Giới thiệu khái quát thị xã Tân Uyên
Thực hiện Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chia tách địa giới hành chính của huyện Tân Uyên thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014.
Thị xã Tân Uyên có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với vùng đất miền Đông Nam bộ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, bao thế hệ người Việt Nam trên mọi miền đất nước đã về đây khai hoang, lập ấp, dựng làng, mở mang đất đai để sinh sống và sản xuất; nhiều phong tục, tập quán đã được du nhập tạo nên nền văn hóa đa dạng.
Với diện tích 19.175,72 ha, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, với 12 xã – phường, bao gồm 06 phường: Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Thạnh Phước, Tân Hiệp, Khánh Bình và 06 xã: Hội Nghĩa, Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thạnh Hội, Bạch Đằng. Thị xã Tân Uyên nối liền với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương như Thuận An, Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo; tiếp giáp với huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai. Tài nguyên thiên nhiên không phong phú, đa dạng, nhưng với vị trí, địa lý đặc biệt, thị xã Tân Uyên trở thành địa bàn quan trọng của Tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thị xã Tân Uyên luôn bị tác động, tàn phá bởi các trận chiến diễn ra liên tục trong suốt 30 năm, là căn cứ quan trọng của miền Đông Nam bộ – Chiến khu Đ anh hùng. Những năm sau ngày giải phóng, kinh tế của Tân Uyên chủ yếu là thuần nông, lạc hậu. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó khăn, dám nghĩ, dám làm, cùng với quá trình đổi mới, thị xã Tân Uyên từng bước chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp và trở thành địa bàn quan trọng của tỉnh Bình Dương. Những năm gần đây, thị xã Tân Uyên có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách đạt cao.
Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng thị xã Tân Uyên trở thành thị xã văn minh hiện đại và là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương vào năm 2020. Thị ủy, UBND thị xã đã đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình cơ bản, quy hoạch các khu chức năng để phát triển kinh tế của thị xã Tân Uyên.
DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ TÂN UYÊN
Tính đến tháng 09/2017, trên địa bàn thị xã Tân Uyên có 10 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia và 09 di tích cấp tỉnh.
Niên đại các di tích: Di tích khảo cổ học Cù lao Rùa có niên đại hơn 2.000 năm; Các di tích Lịch sử – Văn hóa có niên đại gần 200 năm (có sắc phong của vua Tự Đức); Các di tích Lịch sử Cách mạng có niên đại gần 100 năm (từ thời kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ).
Tại mỗi di tích đều thành lập Tổ quản lý Di tích để trực tiếp điều hành công việc khi tổ chức lễ hội, dâng hương, giữ gìn vệ sinh thường xuyên, bảo vệ và giữ gìn tài sản di tích. Riêng tại khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi đã thành lập Ban quản lý Khu di tích đảm bảo hoạt động theo Đề án được phê duyệt.
Danh sách 10 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia:
1. Cầu Bà Kiên
2. Chiến Khu Vĩnh Lợi
3. Đình Tân Trạch
4. Cù Lao Rùa
5. Hưng Long Tự
6. Nhà cổ Ông Đỗ Cao Thứa
7. Đình Vĩnh Phước
8. Đình Dư Khánh
9. Đình Bưng Cù
10. Miếu Ông
© Văn phòng HĐND và UBND Thị xã Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương Địa chỉ: Phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương