Nhắc đến Đài Loan là chúng ta đều nghĩ ngay đến thành phố Đài Bắc hiện đại, sôi nổi với những ánh đèn sáng rực rỡ về đêm. Những chuyến du lịch Đài Bắc là hành trình đưa bạn đến với một vùng đất sở hữu cả sự hiện đại lẫn truyền thống. Thành phố này thu hút lượng du khách ghé thăm đông đúc bởi mang trong mình vẻ đẹp của nền văn hoá lâu đời, của những giá trị cổ xưa được bảo tồn và nền văn hoá ẩm thực đường phố hấp dẫn. Bên cạnh đó còn là bầu không khí nhộn nhịp, sôi nổi với những công trình kiến trúc kỳ vĩ của một thành phố phát triển ở Đài Loan.
Giới thiệu về Đài Bắc (Taipei)
Đài Bắc (Taipei) là thủ đô của Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), là thành phố trung tâm của một vùng đô thị lớn nhất tại Đài Loan cũng như là một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương của Đài Loan. Những thành phố Đài Bắc, Tân Bắc, và Cơ Long hợp với nhau tạo thành vùng đô thị Đài Bắc. Tuy nhiên, ba đơn vị này lại được quản lý bởi ba chính quyền địa phương khác nhau. Vì thế từ “Đài Bắc” thỉnh thoảng được dùng để nói đến tới toàn bộ vùng đô thị này, còn “thành phố Đài Bắc” sẽ chỉ dùng nói riêng tới thành phố. Thành phố Đài Bắc được bao quanh tất cả các phía bởi thành phố Tân Bắc. Có thể nói Đài Bắc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đài Loan, ngoài ra còn là một trong những trung tâm lớn ở khu vực Đông Á. Từ Đài Bắc có đa dạng các phương tiện giao thông như tàu hỏa, tàu cao tốc, máy bay và các tuyến xe khách kết nối với tất cả các tỉnh thành khác trên toàn lãnh thổ Đài Loan.
Vì sao có tên gọi là Đài Bắc?
Về lý do vì sao đặt tên là Đài Bắc thì cũng khá đơn giản, tương tự như Đài Trung với Đài Nam ở Đài Loan. Vì khu vực này nằm ở phía Bắc nên được gọi là Đài Bắc, nghĩa là phía Bắc Đài Loan. Còn về cách viết Đài Bắc là Taipei thì bắt nguồn từ phiên âm theo Hán ngữ bính âm và Hán ngữ thông dụng. Bên cạnh đó, thành phố này còn được gọi là Tai-pak (bắt nguồn từ tiếng Phúc Kiến của người Đài Loan) và Taipeh. Còn trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, Đài Bắc được gọi là Taihoku – cũng là cách phát âm của các ký tự Trung Quốc (chữ Kanji) cho từ “Đài Bắc – Taipei” trong tiếng Nhật.
Các thông tin cần biết về Đài Bắc
- Tên gọi: Đài Bắc
- Quốc gia: Đài Loan
- Diện tích: 271.80 km2
- Dân số: 2.494.813 người
- Ngôn ngữ: tiếng Đài Loan
- Tôn giáo: Đạo giáo, Phật giáo
- Múi giờ: UTC +8
- Mã điện thoại: +886 2
- Tiền tệ: Đài tệ (kí hiệu: TWD)
Du lịch Đài Bắc có gì hay? có gì đẹp?
Có thể nói Đài Bắc là một vùng đất chứa đựng nhiều sự bí ẩn khiến cho khách du lịch hứng thú để khám phá. Những sự đối lập ở Đài Bắc hiện ra một cách sống động, hài hòa giữa đô thị hiện đại và thiên nhiên bao la. Nếu như ở trung tâm là một thành phố đầy năng động, luôn có bầu không khí rộn ràng thì khu vực ngoại ô Đài Bắc là nơi giúp bạn thư giãn với những dòng suối nước nóng giàu khoáng chất, những ngọn núi cao hùng vĩ, các con đường mòn xuyên rừng,… Vì thế nên du lịch Đài Bắc luôn có lượng du khách ghé thăm thường xuyên và nhiều nhất khi đặt chân đến đảo ngọc Đài Loan.
Lịch sử
Vùng đất Đài Bắc ngày nay là quê hương của các bộ lạc Ketagalan trước thế kỷ 18. Sau đó thì người Hán bắt đầu di chuyển đến định cư vào năm 1709 theo chính sách của triều đình nhà Thanh lúc đó. Vào cuối thế kỷ 19, khu vực Đài Bắc – nơi có cảng Đạm Thuỷ (Tamsui) trở thành cảng thương mại nước ngoài được chỉ định, có tầm quan trọng kinh tế vì việc giao thương đang phát triển bùng nổ. Năm 1875, phần phía Bắc của Đài Loan được tách khỏi tỉnh Đài Loan và sáp nhập vào tỉnh Đài Bắc mới với tư cách là một thực thể hành chính thuộc triều đại nhà Thanh. Từ năm 1875 cho đến khi Nhật Bản bắt đầu cai trị vào năm 1895, Đài Bắc là một phần của huyện Tamsui thuộc tỉnh Taipeh và cũng là thủ phủ của tỉnh. Thành phố Đài Bắc chính thức trở thành thủ đô Đài Loan vào năm 1894.
Sau thất bại trong chiến tranh Thanh-Nhật, Trung Quốc đã nhượng lại Đài Loan cho Đế quốc Nhật Bản vào năm 1895 theo Hiệp ước Shimonoseki. Sau khi Nhật Bản nắm quyền kiểm soát thì Đài Bắc được gọi là Taihoku theo tiếng Nhật và vẫn duy trì là thủ phủ, là trung tâm chính trị của Chính quyền Thực dân Nhật Bản tại Đài Loan. Trong thời kỳ này, thành phố Đài Bắc xuất hiện nhiều tòa nhà, đường sã, khu phố,… theo phong cách kiến trúc Nhật Bản. Hiện nay vẫn có nhiều kiến trúc của Đài Bắc được xây dựng trong thời Đài Loan dưới sự cai trị của Nhật Bản, ví dụ như phủ Tổng thống vốn là Văn phòng Tổng đốc Đài Loan.
Sau sự thất bại của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945, Quốc dân đảng (Đảng Quốc gia Trung Quốc) đã nắm quyền kiểm soát Đài Loan. Thành phố Đài Bắc được thành lập như một thành phố cấp tỉnh và Văn phòng tạm thời của Thống đốc hành chính tỉnh Đài Loan được thành lập tại đó. Ngày 7/12/1949, chính quyền Quốc Dân Đảng dưới sự chỉ đạo của Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố Đài Bắc là thủ đô lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc sau khi phải rời bỏ Trung Quốc đại lục trong cuộc Nội chiến Trung Quốc. Vào ngày 30/12/1966, Đài Bắc được tuyên bố là một thành phố trực thuộc trung ương đặc biệt và có vị trí hành chính ngang với tỉnh. Trong những năm sau đó, thành phố Đài Bắc tiếp tục mở rộng với việc sáp nhập Sỹ Lâm, Bắc Đầu, Nội Hồ, Nam Cảng, Cảnh Mỹ, và Mộc Sách. Đặc biệt vào năm 1990, ở Đài Bắc đã diễn ra cuộc biểu tình của sinh viên Wild Lily – một sự kiện đã khiến cho Đài Loan từ chế độ độc đảng chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng vào năm 1996.
Địa lý
Nằm ở phía Bắc Đài Loan, thành phố Đài Bắc (Taipei) là một vùng đất của đô thị Thành phố Tân Bắc (New Taipei City) và cách thành phố cảng Cơ Long (Keelung) khoảng 25km về phía Tây Nam. Phần lớn lãnh thổ của thành phố này đều nằm trên Lưu vực Đài Bắc được bao bọc bởi các thung lũng tương đối hẹp của các con sông Keelung và sông Xindian, hợp lưu để tạo thành sông Đạm Thủy (Tamsui) chảy dọc theo phía Tây của thành phố. Nhìn chung thì địa hình của Đài Bắc là sẽ trũng thấp ở các khu vực trung tâm phía Tây và có dốc lên phía Nam, phía Đông và đặc biệt là phía Bắc. Đỉnh cao nhất ở Đài Bắc có cao độ 1.120 mét là nằm tại Thất Tinh Sơn – là ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động cao nhất tại Đài Loan ở Công viên Quốc gia Dương Minh Sơn.
Khí hậu
Đài Bắc có đặc điểm của loại khí hậu cận nhiệt đới ẩm có gió mùa. Vì thế nên mùa Hè thường có mưa kéo dài nhiều tháng liền, trời nóng và ẩm ướt, kèm theo đó là những trận bão lớn còn mùa Đông thì lại ngắn, nhiệt độ cũng ấm áp hơn nhiều so với một số khu vực Trung Quốc đại lục, đặc biệt cũng có khá nhiều sương mù do ảnh hưởng gió Đông Bắc từ áp cao Xibia. Tuy rằng sẽ lạnh vào những tháng mùa Đông nhưng Đài Bắc không có tuyết rơi nhiều, trừ một số vùng ở phía Bắc như núi Dương Minh Sơn. Bên cạnh đó, vì nằm ở Thái Bình Dương nên thành phố Đài Bắc của Đài Loan cũng bị ảnh hưởng bởi mùa bão nhiệt đới Tây Bắc Thái Bình Dương vào giữa tháng 6 và tháng 10. Không có sự phân chia rõ rệt nhưng khí hậu ở Đài Bắc cũng có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông với một số đặc điểm như:
- Mùa Xuân (tháng 3 – tháng 4): mùa Xuân ở Đài Bắc khá ngắn, chỉ diễn ra trong 2 tháng nhưng thời tiết vô cùng dễ chịu. Những ngày vào Xuân thì khí hậu mát mẻ, trong lành với cảnh sắc được tô điểm bởi nhiều sắc hoa rực rỡ. Trong đó cũng có loài hoa anh đào lãng mạn được nhiều du khách yêu thích.
- Mùa Hè (tháng 5 – tháng 9): khí hậu vào mùa hè thì oi bức, nắng nóng và có những ngày nhiệt độ lên đến 40°C. Ngoài ra thì đây cũng là thời điểm mùa bão của Đài Loan, thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10.
- Mùa Thu (tháng 10 – tháng 11): bầu không khí vào những tháng mùa Thu hơi se lạnh, vào ban ngày vẫn có nắng nhẹ còn ban đêm thì có gió thổi mát mẻ. Mùa Thu ở Đài Bắc cũng xuất hiện những hàng cây thay lá tạo nên sắc vàng, sắc đỏ tạo nên bức tranh thiên nhiên lãng mạn hơn.
- Mùa Đông (tháng 12 – tháng 3): là lúc mà ở Đài Bắc nhiệt độ thấp nhất so với các mùa còn lại trong năm và khí hậu thì lạnh, khô. Tuy nhiên thì nhiệt độ không xuống thấp đến mức dưới âm °C, mà cũng tầm 13°C – 15°C.
Văn hoá và con người
Văn hoá Đài Loan nói chung hay ở Đài Bắc nói riêng là một sự pha trộn giữa Khổng giáo và các nền văn hoá thổ dân Đài Loan lúc xưa. Điều này cũng thường được hiểu theo nghĩa truyền thống và hiện đại hoà trộn lẫn nhau tạo nên một nền văn hoá của người dân nơi đây. Bên cạnh đó thì văn hoá phương Tây và văn hoá Nhật Bản cũng ít nhiều có tác động đến văn hoá Đài Bắc khi Đài Loan bị cai trị trong thời gian đó. Còn hình thức tôn giáo phổ biến ở Đài Bắc chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo và tôn giáo dân gian Trung Quốc, gồm cả việc thờ cúng ông bà tổ tiên.
Ẩm thực
Phần lớn những món ăn ở Đài Loan nói chung hay là ở Đài Bắc thì không có quá nhiều dầu mỡ như món ăn Trung Quốc, cũng không quá đậm đà gia vị chiên xào như Hồng Kông. Du khách sẽ thấy ẩm thực Đài Bắc vẫn đậm đà hương vị Trung Hoa, màu sắc nhìn bắt mắt nhưng có phảng phất chút tinh tế của ẩm thực Nhật Bản nữa. Có khá nhiều món ăn nổi tiếng mà du khách nên thử khi bạn có dịp làm chuyến du lịch Đài Bắc
- Đậu hũ thúi (Chou Dou Fu): đây thật sự là món ăn mà bất cứ ai cũng đề nghị bạn nên thử nếu có dịp vi vu xứ Đài. Vì là những miếng đậu hũ để lên men lâu ngày nên món ăn này có mùi rất nặng, nếu mới ngửi thì sẽ thấy khá thúi nhưng khi bạn đã quen và ăn thử rồi thì sẽ rất thích hương vị của nó. Cách chế biến đậu hũ thúi là đầu tiên sẽ đem đậu phụ ngâm lên men trong một loại nước ngâm làm từ thịt, sữa lên men, các loại thảo mộc của Trung Quốc, cá khô, tôm khô, măng, mù tạt và rau dền. Sau khi đậu phụ đã lên men thì đem chúng chiên giòn hay là hấp chín. Tùy người bán sẽ cho thêm nước sốt cay ngọt hoặc kimchi, cải chua,…
- Mì bò (Niu Rou Mian): chỉ đơn giản là một tô mì kèm theo những miếng thịt bò mọng nước nhưng đây lại là một trong số các món ăn làm nên tên tuổi ẩm thực Đài Bắc. Loại mì được sử dụng là mì gạo với sợi to, có màu vàng nhạt và luôn dai dù có ngâm lâu trong nước. Và bí quyết giúp cho món mì bò hấp dẫn thực khách chính nhờ phần nước dùng đậm đà ninh từ xương bò, thuốc bắc, cà chua,… Một số nhà hàng mì bò ở Đài Bắc còn nấu theo hương vị cay tê Tứ Xuyên. Còn loại mì được dùng là mì gạo có sợi to màu vàng nhạt và luôn dai dù có để lâu trong nước. Ngoài ra một số nguyên liệu khác thường ăn chung với mì bò như là cải xanh, đậu phụ rán, hành,…
- Bánh bao kẹp thịt (Gua Bao): bánh bao là món ăn vô cùng quen thuộc, xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy bạn đã thử bánh bao kẹp thịt của người dân Đài Bắc chưa. Mỗi chiếc bánh bao kẹp thịt có phần vỏ là lớp bánh bao mềm mịn, có màu trắng, khá xốp, hơi dày còn phần nhân bánh là thịt ba chỉ xào và hầm chín nên vị rất đậm đà. Ngoài ra một số cửa hàng ở Đài Bắc cũng biến tấu thêm nhiều loại nhân khác để đa dạng hơn, như là nhân kem, nhân gà rán, nhân chay,…
- Tiểu Long Bao (Xiao Long Bao): hay còn được gọi là bánh bao súp hoặc bánh bao hấp trong lồng nhỏ. Món ăn này xuất hiện vào giữa thế kỉ 19 tại vùng ngoại ô thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) nhưng Tiểu Long Bao trở thành món ăn nổi tiếng khắp thế giới là nhờ chuỗi nhà hàng Din Tai Fung ở Đài Bắc, Đài Loan. Dựa trên công thức gia truyền, chủ nhà hàng này đã khiến những chiếc Tiểu Long Bao trở nên khác biệt, thơm ngon và hấp dẫn hơn. Khi vừa cắn một miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được nước súp thịt ngọt đậm đà, lớp vỏ bánh mỏng cùng phần nhân thịt ngọt thanh.
- Cơm thịt kho (Lu Rou Fan): là món ăn truyền thống trong các bữa cơm của gia đình người dân địa phương. Nghe tên gọi chắc bạn cũng biết nguyên liệu chính là thịt ba chỉ được đem cắt nhỏ thành miếng vừa ăn, hầm chín nhừ và ninh trong nước tương ngũ vị. Ngoài ra còn có thắng thêm đường tạo nước màu nên thịt sẽ có màu cánh gián đẹp mắt. Bên cạnh thịt kho thì còn có những món ăn kèm khác như trứng kho, rau xanh, cải muối chua, đậu phụ rán sốt nước tương,… Món này cũng khá giống thịt kho trứng ở Việt Nam nhưng bạn có thể ăn thử để xem hương vị khác biệt ra sao nhé.
- Trứng sắt (Tie Dan): là món ăn đường phố mà du khách dễ dàng tìm thấy dọc trên các con đường ở các thành phố của Đài Loan. Những quả trứng sắt thường lấy từ trứng gà, chim bồ câu hoặc chim cút và không thể làm từ trứng vịt. Theo như chia sẻ thì để làm ra được thành phẩm thì mỗi quả trứng phải trải qua quá trình sấy khô và luộc chín đến tận 11 lần. Trứng sắt của người Đài Loan có vị mặn, ngọt dịu, béo và hơi cay. Du khách có thể mua trứng sắt tươi để ăn ngay hoặc trứng đóng gói hút chân không để mang về cũng thuận tiện.
Bên cạnh đó còn rất nhiều món ngon đặc sản mà du khách có thể tìm thấy để thưởng thức khi ghé thăm Đài Bắc như là: hàu chiên trứng, bánh trứng hành, xiên nướng, lẩu, các loại dimsum, trà sữa,…
Các địa điểm tham quan
Là nơi có cuộc sống về đêm sôi động, bề dày lịch sử và nền văn hóa ẩm thực được đánh giá cao trong khu vực Châu Á, Đài Bắc thật sự là một địa điểm dừng chân mà du khách đừng nên bỏ lỡ. Những địa điểm tham quan ở thành phố này hiện ra một cách sống động, có sự hòa hợp giữa đô thị hiện đại và thiên nhiên tươi mát. Du bạn là người yêu thích những công trình kiến trúc kỳ vĩ, thích hòa mình vào khung cảnh đất trời bao la hay là tìm hiểu nền văn hoá địa phương thì Đài Bắc đều đáp ứng được tất cả.
- Bảo tàng Cung điện Quốc gia: là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới trưng bày các hiện vật hoàng gia và vô số tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, nơi đây là một điểm tham quan mà du khách nào cũng muốn ghé thăm khi du lịch Đài Bắc. Bảo tàng có 4 tầng trưng bày các hiện vật gắn liền với lịch sử Đài Loan nói riêng và Trung Hoa nói chung với số lượng hiện vật đồ sộ, nhiều tương đương ở Tử Cấm Thành.
- Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch: công trình này là một di tích quốc gia nổi tiếng, được xây dựng lên tưởng nhớ Đại nguyên soái Tưởng Giới Thạch. Ông là người lãnh đạo của Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1928 – 1975 và sau đó ở Đài Loan đến khi qua đời. Đài tưởng này gồm một khuôn viên rộng lớn chia thành 5 khu vực chính là Nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Bức tượng Tưởng Giới Thạch, Công viên Trung Chính, Trung tâm hòa nhạc quốc gia và nhà hát quốc gia và Khu vực tầng 1 nhà tưởng niệm.
- Tháp Taipei 101: lại thêm một địa điểm checkin mà du khách rất muốn chiêm ngưỡng tận mắt khi ghé thăm Đài Bắc. Tháp Taipei 1010 được thiết kế bởi CY Lee & Partners và giữ danh hiệu là toà nhà cao nhất thế giới vào thời điểm khai trương năm 2004, vượt qua tháp đôi Petronas của Malaysia. Tuy rằng đến năm 2010 thì đã nhường lại vị trí này lại cho tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai nhưng Taipei 101 vẫn là niềm tự hào của người dân Đài Loan. Trên khu vực tầng 88 – tầng 91 của tháp còn có đài quan sát giúp du khách có tầm nhìn bao quát thành phố Đài Bắc từ độ cao 400m.
- Phố cổ Bopiliao: xuất hiện vào thời kỳ đầu của nhà Thanh với hơn 200 năm lịch sử, dù đã trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm nhưng phong cách kiến trúc nơi này vẫn được gìn giữ đến thời điểm hiện tại. Phố cổ Bopiliao trở thành một khu di tích lịch sử, đồng thời cũng trưng bày nhiều hiện vật qua các thời kỳ lịch sử của Đài Loan. Du khách sẽ được nhìn thấy những mái nhà mang dấu tích của thời gian của xã hội phong kiến thời Nhật trị giống như một nốt trầm giữa thành phố Đài Bắc phồn hoa.
- Công viên Quốc gia Dương Minh Sơn: là một trong 8 công viên nổi tiếng nhất Đài Loan, công viên Quốc gia Dương Minh Sơn nổi tiếng với địa hình núi lửa cùng hệ sinh thái động thực vật phong phú. Ghé thăm điểm tham quan này của Đài Bắc, du khách sẽ như lạc vào một không gian thiên nhiên tươi mát với hương sắc rực rỡ của các loài hoa anh đào, đỗ quyên, loa kèn,… Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như đi bộ, đạp xe, trekking,…
Thành phố Đài Bắc vẫn còn rất nhiều địa điểm tham quan thu hút khác để khách du lịch có thể khám phá nhiều hơn trong chuyến du lịch của mình, như là công viên Huashan 1914 Creative Park, sở thú Đài Bắc, bảo tàng nghệ thuật đương đại MOCA Đài Bắc, công viên Dã Liễu,…
Những hoạt động, trải nghiệm thú vị ở Đài Bắc
Không chỉ có nhiều địa điểm tham quan nổi bật ngay trung tâm thành phố mà Đài Bắc còn rất nhiều hoạt động vui chơi thú vị khác nữa. Nếu bạn có nhiều thời gian và đi du lịch Đài Bắc nhiều lần thì nhớ đừng bỏ lỡ những hoạt động độc đáo và hấp dẫn mà các du khách đều muốn trải nghiệm khi đặt chân đến đây.
Thả đèn trời tại Phố cổ Thập Phần (Shifen)
Phố cổ Thập Phần là một ngôi làng nhỏ nằm gần thành phố Đài Bắc, cách khoảng 30km và thu hút lượng khách ghé thăm vô cùng đông đúc. Ngôi làng cổ này mang bầu không khí yên bình, nhẹ nhàng và nổi bật nhất là tập tục thả đèn ước nguyện của người dân địa phương. Tương truyền rằng những ai đến đây thả đèn trời và cầu nguyện thì điều ước của mình sẽ thành hiện thực. Vì thế nên không chỉ người dân xứ Đài mà cả du khách quốc tế cũng muốn để trải nghiệm hoạt động thú vị này. Ngoài ra thì Làng cổ Thập Phần cũng là địa điểm quay ngoại cảnh bộ phim điện ảnh Đài Loan nổi tiếng “You are the apple of my eyes”.
Khám phá Làng cổ Cửu Phần (Jiufen)
Cùng với Thập Phần thì ghé thăm làng cổ Cửu Phần là một trải nghiệm không thể thiếu trong chuyến du lịch Đài Bắc. Ngôi làng này nằm trải dài theo miền núi sát bờ biển ở cực Bắc Đài Loan và vẫn còn giữ lại được những kiến trúc truyền thống với lối văn hóa, ẩm thực độc đáo. Dạo bước tham quan tại làng cổ Cửu Phần giúp du khách như có cảm giác quay về khoảng thời gian lúc xưa và hòa mình vào bầu không gian trầm lắng, yên bình. Không chỉ thu hút nhờ lối kiến trúc Trung Hoa xen lẫn Nhật Bản mà Cửu Phần còn là địa điểm ăn vặt nổi tiếng. Bạn sẽ được thưởng thức vô số món ăn hấp dẫn của ẩm thực xứ Đài như đậu hũ thúi, chè cổ truyền Đài Loan, dimsum, mì bò,…
Dạo quanh các khu chợ đêm Đài Bắc
Có người đã nói nếu đi Đài Loan mà bạn chưa đặt chân đến những khu chợ đêm thì quả thật là một điều đáng tiếc. Là trung tâm phát triển nhất xứ Đài nên những khu chợ đêm ở Đài Bắc cũng sầm uất, náo nhiệt và đa dạng các loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, đồ lưu niệm cho đến những món ăn đường phố. Một số khu chợ đêm và khu mua sắm nổi tiếng ở Đài Bắc thu hút lượng khách du lịch đông đúc chính là khu phố Tây Môn Đinh (Ximending), chợ đêm Sĩ Lâm (Shilin), chợ đêm Nhiêu Hà (Raohe), chợ đêm Ninh Hạ (Ningxia),…
Ngắm hoàng hôn trên cảng Đạm Thủy (Tamsui)
Đạm Thủy là một khu phố còn lưu giữ được nét truyền thống của người dân Đài Loan. Nếu cảm thấy các khu vực ở trung tâm Đài Bắc quá đông đúc, náo nhiệt thì bạn có thể ghé con phố này để cảm nhận nhịp sống dường như chậm lại. Đặc biệt nhất cảng Đạm Thủy cũng là một trong số những nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn dần buông khi chiều tà. Đó là thời khắc mà mặt biển và cảnh vật nơi đây khoác lên màu tím lãng mạn đầy quyến rũ. Tận hưởng những làn gió mát rượi của thiên nhiên trong lúc ngắm bức tranh tuyệt đẹp ở cảng Đạm thủy chắc chắn sẽ là một trong những trải nghiệm khó quên dành cho du khách khi đến Đài Bắc.
Thư giãn tại Suối nước nóng Xinbeitou
Bạn có biết rằng người Đài Loan cũng thích ngâm suối nước nóng thư giãn giống như người Nhật Bản. Ở khu vực ngoại thành Đài Bắc có suối nước nóng Xinbeitou là điểm đến được rất nhiều người dân địa phương yêu thích. Đặc biệt, suối nước nóng ở đây thuộc loại lưu huỳnh trắng (tức là nước suối có màu trắng đục), độ PH ở giữa 3-4 và có tính axit nhẹ nên rất thích hợp để thư giãn. Không gian nơi đây cũng yên tĩnh, nhẹ nhàng sẽ phù hợp với những ai muốn tìm kiếm một nơi không quá náo nhiệt.