Thông tin về Sông Bạch Đằng và các trận đánh nổi tiếng
Sông Bạch Đằng thuộc tỉnh nào, có vị trí đặc biệt ra sao?
Sông Bạch Đằng hay Bạch Đằng Giang ( Sông rừng) là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Điểm đầu của sông là phà Rừng, Hải Phòng (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh), điểm cuối là cửa Nam Triệu, Hải Phòng. Sông có chiều dài 32 km. Sông Bạch Đằng là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (xưa là thành Thăng Long) từ miền nam Trung Quốc. Từ cửa sông Bạch Đằng các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng để tiến vào Kinh Đô Thăng Long.
3 trận thủy chiến nổi tiếng trên Bạch Đằng Giang
Chiến thắng Bạch Đằng lần 1 năm 938
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là trận đánh của Ngô Quyền đập tan âm mưu xâm lược của quân Nam Hán ( Trong trận này đã giết chết vị tướng chỉ huy là Hoàng Tháo, con của vua Nam Hán)
Chiến thắng Bạch Đằng lần 2 năm 981
Chiến thắng Bạch Đằng năm 981 gắn với tên tuổi nhà cầm quân tài ba vua Lê Hoàn ( Lê Đại Hành sinh 941 – 18 tháng 4 năm 1005). Trận chiến này chống lại bành trướng xâm lược của nhà Tống, dưới sự chỉ huy tài ba của Lê Đại Hành, quân dân Đại Cồ Việt đã có chiến thắng giòn giã trước đại quân Tống hùng mạnh.
Chiến thắng Bạch Đằng lần 3 năm 1288
Đây là chiến thắng vẻ vang của quân Đại Việt do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy trước quân xâm lược Nguyên Mông. Đại thắng trên sông Bạch Đằng lần 3 được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông.
Khu di tích Bạch Đằng Giang Hải Phòng
Ngày nay, trên sông Bạch Đằng lịch sử, ngay tại vị trí cửa sông Thải chảy ra sông Bạch Đằng có một vùng đất non nước hữu tình là nơi tọa lạc của Khu di tích Bạch Đằng Giang, một tượng đài lưu niệm, tưởng niệm về ba lần chiến thắng quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, đồng thời cũng là công trình thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với các tiền nhân và các vị anh hùng dân tộc: Đức vua Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã có công lao to lớn với đất nước, với nhân dân.
Khu di tích Bạch Đằng Giang, vùng đất địa linh, điểm kết nối giữa quá khứ hào hùng của dân tộc với hiện tại. Bạch Đằng Giang là niềm khích lệ, cổ vũ chúng ta vững bước xây dựng Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển văn minh, hiện đại