Sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, lập nghiệp nơi xứ ngàn hoa. Vậy nên, mỗi lần về thăm quê là mỗi lần lắng lại trong tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Hôm nay, về Quảng Trị dịp đầu xuân. Chiều rơi nhẹ trên dòng sông Thạch Hãn – dòng sông hào hùng trong quá khứ. Có lẽ, Thạch Hãn là dòng sông khiến cho nhiều người không rời được nỗi nhớ, không kìm được nước mắt bởi những ký ức bi tráng mà rất đổi hào hùng.
Đầu năm, ngang qua dòng Thạch Hãn, trong cái chộn rộn, háo hức của tiết trời vào xuân, tôi bồi hồi nhớ về dòng sông của thời mưa bom bão đạn với chút kiến thức tích góp từ những trang sách trên ghế nhà trường. Nếu như sông Bến Hải mang nổi đau chia cắt đất nước thì Thạch Hãn được coi là dòng sông lịch sử gắn với cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Là con sông lớn tại tỉnh Quảng Trị, theo một số tài liệu ghi chép, sông Thạch Hãn còn được gọi là sông Quảng Trị. Tuy nhiên, ngày xưa, người dân nơi vùng quê này gọi con sông Thạch Hãn là sông Thạch Hàn. Sách “Ðại Nam nhất thống chí” chép rằng: Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở Bảo Trấn Lao (Lao Bảo) chảy về Đông… qua phía Bắc tỉnh Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên Đông Bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (Vĩnh Phước) ở phía Tây chảy vào, qua huyện Ðăng Xương (tức huyện Triệu Phong ngày nay), rồi đến ngã ba Ðại Ðộ gặp sông Ðiếu Ngao (sông Ðiếu Ngao qua cửa Ðiếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh chảy xuống hướng Đông Nam, chảy vào sông Vĩnh Ðịnh, gặp sông Nhùng (Mai Ðàn) từ phía Tây tới, rồi theo hướng Nam tới huyện lỵ Phong Ðiền thì gặp sông Ô Lâu (Thác Mã), sau đó chảy ra phá Tam Giang. Sông Thạch Hãn từ xưa cho tới nay đều được coi là một con sông quan trọng, là huyết mạch giao thông đường thủy uốn lượn uyển chuyển qua các lưu vực đồng bằng, các vựa lúa chính của tỉnh Quảng Trị như Triệu Phong, Hải Lăng. Con sông cung cấp nguồn nước cho các đồng bằng xanh tươi phía dưới hạ lưu thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, nơi mà dòng sông đi qua.
Thạch Hãn trong quá khứ là dòng sông chứng kiến bao mất mát, hy sinh là “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, là nơi “có tuổi hai mươi thành sóng nước” như lời cựu binh Lê Bá Dương đã từng nặng lòng viết. Thạch Hãn cách đây hơn 50 năm là nơi mà bao chiến sĩ đã ngã xuống để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là quãng thời gian đầy cam go, khốc liệt với rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã hi sinh, nằm lại vĩnh viễn ở mảnh đất này. Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những thanh niên gác lại giấc mơ giảng đường vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Để tạo nên sức nặng tại hội nghị Paris, mảnh đất Quảng Trị trở thành “túi bom” của kẻ thù. Quân địch đã huy động tối đa lực lượng để đánh chiếm bằng được Thành cổ Quảng Trị. Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị khoảng 328.000 tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử.
Từ một thị xã nhỏ bé, Quảng Trị trở thành tâm điểm của Nhân dân cả nước và quốc tế diễn ra trong 81 ngày đêm bởi sự ác liệt của chiến tranh. Ở mảnh đất này, sự hung tàn của kẻ thù không thể thắng được tinh thần anh dũng, kiên cường của chiến sĩ và đồng bào ta. Từ 28/6/1972 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị là nơi đã diễn ra những trận đánh rất ác liệt giữa ta và địch. Trong cuộc chiến đầy cam go, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, hàng hóa cho mặt trận Quảng Trị. Để chặn đứng con đường tiếp tế này, địch liên tục ném bom, bắn phá. Nơi chiến trường Quảng Trị, đau thương, mất mát là điều không tránh khỏi. Nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông.
Từ đầu tháng 9/1972, cuộc chiến đấu đã diễn ra giằng co trong lòng thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Nhiều đợt giao tranh diễn ra. Theo một số tài liệu ghi lại thì thời tiết lúc này không thuận lợi, trời mưa, nước sông Thạch Hãn dâng cao, thị xã bị ngập nước. Lợi dụng tình hình này, địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau chống ngập công sự, vừa chống trả địch, thương vong rất lớn. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui. Đặc biệt, ngày 16/9/1972 – ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét, đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước Thạch Hãn. Dòng sông này một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng. Báo Quân đội Nhân dân năm 1972 đã từng viết về sự khốc liệt tại chiến trường Quảng Trị: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.
Mùa xuân, dòng Thạch Hãn vẫn miệt mài mang phù sa cho những cánh đồng ở Quảng Trị. Trong chiến tranh, Thạch Hãn là dòng sông máu – nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ. Hòa bình, đây là dòng sông của những cuộc hành hương về nguồn, nơi để tưởng nhớ, tri ân của đồng đội, đồng bào và chiến sĩ cả nước. Hôm nay, Thạch Hãn trở thành dòng sông của những đêm hoa đăng, dòng sông in mãi chiến công của những người lính quyết hy sinh thân mình để bảo vệ nền đôc lập tự do cho Tổ quốc.