Nguyễn Du không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới mà ông còn là đại thi hào dân tộc, một thiên tài văn học của nước nhà. Ông vốn được sinh ra trong một gia đình phong kiến quý tộc nhưng sống trong giai đoạn đồng tiền làm băng hoài đạo đức, đầy biến động, Nguyễn Du chứng kiến được rất nhiều cảnh đời bất công của xã hội bấy giờ, và ông có sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Bởi lẽ đó, ông đã viết nên thi phẩm tuyệt bút “Truyện Kiều”, tác phẩm như tiếng khóc ai oán của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những thối nát, bất công. Nổi bật trong đó là đoạn trích “Trao duyên” thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh, nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều đồng thời cho thấy tài năng miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du. Chính mười hai câu đầu trong đoạn trích đã khắc họa rõ nét nỗi lòng đau xót của Thúy Kiều khi phải trao mối tình mặn nồng giữa nàng và Kim Trọng cho Thúy Vân:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu song gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Cứ ngỡ hai người “Trai anh hùng – gái thuyền quyên/Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” nào ngờ lại phải chịu cảnh một đời cách xa bởi một lí do hết sức đau đớn. Bọn sai nha gây nên vụ án oan sai đối với gia đình Thúy Kiều, nàng buộc phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho chúng để cứu cha và em. Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu rồi nàng nhờ em gái là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Thúy Kiều mở đầu việc trao duyên bằng những lời lẽ có ý nghĩa khần cầu, tha thiết để thuyết phục Thúy Vân:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
Đọc câu thơ đầu tiên, ta có thể thấy Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ chân tình, thuần hậu nhất để nói chuyện với Thúy Vân. Từ “cậy” và “chịu” được sử dụng rất đặc sắc. Nguyễn Du làm ta không khỏi thắc mắc tại sao không “nhờ” mà lại “cậy”? Tại sao không “nhận” mà phải “chịu”? Nhà thơ sử dụng từ “cậy” nhằm ẩn ý nói lên sự tin cậy của Thúy Kiều dành cho người em gái của mình. Còn “chịu” ở đây lại mang hàm ý nài ép, bắt buộc, không có sự tự nguyện từ Thúy Vân. Kiều đã đặt hết niềm tin tưởng của mình vào Thúy Vân và Vân không thể thoái thác được mà phải “chịu lời”.
Sau lời nói là cử chỉ, hành động hết sức trang trọng dành cho Thúy Vân. Kiều đã đặt Vân lên vị trí cao hơn, hạ mình xuống như để van nài, kêu xin. Không có người chị nào lại xưng hô với em mình bằng những từ ngữ tôn kính chỉ dùng với bề trên như “thưa, lạy”. Thoạt đầu nghe có vẻ như hết sức phi lý, chị “lạy” em là một điều không thể nào xảy ra ở xã hội phong kiến. Nhưng rồi ta chợt thấu hiểu ra cái nhìn sâu sắc của Kiều, nàng ý thức được Thúy Vân như vị ân nhân xuất hiện để trả món nợ ân tình cho Kim Trọng, nàng đang lạy sự hi sinh cao cả của Thúy Vân. Kiều muốn chuẩn bị tâm lí cho Vân để đón nhận một chuyện hệ trọng mà nàng chuẩn bị nhờ cậy em bởi nàng hiểu rằng việc mà nàng sắp nói ra đây là rất khó khăn với Vân và cũng là một việc rất tế nhị. Bởi lẽ đó, từ “thưa” và “lạy” xuất hiện là vô cùng hợp lý, cho thấy cách sử dụng ngôn từ sâu sắc, tinh vi của Nguyễn Du.
Để thuyết phục em, Kiều đã nói về mối tình đẹp mà dở dang của nàng. Lời kể của Kiều ngắn gọn, khái quát nhưng rõ ràng:
“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”
Tình yêu dở dang, tan vỡ được Kiều nói ngắn gọn bằng thành ngữ nặng nề, chắc nịch “đứt gánh tương tư”. Cách nói vận dụng thành ngữ cùng điển cố “keo loan” có ngụ ý: Điều mà Kiều muốn “thưa” với Vân chính là bi kịch tình yêu tan vỡ của mình và tha thiết nhờ TV thay mình trả nghĩa cho KT.
Hai chữ “tương tư” được ẩn dụ để chỉ tình yêu nam nữ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. “Gánh tương tư” như một gánh nặng tình yêu giữa hai người. “Gánh tương tư” là của chị, tình yêu sâu nặng là của chị nhưng giờ giữa đường lại “đứt gánh” còn đâu. Bốn chữ “đứt gánh tương tư” như gợi lên sự nghẹn ngào, đau đớn đang dằn xé tâm can Thúy Kiều. Người con gái tài sắc này luôn xem trọng tình nghĩa, coi mối tình với Kim Trọng là gánh nghĩa vụ mà nàng phải chu toàn. Vì thế, Kiều tha thiết nhờ Thúy Vân thay mình “chắp mối tơ thừa” với Kim Trọng.