Du Lịch Phong Nha Thông Tin Du Lịch Quảng Bình Giới thiệu đôi nét về Quảng Bình
Tỉnh Quảng Bình nằm ở Bắc Trung Bộ, Việt Nam, với diện tích tự nhiên là 8.065 km2, dân số năm 2019 là 895.430 người. Quảng Bình có điều kiện vô cùng thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng phát triển du lịch.
Vị trí địa lý
Toạ độ địa lý ở phần đất liền là:
- Điểm cực Bắc: 18005’ 12″ vĩ độ Bắc
- Điểm cực Nam: 17005’ 02″ vĩ độ Bắc
- Điểm cực Đông: 106059’ 37″ kinh độ Đông
- Điểm cực Tây: 105036’ 55″ kinh độ Đông
Tỉnh Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều đông – tây của Việt Nam (50km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông). Giáp Hà Tĩnh về phía bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía nam; giáp Biển Đông về phía đông; phía tây là tỉnh Khăm Muộn và tây nam là tỉnh Savannakhet của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên. Tỉnh có bờ biển dài 116,04 km ở phía Đông và có chung biên giới với Lào 201,87 km ở phía Tây.
Lịch sử hình thành Quảng Bình
Trong lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, Quảng Bình luôn là một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Vùng đất Quảng Bình hôm nay đã trải qua nhiều lần thay đổi cương vực (địa giới lãnh thổ) với các tên gọi là Bố Chính, Tân Bình, Lâm Bình, Tiên Bình, Tây Bình.
Theo thư tịch cũ, thuở vua Hùng lập quốc, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, khu vực ngày nay là Quảng Bình có giai đoạn thuộc quận Tượng Lâm, có giai đoạn thuộc quận Nhật Nam. Năm 192 triều đại Đông Hán bị đánh bại phải rút quân về nước, Quảng Bình nằm trong lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý.
Năm 1069, để phá tan âm mưu cấu kết giữa quân xâm lược nhà Tống và Chiêm Thành, một đạo quân Đại Việt do Lý Thánh Tông cầm đầu và tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy, đã tiến đánh vào tận kinh thành Chăm-pa, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Để chuộc tội, vua Chiêm cắt dâng 3 châu: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (gồm Quảng Bình – Quảng Trị) cho nhà Lý. Quảng Bình trở về với cội nguồn Đại Việt từ đó.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt đổi tên Châu Bố Chinh thành Châu Bố Chính, Châu Địa Lý thành Châu Lâm Bình. Mảnh đất Quảng Bình từ đó chính thức được đưa vào bản đồ nước ta. Chính Lý Thường Kiệt là người có công đầu xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn cương vực lãnh thổ như ngày nay.
Sau thời Lý Thường Kiệt, cương vực và tên vùng đất này lại có nhiều thay đổi, năm 1361 vua Trần Duệ Tông đổi châu Lâm Bình thành phủ Tân Bình, năm 1375 Trần Duệ Tông đổi phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình.
Dưới triều Lê, đời Lê Thánh Tông (1460-1497), quận Tân Bình thuộc Châu Thuận Hoá.
Đến thời Nguyễn Hoàng (1558 đến 1604) vùng đất Bắc sông Gianh gọi là xứ Đàng Ngoài, vùng Nam sông Gianh gọi là xứ Đàng Trong. Năm 1605 Nguyễn Hoàng đổi Châu Bố Chính thành phủ Quảng Bình, cái tên Quảng Bình có từ đó.
Nguyễn Huệ là người có công chấm dứt nội chiến Nam Bắc phân tranh hơn 200 năm, lấy sông Gianh làm ranh giới, thống nhất đất nước xóa bỏ 2 châu Bắc, Nam Bố Chính thành lập Châu Thuận Chính (Thuận có nghĩa là hòa thuận chấm dứt chiến tranh).
Năm 1802, sau khi đàn áp phong trào Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, Gia Long trở lại tên gọi vùng đất Quảng Bình hiện nay là Bố Chính nội, Bố Chính ngoại, nhằm phân biệt giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc phong tước phẩm, định mức thuế đối với nhân dân hai bờ sông Gianh.
Năm 1832, đời vua Minh Mạng, Bố Chính trở về tên gọi là tỉnh Quảng Bình (tên tỉnh Quảng Bình là một đơn vị hành chính bắt đầu từ đây). Từ đây cho đến thời vua Thiệu Trị toàn tỉnh có 2 phủ, 6 huyện (phủ là đơn vị hành chính bao gồm nhiều huyện). Phủ Quảng Ninh có 3 huyện: Phong Lộc, Phong Đăng và Lệ Thủy (Đồng Hới thuộc phủ Quảng Ninh). Phủ Quảng Trạch gồm 3 huyện: Bố Trạch, Bình Chánh và Minh Chánh.
Sau phong trào Cần Vương cho đến trước 1945, Quảng Bình có 2 phủ và 3 huyện (phủ lúc này không bao gồm huyện) đó là: Quảng Ninh và Quảng Trạch, ba huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa (suốt thời kỳ thuộc địa Pháp dưới triều Nguyễn, Đồng Hới là tỉnh lị Quảng Bình).
Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quảng Bình có 5 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Đồng Hới (đến năm 1965 tách huyện Tuyên Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa cho đến tháng 9 – 1975).
Từ ngày 20 tháng 9 năm 1975 Trung ương có quyết định nhập Quảng Bình với Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình – Trị – Thiên, lấy thành phố Huế làm tỉnh lị.
Bắt đầu từ đây có sự sát nhập một số huyện ở Quảng Bình cũ: huyện Lệ Ninh (Quảng Ninh và Lệ Thủy), huyện Tuyên Minh (Tuyên Hóa và Minh Hóa).
Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên, ngày 1-7-1989 Trung ương Đảng đã có quyết định tách 3 tỉnh về địa giới cũ. Quảng Bình phục hồi lại vị trí các huyện như trước khi nhập tỉnh. Ngày 12-12-2004 thị xã Đồng Hới được Chính phủ ra Quyết định nâng cấp thành Thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh.
Năm 2020, Tỉnh Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương gồm 1 thành phố (Đồng Hới), 1 thị xã (Ba Đồn) và 6 huyện (Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa).
Địa hình
Địa hình Quảng Bình hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông. 85% tổng diện tích tự nhiên là đồi núi. Toàn bộ diện tích được chia thành vùng sinh thái cơ bản: Vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển.
Hầu như toàn bộ vùng phía tây tỉnh là núi cao 1.000-1.500 m, trong đó cao nhất là đỉnh Phi Co Pi cao 2017 m, kế tiếp là vùng đồi thấp, phân bố theo kiểu bát úp. Gần bờ biển có dải đồng bằng nhỏ và hẹp. Sau cùng là những tràng cát ven biển có dạng lưỡi liềm hoặc dẻ quạt.
Khí hậu
Quảng Bình nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa và luôn bị tác động bởi khí hậu của phía Bắc và phía Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt:
– Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.500 – 2.000mm/năm. Thời gian mưa tập trung vào các tháng 9, 10 và 11.
– Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8 với nhiệt độ trung bình 24oC – 25oC. Ba tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 6, 7 và 8.
Tài nguyên đất
Tài nguyên đất được chia thành hai hệ chính: Đất phù sa ở vùng đồng bằng và hệ pheralit ở vùng đồi và núi với 15 loại và các nhóm chính như sau: nhóm đất cát, đất phù sa và nhóm đất đỏ vàng. Trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, chủ yếu ở địa hình đồi núi phía Tây, đất cát chiếm 5,9% và đất phù sa chiếm 2,8% diện tích. Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích lúa lớn nhất của tỉnh Quảng Bình.
Tài nguyên động, thực vật
Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn – nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha – Kẻ Bàng.
Về động vật: có 493 loài, 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá… có nhiều loài quý hiếm như Voọc Hà Tĩnh, Gấu, Hổ, Sao La, Mang Lớn, Gà Lôi lam đuôi trắng, Gà Lôi lam mào đen, Trĩ…
Về đa dạng thực vật: Với diện tích rừng 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên 447.837 ha, rừng trồng 38.851ha, trong đó có 17.397 ha rừng thông, diện tích không có rừng 146.386 ha. Thực vật ở Quảng Bình đa dạng về giống loài: có 138 họ, 401 chi, 640 loài khác nhau. Rừng Quảng Bình có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun, huỵnh, thông và nhiều loại mây tre, lâm sản quý khác. Quảng Bình là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc. Hiện nay trữ lượng gỗ là 31triệu m3.
Tài nguyên biển và ven biển
Quảng Bình có bờ biển dài 116,04 km với 5 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn: cảng Nhật Lệ, cảng Gianh và cảng biển là cảng Hòn La. Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4 km2, có độ sâu trên 15 mét và xung quanh có các đảo che chắn: Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Trên đất liền có diện tích khá rộng (trên 400 ha) thuận lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu.
Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp như Biển Nhật Lệ, Biển Đá Nhảy, Biển Hải Ninh… có điều kiện thuận lợi để xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1650 loài), trong đó có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô. Phía Bắc Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, đó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất hàng mỹ nghệ và tạo ra vùng sinh thái của hệ san hô. Điều đó cho phép phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển.
Mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: Với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản khá lớn. Tổng diện tích 15.000 ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10-15km giao động từ 8-30%o và độ pH từ 6,5- 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm cua.
Tài nguyên nước
Quảng Bình có hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8 – 1,1 km/km2. Có năm sông chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh và sông Nhật Lệ (là hợp lưu của sông Kiến Giang và sông Long Đại). Có khoảng 160 hồ tự nhiên và nhân tạo với dung tích ước tính 243,3 triệu m3.
Tài nguyên khoáng sản
Quảng Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm… và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit… Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Có suối nước khoáng nóng 105oC. Trữ lượng vàng tại Quảng Bình có khả năng để phát triển công nghiệp khai thác và chế tác vàng.
Dân cư
Theo tổng điều tra dân số tính đến ngay 1 tháng 4 năm 2019, dân số Quảng Bình đạt 895.430 người. Trên địa bàn tỉnh có 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng chủ yếu là người Kinh, khoảng 97%. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem, v.v… sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Dân cư phân bố không đều, 79% sống ở vùng nông thôn và 21% sống ở thành thị.
Nguồn lao động
Nguồn nhân lực của tỉnh khá dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm 64,47% tổng dân số (dân số hơn 860.000 người); trong đó lao động nữ chiếm (47,7%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 50% trong đó số đó qua đào tạo nghề là 27%. Điểm mạnh của nguồn nhân lực Quảng Bình là thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và cầu tiến bộ. Hiện tại tỉnh có 1 trường Đại học Quảng Bình với qui mô đào tạo 2.050 sinh viên/năm, ngoài ra còn có nhiều cơ sở đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp, hàng năm đào tạo được khoảng 11-12 ngàn lao động thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Giao thông
Quảng Bình có các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng Bắc – Nam Việt Nam chạy qua: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường sắt Bắc – Nam. Ngoài ra, tỉnh còn có giao thông hàng hải (cảng Hòn La, cảng Gianh) và hàng không (sân bay Đồng Hới).
Đi theo chiều ngang của tỉnh có Quốc lộ 12A nối biển Đông qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo với Lào, từ cảng biển Hòn La, qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, qua cầu Hữu nghị 3 qua sông Mê Kông nối với Thái Lan, Myanmar và các nước Nam Á chỉ với khoảng 350 km, đây là con đường ngắn nhất nối biển Đông Việt Nam với các nước Trung Á. Nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Bình sẽ trở thành tỉnh có đầu mối quan trọng thông thương ra khu vực và thế giới về giao lưu buôn bán, hợp tác phát triển và là cửa ngõ kinh tế phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma – một vùng có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Cơ sở hạ tầng
– Mạng lưới viễn thông, thông tin liên lạc thông suốt trong nước và quốc tế, mạng điện thoại di động đã phủ sóng toàn tỉnh.
– Hệ thống điện lưới quốc gia 220KV và 110KV đồng bộ đảm bảo cung ứng năng lượng cho các khu công nghiệp và đô thị.
– Hệ thống cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn quốc gia được lắp đặt tới hàng rào các dự án và các khu công nghiệp
– Hệ thống ngân hàng đáp ứng mọi quan hệ giao dịch và nhu cầu thanh toán. Các hoạt động ngoại hối, giao dịch ngoại tệ, thanh toán quốc tế không ngừng phát triển và mở rộng.
– Cơ sở hạ tầng thương mại và du lịch được tập trung đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng; hệ thống khách sạn đạt chuẩn sao như: Sun spa Resort, Sài Gòn Quảng Bình; khách sạn Mường Thanh, Bảo Ninh Beach Resort…
– Y tế: Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào trên các lĩnh vực công tác. Chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho người dân ngày càng được nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện…Trên địa bàn có 01 bệnh viện hạng I do Bộ Y tế quản lý với quy mô trên 500 giường bệnh đó là Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba và hệ thống các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, khu vực có quy mô từ 100-150 giường trở lên: Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Hới, Bệnh Viện Đa Khoa Bắc Quảng Bình… Hệ thống trạm y tế phủ kín các xã, phường, thị trấn đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh kịp thời.
Văn hoá và tiềm năng du lịch
Quảng Bình nằm ở Miền Trung Việt Nam, nơi hội tụ giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa của cả hai miền Nam – Bắc, đã có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị văn hóa khá phong phú, kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian độc đáo như hò khoan Lệ Thủy, hò thuốc Minh Hóa, hò hẻ Cảnh Dương…
Dãi đất Quảng Bình nổi tiếng có phong cảnh thật kỳ vĩ, sơn thuỷ hữu tình hội đủ đặc trưng của các loại địa hình đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, Vũng Chùa Đảo Yến, bãi Đá Nhảy, biển Nhật Lệ … Đặc biệt là Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được Unesco công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Khu vực Phong Nha Kẻ Bàng có hệ thống hang động kỳ vĩ được mệnh danh là “Vương quốc hang động” nơi tiềm ẩn nhiều điều bí ẩn và hấp dẫn như động Phong Nha, Động Tiên Sơn, Hang Tối, Động Thiên Đường…, trong đó nổi bật nhất là Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất Thế giới (được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới). Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch Quảng Bình. Ngoài ra, Quảng Bình còn có suối nước nóng Bang có nhiệt độ sôi tự nhiên lên đến 105°C, chất lượng khoáng tốt, có thể sản xuất nước giải khát cao cấp và xây dựng trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh lý tưởng.
Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hoá Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị như: Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, Chùa Hoằng Phúc, Hoành Sơn Quan … nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, hệ thống di tích lịch sử A.T.P (cua chữ A, ngầm Talê, đèo Pu La Nhích) trên đường 20 quyết thắng, Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v… Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hoá nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn- Hà- Cảnh – Thổ- Văn- Võ- Cổ – Kim”.
Danh nhân Quảng Bình
Theo dòng chảy lịch sử, trong quá trình đấu tranh và xây dựng, nhân dân Quảng Bình đã góp phần hun đúc và đắp xây nên truyền thống kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất. Chính vì lẻ đó, mảnh đất Quảng Bình đã sản sinh ra biết bao nhiêu người con nổi tiếng; nhiều làng xã, dòng họ nổi tiếng trở thành chỗ dựa tin cậy cho các vương triều và nhiều lúc là cho cả vận mệnh dân tộc, góp phần làm thay đổi diện mạo lịch sử của đất nước.
Đó là trạng nguyên thời kỳ đầu của khoa bảng Quảng Bình là Trương Xán khi mới 29 tuổi và tiếp theo thời kỳ nào cũng có người có tên trong danh lục khoa bảng Việt Nam, đã có gần 50 người đỗ đại khoa, trong đó có 1 trạng nguyên, 27 tiến sĩ, 19 phó bảng và hàng trăm người đỗ cử nhân. Trong danh sách 49 vị đại khoa ghi nhận là được có nhiều gia đình, dòng họ có nhiều người đỗ đạt; Khai quốc công thần như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, các nhà trước tác, học thuật nổi tiếng như cụ Huỳnh Côn; các thế gia vọng tộc như gia tộc thành đạt như họ Trần Đăng, họ Nguyễn Hữu, họ Nguyễn Duy, họ Trần Khắc…; có rất nhiều danh sỹ nổi tiếng như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Kinh Chi… Tài năng trước thuật và tài thao lược quân sự như Lê Sỹ, Hoàng Kế Viêm, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Mai Lượng… cho đến các tướng lĩnh thời hiện đại như Hoàng Sâm, Võ Nguyên Giáp… kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Quảng Bình cũng là cái nôi lớn của văn hào đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, như Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Quách Xuân Kỳ…