Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.
Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và tây bắc thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây (chữ Hán: 山西), tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây). Tỉnh lị là thị xã Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài.
Lịch sử
Lịch sử vùng đất Sơn Tây
Sơn Tây là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời “Thuở trước công nguyên, Sơn Tây – Xứ Đoài là ĐẤT TỔ, vì đấy là vùng thềm phù sa cổ, vùng thượng châu thổ của tam giác châu sông Nhị – Thái Bình”, với nhiều di chỉ khảo cổ học thời tiền sử, sơ sử, đồng thời là nơi chứng kiến sự xuất hiện nhà nước đầu tiên – Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc; được minh chứng qua các di tích “Ở đồi Vạn Thắng, Cổ Đô (tổng Thanh Mai cũ) và ở ngay các gò Mông Phu (Mông Phụ – Mía) đã tìm thấy các di vật cuội đẽo thuộc văn hóa đá cũ Sơn Vi tuổi đã xấp xỉ 2 vạn năm”,… “Ở Sơn Tây đã có hàng chục di chỉ cư trú sơ kỳ đồng thau (xấp xỉ 4000-3500 năm cách ngày nay): Điển hình là các di chỉ ở Hoàng Xá. Ở chân núi Phượng Hoàng cạnh núi Sài Sơn, ở Gò Mả Đống- Ba Vì”, nhiều ý kiến cho rằng “Bậc thềm Sơn Tây – Ba Vì là linh địa của trung tâm đất Mê Linh thời cổ, nay là vùng Cổ Đông chân núi Tản Viên…là vùng đất có bề dày lịch sử, gắn liền với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc”.
Ngược dòng lịch sử ngành khảo cổ học đã cho niên đại của vùng đất này có con người sinh sống cách nay hàng vạn năm, những di tích, nền văn hóa khảo cổ cũng chứng minh nơi đây từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Việt cổ, nền văn hóa Đông Sơn bao trùm một phạm vi rộng lớn trên dải đất cổ của Sơn Tây, và đây là nền văn hóa bản địa, là cơ sở cho sự ra đời của nhà nước. Đây là cương vực của quốc gia Văn Lang, là khu vực gần sát địa bàn mà Hùng Vương đã chọn dải đất Phong Châu để làm kinh đô thời lập nước.
Tên gọi “Sơn Tây” xuất hiện trên sử sách đã hơn 500 năm. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông thấy nơi này có mấy ngọn núi và ở phía Tây thành Thăng Long mới đặt là Sơn Tây thừa tuyên.
Qua từng thời kỳ, vùng đất cổ Sơn Tây có những thay đổi về cương vực đơn vị hành chính, có khi là một vùng đất rộng lớn hơn sau này, có lúc thì tách nhập đổi tên vào một quận, huyện dưới thời Bắc thuộc, về đại để sách sử chép lại vùng đất này như sau: “Đất đai Sơn Tây, xưa gọi là Phong Châu, thời Hùng Vương định đô ở đấy, “Theo Nam sử, địa phận Sơn Tây ngày nay, vốn thủa xưa thuộc đất Phong Châu, tức là kinh đô của 18 đời Hùng Vương”, dựng quốc hiệu Văn Lang, chia trong nước làm 15 bộ, Phong Châu, Phúc Lộc, Chu Diên tức là đất Sơn Tây nay. Đời Tần Thuỷ Hoàng, quận huyện đất ấy đặt làm Tượng Quận, kéo dài đến tận phía Nam Quế Lâm. Vào thời Tần là đất Lục Lương, thời thuộc Hán gọi là Mê Linh, cho lệ vào bộ Giao Chỉ (quận Giao Chỉ). Thời Ngô chia đặt bộ Tân Hưng, nhà Tấn đổi làm bộ Tân Xương. Thời Tống, Tề, Lương đều theo tên như đời Tấn, đời Tuỳ gọi là Gia Ninh, đều cho nhập vào quận Giao Chỉ. Đời Đường lại gọi là Phong Châu, thuộc An Nam đô hộ phủ thì đất Lục Lương, Mê Linh, Chu Diên, Tân Hưng, Tân Xương, Gia Ninh hay Phong Châu đều là đất Sơn Tây vậy. Thời Sứ quân Nguyễn Khoan1 gọi là đất Tam Đái triều Đinh cùng nhà Tiền Lê thay đổi không thống nhất. Đến triều Lý gọi là châu Quốc Oai, lại gọi là châu Quảng Oai, đời Trần là trấn Quảng Oai, cũng gọi là lộ Tam Giang” (Sơn Tây quận huyện bị khảo).
Thời Hồ, về cơ bản các đơn vị hành chính không khác nhiều so với thời Trần. Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi gọi các phủ, lộ là trấn và đặt thêm chức quan ở đó, bãi bỏ chức Đại tiểu tư xã, chỉ để quản giáp như cũ. Hồ Quý Ly ép vua Trần dời đô về Thanh Hóa, và gọi là Tây Đô. Phủ, lộ là cấp hành chính địa phương cao nhất của nước Đại Ngu, một số được đổi thành trấn từ cuối thời Trần. Cả nước có 24 đơn vị hành chính, Sơn Tây thuộc trấn Quảng Oai.
Đến thời Lê Sơ, năm 1428 vua Lê Thái Tổ chia nước ra làm 5 đạo, vùng Sơn Tây bây giờ gọi là đạo Tây và gồm có “Quốc Oai Thượng, Quốc Oai Trung và Quốc Oai Hạ”. Nhưng đây là cách phân chia đơn vị hành chính ở thời kỳ đất nước sau khi độc lập, hay còn được gọi là thời kỳ “quá độ”2 , những đại thần cai quản các đạo này (quan Hành khiển) có quyền rất lớn, do vậy mà quyền lực không thể tập trung cao độ vào tay vua (hoàng đế), sau này thì Lê Thánh Tông đã tiến hành sắp xếp lại cho chặt chẽ hơn, thâu tóm quyền lực vào tay vua3 .
Diên cách vùng đất Sơn Tây qua các triều đại phong kiến
Theo sách Sơn tây dư đồ và sách Sơn Tây thành trì tỉnh Vĩnh Yên hạt sự tích (Sơn Tây sự tích) thì thành cũ vốn được xây dựng từ thời Lê Sơ “thuộc địa phận xã La Thẩm, huyện Tiên Phong. Thành được xây dựng từ năm tháng nào thì không có mấy ai được rõ, mãi về sau ta vẫn thấy vết tích của nó còn lưu lại là một con đường nhỏ, chạy từ chân đê tới bờ sông”. Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí sử gia Phan Huy Chú cũng cho biết thêm “Đất La Phẩm ở huyện Tiên Phong là trấn sở của triều cũ. Trong đời Cảnh Hưng mới dời đến xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc”.
Nhà Sử học triều Nguyễn là Đặng Xuân Bảng trong sách Việt sử cương mục tiết yếu (quyển IV, kỷ nhà Lê – Thánh tông Thuần hoàng đế), chép về việc chia đặt các đơn vị hành chính địa phương: “Hồi quốc sơ, chia làm 5 đạo4 . Đến đây chia làm 12 đạo. Đó là các đạo: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên và Quảng Trị), Thiên Trường (nay là các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định), Nam Sách (nay là Hải Dương), Quốc Oai (nay là Sơn Tây)…”. Cũng trong sách này có đoạn nói về việc đổi Quốc Oai thành Sơn Tây có 6 phủ 24 huyện “Phủ Quốc Oai có 6 huyện là Từ Liêm, Phúc Lộc, Yên Sơn, Thạch Thất và Đan Phượng. Phúc Lộc nay là Phúc Thọ…Phủ Quảng Oai có 2 huyện là Mỹ Lương và Minh Nghĩa. Minh Nghĩa nay là Tùng Thiện”5 .
Sử gia Lê Quý Đôn trong phần nói về Phong vực (bờ cõi) đã dành nhiều trang viết về Sơn Tây, đó là những ghi chép khá phong phú, có thể coi là sớm nhất về vùng đất này. Về hành chính “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, trấn Sơn Tây gọi là xứ Tam Giang, sau mới đổi tên này”6 . Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi làm thừa tuyên Quốc Oai, Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê đã chép “Đặt 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô”.
Năm Kỷ Sửu (1469), Quang Thuận năm thứ 10, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc thành lập thừa tuyên Sơn Tây, như sau: “Mùa hạ, tháng tư…Quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên…Sơn Tây 6 phủ 24 huyện”7 . Năm Quang Thuận 10 (1469) “đổi đặt 13 đạo thừa tuyên thì gọi là đạo Quốc Oai, đặt các chức Chuyển vận chánh, phó sứ cùng là Tuần kiểm thuộc bản đạo Thừa tuyên. Năm Hồng Đức (1470-1497) đặt 12 Thừa tuyên, vẽ bản đồ, lại gọi là đạo Sơn Tây. Dưới đạo chia đặt phủ, huyện, đổi chức Chuyển vận chánh sứ làm Tri phủ, Phó sứ làm tri huyện, Tuần kiểm làm Huyện Thừa”8 .
Năm Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 vua Lê Thánh Tông cho người đo đạc lập địa đồ của nước Đại Việt “Mùa hạ, tháng 4, ngày 4, xác định bản đồ toàn quốc: 13 xứ thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường”. Bộ Hồng Đức bản đồ9 vẫn còn được truyền lại tới ngày hôm nay, đây là một tư liệu rất quý về địa hình sông núi của nước ta, nhất là về hành chính của các trấn, thừa tuyên, trong cả nước. Cũng năm này, lại đổi gọi các đơn vị hành chính địa phương thành xứ thừa tuyên, đó là các xứ thừa tuyên “Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam và phủ Trung Đô”10 …
Khi thành lập tỉnh Sơn Tây có 5 phủ:
- Phủ Quốc Oai, ban đầu gồm 4 huyện: Đan Phượng (về sau, thời Pháp thuộc được chuyển về phủ Hoài Đức), Mỹ Lương (nay là vùng đất thuộc một phần địa bàn huyện Mỹ Đức;tây huyện Chương Mỹ Hà Nội, huyện Lương Sơn và huyện Kim Bôi Hòa BìnhThạch Thất, Yên Sơn (nay là huyện Quốc Oai)11 12 . Đến thời Pháp thuộc, sáp nhập thêm huyện Phúc Thọ từ phủ Quảng Oai về. Riêng huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai thời còn là trấn Sơn Tây được cắt về phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội năm 1831.13
- Phủ Quảng Oai, ban đầu gồm 4 huyện: Phúc Thọ (nguyên là huyện Phúc Lộc trấn Sơn Tây những năm 1802-1823, ngày nay gồm địa bàn: huyện Phúc Thọ, phần phía bắc thị xã Sơn Tây, xã Cam Thượng huyện Ba Vì), Bất Bạt (nay là phần đất thuộc các huyện Thanh Thủy, Phú Thọ; một phần huyện Ba Vì, Hà Nội và Kỳ Sơn, Hòa Bình), Minh Nghĩa (đến năm 1853 đổi là Tùng Thiện, nay là phần phía nam thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì), Tiên Phong (về sau, thời Pháp thuộc đổi là huyện Quảng Oai, nay thuộc phần phía bắc huyện Ba Vì Hà Nội).14 15
- Phủ Tam Đới /Đái (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc), gồm các huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang, Yên Lạc, Yên Lãng.
- Phủ Đoan Hùng (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang), gồm các huyện: Đông Quan, Đương Đạo, Sơn Dương, Tam Dương, Tây Quan.
- Phủ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), gồm các huyện: Hạ Hoa (nay là Hạ Hòa), Hoa Khê (nay là Cẩm Khê), Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao),Thanh Ba. Riêng huyện Tam Nông tách khỏi Sơn Tây năm 1831 để nhập vào tỉnh Hưng Hóa, làm nơi đặt tỉnh lị tỉnh Hưng Hóa.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau khi đánh chiếm và đô hộ Bắc Kỳ, chính quyền thực dân Pháp thực thi chính sách chia để trị, tỉnh Sơn Tây đã bị cắt phần lớn đất đai để lập mới các tỉnh Hưng Hóa, Vĩnh Yên, Phù Lỗ, Hòa Bình.
Ngày 22 tháng 7 năm 1886, tách các vùng người Mường cư trú để lập tỉnh Mường (tức tỉnh Hòa Bình sau này). Có một khoảng thời gian tỉnh lị tỉnh Mường đặt ở xã Phương Lâm, vốn thuộc huyện Bất Bạt, phủ Quốc Oai.
Ngày 18 tháng 4 năm 1888, thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định tách phủ Đoan Hùng (lúc đó gồm 3 huyện Hùng Quan, Ngọc Quan và Sơn Dương) khỏi tỉnh Sơn Tây để nhập vào tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh Sơn Tây sau đó còn 4 phủ: phủ Quốc Oai (gồm 2 huyện Thạch Thất và Yên Sơn), phủ Quảng Oai (gồm 4 huyện Bất Bạt, Phúc Thọ, Tiên Phong, Tùng Thiện), phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng và Tam Dương), phủ Lâm Thao (gồm 5 huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba).
Ngày 20 tháng 10 năm 1890, tách toàn bộ phủ Vĩnh Tường, cùng với huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên lập đạo Vĩnh Yên. Nhưng đến 12/4/1891 lại bãi bỏ đạo Vĩnh Yên, nhập vào tỉnh Sơn Tây. Như vậy tỉnh Sơn Tây có thêm huyện Bình Xuyên. Đến ngày 29/12/1899 lại tách đạo Vĩnh Yên (gồm cả huyện Bình Xuyên) ra để lập tỉnh Vĩnh Yên.
Phủ Lâm Thao cũng được tách khỏi tỉnh Sơn Tây. Sau khi tỉnh Hưng Hóa được tách đất để lập mới các quân khu, tiểu quân khu, khu quân sự Lào Cai, Yên Bái, Vạn Bú… chỉ còn lại 2 huyện Tam Nông và Thanh Thuỷ, ngày 8/9/1891 3 huyện Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba của phủ Lâm Thao được tách khỏi tỉnh Sơn Tây, kết hợp với 2 huyện còn lại của tỉnh Hưng Hoá để thành lập tỉnh Hưng Hóa mới; 2 huyện Cẩm Khê và Hạ Hoà được tách khỏi phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây để nhập vào Tiểu quân khu Yên Bái. Ngày 9 tháng 12 năm 1892, huyện Cẩm Khê lại được tách khỏi tiểu quân khu Yên Bái để nhập về tỉnh Hưng Hoá mới; ngày 5/6/1893 huyện Hạ Hòa cũng được tách khỏi tiểu quân khu Yên Bái để vào nhập vào tỉnh Hưng Hóa mới. Như vậy, từ tháng 9 năm 1891 đến tháng 6 năm 1893, toàn bộ phủ Lâm Thao gồm 5 huyện đều được điều chuyển về tỉnh Hưng Hóa mới. Từ năm 1903 tỉnh Hưng Hóa mới đổi tên là tỉnh Phú Thọ.
Sau khi đã tách đất cho các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay, ranh giới phía tây, phía bắc và phía đông của tỉnh Sơn Tây là sông Đà, sông Hồng và sông Đáy.
Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Sơn Tây vẫn là 1 tỉnh gồm có 6 huyện: Bất Bạt,Quảng Oai,Tùng Thiện,Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và trụ sở tỉnh lỵ là thị xã Sơn Tây.
Ngày 1 tháng 7 năm 1965 tỉnh Sơn Tây nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Địa danh “tỉnh Sơn Tây” từ đó mất hẳn trên các văn bản chính thức. Sau đó, vào ngày 27 tháng 12 năm 1975 tỉnh Hà Tây nhập với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.
Năm 1978, tỉnh Sơn Tây cũ (trừ huyện Quốc Oai) tách khỏi tỉnh Hà Sơn Bình và nhập vào thành phố Hà Nội; từ 1991 nhập trở lại tỉnh Hà Tây. Từ 1/8/2008 Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam quyết định nhập Sơn Tây cùng toàn bộ tỉnh Hà Tây vào Hà Nội.
Các cấp hành chính trực thuộc
Phủ Quốc Oai
- Huyện Đan Phượng gồm 9 tổng: Sơn Đồng (cấp làng xã gồm: Sơn Đồng (nay thuộc huyện Hoài Đức Hà Nội), Trung Thụy, Thượng Thụy, Cao Xá, Cựu Quán), Hạ Hiệp (nay thuộc huyện Phúc Thọ, cấp làng xã gồm: Hạ Hiệp, Hảo Hiệp, Hiệp Lê, Hiệp Lộc), Thượng Hiệp (nay thuộc huyện Phúc Thọ Hà Nội, cấp làng xã gồm: Thượng Hiệp, Khánh Hiệp, Hiệp Lũng (nay là xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ), Thuấn Nhuế (nay là xã Tam Thuấn huyện Phúc Thọ)), Kim Thìa (cấp làng xã gồm:), Đan Phượng Thượng (cấp làng xã gồm: Đông Khê, Đoài Khê, Bãi Đồng, Thụy Ứng, Tháp Thượng, Mỗ Thượng, Đại Phùng (nay là thị trấn Phùng), Phượng Trì, Thu Quế), Dương Liễu (cấp làng xã gồm: Dương Liễu (nay thuộc huyện Hoài Đức), Mậu Hòa, Quế Dương, Yên Sở (nay thuộc huyện Hoài Đức)), Đắc Sở (cấp làng xã gồm: Đắc Sở (nay thuộc huyện Hoài Đức), Lại Yên (nay thuộc huyện Hoài Đức), Tiền Lệ, Hương Bảng), Thiên Mạc (cấp làng xã gồm:), Thu Vĩ (cấp làng xã gồm:).
- Huyện Yên Sơn (An Sơn) gồm 8 tổng: Hoàng Xá (cấp làng xã gồm: Hoàng Xá, Miêu Nha, Ngô Sài, Yên Nội, Quảng Động, Cù Sơn), Thạch Thán (cấp làng xã gồm: Thạch Thán, Phú An, Ngọc Than, Nghĩa Hương, Hữu Quang, Lạp Cốc), Cấn Xá (cấp làng xã gồm: Cấn Xá, Cấn Xá Hạ, Đông La Hạ, Đông La Thượng, Yên Thái, Đang Ân, Tiên Sài), Yên Kiên (cấp làng xã gồm: Yên Kiện, Địa Hoàng, Phú Hoa, Sơn Quyết, Hoa Cai, Phù Ninh, Kiện Thuận, Đông Cựu), Tiên Lữ (cấp làng xã gồm: Tiên Lữ, Sơn Lộ, Đồng Lư, Thổ Ngõa, Khê Than, Nghĩa Hảo, Phương Tuyền), Lật Sài (cấp làng xã gồm: Lật Sài, Khánh Tân, Thụy Khuê, Phúc Sài, Sài Khê), Bất Lạm (cấp làng xã gồm: Bất Lạm, Hoa Bản, Quán Ngõ, Yên Quán, Phụng Thiên, Tình Lam, Long Châu), Lạp Thượng (cấp làng xã gồm: Lạp Thượng, Phục Lạp, Lạp Hạ).
- Huyện Mỹ Lương, (nay là vùng đất thuộc huyện Chương Mỹ Hà Nội, huyện Lương Sơn và huyện Kim Bôi Hòa Bình), gồm 7 tổng: Cao Bộ (cấp làng xã gồm: Cao Bộ, Trung Bộ, Chi Nê (nay là các thôn Trung Cao, Chi Nê xã Trung Hòa, Chương Mỹ), Thanh Nê, Tử Nê (nay là xã Thanh Bình, Chương Mỹ), Yên Trường, Đồng Trữ (nay thuộc xã Trường Yên, Chương Mỹ)), Phương Hương (cấp làng xã gồm: Phương Hương, Phương Lý, Nam Cai, Đăng Tiến, Trí Thủy, Mỗ Sơn, Kệ Sơn, Nhuận Trạch (nay là Nhuận Trạch huyện Lương Sơn, Hòa Bình), Xuân Mai (nay là thị trấn Xuân Mai)), Mỹ Lương (cấp làng xã gồm: Mỹ Lương (nay thuộc Chương Mỹ), Tụy Động (nay là xã Tốt Động huyện Chương Mỹ), Hữu Na, Đang Thực, Thuận Lương), Dã Cát (cấp làng xã gồm: Dã Cát, Hòa Mục, Mục Lân, Bạch Thạch, Thừa Lãng, Quất Lâm, Bằng Lộ, Phú Câu), An Lạc (cấp làng xã gồm: An Lạc, Hữu Vĩnh, Cổ Liễn, Linh Sơn, La Giản, An Diệu, Quang Diệu, Miêu Sơn, An Lệ), Kim Bôi (cấp làng xã gồm: Kim Bôi, Hạ Bì, Nật Sơn, Vĩnh Đồng), Minh Lương (cấp làng xã gồm: Minh Lương, Minh Nông, Kính Lão).
- Huyện Thạch Thất gồm 7 tổng: Tường Phiêu (cấp làng xã gồm: Tường Phiêu, Sơn Vi, Cung Thận, Sơn Đông, Triều Đông, Trạch Lôi, Tuy Lộc, Minh Tranh), Lạc Triền (cấp làng xã gồm: Lạc Triều, Hòa Triều, Thư Trai, Kỳ Ức, Thanh Phần, Bách Lộc, Trừng Lộc), Đại Đồng (cấp làng xã gồm: Đại Đồng, Hồng Câu, Cẩm Bào, Yên Lỗ, Vân Lôi, Hà Xá, Lại Thượng), Kim Quan (cấp làng xã gồm: Kim Quan, Yên Mỹ, Chi Quan, Lại Hạ, Thúy Lai), Hương Ngải (cấp làng xã gồm: Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu), Nguyễn Xá (cấp làng xã gồm: Nguyễn Xá, Đặng Xá, Phùng Xá, Hữu Bằng, Phú Ổ), Cần Kiệm (cấp làng xã gồm: Cần Kiệm, Hạ Lôi, Minh Trù, Trúc Động).
Huyện Từ Liêm của phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây
- Huyện Từ Liêm, năm 1831 được chuyển về thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội, gồm 13 tổng: tổng Thượng Hội (cấp làng xã gồm: Thượng Hội, Hà Mỗ, Phù Trung, Vĩnh Ký, Thúy Hội (nay thuộc Tân Hội Đan Phượng), Thượng Mỗ), tổng Thượng Trì (cấp làng xã gồm: Thượng Trì, Hữu Cước, Bồng Lai, Bá Dương, Đông Lai), tổng Hạ Trì (cấp làng xã gồm: Hạ Trì, Thượng Cát, Đại Cát, An Nội, Mạc Xá, Hoàng Xá), tổng Phú Gia (cấp làng xã gồm: Phú Gia, Thượng Thụy, Phú Xá, Thụy Hương (Thụy Phương), Quán La, Nhật Cảo (Nhật Tảo), Hoa Ngạc; nay là phần đất thuộc các phường Xuân La (Quán La), Phú Thượng (Phú Gia, Thượng Thụy) quận Tây Hồ, các xã Đông Ngạc (Nhật Tảo, Hoa Ngạc), Thụy Phương huyện Từ Liêm Hà Nội), tổng Minh Cảo (cấp làng xã gồm: Minh Cảo, Đông Ngạc, Tam Bảo, Vạn Bảo, Bảo Xuyên), tổng Cổ Nhuế (cấp làng xã gồm: Cổ Nhuế, Cáo Đỉnh, Phu Diễn, Phù Diễn, Phú Diễn (nay là các phường Phú Diễn, Phúc Diễn quận Bắc Từ Liêm), tổng Dịch Vọng (cấp làng xã gồm: Dịch Vọng (làng Vòng), Thượng Yên Quyết, Hạ Yên Quyết (làng Cót), Mai Dịch, Mễ Trì, Nhân Mục (làng Mọc, nay thuộc Nhân Chính), Kính Chủ, Nghĩa Đô, Đoài Môn, Sở Dịch Vọng), tổng Hương Canh (cấp làng xã gồm: Hương Canh, Phú Mỹ, Vân Canh (nay là xã Vân Canh Hoài Đức), Nhân Mỹ, Miêu Nha (nay thuộc phường Tây Mỗ quận Nam Từ Liêm)), tổng Tây Đam (cấp làng xã gồm: Tây Đam (nay là phường Tây Tựu quận Bắc Từ Liêm), Ngọc Kiều, Trung Đam, Phúc Đam, Đan Hội, Hạ Hội (nay thuộc Tân Lập Đan Phượng), Ngọc Hạnh), tổng Thượng Ốc (cấp làng xã gồm: Thượng Ốc, Thanh Chước, Hương Côn (nay thuộc Vân Côn, Hoài Đức), Trang Linh Thượng, Hương Quan, Lại Dụ, Đông Lao (nay thuộc Đông La)), tổng Yên Lũng (cấp làng xã gồm: Yên Lũng (nay thuộc An Thượng Hoài Đức), Vân Lũng, Yên Thọ (nay thuộc An Khánh Hoài Đức), La Phù (nay thuộc huyện Hoài Đức), Ngải Cầu, La Dương (nay thuộc Dương Nội)), tổng La Nội (cấp làng xã gồm: La Nội (nay thuộc Dương Nội), La Tinh, Ỷ La, La Khê, Yên Lộ, Nghĩa Lộ (nay là Yên Nghĩa, Hà Đông)), tổng Thiên Mỗ (cấp làng xã gồm: Thiên Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Bảo, Mộ Lao, Ngọc Trục (nay thuộc phường Đại Mỗ quận Nam Từ Liêm), Hồng Đô, Phùng Quang (nay là Phùng Khoang)). Như vậy, địa bàn huyện Từ Liêm thời đó bao gồm toàn bộ các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, một phần các quận Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông và một phần các huyện Đan Phượng, Hoài Đức thuộc thủ đô Hà Nội hiện nay.
Phủ Quảng Oai
- Huyện Phúc Thọ, (nay là vùng đất thuộc huyện Phúc Thọ Hà Nội, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì Hà Nội), gồm 11 tổng: Cam Giá Thượng (nay là vùng đất xã Cam Thượng huyện Ba Vì, cấp làng xã gồm: Cam Giá Thượng (tức Cam Thượng), Chương Lâm, Bài Nha, Nam Nguyễn), Cam Giá Thịnh (còn gọi là Cam Thịnh, nay là vùng đất xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh thị xã Sơn Tây, cấp làng xã gồm: Cam Giá Thịnh (Cam Thịnh hay Yên Thịnh), Đông Sàng, Mông Phụ, Yên Mỹ, Cam Tuyền (Cam Lâm), Giáp Đoài Thượng (Đoài Giáp), Tân Hội (Hà Tân), Phú Nhi), Phù Sa (nay là vùng đất thuộc thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ, cấp làng xã gồm: Phù Sa (nay là phường Viên Sơn thị xã Sơn Tây), Linh Chiểu, Liên Chiểu (tức Sen Chiểu, nay là xã Sen Chiểu huyện Phúc Thọ), Thiều Xuân (nay thuộc thị xã Sơn Tây), Tiền Huân, Duy Phiêu, Phương Độ, Đông Huỳnh), Võng Xuyên (cấp làng xã gồm: Võng Xuyên, Bảo Lộc, Phú Trạch, Mỹ Lộ, Lộc Giã), Nhân Lý (cấp làng xã gồm: Nhân Lý, Tam Sơn, Xuân Hương, Văn Khê, Lễ Tuyền), Thụy Phiêu (cấp làng xã gồm: Thụy Phiêu, An Cao, Đông Lâu, Yên Khoái), Cựu Đình (cấp làng xã gồm: Cự Đình, Cẩm Đình, Phương Đình, Hoa Đình, Phúc Lộc, Thiên Lộc), Xuân Vân (cấp làng xã gồm: Xuân Vân, Kim Lũ, Tang Lục, Cựu Lục), Cảo Thượng (cấp làng xã gồm: Cảo Thượng, Hoành Cảo, Hương Cảo, Cảo Hạ), Phù Long (cấp làng xã gồm: Phù Long, Bảo vệ, Hát Môn, Triệu Xuyên), Phú Châu (cấp làng xã gồm: Phú Châu, Cốc Sơn).
- Huyện Minh Nghĩa gồm 6 tổng: Thanh Vị, Phú Kỳ, Vật Lại, Cẩm Đái, Bối Sơn, Mỹ Tuyền.
- Huyện Tiên Phong gồm 7 tổng: Thanh Lãng, Mộc Hoàn, Châu Chàng, Thanh Mai, Phú Xuyên, Tang Thác, Tây Đằng.
- Huyện Bất Bạt gồm 6 tổng: Hạ Bì, Khê Thượng, Lương Tuyền, La Phù, Tu Vũ, Hoằng Nhuệ.
Phủ Đoan Hùng
- Huyện Tây Quan gồm 6 tổng: Nghĩa Quân, Đại Thân, Thượng Khê, Ca Đình, Lũ Độ (cấp làng xã gồm:), Minh Doãn (cấp làng xã gồm:).
- Huyện Hùng Quan gồm 3 tổng: Ngọc Chúc, Vân Nham, Nghĩa Khê.
- Huyện Tam Dương gồm 7 tổng: Quyết Trung, Quan Ngoại, Tam Lộng, Miêu Duệ, Lữ Lương, Hoàng Chỉ, Yên Dương.
- Huyện Sơn Dương gồm 9 tổng: Át Sơn, Yên Lịch, Lương Viên, Đồng Chương, Linh Xuyên, Mẫn Hóa, Hội Kế, Hữu Vũ, Gia Mông.
- Huyện Đương Đạo gồm 7 tổng: Kim Quan Thượng, Khang Lực, Tứ Lân, Phượng Liễn, Hồng La, Bắc Hoàng, Đồng Liêu.
Phủ Vĩnh Tường
Trước là phủ Tam Đới trấn Sơn Tây, đến thời Minh Mạng (1820-1840) đổi là phủ Vĩnh Tường.
- Huyện Bạch Hạc, (nay là vùng đất thuộc thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ và huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc), gồm 8 tổng: Đồng Phú, Mộ Chu, Nghĩa Yên, Đồng Vệ, Thượng Trưng, Nhật Chiêu, Tuân Lộ (cấp làng xã gồm:), Kiên Cương (cấp làng xã gồm:).
- Huyện Yên Lạc, nay là huyện Yên Lạc Vĩnh Phúc, gồm 15 tổng: Lương Điền, Đông Lỗ, Đường Xá, Hương Nha, Thọ Lão, Xa Mạc, Hoàng Xuyết, Đạo Tú, Quan Đài, Hội Thượng, Hội Hạ, Đồng Hồn, Nguyễn Xá, Bình Quán, Hưng Lục.
- Huyện Yên Lãng, (nay thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, và các huyện Mê Linh, Đông Anh Hà Nội), gồm 9 tổng: tổng Yên Lãng (cấp làng xã gồm: Yên Lãng, Xuân Lãng, Tuyền Mỹ, Lý Nhân, Mộ Đạo, Can Bì, Hợp Lễ, Lý Hải, Thái Lai), tổng Kim Đà (cấp làng xã gồm: Kim Đà, Hoàng Xá, Văn Quán, Khê Ngoại, Đông Cao), tổng Hạ Lôi (cấp làng xã gồm: Hạ Lôi, Lục Trì, Đại Bối, Đường Lệ, Văn Lôi, Cư Triền, Nam Cường, Nội Động), tổng Hương Canh (cấp làng xã gồm: Hương Canh (nay là thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Ngọc Canh, Tiên Hàng, Quất Lưu (nay thuộc huyện Bình Xuyên Vĩnh Phúc), Vị Nội, Vị Trù, Nội Phật, Ngoại Trạch), tổng Bạch Trữ (cấp làng xã gồm: Bạch Trữ, Đạm Nội, Nhuế Khúc, Đạm Xuyên, Tháo Miếu, Thịnh Kỳ, Đông Lỗ, Kim Tuyến), tổng Thiên Lộc (Đa Lộc) (cấp làng xã gồm: Thiên Lộc (Đa Lộc), Thiên Dưỡng, Trung Hậu, Yên Nhân, Do Nhân, Trang Việt; nay là phần đất thuộc các xã Tráng Việt (Trang Việt), Tiên Phong huyện Mê Linh, xã Kim Chung (Đa Lộc, Thiên Dưỡng-Trung Hậu (Hậu Dưỡng)) huyện Đông Anh Hà Nội), tổng Quải Mai (sau đổi là Sáp Mai) (cấp làng xã gồm: Quải Mai, Mai Châu, Đại Độ (Đại đội), Đại Đồng, Mạch Lũng; nay thuộc các xã Đại Mạch (Đại Đồng, Mạch Lũng, Mai Châu), Võng La (Quải Mai (Sáp Mai), Đại Độ (Đại đội)) huyện Đông Anh Hà Nội), tổng Hải Bối (cấp làng xã gồm: Hải Bối, Cổ Điển, Uy Nỗ Hạ (Kim Nỗ), Đồng Nhân, Tàm Xá, Yên Hà, Thọ Đồi (Thọ Đa); nay là phần đất thuộc các xã Hải Bối (Hải Bối, Cổ Điển, Đồng Nhân, Yên Hà), Kim Nỗ (Kim Nỗ, Thọ Đa), Tầm Xá (Tàm Xá) của huyện Đông Anh Hà Nội), tổng Võng La (cấp làng xã gồm: Võng La, Canh Tác, Canh Vân, Công Ngư; nay thuộc xã Võng La huyện Đông Anh).
- Huyện Lập Thạch gồm 11 tổng: Cao Mật, Sơn Tây, Hạ Ích, Bình Hòa, Tĩnh Luyện, Thượng Đạt, Tử Du, Yên Xá, Đạo Ky, Nhân Mục (cấp làng xã gồm:), Bạch Lưu (cấp làng xã gồm:).
- Huyện Phù Ninh gồm 9 tổng: Tử Đà, Phù Lão, Phượng Lân, Hạ Hoàng, Lâu Thượng, Minh Nông, Khải Xuân, Kim Lăng, Trâm Nhĩ.
Phủ Lâm Thao
- Huyện Sơn Vi gồm 9 tổng: Vĩnh Lai, Cao Xá, Tiên Minh, Do Nghĩa, Chu Khổng, Xuân Lũng, Yên Phú, Hạ Mạo (cấp làng xã gồm:), Yên Lệnh (cấp làng xã gồm:).
- Huyện Thanh Ba gồm 9 tổng: Vĩnh Chân, An Khâu, Thanh Cù, Hoàng Cương, Mạn Lạn, Chi Chủ, Ninh Dân, Phao Thanh, Lương Lỗ.
- Huyện Hoa Khê gồm 6 tổng: Điêu Lương, Trương Xá, Phú Khê, Nga Phú, Tạ Xá, Nguyễn Xá.
- Huyện Hạ Hoa gồm 8 tổng: Động Lâm, Văn Lang, Nhữ Hạ, Đan Thượng, Đại Phạm, Xuân Áng, Lãnh Sơn, Văn Chiếu.
- Huyện Tam Nông gồm 5 tổng: Văn Lang, Hiền Quan, Tứ Mỹ, Thượng Nông, Dị Nậu.
Văn hóa
Danh nhân
- Nhân vật lịch sử:Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền,Phùng khắc Khoan,Giang Văn Minh,Phan Kế Toại
- Chính trị gia: Nguyễn Thái Học,,Phan Kế Toại,Nguyễn Cao Kỳ,Phan Trọng Tuệ,Khuất Duy Tiến, Phạm Gia Khiêm, Ngô Văn Dụ, Phùng Quang Thanh và rất nhiều…
- Danh sĩ: Phạm Tiến Duật, Quang Dũng và rất nhiều…
- Nhân vật huyền thoại: Sơn Tinh.
Di tích
- Các di tích quốc gia đặc biệt thuộc khu vực xứ Đoài: Đền Hùng, Chùa Tây Phương, Chùa Thầy, Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), Đền Hát Môn, Đình Tề Lễ, Đình Tây Đằng,
Xứ Đoài có 2 di sản văn hóa phi vật thể:
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào ngày 6/12/2012.
- Hát xoan là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, được công nhận ngày 24/11/2011.
Có 3 vườn quốc gia: Vườn quốc gia Xuân SơnVườn quốc gia Tam Đảo, Vườn quốc gia Ba Vì.
Xứ Đoài xưa nổi tiếng với những ngôi đình đẹp. Dân gian miền Bắc có câu: “Cầu Nam – chùa Bắc – đình Đoài” có ý nghĩa ca ngợi xứ Sơn Nam nổi tiếng với những cầu cổ có giá trị như: cầu Đông, cầu Dền ở cố đô Hoa Lư, cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình), cầu ngói chợ Lương (Nam Định); xứ Kinh Bắc nổi tiếng với những ngôi chùa như: chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Giang); xứ Đoài nổi tiếng với những ngôi đình đẹp như: đình So (Hoài Đức), đình Tề Lễ (Phủ Lâm Thao), đình Mông Phụ, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Tây cũ), đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc).
Xem thêm
- Xứ Kinh Bắc
- Xứ Sơn Nam
- Xứ Đông
- Xứ Thanh
- Xứ Nghệ
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)