Phân tích 9 câu thơ cuối bài Vội vàng, gợi ý cách làm, lập dàn ý, sơ đồ tư duy và tuyển chọn những bài văn mẫu hay phân tích nội dung 9 câu thơ cuối bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
Đề bài: Phân tích nội dung 9 câu thơ cuối bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu.
Hướng dẫn phân tích9 câu thơ cuối bài Vội vàng
1. Phân tích đề
– Kiểu bài: dạng bài phân tích một đoạn thơ.
– Vấn đề nghị luận: nội dung, nghệ thuật 9 câu thơ cuối bài Vội vàng.
– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết,… thuộc phạm vi 9 câu thơ cuối bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
2. Hệ thống luận điểm 9 câu cuối Vội vàng
– Luận điểm 1: Tâm trạng vội vàng, thái độ sống gấp gáp của tác giả.
– Luận điểm 2: Tuyên ngôn về lẽ sống, quan niệm sống của Xuân Diệu.
Dàn ý chi tiết phân tích 9 câu thơ cuối bài Vội vàng
1. Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:
+ Xuân Diệu là một trong những nhà thơ lớn nổi tiếng từ phong trào Thơ mới, được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”.
+ Bài thơ Vội vàng là một trong những bài thơ nổi tiếng bộc lộ quan niệm nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu, hình thức hấp dẫn với nhiều cách tân táo bạo, nhuần nhị.
– Khái quát nội dung 9 câu thơ cuối: Tâm trạng vội vàng, thái độ sống gấp gáp của tác giả, đồng thời là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu.
2. Thân bài
Luận điểm 1: Tâm trạng vội vàng, thái độ sống gấp gáp của tác giả
– Bức tranh thiên nhiên lại được sống dậy với những phẩm chất đẹp đẽ như ban đầu, ngồn ngộn sức sống, căng tràn sức xuân.
– Sự sống mới bắt đầu, ngồn ngộn một sự sống, căng tràn sức xuân.
+ Mây đưa và gió lượn: Quấn quýt, giao hòa
+ Cánh bướm say với tình yêu
+ Non nước, cỏ cây chuếnh choáng trong men say cuộc đời
– Không gian ngập tràn sánh sáng
– Tác giả nhận ra không thể mãi tiếc nuối -> Cảm nhận cảnh sắc ở thời tươi. Thế giới xuân tình rạo rực đến đắm say => đẹp và đầy sức quyến rũ
+ Tình yêu cuộc sống và niềm khao khát giao cảm
+ Động thái của chủ thể trữ tình: Ở điệp khúc: Ta muốn… ôm, say, thâu riết
-> Cử chỉ vồ vập, đắm say đối với một người tình cuộc sống
=> Bộc lộ tình yêu cuộc sống đến cuồng si.
– Chủ thể trữ tình đã cảm nhận cuộc sống bằng nhiều giác quan: xúc giác, thị giác, và cả những cảm nhận vô hình
– Từ đại từ xưng tôi -> ta
+ “tôi” : ngạo nghễ
+ “ta” : chung, nhỏ bé mang một thái độ tự nguyện hòa nhập và đồng điệu với cuộc đời rộng lớn, tự nguyện hòa nhập vào dòng chảy thời gian, tự nguyện giao cảm với cuộc sống.
– Sự diệu kì đã xảy ra trong hồn thơ của Xuân Diệu, chính tình yêu cuộc sống đã làm sống lại phẩm chất tươi đẹp, đầy sinh khí như ban đầu, còn đọng lại vẫn là tình yêu mãnh liệt.
– Kết thúc là lúc tình cảm của tác giả mãnh liệt đến độ cao trào của bài thơ
-> Xuân Diệu vẫn còn băn khoăn lắm, vẫn còn lo sợ lắm, nhưng đắm say vẫn là đắm say, khao khát vẫn là khát khao
=> Càng yêu càng sợ mất, càng sợ mất càng muốn yêu, càng muốn níu giữ.
Luận điểm 2: Tuyên ngôn về lẽ sống, quan niệm sống của Xuân Diệu
– Cuộc đời đẹp nhất là vào mùa xuân, đời người đẹp nhất là lúc tuổi trẻ, tuổi trẻ đẹp nhất là tình yêu
=> Con người cần trân trọng những giây phút của tuổi trẻ.
– Theo Xuân Diệu, thiên nhiên rất đẹp, chứa đựng biết bao nhiêu điều hấp dẫn, đáng sống vì vậy cần phải biết tận hưởng những gì cuộc sống ban tặng.
=> Giáo dục con người ý thức về giá trị cuộc sống để thèm sống, thích sống, sống cho ra sống, sống cho ra người.
* Đặc sắc nghệ thuật
– Ngôn từ có sự cách tân: sử dụng những từ ngữ táo bạo, những từ ngữ cảm giác xuất hiện với mật độ dày đặc
– Sắp xếp ngôn từ tạo nên những làn sóng ngôn từ đan xen, cộng hưởng nhau theo chiều tăng tiến
– Biện pháp trùng điệp: Điệp từ, điệp cú pháp, điệp liên từ, giới từ
– Nhịp điệu và giọng điệu giục giã xen kẽ những câu thơ ngắn dài tạo nên sự sôi nổi.
3. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung 9 câu thơ cuối Vội vàng.
– Cảm nhận của em.
Để hình dung dễ dàng hơn cách triển khai ý cho bài phân tích 9 câu thơ cuối Vội vàng, các em có thể đọc tham khảo một số bài văn mẫu sau đây.
Top 3 bài văn đạt điểm cao phân tích 9 câu cuối bài thơ Vội vàng
Phân tích 9 câu cuối Vội vàng bài số 1:
Mỗi nhà thơ đều lấy cho mình nhũng dư vị để làm chất riêng cho chất thơ của mình. Nếu Huy Cận là say mê bất tận với cảnh sắc và không gian, Xuân Quỳnh là những rạo rực đắm chìm trong tình yêu thì khi đến với Xuân Diệu ta lại thấy được sự hưng phấn, cuồng si tột độ với những khoảnh khắc lí thú chảy trôi của thời gian. Nỗi niềm ấy được bộc lộ rõ nét qua lời thơ Vội vàng, và đặc biệt qua 9 câu thơ cuối:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Guồng chảy của thời gian cứ thế chảy trôi, cuốn đi những thanh sắc tươi đẹp của cỏ cây đất trời. Vì yêu vì đắm say mà hơn ai hết Xuân Diệu cảm nhận xiết bao từng khoảnh khắc quý giá ấy để rồi bâng khuâng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Những câu thơ 8 chữ bỗng ngắt lại nhường chỗ cho câu thơ 3 chữ. Giọng thơ trở lên giục giã, rạo rực như chính nỗi lòng thiết tha của nhà thơ. Danh từ xưng hô Tôi đến đây đã chuyển sang ta, ta vừa là cái tôi thi nhân vừa chỉ cái ta chung của tất cả mọi người. Cái tôi cá nhân đã hòa chung với cái ta chung cộng đồng nói lên khát vọng, hoài bão lớn lao. Cuộc đời người mấy ai chả mong được sống mãi với tuổi trẻ căng tràn, mơn mở như nụ xuân mới nhú; ai chả ước ao được níu giữ mãi tuổi xuân nồng nàn, đời xanh hừng hực đam mê cháy. Song nào đâu cứ ôm là được cứ giữ là trọn vẹn nên ta cần phải “riết” để níu giữ gần hơn nữa:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn”
Ôm là chưa đủ để níu giữ bước chân chuyển dịch thời gian mà chúng ta phải xiết chặt cái đáng giá vào lòng. Mây đưa gió lượn là sự chuyển dịch tuần hoàn của thời gian, là thứ hữu hình, lớn lao thế nhưng nhà thơ lại muốn riết chặt vào tim. Phải chăng nhà thơ muốn ôm cho kì hết những gì của thiên nhiên đất trời vào trong lòng. Và rồi ôm rồi riết thôi vẫn chỉ là những biểu hiện bên ngoài nhà thơ còn muốn cả tâm hồn mình ngự trị:
“Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,”
Bướm và tình yêu là biểu trưng cho sự ngọt ngào, nồng cháy, lãng mạn. Xuân Diệu khao khát biết mấy được đắm say trong ly rượu dịu nhẹ, nồng nàn của tình yêu đất trời. Nhưng dù say đến mấy thì vẫn là sự tồn tại độc lập giữa hai chủ thể chỉ cho đến câu thơ tiếp theo người và cảnh mới thực sự quấn quýt, hòa điệu cùng nhau:
“Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cỏ cây và cỏ rạng”
Không chỉ là cảm giác, xúc giác nhà thơ dùng cả vị giác để lột tả hết cái đam mê tột độ của mình. Nhà thơ dùng “cái hôn nhiều” để thưởng thức cảnh vật để thu vào lòng hết hương vị của cỏ cây, hơi thở của núi sông, vạn vật.
Nhưng với một tâm hồn đầy thi vị và nhạy cảm như Xuân Diệu thì điều đó đâu là đủ để thỏa mãn ông. Đã tận hưởng thì phải tận hưởng cho kì hết, cho thỏa cái thú vui lãng mạn. Bởi thế mà suy nghĩ cũng biến thành ý thơ:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Tình cảm của nhà thơ đến đây đã dâng lên đến tột độ. Xuân Diệu như muốn ôm, muốn riết cho hết và muốn say muốn thâu với tạo hóa để được cảm nhận những dư vị ngọt ngào, để được ánh sáng và thanh sắc đời xuân tắm mát. Tâm hồn nhà thơ như được tắm táp hả hê, thỏa thê, trọn vẹn, sung mãn với âm thanh, mùi vị, ánh sáng, hương vị rạo rực đất trời.
Trong niềm hưng phấn tột độ ấy, nhà thơ bất chợt buông một dấu chấm lửng:
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Nhà thơ nhận ra mùa xuân, tuổi trẻ giống như một trái chín đỏ mọng, căng tràn, quyến rũ, ngọt ngào, và đầy hấp dẫn khiến nhà thơ không nén nổi lòng mình mà thẳng thắn mạnh bạo, khao khát được “cắn”. Càng say mê quấn quýt với thiên nhiên Xuân Diệu lại càng sợ thiên nhiên biến mất và càng sợ mất lại càng mãnh liệt được làm chủ, níu giữ vĩnh cửu.
Với cách sử dụng ý thơ theo cấp độ tăng tiến, sử dụng từ ngữ mạnh bạo, giàu sức gợi sức tả kết hợp với nhịp điệu hồ hởi, vồ vập, giục giã đoạn thơ đã diễn tả quan niệm nhân sinh tiến bộ và mới mẻ của Xuân Diệu. Với ông thiên nhiên đẹp nhất vào mùa xuân cũng giống như đời người đẹp nhất là tuổi trẻ, tuổi trẻ được tô vẽ với tình yêu mãnh liệt. Con người sống là phải biết trân trọng từng giây phút đáng giá được sống đừng để đến khi chực trào mất đi mới thấy quý báu, thấy hối tiếc và đớn đau. Nhịp tim và nỗi lòng trăn trở của tác giả đã được gửi gắm vào từng câu từng chữ và từng ý trong bài thơ, trở thành quan niệm sống có ý nghĩa và sức lan tỏa lâu bền.
- Có thể bạn cũng quan tâm: Phân tích đoạn thơ cuối (10 câu cuối) bài Vội vàng – Xuân Diệu
Phân tích 9 câu cuối Vội vàng bài số 2:
Mỗi nhà thơ đều có một cảm hứng riêng cho mình. Ở Huy Cận là cảm hứng về không gian với những “sầu không gian”, “nhớ không gian”, còn Xuân Diệu lại là cảm hứng về thời gian. Thời gian chi phối tất cả nhịp điệu của đất trời và cuộc sống con người. Xuân Diệu là người yêu cuộc sống đến đắm say, cuồng nhiệt, nhưng éo le thay lại “Không được dài thời trẻ của nhân gian” để mà yêu. Cho nên, thi nhân muốn níu giữ lấy thời gian để tận hưởng. Song có ai níu giữ được thời gian bao giờ. Nên tâm hồn trẻ ấy sợ thời gian và đuổi theo thời gian một cách “cuống quít”, “vội vàng” để hưởng thụ cho hết mọi vẻ đẹp hạnh phúc của trần gian.
Bài thơ “Vội vàng“, in trong tập “Thơ thơ” (1938), đã thể hiện nhân sinh quan mới và tiến bộ ấy. Đây là phần kết thúc của bài thơ Vội vàng nói lên khát vọng tận hưởng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Thời gian cứ lạnh lùng, tàn nhẫn mang theo mọi vẻ đẹp của cỏ cây, hoa lá lẫn với tiếng chim trời cùng tuổi trẻ ra đi để cho lòng tiếc nuối. Xuân Diệu như muốn dang tay ra ôm lấy tất cả:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Đang từ những câu thơ 8 chữ, bỗng rút ngắn lại với câu thơ 3 chữ – câu ngắn nhất trong toàn bài thơ, làm cho giọng thơ đanh lại, rắn chắc như một mệnh lệnh đòi hỏi hiện thực hóa những khát vọng. “Ta” ở đây là “cái tôi” đầy kiêu hãnh của thi nhân, đồng thời cũng là cái tôi của mỗi con người chúng ta. Bởi ai mà chẳng có nỗi niềm khát khao như khao khát của thi nhân. Mỗi người đọc hãy cảm nhận lấy khát vọng của mình trong cái “ta” ấy. Ai mà chẳng muốn ôm giữ lấy những vẻ đẹp non tươi của cuộc sống đang diễn ra quanh mình: từ cái mơn mởn của một nụ hoa xuân hoặc một nụ đời và tất cả những sự sống đang bắt đầu hé nhú, để nó khỏi trôi đi, song dù có ôm chặt được tất cả, nhưng chắc gì đã giữ được cho trọn vẹn. Vì vậy cần phải “riết” cho chặt hơn nữa:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Nghĩa là “riết” cho chặt cả những thứ không thể ôm. Mây đưa và gió lượn là những vẻ đẹp lớn lao của tạo vật nhưng đồng thời cũng là hình ảnh biểu trưng đó thôi. “Ôm” rồi “riết”, dù có chặt đến mấy đi nữa thì vẫn chỉ ở bên ngoài nên còn đòi hỏi phải “say” cho đến tận hồn:
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Cho dù say đến mấy đi nữa thì vẫn còn là mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể. Nên cần phải “thâu tóm” mọi vẻ đẹp kia về phía mình”:
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
“Cái hôn nhiều” ở đây, muốn nói về độ dài của thời gian. “Cái hôn” không phải là mục đích mà chỉ là một phương tiện để thu hút lấy tất cả mọi hương sắc. Mọi thần khí, thần hồn về phía mình cho thỏa mãn.
Những điệp ý “ta muốn” kết hợp với hành động ngày càng tăng: “ôm, riết, say thâu” đã thể hiện được lòng ham muốn đến cuồng nhiệt của thi nhân. Con người như muốn trải lòng ra với tất cả muôn cảnh, muôn lòng. Khi là sự sống non tươi, khi là mây đưa gió lượn, khi là cánh bướm tình yêu, khi là non nước, cỏ cây, hoa lá rực lên trong ánh sáng. Cho dù có đầy vòng tay, đầy hồn khát mà vẫn chẳng ngừng: Bởi đã tận hưởng thì phải tới tột đỉnh:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
“Chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” là những từ biểu thị sự hưởng thụ đến mức tối đa. Ấy thế mà xem chừng vẫn còn chưa hả. Cuối cùng còn đòi hỏi cao hơn nữa:
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
“Xuân hồng” là mùa xuân đương độ với hoa lá măng tơ đầy hương sắc. “Xuân hồng” cũng có thể là hình ảnh biểu trưng cho tuổi trẻ và cũng có thể là một dáng xuân đời. “Cắn vào ngươi”, tưởng như thô thiển mà lại đầy chất thơ. Đó chỉ là cách nói về sự hưởng thụ cả tinh thần lẫn vật chất đến mức cuồng nhiệt. Đến với hoa xuân đừng đứng ở bên ngoài, xin hãy vào giữa vườn xuân cho hương sắc tràn đầy mọi giác quan của ta. Với tuổi trẻ cũng vậy, xin đừng chỉ nhìn ngắm gương mặt tuổi trẻ của chính mình ở trong gương mà hãy biến nó thành sức mạnh, thành giá trị vật chất để làm cho đời thêm ý nghĩa.
Đây cũng không chỉ là ham muốn hưởng thụ mà còn là nỗi buồn, là sự hoảng hốt trước sự ra đi của mọi vẻ “xuân hồng”. Vì vậy mà cuống quít, phải “cắn” để giữ lấy, không để cho nó rơi đi và trôi đi. Phải “cắn” để giữ lấy thời gian, tuổi trẻ, đừng để cho nhanh về cái bến già nua tuổi tác.
Đặc biệt trong tình yêu lứa đôi, con người luôn luôn có khát vọng đi tìm sự hòa đồng đến vô biên, tuyệt đích giữa hai cá thể, cả về tâm hồn lẫn thể chất. “Cắn vào ngươi” là đòi hỏi được hóa thân trong tình yêu,
Nhìn chung lại, đây là nhân sinh quan mới, có nét tích cực. Trong khi những cái tôi lãng mạn khác lại xa lánh cuộc sống trần gian, đi tìm cõi bồng lai ở chốn hư vô, thì Xuân Diệu không đi đâu cả mà coi trần gian chính là thiên đường và sống hết mình trong cõi trần gian ấy. Hãy biết hướng đời mình về phía ánh sáng, đừng để cho tuổi xanh trôi đi một cách uổng phí. Bởi “tuổi xanh… trở về” song nếu chỉ biết tận hưởng một cách vội vàng, cuống quýt mà không biết làm gì để cho sự tận hưởng ấy thì lại là tiêu cực. Về nghệ thuật, nét nổi bật ở khổ thơ này là cách dùng một loạt động từ và tính từ ngày cành mạnh, càng tăng, tạo nên một giọng điệu liên hoàn, sôi nổi như khát vọng mãi không thôi.
>>> Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu qua bài thơ Vội vàng
Phân tích 9 câu cuối Vội vàng bài số 3:
Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ của ông mang màu sắc tươi mới, tràn trề sức sống và một khát khao mãnh liệt được tận hưởng cuộc đời với những gì đẹp nhất, tươi tắn nhất. Tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và yêu cuộc đời của Xuân Diệu được thể hiện sâu sắc và rõ ràng nhất trong bài thơ “Vội vàng” và đặc biệt là ở 9 câu thơ cuối của tác phẩm.
“Vội vàng” là một bài thơ nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Ngôn ngữ thơ giản dị, tươi mới với những hình ảnh gần gũi và thân quen trong cuộc sống của con người. Bài thơ không chỉ vẽ nên một bức tranh mùa xuân xinh đẹp, căng tràn sức sống mà còn thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ về cách sống, cách cảm nhận cuộc đời. Chính vì tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên và sự nhận biết rằng thời gian trôi qua không bao giờ trở lại nên nhà thơ đã có một thái độ sống nhanh hơn, vội vàng hơn để không bỏ lỡ bất kì một khoảnh khắc tươi đẹp nào. Và khổ thơ thứ ba của bài thơ là những vần thơ sinh động nhất thể hiện khát khao được sống, được hòa mình vào thiên nhiên.
Với Xuân Diệu, đẹp đẽ và đáng sống nhất chính là tuổi trẻ cùng tình yêu và đam mê rực cháy. Tuổi trẻ là quãng thời gian con người tràn trề sức sống nhất. Ở đó, ta có những cảm xúc yêu đương rực lửa, những ước mơ và hoài bão cao xa. Ai cũng muốn sống, muốn cống hiến hết mình khi còn trẻ nhưng quy luật của thiên nhiên, của dòng thời gian lại một đi không trở lại. Tuổi trẻ đẹp là vậy nhưng nó cũng chỉ có giới hạn nhất định.
Bao cảm xúc dồn nén, bao khát khao cháy bỏng cùng với tình yêu nồng nhiệt đã đẩy mạnh những ham muốn tột cùng của người thi sĩ.
Ta muốn ôm
Cả sự sống đang bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi
Cụm từ “ta muốn” được Xuân Diệu nhắc đến nhiều lần như làm cho nhịp thơ nhanh hơn, dồn dập hơn. Nó thể hiện một cách mãnh liệt nhất khao khát của nhà thơ muốn được ôm trọn vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời. Nhà thơ không còn xưng “tôi” để nói lên ước muốn của chính mình mà dùng “ta” nhằm chỉ đó là khát khao cháy bỏng của tất cả mọi người, những ai đang trào dâng khát khao sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Nhà thơ muốn ôm, muốn riết tất cả những gì đẹp đẽ nhất của đất trời. Đến đây sự vội vàng sống như được đẩy cao hơn, gấp gáp hơn.
Xuân Diệu muốn ôm trọn tất cả, muốn tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên một cách no nê, đã đầy. Niềm khát khao ấy như mạnh mẽ hơn, cháy bỏng hơn trước những cảnh vật quyến rũ nhất của đất trời. Đó là những áng mây nhẹ nhàng đang bồng bềnh trôi trên bầu trời, là làn gió thanh mát đem theo hương thơm ngạt ngào của thiên nhiên, là nhưng cánh bướm chập chờn cùng tình yêu rực lửa… Tất cả những vẻ đẹp ấy như thôi thúc nhà thơ phải sống gấp gáp hơn nữa. Động từ “cắn” ở câu thơ cuối như là điểm nhấn ấn tượng nhất của bài thơ. Nhà thơ không chỉ dùng xúc giác, thị giác hay khứu giác để tận hưởng đất trời nữa mà ông muốn dùng hành động thô bạo hơn, mạnh mẽ hơn.
Xuân Diệu muốn cắn, muốn chiếm hữu một cách tối đa nhất vẻ đẹp của mùa xuân. Nhà thơ muốn nhai, muốn ngấu nghiếm và nuốt trọn hương sắc của đất trời vào trong mình, không muốn nó bay đi và biến mất. Cắn như một hành động thể hiện tình yêu và khát khao chiếm hữu của chủ thể để từ đó ta hiểu được tình yêu của Xuân Diệu đối với thiên nhiên, với mùa xuân và tuổi trẻ lớn lao biết nhường nào.
Như vậy, chỉ với 9 câu thơ ngắn ngủi trong khổ cuối bài thơ “Vội vàng” đã nêu ra một quan niệm nhân sinh mới mẻ. Đó là thái độ sống tích cực, khát khao được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống. Chúng ta hãy sống gắn bó với thiên nhiên, hòa cùng thiên nhiên và sống bằng chính tình yêu và tuổi trẻ của bản thân mình.
Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 11 hay nhất / Đọc Tài Liệu
Trên đây là những gợi ý cơ bản để làm bài văn phân tích 9 câu thơ cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn dành cho các em tham khảo. Hi vọng sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho các em trong quá trình hoàn thành bài văn của mình. Chúc các em làm bài tốt và đạt kết quả cao !