1. Mã số bảo hiểm xã hội là gì? Mã số này có phải số sổ BHXH không?
Mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế (theo khoản 2.13 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Mỗi người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cấp một mã số riêng biệt, mã số này gồm 10 chữ số, được ghi trên sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế.
Mã số bảo hiểm xã hội cũng chính là số sổ bảo hiểm xã hội. Bởi theo Điều 4 Quyết định 1035/QĐ-BHXH năm 2015, phần số sổ bảo hiểm xã hội ghi số định danh của người tham gia.
Mã số bảo hiểm xã hội hay còn gọi là số bảo hiểm xã hội được cấp có tác dụng định danh người lao động trên hệ thống bảo hiểm xã hội, gắn với quá trình đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
2. Tra cứu số bảo hiểm xã hội để làm gì?
Biết cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội thì khi lỡ quên, người lao động sẽ biết cách tìm lại để phục vụ cho việc thực hiện các thủ tục sau:
– Đăng ký tài khoản VssID – Bảo hiểm xã hội số để xác lập tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, sau này tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH online.
– Tra cứu Bảo hiểm xã hội online tại Website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
– Cung cấp thông tin để công ty làm thủ tục bao gồm:
- Đăng ký, thay đổi thông tin đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
- Báo tăng, báo giảm, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
- Truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với người lao động vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc vi phạm hoặc đề nghị truy đóng khi được tăng tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN các tháng trước…
3. Cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội
Cách 1. Tra cứu số bảo hiểm xã hội trên bìa sổ giấy
Như Quyết định 595 đã nêu ở trên, mã số bảo hiểm xã hội được thể hiện ngay trên sổ bảo hiểm xã hội. Do đó nếu đang sở hữu sổ bảo hiểm xã hội trong tay, người lao động có thể nhìn thấy mã số được in ngay trên bìa sổ của mình.
Trước đây, sổ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động giữ. Tuy nhiên, từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2016) thì người lao động là người có trách nhiệm giữ và bảo quản sổ của mình (theo khoản 3 Điều 19). Tuy nhiên, nhiều hợp người lao động vẫn gửi người sử dụng lao động giữ và bảo quản thay.
Trong trường hợp, người lao động vẫn chưa được người sử dụng lao động giao sổ để giữ thì có thể tra cứu mã số bảo hiểm xã hội bằng các cách sau.
Cách 2. Tra cứu số sổ BHXH trên thẻ bảo hiểm y tế
Nếu không có sổ bảo hiểm xã hội, người lao động cũng có thể tra cứu số bảo hiểm xã hội bằng cách xem các mã số được in trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
* Nếu đang dùng thẻ BHYT mẫu cũ:
Mã số bảo hiểm xã hội chính là 10 số cuối của mã số thẻ BHYT. Mã số thẻ bảo hiểm y tế gồm 04 ô:
– Ô đầu tiên gồm 02 chữ cái, là mã đối tượng tham gia BHYT.
– Ô thứ 2 được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 – 5) là mức hưởng BHYT.
– Ô thứ 3 được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT.
– Ô thứ 4 gồm 10 số tự nhiên, chính là mã số bảo hiểm xã hội của người tham gia.
>> Xem thêm: “Giải mã” 15 ký tự trong mã số của Thẻ bảo hiểm y tế
* Nếu sử dụng mấu thẻ BHYT mới từ ngày 014/2021:
Mã số bảo hiểm xã hội cũng chính là mã số BHYT trên thẻ.
Cách 3. Tra cứu số sổ BHXH trực tuyến tại Website của BHXH Việt Nam
Bước 1: Truy cập: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-ho-gia-dinh.aspx
Bước 2: Nhập thông tin cá nhân.
Bắt buộc phải nhập họ tên, tỉnh thành phố theo hộ khẩu thường trú và nhập thêm ít nhất một trong các trường:
+ Mã số BHXH.
+ Ngày sinh.
+ Số CMND.
Bước 3: Bấm tra cứu.
Cách 4. Tra cứu số bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VssID
Người lao động có thể sử dụng cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội của mình thông qua tài khoản VssID của bạn bè hoặc người thân với các thao tác đơn giản.
Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID.
Bước 2: Chọn Tra cứu.
Bước 3: Chọn Tra cứu mã số BHXH.
Bước 4: Nhập thông tin.
Bước 5:Xem mã số bảo hiểm xã hội.