Sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông.
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149 km, trong đó đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510 km
Chi lưu phía đông bắt nguồn từ vùng núi huyện Tường Vân. Chủ yếu nó chảy theo hướng tây bắc-đông nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái (傣 Dăi), Di (彞), Cáp Nê (哈尼 Hani, ở Việt Nam gọi là người Hà Nhì).
Đến biên giới Việt – Trung, sông Hồng chạy dọc theo biên giới khoảng 80 km; đoạn thì sang bên lãnh thổ Việt Nam, đoạn thì sang bên lãnh thổ Trung Quốc.
Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước.
Đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam qua phía đông thủ đô Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định).
Ở Lào Cai sông Hồng cao hơn mực nước biển 73 m. Đến Yên Bái cách Lào Cai 145 km thì sông chỉ còn ở cao độ 55 m. Giữa hai tỉnh đó là 26 ghềnh thác, nước chảy xiết. Đến Việt Trì thì triền dốc sông không còn mấy nên lưu lượng chậm hẳn lại. Đồng bằng sông Hồng nằm ở hạ lưu con sông này.
Hệ thống sông Hồng có ba nhánh chính: sông Đà, Thao và Lô. Tất cả ba con sông bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) và sau đó chảy vào Việt Nam. Vùng đồng bằng sông Hồng có một mạng lưới chằng chịt kênh rạch. Sông Hồng có một số phân lưu gồm các sông Đuống và sông Luộc chảy vào sông Thái Bình; và các sông Trà Lý, sông Đào và sông Ninh Cơ. Sông Hồng chảy ra vịnh Bắc Bộ tại cửa Ba Lạt, cũng như các cửa sông Trà Lý, Lạch Giang và sông Đáy.
Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hàng nǎm rất lớn, tới 2.640 m³/s (tại cửa sông) với tổng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỷ m³, tuy nhiên lưu lượng nước phân bổ không đều. Về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700 m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30.000 m³/s. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm, tức là gần 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước.
Sông Hồng chảy qua những tỉnh nào?
Từ thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình rồi đổ ra biển Đông.
Hợp lưu
Các dòng sông gom nước trực tiếp cho hệ thống sông Hồng, gồm:
- Sông Đà và các hợp lưu của sông Đà, hợp lưu với sông Hồng ở Trung Hà – Phú Thọ;
- Sông Lô và các hợp lưu của sông Lô, hợp lưu với sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc Việt Trì tỉnh Phú Thọ;
Ngoài ra còn các hợp lưu của sông Đáy, xuất phát từ vùng núi hai tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình, không góp nước cho sông Hồng nhưng vẫn thuộc hệ thống sông Hồng, như: sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Vạc…
Phân lưu
- Sông Đáy, và các phụ lưu của nó như: sông Nhuệ, sông Phủ Lý, sông Nam Định;
- Sông Nhuệ, lấy nước từ sông Hồng tại địa phận quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội, chảy theo hướng bắc nam và kết thúc tại TX.Phủ Lý – Hà Nam.
- Sông Đuống, lấy nước của sông Hồng đổ sang hệ thống sông Thái Bình;
- Sông Phủ Lý, tức sông Châu Giang, rút nước sông Hồng đổ vào sông Đáy;
- Sông Luộc, lấy nước sông Hồng đổ sang hệ thống sông Thái Bình;
- Sông Trà Lý, một nhánh của sông Hồng, chảy theo hướng đông qua tỉnh Thái Bình
- Sông Diêm Hộ, phân lưu của các sông Luộc và Trà Lý
- Sông Ninh Cơ (tức là sông Đài hay sông Lạch Giang), một nhánh của sông Hồng, chảy uốn lượn theo hướng Nam, qua tỉnh Nam Định đổ ra Biển Đông
- Sông Nam Định, hay sông Đào, là một nhánh của sông Hồng chảy theo hướng tây nam qua tỉnh Nam Định và hợp lưu với sông Đáy;
- Sông So, một nhánh sông nhỏ của sông Hồng, chảy qua các huyện Giao Thủy với hai huyện Xuân Trường và Hải Hậu tỉnh Nam Định.
- Sông Lân, một nhánh sông nhỏ chảy qua huyện Kiến Xương, Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình và đổ ra Biển Đông bởi cửa Lân
Các cửa sông thuộc hệ thống sông Hồng đổ ra Biển Đông
- Cửa Ba Lạt, cửa chính của sông Hồng, nằm giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định
- Cửa Diêm Hộ, ở huyện Thái Thụy (Thái Bình)
- Cửa Trà Lý, giữa huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải (Thái Bình)
- Cửa Lân, thuộc huyện Tiền Hải
- Cửa sông So, tại địa phận xã Giao Lâm (Giao Thủy) và Hải Hậu) thuộc tỉnh Nam Định
- Cửa Lạch Giang, cửa sông Ninh Cơ, nằm giữa hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định.
- Cửa Đáy, trên sông Đáy, nằm giữa hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
- Cửa Lạch Càn trên sông Càn, nằm giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.
Hệ thống đê bao sông Hồng
Hệ thống đê bao này được hình thành từ rất lâu đời, nhưng chính thức được nhà nước tu bổ tôn tạo là từ triều đại Nhà Lý, thời vua Lý Nhân Tông. Ước tính hiện nay tổng chiều dài của hệ thống đê bao tất cả các con sông thuộc Hệ thống sông Hồng dài khoảng 3000 km.