Giới thiệu khái quát huyện Tam Nông
Tam Nông là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, diện tích tự nhiên 15.596,92 ha, dân số trên 82.000 người. Toàn huyện có 20 đơn vị hành chính trực thuộc huyện, bao gồm 19 xã và 01 thị trấn, với 172 khu dân cư (trong đó 17 xã, thị trấn miền núi; 03 xã, 13 khu thuộc vùng khó khăn trong chương trình 135 của Chính phủ); toàn huyện có 20 dân tộc (Kinh, Tày, Thái, Mường, Hoa, Nùng, H.Mông, Dao, Sán Chung, Co Ho, Thổ, Tà Ôn, La Chí, Lô Lô), trong đó dân tộc Kinh 74.958 người, các dân tộc khác 511 người (theo số liệu thống kê năm 2009). Đảng bộ huyện có 42 cơ sở đảng với 5.624 đảng viên (tính đến tháng 12/2012).
Huyện Tam Nông có vị trí, địa lý, kinh tế thuận lợi, được tỉnh và Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp tạo điều kiện cho sự phát triển chung của huyện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tập trung sức lực và trí tuệ xây dựng huyện Tam Nông ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương lớn của tỉnh cũng như của huyện đề ra, tích cực lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Địa hình của huyện thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn địa. Với diện tích đất đai, tài nguyên, cho phép huyện có khả năng phát triển nông nghiệp đa dạng, phong phú, có khả năng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng vật nuôi. Mặt khác, xuất phát từ tiềm năng đất đai và tài nguyên, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Tam Nông có nhiều lợi thế phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại. Những năm qua, kinh tế của huyện đã từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất lương thực, thuỷ sản, chăn nuôi bò thịt, phát triển vùng nguyên liệu giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng sơn mài, mây tre đan, nghề mộc gia dụng…, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đã được hình thành và đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Với lợi thế là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nối liền với các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc. Nằm trong vùng tam giác của 03 con sông: sông Hồng, sông Đà và sông Bứa bao bọc, mảnh đất Tam Nông có nhiều làng Việt cổ gắn liền với thời đại Hùng Vương, đây là một thời kỳ đã “Xuất hiện trên đất nước ta một nền văn hóa khá cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ”. Chính vì thế, huyện Cổ Nông xưa – Tam Nông ngày nay vẫn còn lưu tích nhiều dấu ấn cội nguồn dân tộc. Nơi đây còn khá nhiều ngôi Đình, Đền, Chùa, Miếu… thờ Đức Thánh Tổ Hùng Vương cùng các Bộ tướng của ngài. Bên cạnh đó ở Tam Nông cũng tồn tại rất nhiều truyền thuyết, sự tích và những lễ hội cổ truyền mang đậm yếu tố văn hóa cổ xưa. Các làng xã ở đây còn là những nơi in dấu ấn lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế, rồi phong trào Cần Vương do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo… Ngày nay, Tam Nông đang trên đường đổi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập bình quân đầu người, đồng thời Tam Nông rất quan tâm xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế xã hội.
Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tiềm năng Du lịch của Huyện Tam Nông
Tam Nông là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh và địa giới hành chính của huyện đã có nhiều lần thay đổi. Trong các thời kỳ Vua Hùng dựng nước địa bàn huyện thuộc vùng trung tâm quốc gia Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, Tam Nông nằm trong huyện Mê Linh và sau đó thuộc huyện Giao Chỉ, Tân Xương và Phong Châu. Thời kỳ nhà Lý (thế kỷ XI – XVII), Nhà Nước phong kiến tự chủ, Tam Nông lúc đó thuộc Châu Chân Đăng. Thời kỳ nhà Trần, Tam Nông thuộc bộ Tam Giang, Châu Đà Giang, tên gọi của huyện là Cổ Nông. Đời vua Lê Vĩnh Thịnh (1705-1720), đổi tên huyện Cổ Nông thành huyện Tam Nông.
Thiên nhiên và lịch sử trên mảnh đất mang dấu ấn cội nguồn đã tạo nên những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc có giá trị nghệ thuật, nhiều di tích cấp Quốc gia. Theo khảo sát huyện Tam Nông có trên 90 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh. Di tích thành Hưng Hoá được xây dựng vào đời Gia Long, đắp thành bằng đất; đến triều Minh Mệnh thứ 3 (năn 1832), thành được xây kiểu hình vuông, chất liệu bằng đá ong, có 4 cổng thành, chiều dài mỗi cạnh 360m. Có di tích Văn Miếu tỉnh Hưng Hoá. Đến nay di tích Thành và Văn Miếu đã bị phá huỷ hoàn toàn. Có nhiều di tích văn hoá lịch sử có giá trị tiêu biểu như: Chùa Phúc Thánh xã Hương Nộn được xây dựng từ thời nhà Lý, Đình Cổ Tiết, Đình Tự Cường xã Tam Cường; cụm di tích Đình, Đền, Chùa xã Hiền Quan; Cột cờ Hưng Hoá được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Có một hệ thống sắc phong, một số bia đá ghi tạc lịch sử của các di tích và công đức của các vị thần; có nhiều cổ vật như Hoành phi, Câu đối, Tượng phật, Bát hương và nhiều cổ vật khác. Di tích Cột cờ và thành Hưng Hoá có vị trí và ý nghĩa lịch sử đối với tỉnh Phú Thọ và toàn quốc đang trong thời kỳ chuẩn bị xây dựng, phục dựng. Các di tích lịch sử văn hoá, các thắng cảnh của huyện trải qua một thời kỳ do sự tàn phá của thiên nhiên và cách ứng xử của con người đã làm mai một, xuống cấp, nhiều di tích bị phá huỷ hoàn toàn. Thực hiện Nghị quyết trung ương V(khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được Đảng bộ và nhân dân huyện quan tâm song kinh tế của huyện và của các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá. Việc huy động các nguồn lực, tiếp tục thực hiện xã hội hoá về bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá là hết sức cần thiết góp phần bảo tồn phát triển các di tích, di sản văn hoá vật thể, đáp ứng với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện.
Tam Nông là miền quê của lễ hội, các lễ hội truyền thống được tổ chức ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, thời gian tổ chức lễ hội hầu hết diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống gắn liền với phong tục thờ cúng thành Hoàng làng, các danh Tướng qua các thời đại có công với dân với nước trong công cuộc đấu tranh với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm giữ gìn chủ quyền dân tộc. Nét nổi bật trong lễ hội truyền thống ở miền quê Tam Nông là nét đẹp văn hoá làng, “con dân cháu làng” tìm về cội nguồn, tri ân công đức với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng cơ đồ cho dân làng và cho đất nước; đề cao tinh thần đoàn kết, trọng nghĩa xả thân về cộng đồng dân tộc. Các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội Phết Hiền Quan, cầu Trâu Hương Nha, lễ hội Gia Dụ – Vực Trường với diễn xướng dân gian chẻ tre kéo lửa nấu cơm thi và ném cầu giỏ; lễ hội Đền Bà thị trấn Hưng Hoá giã bánh giầy, lễ hội Đền – Chùa Nam Cường, Đền Chẹo xã Thanh Uyên có giao duyên hát Ghẹo; lễ hội Đình làng Quang Húc, Hương Nộn, Thượng Nông thi bơi chải.
Trong những năm gần đây, hưởng ứng chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” do 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai phối hợp tổ chức; lễ hội ở các xã, thị trấn đã được phục dựng, hoạt động có nề nếp, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Những giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu như: hát Ghẹo Nam Cường xã Thanh Uyên, truyện cười Văn Lang.
Trong những năm gần đây hoạt động văn hoá, văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Toàn huyện có 20 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 3 đội văn nghệ mạnh, 01 CLB Phường hát Ghẹo Nam Cường xã Thanh Uyên.
Những giá trị văn hoá phi vật thể truyền thống hoà quyện với lòng yêu văn hoá văn nghệ, trân trọng những giá trị của đời sống tinh thần thúc đẩy việc xây dựng con người mới trên vùng đất Tam Nông. Khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế du lịch trong tương lai.
Huyện Tam Nông có vị trí cơ bản thuận lợi, cửa ngõ phía Tây của Hà Nội nối liền thủ đô Hà Nội với vùng văn hoá Tây Bắc của Tổ quốc. Có lợi thế về thắng cảnh vùng trung du bán sơn địa, đồi rừng thấp và các hồ đầm xen kẽ. Hệ thống giao thông thuỷ bộ thuận tiện cho việc lưu thông buôn bán.
Khai thác tiềm năng du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng hoá sản phẩm các loại hình du lịch. Lễ hội truyền thống có ở hầu hết các xã, thị trấn, các lễ hội phục dựng gắn với việc phát huy làn điệu dân ca đặc sắc tổ chức tour du lịch Việt Trì – Tam Nông – Thanh Thuỷ, tại Tam Nông du lịch tín ngưỡng lễ hội văn hoá: Làng cười Văn Lang, hát Ghẹo Nam Cường – Thanh Uyên; kể chuyện cười Văn Lang; hội Cầu Trâu Hương Nha; hội chẻ tre kéo lửa nấu cơm thi, thi ném cầu giỏ thôn Gia Dụ xã Vực Trường. Năm 2006 UBND huyệnđã chọn 05 di tích trọngđiểm (trục văn hóa tâm linh) gắn với tour du lịchđó là: lễ hội Phết, các di tích LSVH xã Hiền Quan – Đền thờ Vua Lý Nam Đế xã Văn Lương – khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Cổ Tiết – cụm di tích Chùa Phúc Thánh, Đền Đức Bà xã Hương Nộn – Cột cờ Hưng Hoá, Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích thị trấn Hưng Hoá.
Lịch Sử
Huyện Tam Nông có vị trí, địa lý, kinh tế thuận lợi, được tỉnh và Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp tạo điều kiện cho sự phát triển chung của huyện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tập trung sức lực và trí tuệ xây dựng huyện Tam Nông ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương lớn của tỉnh cũng như của huyện đề ra, tích cực lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Trong hơn 10 năm qua, từ khi tái lập huyện (tháng 9 năm 1999) đến nay, tình hình chính trị trên địa bàn huyện luôn ổn định, kinh tế – xã hội tiếp tục có bước phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 12,5 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện hiện có 27 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó: Trung học cơ sở 05 trường; Tiểu học 12 trường và Mầm Non là 10 trường; 100% trạm Y tế của các xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về Y tế; có 41 khu dân cư đạt khu dân cư văn hoá cấp tỉnh; 47 cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá cấp tỉnh và cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; toàn huyện hiện có 164/172 khu dân cư có nhà văn hoá.
Địa hình của huyện thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn địa. Với diện tích đất đai, tài nguyên, cho phép huyện có khả năng phát triển nông nghiệp đa dạng, phong phú, có khả năng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng vật nuôi. Mặt khác, xuất phát từ tiềm năng đất đai và tài nguyên, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Tam Nông có nhiều lợi thế phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại. Những năm qua, kinh tế của huyện đã từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất lương thực, thuỷ sản, chăn nuôi bò thịt, phát triển vùng nguyên liệu giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng sơn mài, mây tre đan, nghề mộc gia dụng…, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đã được hình thành và đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Huyện Tam Nông có trung tâm Thủ Phủ Hưng Hoá là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Thọ xưa, là vùng đất cổ có nhiều tầng văn hóa liên quan tới thời đại Hùng Vương. Nơi đây xưa kia đã diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Lương của Vua Lý Nam Đế (tên huý là Lý Bôn, Lý Bí) là người xưng Vương đầu tiên của nước Nam, lấy tên hiệu nước ta là Vạn Xuân; cuộc đời và sự nghiệp của Ông gắn liền với cuộc chiến tranh chống lại phong kiến phương Bắc từ năm 541 – 548 (Thế kỷ thứ VI sau Công nguyên). Cuộc kháng chiến trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, gắn liền với tên tuổi Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích (1832 – 1891). Đặc biệt thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Tam Nông đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng về ở làm việc trong những ngày đầu toàn Quốc kháng chiến (tháng 3/1947). Năm 2005 Đảng bộ và nhân dân Tam Nông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, Huân chương lao động hạng nhì thời kỳ đổi mới.
Mỗi thời kỳ lịch sử đều để lại cho huyện Tam Nông những di sản văn hóa có giá trị, nhiều di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện có trên 90 di tích lịch sử văn hóa, số di tích hiện còn tập trung vào các loại hình đó là: Di tích lịch sử Cách mạng, kháng chiến, có 02 di tích đó là: Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột cờ và thành Hưng Hoá. Các di tích còn lại trên địa bàn huyện chủ yếu là di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: 21 Đình; 37 Đền; 33 Chùa; 23 Miếu, Nghè, Am; có 05 địa điểm dấu tích thuộc Văn hoá Phùng Nguyên: Địa điểm Gò Bông, Núi Ngấn, Đồng Ba Trăm, Gò Quán và Đoan Thượng. Trong đó hiện còn 231 đạo Sắc phong; 12 bia đá, trong đó có 01 bia đá thời Lý (Lý Anh Tông) bia ghi tên, tuổi và phẩm hạnh của bà Phụng Thánh Phu Nhân – Lê Thị Xuân Lan. Toàn huyện hiện có 11 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 26 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Tam Nông là một địa chí văn hiến cổ lưu danh hàng ngàn đời nay. Những tên đất, tên làng như: Văn Lang, Cổ Tiết, Trúc Phê, Dị Nậu (kẻ Núc), Thượng Nông (kẻ Nung), Nhang Nộn, Song Quan (Hiền Quan), Xuân Quang… đã được truyền tụng từ thuở bình minh mở nước. Vào thời Trần, Tam Nông được xác lập địa danh hành chính là huyện với cái tên là huyện Cổ Nông, châu Đà Giang, lộ Tam Giang. Đến thời Lê, vào đời Lê Vĩnh Thịnh (1705 – 1720), huyện Cổ Nông đổi tên thành huyện Tam Nông và từ đó cho tới nay, những tên gọi: Phủ Hưng Hóa, tỉnh Hưng Hóa, trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, Tam Thanh… luôn gắn liền với mảnh đất lịch sử này.
Với lợi thế là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nối liền với các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc. Nằm trong vùng tam giác của 03 con sông: sông Hồng, sông Đà và sông Bứa bao bọc, mảnh đất Tam Nông có nhiều làng Việt cổ gắn liền với thời đại Hùng Vương, đây là một thời kỳ đã “Xuất hiện trên đất nước ta một nền văn hóa khá cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ”. Chính vì thế, huyện Cổ Nông xưa – Tam Nông ngày nay vẫn còn lưu tích nhiều dấu ấn cội nguồn dân tộc. Nơi đây còn khá nhiều ngôi Đình, Đền, Chùa, Miếu… thờ Đức Thánh Tổ Hùng Vương cùng các Bộ tướng của ngài. Bên cạnh đó ở Tam Nông cũng tồn tại rất nhiều truyền thuyết, sự tích và những lễ hội cổ truyền mang đậm yếu tố văn hóa cổ xưa. Các làng xã ở đây còn là những nơi in dấu ấn lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế, rồi phong trào Cần Vương do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo… Ngày nay, Tam Nông đang trên đường đổi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập bình quân đầu người, đồng thời Tam Nông rất quan tâm xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế xã hội.
Lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đặc biệt quan tâm đến hai làng văn hóa dân gian đặc sắc: Làng Cười – Văn Lang và CLB Phường hát Ghẹo Nam Cường xã Thanh Uyên. Tại Hội thảo khoa học năm 1994, CLB Phường hát Ghẹo Nam Cường đã được khẳng định; Hội thảo Quốc gia “Làng cười Văn Lang” vào tháng 4 năm 2007, cũng đã được các nhà khoa học khảo cứu trên nhiều lĩnh vực, khẳng định một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo, khai thác, mở ra những tiềm năng và triển vọng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong công cuộc xây dựng xã hội mới ngày nay.
Tam Nông còn là một địa chí dân gian rất giàu tiềm năng du lịch sinh thái, cảnh quan môi trường thiên nhiên, nhất là du lịch văn hóa – lịch sử. Thời gian vừa qua huyện Tam Nông đã xây dựng một số đề án khả thi như: Đầu tư xây dựng khu Du lịch sinh thái – Nghỉ dưỡng – Thể thao – Vui chơi giải trí Tam Nông; tôn tạo, xây dựng khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cổ Tiết; từng bước khôi phục, tôn tạo, xây dựng lại địa danh động Khuất Lão, Đền thờ vua Lý Nam Đế ở Văn Lương; chú trọng đầu tư cho CLB Phường hát Ghẹo; lễ hội cướp Phết Hiền Quan; chùa Phúc Thánh xã Hương Nộn; Cột cờ Hưng Hoá – Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích được chọn là những di tích trọng điểm của huyện… nhằm đáp ứng nhu cầu tour du lịch văn hóa “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”. .