh hùng – Mẫu 1
Truyện Kiều được xem là một đỉnh cao chói lọi của truyện thơ Nôm, là quốc hồn, quốc túy của dân tộc, một kiệt tác của văn học Việt Nam. Đọc tác phẩm ta không thể không xót xa, thương cảm trước một nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, căm phẫn trước những Hoạn Thư ích kỉ, hẹp hòi với lòng ghen tuông ngút trời, Tú Bà độc ác, Mã Giám Sinh giả nhân giả nghĩa; đồng cảm trước một Thúc Sinh dù có chút nhu nhược nhưng là kẻ si tình, trọng tình trọng nghĩa. Và đặc biệt, ta không thể quên được hình ảnh một Từ Hải đầu đội trời, chân đạp đất, một người hùng lí tưởng với những phẩm chất và chiến công phi thường. Mười bốn câu cuối đoạn trích Chí Khí anh hùng đã thể hiện rõ nhất cốt cách của người anh hùng này.
Trai anh hùng – gái thuyền quyên, tình yêu của Từ Hải và Thúy Kiều vượt bao sóng gió để đến được với nhau. “Chàng”và “thiếp” tuy hai mà một, hiểu rõ nhau, thông cảm, sẻ chia cùng nhau. Tình cảm đang mặn nồng, thì kẻ “trượng phu” lại nuôi chí lớn, ý nguyện lập công danh nơi biên ải xa xôi. Chàng đã tạm gác lại nỗi niềm riêng bên gia đình nhỏ để ra đi xây dựng sự nghiệp. Điều đó cho thấy Từ Hải không phải là con người của những đam mê thông thường mà còn người của chiến công và sự nghiệp hiển hách. Hình ảnh Từ Hải lên đường một mình một ngựa thể hiện khí phách của một người anh hùng dũng cảm, ra đi dứt khoát , không để niềm riêng vướng bận. Một người có chí khí mạnh mẽ, chí tang bồng phải làm nên nghiệp lớn, khát khao được vùng vẫy bốn bể năm châu. Đó là lí tưởng, là mục đích cao đẹp của một vị anh hùng nuôi chí lớn.
“Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể.”
Sự nghiệp vinh quang đang đợi chàng phía trước. Từ ra đi không chút do dự, một lòng hướng về chí lớn tạo lập công danh. Động từ “thoắt” thể hiện sự nhanh chóng, quyết định một cách dứt khoát , chí tung hoành khắp bốn phương, người anh hùng chẳng thể để bản thân nghỉ ngơi khi chưa có công danh trong tay, cũng không thể giam mình trong không gian chật hẹp khi chí lớn chưa thành. Quyết định ra đi chắc hẳn sẽ không dễ dàng với Từ Hải bởi bên cạnh chàng còn có người mình thương, nhưng đó là quyết định sáng suốt và vững vàng. Bởi trong con người Từ Hải luôn nung nấu chí nguyện anh hùng.
“Kiều rằng: phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”
Trải qua bao bể dâu, đau đớn, vừa hạnh phúc chưa được dài lâu, Từ Hải lựa chọn ra đi chắc hẳn Kiều cũng rất buồn. Nhưng với tấm lòng nhân từ, lại là người tri âm tri kỉ với Từ, Kiều hiểu hơn ai hết chí hướng của Từ Hải. Và nàng sẽ không cản bước Từ, trái lại, nàng là người ủng hộ, mong muốn được đi cùng chồng sẻ chia khó khăn gian nan nơi chiến trận. Đó là vẻ đẹp trong nhân cách Kiều.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Một lần nữa, Từ khẳng định tình cảm khăng khít, gắn bó giữa Kiều và chàng nhưng đồng thời cũng có lời trách cứ nhẹ nhàng: Lòng dạ nhau đã hiểu, sao nàng chưa thoát khỏi những mong muốn tầm thường của bậc nữ nhi. Là người phụ nữ của bậc trượng phu phải thật cứng cỏi và mạnh mẽ. Thông qua lời của Từ, tình yêu thương và sự trân trọng Kiều được bộc lộ rõ nét.
Trong bất kì cuộc chia li nào, người phụ nữ cũng là người chờ đợi và u sầu hơn cả. Từ Hải hiểu hơn ai hết điều đó. Song phút chia tay lúc này không quá bị lụy mà hướng tới những chiến công hiển hách, tạo niềm tin nơi Thúy Kiều:
“Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.Bằng nay bốn bể không nhà,Theo càng thêm bận biết là đi đâu?”
Trong suy nghĩ của bậc đại trượng phu lúc này là hoài bão và những chiến công hiển hách. Dù đi trong tư thế một mình, một ngựa nhưng khi lập công trở về với mười vạn tinh binh, với tiếng chiêng và bóng cờ rợp đất trời trong hào khí chiến thắng. Chàng tin những gì mình nói, tin những gì mình làm và hơn hết đem lại vinh quang cho đất nước, cho nhân dân và cho người phụ nữ của mình. Lúc ấy sẽ cùng Kiều vui vầy hưởng hạnh phúc lứa đôi. Chàng không thể để cho người mình yêu phải chịu khốn khổ nơi xa trường và khẳng định “một năm” sau sẽ trở về. Một mốc thời gian cụ thể, cho thấy được quyết tâm và sự tự tin, bản lĩnh của Từ Hải.
Đành lòng chờ đó ít lâu,Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Đây không phải là một lời hứa đơn thuần mà là một thề hẹn, một lời đinh ninh. Dù trong lòng có bão bùng, tâm can có gào thét thì nàng hãy dặn lòng mình xuống để ta đi, rồi ngày sau trở về trong vinh quang hiển hách. Nàng hãy yên lòng chờ đợi. Chí anh hùng trong con người Từ Hải không chỉ là hoài bão, khát khao mà còn là con người có đạo đức, trách nhiệm, là con người có một tấm lòng trượng nghĩa, khao khát lập công danh.
Quyết lời dứt áo ra đi,Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Hành động nhanh chóng, kiên quyết “quyết lời”, “dứt áo ra đi”.
Từ Hải đã không để tình cảm quyến luyến, bịn rịn làm lung lay và ngăn bước ý chí, sự nhất quán trong suy nghĩ và hành động. Nguyễn Du thật tinh tế khi sử dụng hình ảnh cánh chim bằng và hình ảnh “gió, mây” thường gặp trong văn chương cổ điển tượng trưng cho người anh hùng có lí tưởng, có mục đích cao đẹp, có bản lĩnh phi thường sánh ngang với tầm vóc vũ trụ, thỏa sức vùng vẫy giữa biển trời để thực hiện lí tưởng của bậc đại trượng phu.
Qua 14 câu thơ cuối đoạn trích Chí Khí anh hùng ta thấy được Nguyễn Du đã thể hiện ước mong về người anh hùng lí tưởng trong thời đại với khát vọng lớn lao và tấm lòng cao cả. Đồng thời, cho thế hệ trẻ những người như chúng em bài học về mục đích và lí tưởng sống. Hãy can đảm tiến về phía trước, đặt ra những mục tiêu cho bản thân, kiên trì với mục tiêu. Hãy là những thanh niên của thế hệ mới đầy nhiệt huyết, sống với ước mơ và lí tưởng dù phía trước có gian nan, thách thức hãy giữ vững niềm tin vào chính bản thân mình. Thành công sẽ đến với những người tận lực và tận tâm.
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 2
Sập bẫy của Tú Bà, Thúy Kiều phải vào lầu xanh với tâm trạng:
“Vui là vui gượng kẻo là,Ai tri âm đó mặn mà với ai?”
Tại đây, Kiều gặp Thúc Sinh, người được xem là “tri âm” đối với Kiều. Nhưng vì nhu nhược, Thúc Sinh không giữ được Kiều khiến nàng lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, và phải làm gái lầu xanh lần nữa.
Cuộc đời Kiều tưởng như bế tắc hoàn toàn thì Từ Hải bỗng xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Hai người sống hạnh phúc “Trai anh hùng gái thuyền quyên – Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc, chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã từ biệt Kiều ra đi. Đoạn trích (từ câu 2213 đến câu 22300 bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại cho thấy chí khí của Từ Hải.
Trong “Truyện Kiều”, nếu nhân vật Thúy Kiều được Nguyễn Du xây dựng như một biểu tượng cho cái đẹp tinh túy, lý tưởng của hiện thực cuộc sống thì nhân vật Từ Hải, qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”,lại được Nguyễn Du xây dựng như một hình tượng đầy tính chất lãng mạn, chất anh hùng ca.
Những hình ảnh ước lệ, thậm xưng, đặc tả, kết hợp với các từ Hán Việt trang trọng, cùng với cách ngắt nhịp cân xứng, mạnh mẽ trong các dòng thơ chứa tầm vóc, tài năng, chí hướng nêu trên như đã khẳng định và in xâu tính cách một nhân vật phi thường với tâm hồn chứa chan lãng mạn ước mơ, tung hoành ngang dọc, muốn đổi thay thời thế nhân sinh… Trong ý nghĩa đó, phải chăng hình ảnh Từ Hải đã thành ước mơ khát vọng trong tâm hồn Nguyễn Du: Ông muốn cứu vớt đời Kiều, một tâm hồn, một vẻ đẹp, một tài năng tiêu biểu cho một tinh hoa của hiện thực cuộc đời?
Sau lời của nhà thơ viết về tâm trạng và quyết định của “trượng phu” là lời đối thoại của đôi vợ chồng. Kiều thì muốn hành động theo luân lý đạo Nho truyền thống nên đã tâm sự với Từ Hải:
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Kiều một lòng xin được theo Từ trên từng bước chàng đi cho tròn luân lí mà Nho giáo đã định ra: Là phận nữ nhi thì “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Ca dao ta cũng có câu
Đi đâu cho thiếp theo cùngĐói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Đây là về lí luận. Thật ra có lẽ Kiều xin theo Từ Hải là vì tình, là vì sau bao năm bị vùi dập bởi sóng gió lầu xanh Kiều đã tìm được người bạn tri âm.
Nhưng với Từ Hải thì khác. Chàng đã đáp lại:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”
Từ Hải đã có ý trách Kiều, nhưng đó là lời trách đầy yêu thương: : Đã là người hiểu biết nhau sâu sắc đến vậy sao cứ giữ mãi nếp suy nghĩ nông cạn của người phụ nữ bình thường!
Sau lời trách nhẹ nhàng đầy tình thương yêu ấy, Từ Hải mới giải thích rõ ràng. Từ phải chiêu mộ binh sĩ giỏi, làm những việc xuất chúng. Người đọc có thể suy ra là Từ chiêu mộ tướng giỏi binh hùng để lập nước, trị quốc. Với ông việc như thế thì:
Bằng nay bốn bể không nhà,Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đấy là một hiện thực trong đời của con nhà lính. Từ đã trình bày cho Kiều hiểu rõ ngọn nguồn. Đó là về lí, mà cái lí ấy Từ nêu ra cũng vì tình. Từ đã khuyên Kiều:
Đành lòng chờ đó ít lâu,Chầy chăng là một năm sau vội gì!
Cùng với lời hứa:
Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Với lí lẽ và lời hứa rõ ràng ấy chắc Kiều chẳng nói thêm được điều gì. Và dù có nói điều gì chăng nữa thì Từ Hải cũng:
Quyết lời dứt áo ra điGió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Mạnh dạn, dứt khoát và nhanh nhạy là vì nghĩa của hai câu thơ mang hình ảnh ước lệ trên. Đã một lần người đọc biết hành động cao đẹp nhanh gọn dứt khoát không tính toán của Từ Hải khi chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Nay cùng với tính cách ấy, Từ Hải hành động không chỉ vì tương lai của chàng mà còn vì cả Thúy Kiều. Trước mắt người đọc, hình ảnh Từ Hải cùng tinh binh phóng ngựa tiến về phía trước để lại đằng sau đám bụi mù thay cho hình ảnh ước lệ chim bằng bay lên cùng gió mây
Một chân dung mà phong thái thật anh hùng, chí hướng bay bổng ước mơ:
“Đội trời, đạp đất ở đời”
Và bây giờ với đoạn trích Chí khí anh hùng, một lần nữa càng chứng tỏ tài miêu tả, khắc họa nhân vật của nhà thơ Nguyễn Du. Cũng với các biện pháp ước lệ, nghệ thuật tượng trưng kết hợp với đối thoại quen thuộc của thể văn cổ nhưng khi Nguyễn Du vận dụng vào việc khắc họa nhân vật Từ Hải. Trong đoạn trích trên thì nghệ thuật ấy lại được phối hợp sáng tạo tuyệt hảo để người đọc đâu thể dễ dàng quên ngay được một nhân vật cái thế anh hùng, một tâm hồn mang bao hoài vọng của nhà thơ
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 3
Nhắc đến đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, ta không thể nào không nhắc đến “Truyện Kiều” – một tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân đạo sâu sắc, đề cao giá trị con người và lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến thối nát.
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” trích trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã dành những lời thơ của mình để nói về Từ Hải – người anh hùng lí tưởng có những phẩm chất cao đẹp, phi thường.
Sau khi bị mắc bẫy và rơi vào chốn lầu xanh lần thứ hai, Kiều luôn sống trong tâm trạng đau khổ, giày vò. Giữa lúc ấy, Từ Hải xuất hiện như một vị cứu tinh giúp Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh đầy nhơ nhớp ấy. Nhưng tình yêu giữa Thúy Kiều và Từ Hải vẫn không thể nào che khuất đi ước mơ gây dựng một sự nghiệp lớn lao ở con người này. Mặc dù trong thời gian sáu tháng, tình yêu của họ luôn nồng nàn, cháy bỏng nhưng với chí lớn và khát khao công doanh nghiệp lớn Từ Hải thoắt đã “động lòng bốn phương”.
Đối với Thúy Kiều, Từ Hải không chỉ như một người chồng mà còn như một vị ân nhân có ơn vô cùng lớn đã cứu Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh ô nhục. Vì vậy, trước quyết tâm ra đi vì nghiệp lớn của chồng mình, Thúy Kiều đã xin đi theo để là người chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chàng:
Nàng rằng: Phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi
Nàng xin đi để được làm trọn chữ “tòng” vì theo nàng thì “xuất giá tòng phu” lấy chồng thì phải theo chồng, nguyện cùng chồng gánh vác mọi chuyện.
Nhưng lời Từ Hải đã quyết, như để làm an lòng Thúy Kiều:
Từ rằng: Tâm phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đườngLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Trước lời xin đi theo của Thúy Kiều, Từ Hải như trách Kiều: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”‘, đó cũng như một lời khuyên Kiều đừng xem nặng quá vấn đề “lấy chồng là phải theo chồng”, hãy xem nhẹ chuyện tình cảm vì sự nghiệp lớn lao của chồng. Với một quyết tâm, chí khí lớn lao, Từ Hải nói như hứa hẹn sẽ gây dựng được một cơ đồ to lớn, nắm chắc trong tay “mười vạn tinh binh” và chàng sẽ trở về để đón Kiều trong “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”. Lúc thành công quay trở lại cũng là lúc Từ Hải sẽ “rước nàng nghi gia”, đem lại địa vị và danh phận cho người mà chàng xem là tri âm tri kỷ. Những lời của Từ Hải vào khoảnh khắc tiễn biệt này càng làm rõ “chí khí anh hùng” của nhân vật này, thay vì những lời nói thể hiện sự bịn rịn, quyến luyến khi chia tay thì là những ước mơ, sự khẳng định nhất định sẽ thành công của chàng.
Từ Hải còn thể hiện chí khí của mình ở việc cho rằng Thúy Kiều đi theo sẽ “càng thêm bận” nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng cho Kiều khi đi theo sẽ phải chịu cực khổ, nay đây mai đó “bốn bể không nhà”:
Bằng ngay bốn bể không nhàTheo càng thêm bận, biết là đi đâu
Chàng còn dám khẳng định chắc chắn thời gian mà mình sẽ quay về đó là khoảng thời gian một năm. Từ Hải khuyên Kiều ở nhà đợi chàng trở về trong sự chiến thắng vẻ vang, hiển hách:
Đành lòng chờ đó ít lâuChầy chăng là một năm sau vội gì.
Cách chia tay của Từ Hải rất khác biệt ở chỗ những lời chia tay được thay bằng những lời hứa vào một chiến thắng không xa, sự quyến luyến được thay bằng một quyết tâm vào tương lai.
Quyết lời dứt áo ra điGió mây bằng đã đến kì dặm khơi
Chàng dứt khoát ra đi với một quyết tâm sắt đá như cánh chim bằng khi đã cất cánh tung bay trên bầu trời thì phải bay thật xa mới nghỉ cũng như Từ Hải khi đã chiến thắng, thành công thì mới quay trở về.
Chỉ qua phân tích 14 câu thơ cuối đoạn trích Chí khí anh hùng, Nguyễn Du đã xây dựng được một hình tượng người anh hùng lí tưởng hoàn toàn mới. Có thể nói Nguyễn Du đã thực sự thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật này chính bằng tài năng nghệ thuật thể hiện ở sự sáng tạo độc đáo và sự đam mê văn chương của mình.
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 4
Nguyễn Du là một nhà thơ lớn trong nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm rất nổi tiếng, trong đó phải kể đến tác phẩm nổi bật nhất là “Truyện Kiều”. Tác phẩm là lời phê phán xã hội phong kiến đương thời của Nguyễn Du đồng thời cũng là nơi gửi gắm mơ ước về một xã hội công bằng với người anh hùng xứng đáng là bậc trượng phu. Khát vọng ấy của Nguyễn Du được thể hiện qua nhân vật Từ Hải, đặc biệt là qua trích đoạn “Chí khí anh hùng”.
Sau những biến cố thăng trầm đầu tiên của cuộc đời, Kiều những tưởng được giải thoát khi nàng bắt gặp Thúc Sinh. Thế nhưng với tính cách nhu nhược yếu đuối, Thúc Sinh đã không thể mang cho nàng một cuộc sống bình yên. Chính lúc này, nàng lại một lần nữa rơi vào tay của những kẻ buôn người Bạc Bà, Bạc Hạnh và trở lại kiếp kỹ nữ lầu xanh. Và cuộc đời Kiều đã kịp rẽ hướng khi nàng bắt gặp Từ Hải. Tài năng, nhân cách cùng nhan sắc của nàng đã khiến chàng Từ vô cùng khâm phục. Vậy nên chàng đã giải thoát nàng khỏi chốn ô nhục và từ đó cùng nàng sánh duyên bên nhau nhưng chẳng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, Từ Hải đã quyết chí ra đi để dựng lên nghiệp lớn sau nửa năm mặn nồng cùng nàng Kiều tài sắc.
“Nửa năm” chẳng phải là khoảng thời gian dài, nhưng nửa năm đó, Kiều và Từ Hải đã vô cùng gắn bó, vô cùng “mặn nồng”.
Sau những lời chia tay quyết liệt để ra đi của chàng Từ, Kiều đã tâm sự lòng mình cùng chàng:
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi!Từ rằng: Tâm phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tìnhBao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trờiLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi giaBằng không bốn bể không nhàTheo càng thêm bận biết là đi đâu?”
Kiều chỉ một lòng một dạ được đi theo chàng, bởi nàng không muốn sống trong cảnh cô đơn, lạc lõng như trước. Chữ “tòng” mà nàng nói cũng là một trong những lễ nghi luân lý “phận gái tam tòng” của Nho giáo. Nó vô cùng hợp tình hợp lý. Thế nhưng, đáp lại lời Kiều, Từ đã nói rằng:
“Từ rằng: tâm phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”
Đối với chàng, Kiều không chỉ là người bạn đời, người chàng thương, yêu mến, mà là người bạn tâm giao, tri kỉ của chàng. Những lý tưởng của chàng chắc chắn nàng là người hiểu rõ nhất. Chính vì vậy, Từ Hải mới mong muốn nàng “thoát khỏi nữ nhi thường tình”, thoát khỏi những suy nghĩ thông thường của người phụ nữ mà hiểu và ủng hộ cho chàng. Vậy mà sao nàng vẫn chưa chịu hiểu cho chàng? Chàng có ý trách nàng. Chàng ra đi nhưng sẽ trở về cùng vinh quang chiến thắng để đường hoàng “rước nàng nghi gia”
“Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trờiLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Chàng ra đi thực hiện lý tưởng, nghiệp lớn, dựng binh nghiệp, trở về với tiếng chiêng, bóng cờ rợp trời. Lý tưởng đó của chàng một phần vì chàng mà một phần cũng vì nàng. Với cơ nghiệp ấy, cùng vinh quang ấy, chàng sẽ rước nàng làm vợ chính thức của mình. Để thực hiện điều lớn lao ấy sẽ phải trải qua biết bao khó khăn, “bốn bể không nhà”, người con gái mong manh như Kiều sao có thể chịu đựng được những thử thách nhường ấy? “Bốn bể không nhà” cũng thể hiện ý chí tung hoành ngang dọc của Từ Hải. Lời chàng nói ra vừa là lời an ủi vừa là lời hứa hẹn với nàng một năm sau sẽ trở lại.
Những lời tâm sự của Từ Hải với Kiều không chỉ đơn thuần là lời vợ chồng hay tình nhân nói với nhau mà đó là lời tâm sự của những người “tâm phúc tương thông”, của người trượng phu với tri kỉ của mình. Những lời đó đã khẳng định rằng Từ Hải quả là một người anh hùng với khí chất hơn người, chí hướng lớn lao. Đó quả thật là người anh hùng đầy khát vọng, ý chí kiên cường đúng như những gì Nguyễn Du mong mỏi.
Kết thúc đoạn trích là hình ảnh quyết chí ra đi vì nghiệp lớn của Từ Hải:
“Quyết lời dứt áo ra điCánh bằng tiện gió cắt lìa dặm khơi”
Chàng vừa dứt lời, liền ra đi, vô cùng kiên quyết và dứt khoát, không chần chừ, không để tình cảm lung lạc ý chí của mình. Tính cách này chúng ta đã từng chứng kiến khi chàng chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, vô cùng dứt khoát và quyết liệt. Chàng ra đi được ước lệ ví von như cánh chim bằng, đặt trong không gian to lớn “dăm khỏi”, ta thấy hình ảnh chàng Từ như tượng trưng cho người anh hùng với lý tưởng cao đẹp, phi phàm, mang tầm vóc vũ trụ.
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã khắc họa thật rõ nét hình ảnh người anh hùng Từ Hải “đội trời đạp đất ở đời”. Bằng bút pháp ước lệ tài hao của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được ý chí lớn lao của người anh hùng Từ Hải. Ý chí, lý tưởng ấy thật mãnh kiệt, kiên trung và to lớn, khẳng định vị thế của một người anh hùng mang tầm vóc của vũ trụ.
Đoạn trích đã vẽ lên hình ảnh người trượng phu quyết chí ra đi vì chí lớn, vì lý tưởng của mình với lời hứa hẹn trở về vinh quang. Nó thật đúng với ước mong của Nguyễn Du về một người anh hùng sẽ dám đứng lên chống lại cường quyền, mang lại hạnh phúc và đòi lại công bằng trong xã hội.
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 5
Có một nhà thơ mà người Việt Nam không ai là không biết đến. Có một truyện thơ mà hơn 200 năm qua không mấy người Việt Nam không thuộc vài câu hay vài đoạn. Người ấy, thơ ấy đã từng được Tố Hữu ngợi ca:
“Tiếng thơ ai động đất trờiNghe như non nước vọng lời ngàn thu”
Không ai khác đó chính là Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều. Mỗi một đoạn, mỗi câu thơ đều là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” mà thi gia dầy công chắp bút. Đằng sau số phận cuộc đời nhân vật đều được gửi gắm biết bao giá trị nhân đạo sâu sắc. Đó là niềm trân trọng nâng niu ước mơ khát vọng con người. Đó là tiếng nói lên án tố cáo những thế lực xấu xa đứng đằng đằng sau. Và hơn thế nữa nó phản ánh chân thực giấc mơ tự do công lí mà đoạn trích “Chí khí anh hùng” chính là tiêu biểu nhất cho điều này.
Sau tháng ngày ân ái bên Thúc Sinh, Kiều lại một lần nữa sa thân vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, một lần nữa quay trở lại với Tú Bà để sống thân phận của người kỹ nữ hèn mọn. Cứ tưởng rằng, cuộc đời nàng đã đặt một dấu chấm hết trong tối tăm và đầy rẫy những bất hạnh. Thế nhưng, giữa cơn phong ba, Từ Hải bỗng dưng “vụt đến như một ngôi sao lạ chiếu sáng một đoạn đời nàng” (Hoài Thanh). Chàng chuộc Kiều ra, trả lại cho Kiều sự tự do xứng đáng. Hai người họ đến bên nhau với tấm lòng của những bậc tri kỷ giữa “trai anh hùng’’ và “gái thuyền quyên”. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, thì cái “thói vẫy vùng” của bậc giang hồ lại được dịp sục sôi,cái khát khao dựng nên nghiệp lớn bỗng thúc dục mạnh mẽ bước chân người anh hùng.
Lẽ thường, cuộc chia tay nào cũng đầy nước mắt, cũng đọng nhưng dùng dằng chẳng nỡ của kẻ ở với người đi. Với Từ và Kiều cũng không phải là ngoại lệ. Nàng không muốn một thân một mình, giường đơn gối chiếc trong căn nhà lạnh lẽo, nàng một mực muốn được sẻ chia, được gánh vác sự nghiệp với Từ Hải. Lời lẽ nghe sao mà tha thiết thế:
Nàng rằng: “ Phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cùng một lòng xin đi”
Kiều một lòng xin đi theo âu cũng là hợp tình hợp lý với đạo Nho truyền thống. Nho giáo viết đã phận nữ nhi “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Thế nhưng, trái với những mong mỏi của nàng, Từ ngay lập tức đáp lại:
Từ rằng: “Tam phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
Mới nghe qua thì cứ nghĩ là một lời trách cứ nhưng đằng sau đó lại là lời động viên người tri kỉ của mình biết vượt lên những tình cảm thông thường để sánh cùng trí lớn của người anh hùng. Vì vậy, sau này khi nói về nỗi nhớ nhung da diết của Thúy Kiều dành cho Từ Hải, Nguyễn Du viết:
“Cánh hồng bay bổng tuyệt vờiĐã mòn con mắt phương trời đăm đăm”
Nàng hướng con mắt về phương trời xa không chỉ để tìm kiếm một dáng hình thân thuộc khi xưa, đó còn là sự ngóng đợi vào sự nghiệp lớn lao mà Từ Hải đã dốc lòng dựng xây:
“Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đườngLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Ngày chàng hoàn thành xong nghiệp lớn cũng sẽ chính là ngày chàng trở về đón nàng trong tư cách là một người chủ tướng chỉ huy mười vạn tinh binh với chiến chống dậy đất, cờ quạt dậy đường. Những lời thốt lên từ người anh hùng không hề mang tính chất khoa trương mà đầy quả quyết chắc chắn thể hiện sự tự tin tuyệt đối của nhân vật vào cơ đồ mà mình tạo dựng. Niềm tin mãnh liệt của Từ truyền sang cho Kiều và lan tỏa ra khắp tất thấy bạn đọc.
Đoạn trích kết lại với hai câu thơ gây ấn tượng sâu đậm bở hình ảnh ước lệ:
“Quyết lời dứt áo ra điGió mây bằng đã đến kì dặm khơi”
Trong thơ ca trung đại cổ điển ,hành động “dứt áo ra đi” không phải là quá xa lạ, nó mang tính chất lưu luyến bịn rịn chẳng nỡ rời xa. Thế nhưng, đặt trong đoạn trích và đặt trong hình tượng Từ Hải thì đó lại thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán của bậc nam nhi. Phải chăng vì thế mà Nguyễn Du đã không chút do dự nâng nhân vật của mình lên, ví hình ảnh chàng lúc lên đường với hình ảnh chim bằng cất cánh bay vào muôn trùng dặm khơi? Hình ảnh đó phần nào thể hiện cái nhìn lãng mạn và khát vọng thoát khỏi thời đại mình- một tư tưởng tiến bộ vượt bậc so với những người đương thời.
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 6
Bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều ở trong tình trạng vô cùng đau đớn, tuyệt vọng:”Biết thân chạy chẳng khỏi trời – Cũng liều một phấn cho rồi ngày xanh”. Từ Hải xuất hiện đột ngột ở lầu xanh và tìm đến Kiều – một người tri kỷ. Với “con mắt xanh” tinh tường, Kiều đã mau chóng nhận ra Từ Hải là một anh hùng ngay từ lúc Từ chưa làm nên sự nghiệp. Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy nàng làm vợ, nhưng tình yêu không thể níu giữ chân Từ Hải. Đang sống êm đềm và hạnh phúc bên người đẹp, Từ Hải đột ngột từ biệt Kiều ra đi lập nghiệp anh hùng.
Đây là đoạn thơ sáng tạo của Nguyễn Du. Đoạn trích thể hiện khí phách anh hùng của Từ Hải qua lời chia tay Thúy Kiều.
Đoạn trích tập trung khắc họa hình ảnh người anh hùng Từ Hải – người anh hùng với chí khí cao đẹp, với quyết tâm thực hiện lí tưởng, khát vọng lớn lao.
Khi Thúy Kiều xin với Từ cho nàng được đi theo, Từ đã trách người tri kỷ chưa thoát khỏi “nữ nhi thường tình”. Từ Hải mong muốn Kiều sẽ vượt lên những tình cảm thông thường để làm vợ một anh hùng có chí khí phi thường. Cho nên sau này trong nỗi nhớ thương của Thúy Kiều “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời / Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm” không chỉ có sự mong chờ người yêu nơi phương xa mà còn hi vọng thành công trong sự nghiệp
Những lời nói của Từ Hải, còn thể hiện chàng là con người rất mực tự tin. Ngay trong cảnh trần ai, Từ Hải đã xem mình như một người anh hùng, sự nghiệp của chàng như đã nắm vững trong tay. Bây giờ mới bắt đầu xuất phát với “thanh gươm yên ngựa” nhưng chàng đã khẳng định không quá một năm sau chàng sẽ trở về với một cơ đồ to lớn.
Từ Hải là nhân vật được Nguyễn Du xây dựng theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Để xây dựng nhân vật này, nhà thơ đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để khắc họa hình tượng người anh hùng: sử dụng từ ngữ, xây dựng hình ảnh, ngôn ngữ đối thoại,….tất cả đều tô đậm vẻ đẹp phi thường của Từ Hải.
Con người ấy muốn vẫy vùng nơi trời cao đất rộng, không chịu trói mình trong cuộc sống tù túng chật hẹp. Nguyễn Du đã ví Từ Hả như con chim bằng khi cất cánh thì như đám mây ngang trời, và mỗi lần bay thì chín vạn dặm mới nghỉ. Hình ảnh đó đã giúp tác giả diễn tả một cách phóng túng giây phút tiễn biệt giữa Từ Hải và Thúy Kiều
Ngôn ngữ đối thoại cũng là tất yếu góp phần tô đậm khí phách của người anh hùng. Biết rõ Từ đi “bốn bể là nhà” Kiều vẫn tha thiết xin được đi cùng: “Nàng rằng” Phận gái chữ tòng / Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi” Từ đã nói với nàng những lời kiên quyết và tin tưởng chàng trở về với “mười vạn tinh binh – tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”. Chàng hứa “Chầy chăng là một năm sau vội gì!” Những lời nói của Từ không chỉ thể hiện khí phách hiên ngang của người anh hùng mà còn thể hiện chàng là người rất tự tin, tin vào sức mạnh tin vào tài năng của mình, chàng sẽ lập nên sự nghiệp lớn.
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 7
Nguyễn Du là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, được mệnh danh là đại thi hào, trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, Nguyễn Du đã để lại nhiều tác phẩm hay và có giá trị, nổi bật nhất có thể kể đến đó chính là đại kiệt tác Truyện Kiều. Đoạn trích Chí khí anh hùng là một trong những đoạn trích khá tiêu biểu, Nguyễn Du đã miêu tả chân dung cũng như khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải.
Trong đoạn trích Chí khí anh hùng, tác giả Nguyễn Du đã tập trung miêu tả và làm nổi bật lên vẻ đẹp ý chí và phẩm chất của Từ Hải. So với nhân vật Từ Hải trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện thì nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du hoàn toàn khác, đó không phải một tên tướng cướp như nguyên mẫu mà là một người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất có bản lĩnh và ý chí phi thường. Cảm hứng ca ngợi cùng bút pháp ước lệ tượng trưng khiến cho nhân vật Từ Hải hiện lên lớn lao, kì vĩ, mang đầy đủ phẩm chất của người những người anh hùng xưa.
Khi Thúy Kiều đang tuyệt vọng, chìm đắm trong cuộc sống đau khổ, ê chề nơi lầu xanh thì Từ Hải đã xuất hiện và cứu nàng ra khỏi chốn tửu sắc đầy thị phi ấy. Nhờ có Từ Hải mà Thúy Kiều được báo ân báo oán, được hưởng hạnh phúc vợ chồng như những người phụ nữ bình thường khác. Tuy cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nhưng vẫn không thể che khuất được khát vọng lập thân to lớn của Từ Hải
Thúy Kiều và Từ Hải đã có nửa năm bên nhau, cuộc sống êm ấm, hạnh phúc nhưng với hoài bão lớn của người anh hùng, Từ Hải đã “động lòng bốn phương”.
Đối với Thúy Kiều mà nói, Từ Hải không chỉ là người chồng mà nàng thương yêu, trân trọng mà đó còn là người mà nàng mang ơn, chính Từ Hải đã cứu nàng ra khỏi chốn lầu xanh. Trước quyết định ra đi của Từ Hải, nàng biết không thể ngăn cản nhưng cũng không đành lòng để chàng ra đi đơn độc, Thúy Kiều đã bày tỏ mong muốn được đi theo để chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chàng:
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòngChàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”
Thúy Kiều đề cao quan niệm “xuất giá tòng phu” của đạo đức Nho giáo xưa, nàng muốn được đi theo để tiện bề chăm sóc cũng như giúp đỡ cho Từ Hải. Trước yêu cầu đầy chân thành của Thúy Kiều, Từ Hải đã rất cảm động nhưng cuối cùng chàng không đồng ý vì sợ Thúy Kiều thân con gái đi theo sẽ phải chịu khổ. Như để an ủi nàng, Từ Hải đã hứa hẹn bao giờ lập lên sự nghiệp lớn sẽ rước nàng “nghi gia”:
“Từ rằng: Tâm phúc tương triSao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?Bao giờ mười vạn tinh binhTiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đườngLàm cho rõ mặt phi thườngBấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Theo Từ Hải, Thúy Kiều chưa thoát khói thói nữ nhi thường tình đồng thời đó cũng là lời động viên để nàng không phải lo lắng khi mình lên đường thực hiện nghiệp lớn. Là một người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, Từ Hải quyết tâm ra đi gây dựng nghiệp lớn để có thể nắm trong tay “mười vạn tinh binh”. Và khi sự nghiệp đã thành, chàng sẽ trở về để đón Kiều nghi gia trong “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp trời”.
Qua những lời đối thoại của Từ Hải với Thúy Kiều trước lúc ra đi đã thể hiện được chí khí lớn lao của người anh hùng mang trong mình khát vọng lớn. Tuy nói Thúy Kiều đi theo sẽ thêm vướng bận nhưng thật ra nguyên nhân chính Từ Hải không muốn Thúy Kiều đi theo là vì không muốn nàng phải chịu khổ, sợ nàng không thể thích ứng được với cuộc sống bốn bể là nhà:
“Bằng ngay bốn bể không nhàTheo càng thêm bận, biết là đi đâu”
Để Thúy Kiều có thể yên tâm hơn, Từ Hải đã khẳng định thời gian mà mình ra đi là một năm, Từ Hải đã động viên Thúy Kiều về một tương lai chiến thắng, chàng sẽ trở về trong sự hiển hách, vinh quang:
“Đành lòng chờ đó ít lâuChầy chăng là một năm sau vội gì.”
Cuộc chia tay giữa Từ Hải cũng thật khác lạ, đó không phải là những lời tâm tình nỉ non mà lại là những lời hứa hẹn về một tương lai tất thắng, qua đó ta có thể thấy được những phẩm chất trượng phu trong con người của Từ Hải, đó là con người dùng hành động để thể hiện tình cảm với người mình yêu.
Qua phần phân tích 14 câu thơ cuối đoạn trích Chí khí anh hùng, Nguyễn Du đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất Từ Hải, đó không chỉ là một con người giàu tình cảm mà còn là một người anh hùng có khát vọng lớn cùng ý chí, quyết tâm đầy mạnh mẽ, quyết liệt.
Phân tích 14 câu thơ cuối bài Chí khí anh hùng – Mẫu 8
Nguyễn Du không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới mà ông còn là đại thi hào dân tộc, một thiên tài văn học của nước nhà. Ông vốn được sinh ra trong một gia đình phong kiến quý tộc nhưng sống trong giai đoạn đồng tiền làm băng hoài đạo đức, đầy biến động, Nguyễn Du chứng kiến được rất nhiều cảnh đời bất công của xã hội bấy giờ, và ông có sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Bởi lẽ đó, ông đã viết nên thi phẩm tuyệt bút “Truyện Kiều”, tác phẩm như tiếng khóc ai oán của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những thối nát, bất công. Nổi bật trong đó là đoạn trích “Chí khí anh hùng” xây dựng mẫu anh hùng lí tưởng trong xã hội phong kiến theo quan niệm của Nguyễn Du: sống có ước mơ, tự do lập nên sự nghiệp lớn. Chính mười bốn câu thơ cuối đã làm bật lên hình tượng anh hùng của Từ Hải khi phải đối diện với người phụ nữ mình yêu thương trước lúc ra đi lập công danh:
“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,……….Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Khi Thúy Kiều bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, cuộc đời của nàng tưởng chừng như bế tắc hoàn toàn thì Từ Hải xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Hai người gắn bó với nhau trong hạnh phúc và tình tri kỉ: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên – Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc. Chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm “hương lửa đương nồng” đã từ biệt Kiều ra đi. Trước sự quyết đoán của Từ Hải, Kiều đã một lòng xin được đi cùng phò tá tràng:
“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.”
Theo lẽ thường tình, cuộc chia tay nào cũng đầy nước mắt, cũng đọng nhưng dùng dằng chẳng nỡ của kẻ ở với người đi. Với Từ và Kiều cũng không phải là ngoại lệ. Kiều không muốn chịu cảnh giường đơn gối chiếc trong căn nhà lạnh lẽo, nàng một mực muốn được sẻ chia, được gánh vác sự nghiệp với Từ Hải. Nàng đã phải dùng đến đạo lý “Phận gái chữ tòng” để thuyết phục chàng. Kiều ý thức được bổn phận của người vợ là phải theo chồng, kề vai sát cánh qua những hiểm nguy cùng chồng, Kiều nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với Từ Hải. “Chữ tòng” ở đây không chỉ có nghĩa như trong sách vở thánh hiền của Nho giáo mà còn ngụ ý tiếp sức, chia sẻ nhiệm vụ với chồng. Nhưng có lẽ ẩn sâu trong đó còn một nguyên do. Bão tố cuộc đời vừa đi qua song dư âm vẫn còn lại, Kiều sợ cô đơn, hiu quạnh, sợ những hiểm nguy cạm bẫy nơi đất khách qua người. Đó cũng là tâm lý dễ cảm thông của người phụ nữ vừa phải nếm trải những ô nhục, chua cay của cuộc đời. Qua câu nói của Kiều, ta thấy Nguyễn Du đã thể hiện tâm trạng và tâm lí của Kiều rất hiện thực. Nàng vẫn giữ được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: thủy chung, một lòng một dạ theo chồng,…Nàng không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ mà còn thể hiện tình yêu, sự thấu hiểu với chồng, sự khâm phục, tôn trọng Từ Hải.
Trước lời xin đi tha thiết của Thúy Kiều, những tưởng Từ Hải sẽ lung lay, bịn rịn, nhưng chàng vẫn kiên quyết từ chối khéo nguyện vọng chính đáng của Kiều:
“Từ rằng tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”
Trong lời đáp của mình, Từ Hải đã khéo léo từ chối Kiều bằng một câu hỏi tu từ: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”. Mới nghe qua thì cứ nghĩ là một lời trách cứ nhưng đằng sau đó lại là lời động viên người tri kỉ của mình biết vượt lên những tình cảm thông thường để sánh cùng trí lớn của người anh hùng. Từ Hải đã khẳng định rõ ràng tình cảm to lớn với Kiều, coi Kiều là tri kỉ hiểu rõ chí làm trai đang sôi sục trong lòng mình hơn ai hết. Vậy nên, Kiều phải thoát khỏi phận “nữ nhi thường tình”, thể hiện sự cứng cỏi của phu nhân bậc anh hùng. Từ cũng có ý khuyên Kiều đừng xem nặng quá vấn đề “lấy chồng là phải theo chồng”, hãy xem nhẹ chuyện tình cảm vì sự nghiệp lớn lao của chồng.
Để trấn an Kiều, Từ Hải hứa với Kiều về một tương lai huy hoàng, một ngày xum vầy, hạnh phúc trong công danh sự nghiệp rõ ràng:
“Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”
Dù xuất phát chỉ với “thanh gươm yên ngựa”, nhưng Từ Hải đã tin rằng mình sẽ có trong tay mười vạn tinh binh, sẽ trở về trong hào quang chiến thắng. Giờ đây, sự nghiệp đối với chàng là trên hết. Đối với Từ Hải, nó chẳng những là ý nghĩa của cuộc sống mà còn là điều kiện để thực hiện những ước ao mà người tri kỉ đã gửi gắm, trông cậy ở chàng. Hình ảnh “mười vạn tinh binh” với “tiếng chiêng” “bóng tinh”, phép đối trong câu giữa “ tiếng chiêng dậy đất” với “bóng tinh rợp đường” đã thể hiện khát vọng lớn lao mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng. Khát vọng “làm cho rõ mặt phi thường” chính là khát vọng xây dựng một sự nghiệp, công danh lừng lẫy, xuất chúng, hơn người. Cách sử dụng từ ngữ “mặt phi thường” thể hiện thái độ trân trọng, khâm phục của Nguyễn Du. Bốn câu thơ là lời chia tay của người anh hùng có chí khí với niềm tin mãnh liệt về một lí tưởng cao cả. Điều quan trọng hơn là lời hứa của người chồng sẽ long trọng đón vợ về nhà trong vinh dự khi đã hoàn thành sự nghiệp lớn.
Hai câu thơ tiếp theo, Từ Hải nói rõ hoàn cảnh thực tế của mình:
“Bằng nay bốn bể không nhà,Theo càng thêm bận biết là đi đâu”
Từ Hải còn thể hiện chí khí, quyết tâm sắt đá của mình ở việc cho rằng Thúy Kiều đi theo sẽ “càng thêm bận” nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng cho Kiều khi đi theo sẽ phải chịu cực khổ, nay đây mai đó “bốn bể không nhà”. Câu hỏi tu từ “Theo càng thêm bận biết là đi đâu?” với hàm ý: đối với Từ Hải sự nghiệp anh hùng là ý nghĩa của sự sống. Chàng muốn toàn tâm toàn ý ra đi thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình.
Kết thúc lời nói của Từ Hải là lời hẹn ước chắc chắn trước lúc ra đi:
“Đành lòng chờ đó ít lâu,Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Cụm từ “ một năm sau” đã xác định rõ mục tiêu và thời gian phấn đấu của người anh hùng. Người ta học nghề mất vài ba năm, phải mất hàng chục năm nghề nghiệp mới tinh thông vững vàng. Sự nghiệp lớn muốn hoàn thành có khi phải hiến dâng trọn đời người. Vậy mà, Từ Hải quyết việc lớn ấy sẽ được thực hiện trong một năm. Lời lẽ của Từ Hải thật đúng khẩu khí của bậc trượng phu: dứt khoát, mạnh mẽ và đầy niềm tin vào tài trí của mình. . Đây còn là lời an ủi rất tâm lí, chân tình của người chồng, người anh hùng có chí khí với vợ, với tri kỉ của mình.
Cách chia tay của Từ Hải rất khác biệt ở chỗ những lời chia tay được thay bằng những lời hứa vào một chiến thắng không xa, sự quyến luyến được thay bằng một quyết tâm vào tương lai. Người đọc cũng nhận biết lí tưởng anh hùng của nhà thơ Nguyễn Du được gửi gắm qua Từ Hải: phàm là “trượng phu” ra đi không chút vấn vương, bi lụy, không dùng dằng, quyến luyến như trong các cuộc chia tay bình thường khác, Từ Hải có cách chia tay mang đậm dấu ấn anh hùng của riêng mình.
Kết thúc đoạn trích, Nguyễn Dư kể về việc Từ Hải dứt áo ra đi:
“Quyết lời dứt áo ra đi,Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”
Trước hết đó chính là hành động kiên quyết, mạnh mẽ của Từ Hải được thể hiện qua ba hành động liên tiếp “quyết lời”, “dứt áo”, “ra đi”. Ba từ ngữ cùng xuất hiện trong một câu thơ cho thấy
cử chỉ dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm làm lung lạc ý chí, cản bước người anh hùng. Phải chăng vì thế mà Nguyễn Du đã không chút do dự nâng nhân vật của mình lên, ví hình ảnh chàng lúc lên đường với hình ảnh chim bằng cất cánh bay vào muôn trùng dặm khơi.
Hình ảnh ẩn dụ “chim bằng” tung cánh lướt theo gió mây bay lên chín vạn dặm thật hiên ngang, hùng dũng. Đây là một hình ảnh so sánh rất đẹp và đầy ý nghĩa. Nguyễn Du mượn hình ảnh chim bằng trong văn chương cổ điển, thường tượng trưng cho khát vọng của những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, muốn làm nên sự nghiệp lớn lao để chỉ Từ Hải. Tất cả cho thấy nghệ thuật ẩn dụ tượng trưng về người anh hùng lí tưởng, mang tầm vóc vũ trụ, sánh ngang trời đất. Tác giả xây dựng người anh hùng Từ Hải theo khuynh hướng lí tưởng hóa, mang dấu ấn của thi nhân. Nguyễn Du gửi vào Từ Hải ước mơ công lý và biểu tượng tự do.
Khép lại đoạn trích, ta có thể thấy tài năng của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật. Từ Hải được Nguyễn Du xây dựng theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Nhà thơ miêu tả nhân vật bằng từ ngữ trang trọng như: “mặt phi thường”, hình ảnh chim bằng.., ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ kể của tác giả, câu hỏi, câu cảm cùng với bút pháp miêu tả ước lệ… Tất cả nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp chí khí mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải, đồng thời thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của Nguyễn Du đối với nhân vật.
“Chí khí anh hùng” là đoạn trích thể hiện ước mơ đầy lãng mạn của Nguyễn Du về 1 hình mẫu người anh hùng lí tưởng với những phẩm chất phi thường. Đặc biệt Nguyễn Du thành công rất lớn trong việc miêu tả nhân vật theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Từ Hải quả thật là người anh hùng tuyệt đẹp trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, chàng xứng đáng được bạn đọc trân trọng, ngưỡng mộ.