1. Dàn ý phân tích khổ 3, 4 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu vài nét về nhà thơ Xuân Quỳnh và hoàn cảnh ra đời bài thơ Sóng
– Khát quát nội dung của khổ 3, 4
1.2. Thân bài:
a. Khát quát nội dung của khổ 1, 2
– Khát khao của nhân vật trữ tình được như những con sóng ngoài kia vươn ra biển lớn
– Muốn được khám phá cuộc hành trình của chính bản thân mình.
b. Mối liên hệ giữa anh, em và sóng trong khổ 3
“Trước môn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên.”
– Mong muốn được khám phá những vùng bí ẩn của tình yêu
– Những trăn trở, nghĩ suy trong tâm trí nữ thi sĩ được gợi ra qua hàng loạt câu thơ bắt đầu với cấu trúc “em nghĩ” đầy suy tư.
– Đối diện với không gian bao la, vô tận, nhà thơ bỗng nhớ đến cái mênh mang, vô hạn của tình yêu.
– Tình yêu không chỉ mênh mang, vô tận, trong lòng đại dương mà nó còn chứa đựng bao bão tố, phong ba, bao bí ẩn khiến lòng người trăn trở, băn khoăn, khát khao kiếm tìm đáp án.
c. Cội nguồn của sóng khổ 4
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”.
– Nhà thơ sử dụng một loạt câu hỏi tu từ, dập dờn theo nhịp điệu của sóng.
– Lý giải quá trình hình thành nên những con sóng.
– Nhưng đối với câu hỏi về ngọn nguồn của tình yêu – nơi tình yêu bắt đầu thì vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
– Tình yêu là một thứ tình cảm mãnh liệt, nó luôn trực trào trong lòng mỗi người. Khát khao có được hạnh phúc, tình yêu đẹp luôn thôi thúc trong tác giả.
d. Đánh giá nghệ thuật
– Hình ảnh gợi cảm đặc sắc, đặc biệt là nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc cùng những câu hỏi tu từ dồn dập.
– Thể thơ năm chữ với cách ngắt nhịp phóng túng tạo âm hưởng dào dạt. Nhịp thơ khi nhẹ nhàng, khi da diết.
=> Qua đó, nhà thơ đã thể hiện được những chiêm nghiệm, suy ngẫm về cội nguồn của tình yêu cũng như khát vọng tình yêu thủy chung,
1.3. Kết bài:
– Khái quát nội dung và nghệ thuật của khổ 3, 4.
2. Phân tích khổ 3,4 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh hay nhất:
Tình yêu luôn là thứ tình cảm mãnh liệt, dâng trào trong lồng ngực của mỗi trái tim thao thức. Viết về thứ tình cảm này, nhà thơ Xuân Quỳnh làm nên một bài thơ ” Sóng” dạt dào tình yêu đôi lứa. Có nhiều cách làm trái tim rung động, có nhiều lý do để trái tim bắt đầu yêu, nhưng dường như đến nay câu hỏi: tình yêu bắt đầu từ đâu? lại chưa có câu trả lời. Đó cũng là điều mà nhà thơ Xuân Quỳnh băn khoăn khi nghĩ về được thể hiện qua khổ 3,4:
“Trước muôn trùng sóng bể
…
Khi nào ta yêu nhau.”
Bài thơ Sóng được Xuân Quỳnh sáng tác tại biển Diêm Điền năm 1967, sau được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Nếu trước đó tình yêu được ví như con thuyền và sóng biển thì nhà thơ Xuân Quỳnh lại ví von hình tượng sóng với em. Sóng là hình ảnh tượng trưng cho nhân vật em hóa thân vào trong đó. Nếu hai khổ thơ trước là quy luật của tình yêu thì đến khổ 3,4 là hành trình đi tìm cội nguồn của tình yêu. Những cảm xúc trào dâng, những khát khao mãnh liệt nhất của người thiếu nữ muốn được yêu thương, được sống trong một tình yêu chung thủy đã dần được bộc lộ.
Nhà thơ băn khoăn khi suy nghĩa về anh, em và nơi tình yêu bắt đầu:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Đứng trước không gian biển cả rộng lớn mênh mông, từng đợt sóng ào ạt vỗ vào bờ, bỗng trong em nảy ra những câu hỏi vô định, nghĩ về tình yêu của chúng mình. Biển rộng mênh mông kia đâu mới là nơi sóng khởi nguồn? Nơi nào tạo nên những đợt sóng vỗ ào ạt khiến trái tim em xao xuyến? Cũng như tình yêu của chúng ta, đâu là nơi khởi nguồn của ngọn lửa tình yêu. Những câu từ giản dị, mộc mạc nhưng rất đáng yêu như những lời tâm sự bộc bạch của người thiếu nữ khi mới yêu. Để rồi, những câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong đầu em:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Lý giải theo quy luật của tự nhiên, sóng là bắt đầu từ những cơn gió, những cơn gió ấy là biến động mặt biển tạo nên những lớp sóng vỗ. Cứ thế tuần hoàn, nhưng đến câu hỏi ” gió bắt đầu từ đâu”, nhà thơ lại không có đáp án. Sự ấp úng, không có câu trả lời đã khiến nhà thơ rơi vào trầm tư. Tình yêu của em và anh, nó xuất phát từ khi nào? Em cũng không biết nữa. Em chỉ biết rằng trong tiềm thức của mình luôn dành cho anh một trái tim nồng ấm, một cảm xúc dâng trào mãnh liệt. Sự bối rối này tạo nên hình ảnh thơ thật đẹp. Bởi để lý giải được cội nguồn của tình yêu đâu phải dễ. Ngay chính nhà thơ Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình cũng phải đầu hàng:
“Làm sao định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
Câu thơ cuối ” khi nào ta yêu nhau” như thể hiện sự đáng yêu, cái lắc đầu nhẹ của nhà thơ bởi thực sự không thể lý giải được ngọn nguồn của tình yêu. Thứ tình cảm ấy nó đến một cách kỳ lạ, bỗng dưng thổn thức, bỗng dưng tương tư và yêu thương người ta lúc nào không hay. Tình yêu có thể bắt đầu từ cái nhìn đấu tiên, thoáng qua những cũng đủ lưu lại trong tâm trí ta một ấn tượng khó phai. Như vậy, tình cảm của em dành cho anh là thật, nó mãnh liệt và đầy dâng tràn như những con sóng vỗ ngoài kia nhưng để lý giải thì em không biết. Em chỉ biết giây phút em dành tình yêu cho anh thì mọi thứ chẳng còn tiêu chuẩn gì, em chỉ khao khát được sống trong tình yêu của anh.
Mượn hình ảnh sóng để hóa thân mình vào đó, nhà thơ thật khéo léo và tinh thế. Việt kết hợp thể thơ như năm chữ gợi nhiều cảm xúc kết hợp với với các hình ảnh gợi tả đã tạo nên được sức hấp dẫn của bài thơ, tạo cảm giác nhẹ nhàng như người đọc cũng đang bắt gặp chính bản thân mình trong đó. Ngoài kia là biển cả mênh mông cùng với những con sóng vỗ vào bờ thì trong lòng em là những đợt sóng lòng, mang hình ảnh đối lập. Câu hỏi tu từ, hình ảnh thơ vừa tự nhiên, và trong sáng lại có sức gợi mở và suy tưởng đến sự không ngờ.
Hai khổ thơ gắn gọn nhưng cũng đủ để người đọc hiểu được những đợt sóng lòng dâng trong lòng của nhân vật trữ tình. Có lẽ, không chỉ mỗi nhà thơ, mà tất cả những trái tim khi yêu thì khó có thể lý giải được những cảm xúc trong lòng mình. Bởi khi khi tình yêu đến, con người ta chỉ muốn sống trọn vẹn với những phút giây ấy chứ đã không còn nghĩ đến việc tình yêu ấy bắt nguồn từ đâu. Dù tình yêu ấy xuất hiện bằng bất kỳ hình thức nào thì hai khổ thơ cũng đã thể hiện được khát khao một tình yêu chân thành, tốt đẹp mà nhà thơ muốn gửi gắm với người đọc.
3. Phân tích khổ thơ thứ 3,4 bài Sóng của Xuân Quỳnh:
Xuân Quỳnh là một nhà thơ tài năng. Thơ của bà là tiếng lòng của một tâm hồn nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Bài thơ “Sóng” ra đời trong chuyến đi thực tế của tác giả đến một vùng biển, ở đó bà có những suy tư về sóng – về anh, em và tình yêu. Viết về những bài thơ tình yêu, nhưng ngay chính tác giả vẫn bối rối khi hỏi về cội nguồn của nó:
” Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
…
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.”
Nếu hai khổ đầu của bài thơ là những chiêm nghiệm, suy tư về tình yêu – thứ tình cảm dạt dào làm bao con tim xốn xang thì sang đến khổ 3,4 lại là những bối rối, trăn trở về cội nguồn của tình yêu. Thể thơ năm chữ kết hợp với nhịp thơ đã diễn tả một cách hồn nhiên những suy nghĩ trong lòng của nhà thơ.
Đứng trước đại dương mênh mông, từng con sóng vỗ ào ạt vào bờ,” trước muôn trùng sóng bể”, nhà thơ có những suy tư về biển lớn, về anh, về em và tình yêu của chúng mình. Giữa dại dương bao la kia thì đâu là khởi nguồn của những con sóng. Cũng như tình yêu của em dành cho anh thì đâu là bắt đầu chuyện tình của chúng ta. Để rồi những mạch suy nghĩ ấy phải kết thúc bằng câu hỏi tu từ: “Từ khi nào sóng lên?”. Câu hỏi ấy thôi thúc tác giả đi tìm câu trả lời:
” Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.”
Theo quy luật của tự nhiên thì chúng ta rất dễ lý giải sự vận động của sóng và gió, nhưng còn tình cảm giải thích từ đâu…Không chỉ mỗi cô gái thiếu nữ ấy băn khoăn về cội nguồn của tình yêu mà ngay cả những người đã rất am hiểu về tình yêu cũng phải xin đầu hàng. Bởi tình yêu là thứ tình cảm rất khó nói, khó diễn tả cũng như chẳng thể lý giải được ngọn nguồn. Chẳng biết khi nào trái tim ta không ngừng rung động, xốn sang, chẳng biết khi nào con tim ấy đã biết yêu thương, nhớ nhung, Thật khó tả!
Khổ 3, 4 đã giúp người đọc thấy được những suy nghĩ đáng yêu, hồn nhiên của một tâm hồn thơ mộng, luôn khát khao đến một tình yêu đẹp.