Lãnh đạo hiệu quả là một kỹ năng phức tạp, thứ mà không nhiều người sở hữu bẩm sinh. Ngay cả những người có tố chất lãnh đạo tự nhiên cũng sẽ nhận ra rằng: trong môi trường làm việc, để đạt được thành công với đội ngũ bạn dẫn dắt và quản lý có thể là câu chuyện khó khăn hơn cả suy nghĩ ban đầu của bạn. Vậy làm sao trở thành một nhà quản lý giỏi?
Vấn đề trên chủ yếu đòi hỏi một sự thay đổi trong nhận thức, điều buộc phải diễn ra nếu bạn muốn trở thành một nhà quản lý giỏi thực sự hiệu quả. Thường thì chúng ta cứ tìm cách khuyên người khác xử lý công việc khác đi – thay vì nhìn vào cốt lõi những gì mà chúng ta đã có thể làm theo một cách khác.
Đó là một khái niệm mà nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới đang bàn luận – tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ) với tư cách là các nhà điều hành, lãnh đạo và quản lý. EQ cho phép chúng ta nhận diện, thấu hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình, nhờ vậy mà chúng ta có thể nhận diện, thấu hiểu và giúp điều hướng cảm xúc của những cá nhân khác.
Cùng một lúc, trở thành nhà quản lý giỏi, thành công vừa là chuyện của cá nhân bạn, lại vừa không phải. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kỹ năng lãnh đạo tuyệt vời đòi hỏi chúng ta phải thực hành kiểm soát và quản lý bản thân để tập trung tốt hơn vào những cá nhân mà chúng ta dẫn dắt và quản lý.
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường không giúp những nhà lãnh đạo của họ hiểu được cách thức tốt nhất để giao tiếp và dẫn dắt bằng trí tuệ cảm xúc chân thật. Tuy nhiên, với sự chú trọng cao hơn được đặt vào chủ đề này, ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp những khoá huấn luyện cần thiết nhằm giúp các cá nhân nhận ra: lãnh đạo không phải là một trạng thái quyền lực để lạm dụng; thay vào đó, nó là cơ hội để thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những người khác làm hết sức mình vì chính bản thân họ và công ty.
Ví dụ như đội ngũ quản trị và dịch vụ doanh nghiệp của chúng tôi dành rất nhiều thời gian huấn luyện các nhà quản lý giỏi và những đội ngũ của họ về cách thức đóng góp ý tưởng hoặc đưa ra những ý kiến trái chiều mà không gây bất hoà hay khó chịu. Chiếm phần lớn trong đó là việc thể hiện ra họ đã chủ động lắng nghe cá nhân mà họ bất đồng ý kiến. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ về việc thúc đẩy một môi trường tôn trọng lẫn nhau, nơi các cá nhân sẽ được lắng nghe và các ý tưởng sẽ được xem xét.
Em gái tôi, Bích, người đang phụ trách bộ phận nhân sự và tài chính, cũng đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức vào những chương trình đào tạo cho các nhà quản lý. Dù rằng buổi đào tạo được tổ chức vào chủ nhật, nhiều thành viên của nhóm Tân Hiệp Phát Family Pool cũng đều tham gia. Họ ở đó vì họ tin tưởng và trân quý sự đầu tư được thực hiện vì lợi ích của chính họ.
Bên cạnh sự phát triển mang tính chuyên nghiệp, chúng tôi cũng đồng thời chú trọng vào việc đảm bảo Tân Hiệp Phát là môi trường để mỗi cá nhân phát triển. Trong nhiều buổi đào tạo, chúng tôi chọn đào sâu giải quyết nhiều trở ngại cá nhân tại nơi làm việc. Đôi khi, điều đó có nghĩa là phơi bày những nhược điểm kể cả ở cấp quản lý cao hơn.
Cách tiếp cận này đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải hết mực khiêm tốn, dù họ có thể đã biết cách thức hành động tốt nhất cho một thách thức cụ thể. Thay vì nhìn nhận vị trí của mình như là dấu hiệu khẳng định họ biết rõ nhất, những nhà lãnh đạo này lại nhìn nhận vị trí đó như là một trách nhiệm để thu hút sự tham gia, tương tác và cải thiện. Khi chúng ta có thể nhìn vào bên trong nội bộ để giữ lấy những cá nhân quanh mình, chúng ta sẽ trở thành các nhà quản lý giỏi và những lãnh đạo có thể giúp các đội ngũ, doanh nghiệp của mình đạt được những kết quả tuyệt vời hơn.