- Về miền quê cổ tích
Vì thời nay, chuyển lung tung, các cụ, đời ông bà đã chuyển, không còn bám ruộng như xưa. Thí dụ, một gia đình có đời ông bà gốc ở miền Bắc, miền Trung, thời Pháp thuộc đi “công tra” (tức đi phu đồn điền, vào Nam làm cao su, rau hoa quả, làm vườn, đánh xe…), ở lại lập quê hương thứ hai.
Đời con, vì nhiều lý do lại tản mát, mỗi người đi một nơi, rồi đóng đô luôn lấy quê thứ ba.
Nay đời cháu, vì đi học, đi làm khu công nghiệp… lại bỏ quê ra phố, rồi lấy vợ lấy chồng, ở luôn, theo phong trào (và nhu cầu) nông thôn hóa thành thị.
Lại có nhiều người khác sau thời gian gầy dựng cơ nghiệp, lúc về già, thích kiếm núi cao biển sâu tĩnh lặng… làm quê mới.
Dịch chuyển là quyền tự do, nhu cầu kiếm sống, cũng là sự “phân công của xã hội”. Khi đất nước cần sức trẻ làm dầu khí, hàng đợt sóng vào Vũng Tàu. Khi cần khai hoang khu kinh tế mới, hàng loạt lên vùng cao, vùng sâu vùng xa… Khai lý lịch lại lúng túng, trong khi với địa phương lại phải kể lể vòng vo mấy đời mới ra tung tích.
Quê ở đâu? Biết đâu mà kể ngay. Vì khái niệm quê rất chung chung. Đó là nơi tổ tiên, họ hàng ở nhiều đời, là nơi sống từ nhỏ và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa, phong tục địa phương?
Quê lại còn có quê nội, quê ngoại, có khi cách xa nhau cả chiều dài đất nước. Khai theo quê cha, gọi là cho có quê để khai, nhưng sống gần hết đời có khi cũng chưa về quê lần nào.
Cha Bắc, mẹ Nam, nhưng lấy nhau, lập nghiệp ở miền Trung, con cái đi học, làm lý lịch… học thuộc bài khai quê như hát hay mà chưa thấy bao giờ.
Quê là nơi sinh ra và lớn lên? Có người chỉ sinh ra nhưng tuổi thơ lại không ở đó, có được nhận là quê? Lại có trẻ sinh ra trên máy bay, tàu thuyền, trong những chuyến du lịch… thì khai quê ở đâu, nếu nhất nhất theo định nghĩa này?
Tại sao phải ghi quê? Các cụ ngày xưa dọa trẻ con mới lần đầu khai lý lịch: Ghi vào để nếu hư, công an biết quê mà về tận nơi để bắt. Vì về quê, mọi người đều biết nhau, hỏi là ra… Chuyện ấy bây giờ ngày càng khó vì trẻ con ngày nay ít biết quê, và ở quê dễ gì ai biết đến nó…
Một nước mới bắt đầu công nghiệp hóa, còn nhiều dây mơ rễ má gắn với quê. Nhiều nước đã công nghiệp hóa lâu, con người chạy theo nhu cầu công việc, chỉ nhớ đến nơi sinh sống. Thay vì ghi quê vào giấy tờ, người ta chỉ ghi nơi sinh, nơi tạm trú.
Quản lý theo quê dường như xưa rồi. Quê chỉ để phân biệt nhanh giữa những người trùng tên và trong giới quen biết…
Mã số cá nhân là cách quản lý hiện được rất nhiều nước áp dụng. Cả đời một người chỉ cần nhớ một con số của riêng mình. Khi cần, chỉ tra con số đó là ra tất, từ nguồn gốc con người, quê quán, cho đến nhóm máu, công việc, tài sản, thuế má…
Một con số mã hóa một đời người, có đủ mọi dữ liệu. Khi cần thiết, cơ quan chức năng tra hồ sơ trên mạng nội bộ sẽ biết tất. Nhưng với người thường, chỉ là một con số khô khan, bảo đảm giữ kín bí mật cá nhân.
Quê ở đâu, quan trọng gì, mọi người đều bình đẳng đằng sau một con số mở hồ sơ riêng tư.