Tôi xin vào làm việc cho một doanh nghiệp với vị trí thủ quỹ, nhưng lại yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tôi thấy gần đây có nhiều doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải nộp giấy này. Việc này gây tốn kém và mất thời gian đi lại vô cùng.
Tôi muốn hỏi, theo quy định trường hợp nào mới bắt buộc phải có phiếu lý lịch tư pháp, ý nghĩa của nó là gì? Đến đâu để xin phiếu này, chi phí và thời gian được cấp trong bao lâu?
Bạn đọc Công Tuấn nêu thắc mắc trên với Báo Thanh Niên.
Luật sư tư vấn
Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty Luật TNHH HPL và cộng sự) tư vấn,lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản (điều 2 luật Lý lịch tư pháp).
Hiện nay, chưa có quy định nào bắt buộc người lao động phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp khi xin việc làm. Tuy nhiên, nhằm xác định một cá nhân có án tích hay không, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự và các hoạt động đăng ký kinh doanh, quản lý khác… mà các doanh nghiệp, tổ chức có thể yêu cầu cung cấp loại giấy tờ này.
Theo đó, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, là nơi cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú, hoặc nơi tạm trú; và người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam (điều 44 luật Lý lịch tư pháp).
Sở Tư pháp sẽcấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú, hoặc tạm trú ở trong nước, và công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, và người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Trong đó, phiếu lý lịch tư pháp số 1 xác nhận cho cá nhân về tình trạng án tích. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 xác nhận về tình trạng án tích và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hồ sơ yêu cầu gồm: Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, CCCD, hộ chiếu photocopy trực tiếp tại Sở Tư pháp, hoặc qua bưu điện, lệ phí là 200.000 đồng/phiếu.
Riêng đối với sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) thì chỉ cần đóng phí 100.000 đồng/phiếu.
Nếu người dân đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi, đóng thêm 5.000 đồng/phiếu.
Trong đó, những người được miễn phí gồm: trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người cư trú tại xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật (Thông tư số 244/2016 của Bộ Tài chính).
Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Ngoài ra, sẽ không quá 15 ngày, nếu người được cấp là: công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài; người nước ngoài; người nước ngoài đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên (điều 48 luật Lý lịch tư pháp).
Cũng theo luật sư Huyền, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp sẽ gửi đến 3 cơ quan gồm công an cấp tỉnh, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an để xác minh thông tin. Những cơ quan này sẽ gửi kết quả về cho Sở Tư pháp. Khi đó, Sở mới căn cứ vào đây để cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người yêu cầu.
“Theo tôi, các cơ quan, tổ chức đừng nên quá lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp sẽ dẫn đến quá tải ở Sở Tư pháp, tốn kém, gây phiền hà cho người lao động không đáng có”, luật sư Huyền nói thêm.