- Chuyện xây dựng dinh thự Phủ Toàn quyền Đông Dương thế kỷ trước, nay là Phủ Chủ tịch
- Chuyện ít biết về vùng đất thiêng Ba Vì
- Vệ sinh đô thị và chuyện đổi thùng xưa
Cổng Đoan Môn khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Thăng Long buổi đầu
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, kinh thành Thăng Long thời Lý chia làm 3 vòng. Vòng trong cùng nơi có cung điện của nhà vua gọi là Nội điện (hay Cấm thành). Bên ngoài Nội điện là Hoàng thành, nơi triều đình làm việc. Ngoài Hoàng thành là Kinh đô (hay Thị thành). Bao bọc 3 khu vực này là tường thành Đại La (hay La thành) đắp bằng đất với chức năng vừa là lũy bảo vệ kinh thành vừa là đê ngăn nước lũ. Từ thời Lý, kinh thành đã có địa giới ổn định và cho đến thế kỷ 19 không thay đổi là bao.
Mặt phía Đông chạy dọc theo sông Hồng từ đầu Hàng Than. Mặt Bắc dựa theo sông Tô Lịch ở phía Nam hồ Tây cho đến Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi). Mặt Tây của thành từ Yên Thái kéo dài ra ô Cầu Giấy và mặt Nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa và Ô Cầu Dền ăn ra sông Hồng.
Về hành chính, nhà Lý chia Thăng Long làm 61 phường, trong đó có các hoạt động sản xuất thủ công và thương mại xen lẫn với các phường làm nông nghiệp. Thời Lý cũng đã có nhiều chợ lớn như Tây Nhai (tương ứng khu vực chợ Ngọc Hà ngày nay), chợ Cầu Đông (tương ứng khu vực Hàng Đường, Hàng Buồm ngày nay), 2 chợ này nơi trao đổi quan trọng giữa Thành và Thị. Thời Lý, Thăng Long đã có các nghề dệt, nhuộm, vàng bạc, đúc đồng, rèn sắt…
Về văn hóa, Thăng Long thấm đẫm tinh thần dung hợp tôn giáo mà các nhà nghiên cứu gọi là “tam giáo đồng nguyên” (Phật-Nho-Đạo). Phật giáo rất hưng thịnh và nhà Lý lấy làm quốc đạo. Kiến trúc tôn giáo rất nổi bật với 2 công trình tiêu biểu là chùa Diên Hựu và tháp Báo Thiên (vị trí này nay là Nhà thờ Lớn). Có điều rất ít người biết là vua Lý Nhân Tông không chỉ là một vị vua sáng mà còn là nhạc sĩ, ông đã sáng tác ra các khúc nhạc cho tấu trong lễ hội đèn Quảng Chiếu ở kinh thành.
Cửa Bắc được nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu
Thay đổi và phát triển
Năm 1230, vua Trần Thái Tông cho định lại phường 2 bên tả – hữu kinh thành. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 3 năm Canh Dần (1230) định các phường tả hữu 2 bên Kinh thành bắt chước đời trước (Lý) chia làm 61 phường”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thành văn thấy nhắc đến số lượng phường của Thăng Long. Về việc tổ chức quản lý phần Thị của Kinh thành, từ năm 1230 nhà Trần đặt Ty Bình Bạc (mô hình giống như UBND TP hiện nay), đến năm 1265 đổi thành Đại An phủ sứ, sau đổi thành Kinh sư Đại doãn. Đây chính là cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long. Năm 1394, Kinh sư Đại doãn lại đổi thành Trung đô doãn.
Dù đổi tên nhưng chức năng, nhiệm vụ không hề thay đổi, vẫn là cơ quan hành chính và tư pháp của kinh đô. Dấu tích của Kinh sư Đại doãn xưa là khu vực Bệnh viện Việt Đức ngày nay. Vì phần Thị là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho triều đình, cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian nên nó vô cùng quan trọng. Chức vụ đứng đầu kinh thành được triều Trần tuyển chọn rất cẩn thận theo những tiêu chuẩn khắt khe.
Dù trải qua 3 lần chống quân Nguyên Mông, bị chiến tranh tàn phá, nhưng sản xuất hàng thủ công, buôn bán đã nhanh chóng phục hồi và phát triển. Điều này đã kéo theo bộ mặt thành thị của Thăng Long thay đổi. Kinh tế công thương nghiệp đẻ ra tầng lớp thị dân và lối sống thị dân. Thời Trần, dân số kinh thành tuy chưa nhiều nhưng đã có những biểu hiện của sinh hoạt thị dân. Ban đêm, ngoài buôn bán còn có các quán rượu và các hoạt động nghệ thuật. Những sinh hoạt ban đêm đã hấp dẫn cả vua.
Hậu lâu nằm trong khu vực trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Đêm đêm, vua Trần Anh Tông lại lên kiệu cùng thị vệ đi khắp kinh kỳ đến gà gáy mới trở về cung. Có đêm vua ra ngoài phố còn bị bọn vô lại ném gạch trúng đầu. Người theo hầu thét lên: “Kiệu vua đấy!” bọn chúng biết nhà vua mới tán chạy”. Sinh hoạt văn hóa ở Thăng Long khá phong phú tập trung vào ngày lễ và hội mùa. Trong cung đình có đội đánh vật, đá cầu, đấu gậy… những đội ca múa chuyên nghiệp.
Sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi xưng vương và hành chính kinh đô có sự thay đổi, từ 61 phường thời Lý, Trần rút lại còn 36 phường. Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết năm 1435 thì: “Thượng kinh là kinh đô, có 1 phủ 2 huyện. Phủ là Phụng Thiên, 2 huyện là Vĩnh Xương và Quảng Đức. Mỗi huyện có 18 phường”. Như vậy Thăng Long là tên gọi có tính biểu trưng còn cụ thể về hành chính thì có phủ Phụng Thiên. 36 phường này có thể chia ra 3 loại gồm các phường làm nông nghiệp, sản xuất thủ công và các phường buôn bán.
Các phường làm nghề nông hầu như không biến động, thậm chí còn giữ nguyên tên gọi và địa lý cho đến hôm nay. Trong khi đó các phường sản xuất thủ công và buôn bán xen kẽ với nhau tập trung chủ yếu ở phía Đông thành nằm 2 bên bờ sông Tô Lịch và sông Hồng. Buôn bán rất nhộn nhịp, không chỉ có lái buôn trong nước mà còn có các nhà buôn Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan đã có ở đây từ thế kỷ 17. Nhưng đông nhất là Hoa kiều, họ mở các cửa hàng, tiệm ăn.
Các phường sản xuất thủ công gồm vùng Bưởi với Bái Ân, Trích Sài chuyên dệt lụa, gấm, lĩnh. Hồ Khẩu, Yên Thái chuyên làm giấy, Võng Thị trồng hoa và nấu rượu. Các cơ sở sản xuất thủ công bao giờ cũng có cửa hàng bán sản phẩm nên từ thời Lê, Thăng Long đã manh nha xuất hiện các phố (có nghĩa là cửa hàng) mang tên hàng sau này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Vẫn là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi và chuyển kinh đô vào Phú Xuân (Huế). Khi Huế trở thành kinh đô của nước Đại Nam thì nhà Nguyễn hạ cấp Thăng Long xuống gọi là Bắc thành. Dù tên gọi không thay đổi nhưng chữ “Long” với nghĩa là rồng bị chuyển thành chữ “Long” với nghĩa là thịnh vượng.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, Bắc thành không được phép to hơn kinh đô Huế nên năm 1805 vua Gia Long đã sai phá thành Thăng Long thời Lê và cho xây lại thành mới ở vị trí cũ với kích thước hẹp hơn. Trung tâm thành vẫn là điện Kính Thiên, phía sau điện là Hành Cung nơi dành cho vua ở mỗi khi tuần giá Bắc Hà.
Phía Đông thành là dinh Tổng trấn (sau đổi là dinh Tổng đốc rồi Tuần phủ Hà Nội). Đến đời vua Minh Mạng, ông đã đổi Bắc thành thành tỉnh Hà Nội. Năm 1835, Minh Mạng cho hạ thấp tường thành xuống 1 thước 8 tấc (tương đương 3,7 mét), cho bịt 2 cửa Tây và Nam, từ đây thành được gọi là thành Hà Nội. Năm 1848, vua Tự Đức ra lệnh phá dỡ các cung điện còn lại lấy đồ gỗ, đá trạm trổ đưa về Huế để trang trí nên chỉ còn lại đôi rồng đá trước điện Kính Thiên.
Dù “Nền cũ lâu đài tịch bóng dương”, nhưng kinh tế Thăng Long vẫn phát triển, các làng nghề quanh vùng tràn ra Thăng Long mở xưởng sản xuất nhiều hơn. Và từ thời vua Minh Mạng đã xuất hiện các phố Hàng. Cùng với kinh tế, văn hóa đất này vẫn giữ được những gì mà nó vốn có. Về lối sống của dân chúng Thăng Long, vua Tự Đức đã phải thốt lên, bao nhiêu năm vẫn “Kiêu bạc, xa xỉ và phóng khoáng”.