Trong Chiếu dời đô bất hủ, Lý Công Uẩn viết:
“…Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”.
Nghìn năm trôi qua thời gian đã khẳng định tầm nhìn của Lý Thái Tổ.
Chi tiết “nhạy cảm” trong đoạn trích ở trên là ông đã nhắc đến Cao Biền mà ông trân trọng gọi là “Cao Vương”. Nhiều nhà nghiên cứu lấy làm tiếc rằng áng văn này chưa mạnh mẽ dứt khoát bằng Bình Ngô đại cáo hay Nam quốc sơn hà vì có chỗ “khuyết” đó.
Bởi Cao Biền tuy được sử sách nước ta nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau nhưng trước hết ông ta vẫn là một viên quan đô hộ.
Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên đóng đô ở nơi mà sau này Lý Thái Tổ dời đô đến, nơi trở thành Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm.
Người Việt Nam cho đến nay dù ít dù nhiều đều có nghe những câu chuyện huyền thoại hư hư thật thật về nhân vật này. Chúng đã được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh. Người ta bảo Cao Biền thường cưỡi diều giấy đi khắp nơi xem xét các hình thế đất đai sông núi, nơi nào có “long mạch” thì dùng bùa phép yểm đi. Ở nước ta hiện vẫn còn lưu truyền một số sách địa lý phong thủy được cho là do Cao Biền viết, như Cao Biền di cảo, Cao Biền địa cảo tập, An Nam địa cảo lục. “Đời Đường Ý Tông (860 – 873)… Nghĩ đến việc Triệu Đà xưng đế, vua bèn sai Thái sử Cao Biền làm đô hộ An Nam. Khi Biền sắp ra đi, vua triệu vào điện bảo: “Trẫm nghe An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thâm về địa lý, nên hết sức yểm đi và vẽ hình thế đất ấy đem về cho trẫm xem”. Biền đến An Nam, dạo qua sông núi nào tốt thì đều yểm cả. Biền có làm tờ tấu tâu rằng chỉ có núi Tản Viên là rất thiêng, yểm không được, nên không đụng đến” (trích lời tựa Cao Biền di cảo, dẫn theo Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo VN tập II).
Có lẽ do bản năng chống ngoại xâm luôn luôn trỗi dậy mạnh mẽ trong dân gian, nên đi kèm từng chuyện “trấn yểm” của Cao Biền là những sự tích linh thiêng địa linh nhân kiệt làm cho họ Cao phải nể sợ, như chuyện thần núi Tản Viên, sự tích đền Bạch Mã, chuyện Cao Lỗ, sự tích núi Cánh Diều… Không thể xác minh những sách vở được lưu truyền trên có phải là của Cao Biền thật hay không, chỉ biết chắc rằng sử sách Trung Quốc hoàn toàn không ghi những chuyện đó. Nhưng truyền thuyết cũng đã bị đáp trả bằng truyền thuyết.
Khai quật Hoàng thành Thăng Long năm 2004 – Ảnh: Lưu Quang Phổ
Chuyện Cao Biền “trấn yểm” cũng gặp phải sự phản kháng quyết liệt của các cao tăng Phật giáo, điều này được ghi lại trong Thiền uyển tập anh, một trong 3 cuốn sách cổ nhất viết từ thời nhà Trần còn truyền bản đến ngày nay (2 cuốn kia là Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái). Thiền uyển tập anh đã ghi lại lời của một thiền sư – Trưởng lão La Quý (852 – 936) dặn đệ tử trước khi viên tịch: “Trước kia, Cao Biền xây thành ở Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt sông Điềm và những ao Phù Chẩn… đến 19 chỗ để trấn yểm. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm lấp lại như xưa…”.
Nhưng chính sử thì “án phải tự hồ sơ”, nên đã có cái nhìn hơi khác.
Không giống như Sỹ Nhiếp (người có tổ tiên 6 đời ở nước ta, nên thực chất là một người Việt), Cao Biền chính hiệu là một viên quan phương bắc cử sang đô hộ. Họ Cao làm quan có công với nhà Đường, được thăng chức Tần Châu Phòng ngự sứ trước khi được sai đi “đánh dẹp” ở phương nam và cử làm “Tĩnh hải quân Tiết độ sứ” cai trị nước ta. Tuy nhiên, sau khi phá xong quân Nam Chiếu, Cao Biền đã có động thái rất không bình thường. Sử Trung Quốc không hề ghi Cao Biền được phong vương, nhưng chính sử nước ta lại viết: “Cao Biền giữ phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian” (Đại Việt sử ký toàn thư – ĐVSKTT, tập 1, tr.200, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004).
Việc “giữ phủ xưng vương” này đương nhiên không phải do triều đình nhà Đường sai bảo, đây có khả năng là hành động tự ý cát cứ.
ĐVSKTT còn chép rằng, sau khi xây xong thành Đại La, Cao Biền còn thực hiện một kỳ công là đục đá ngầm mở đường biển cho thuyền bè đi lại. “Nay khai đường biển để giúp dân sinh, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó”, Cao Biền tuyên bố. Còn sử thần Ngô Sĩ Liên của nước ta thì bình luận: “Đó là vì việc làm hợp lẽ cho nên được trời giúp”.
Do lo ngại về mưu đồ cát cứ của Cao Biền, nên đến năm 875 (đời Đường Hy Tông), Cao Biền bị triệu hồi về làm Tây Xuyên Tiết độ sứ. Đến cuối đời Đường, nhân loạn Hoàng Sào, Cao Biền kháng chỉ từ chối đem quân về cứu giá, sau đó tạo phản chiếm giữ Dương Châu. Cuối cùng thua quân triều đình, bị bắt và bị giết.
Vì lẽ đó, cũng như công tâm ghi nhận trong khi cai trị nước ta Cao Biền đã có công xây thành đắp lũy, mở mang giao thông cũng như một số chính sách an dân, ngăn chặn sự nhũng lạm của đám quan lại thừa hành, nên Cao Biền được chính sử Việt Nam có một cái nhìn khá trân trọng.
Lý Công Uẩn gọi Đại La là “đô cũ của Cao Vương”, ngoài lý do nói trên, có lẽ còn có lý do quan trọng khác mà ông muốn nhấn mạnh: Cao Biền là người rất giỏi về địa lý và phong thủy. Chúng ta có thể thấy điều đó đằng sau những chuyện “trấn yểm” mang tính huyền thoại kia.
Nhưng thành Đại La có từ bao giờ? Dựa theo những ghi chép từ lịch sử, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó bắt đầu được xây dựng từ năm 621 do Đại tổng quản Giao Châu của nhà Đường là Khâu Hòa thực hiện, gọi là Tử Thành, có chu vi 900 bộ. Kế đó, vào năm 767, Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi đã cho đắp thêm cao hơn, gọi là La Thành. Năm 791, một quan cai trị khác là Triệu Xương đắp lại kiên cố hơn. Năm 808, Trương Chu đắp thêm một lần nữa… Đến năm 866 Cao Biền đến đây “giữ phủ xưng vương” và đắp thành hoành tráng như đã nói. Như vậy là thành Đại La, tiền thân của Hoàng thành Thăng Long, chỉ là thành cũ do các quan cai trị phương bắc dựng lên và mở rộng, làm cho kiên cố dần. Có đúng như vậy không?
Hãy lật lại những trang sử trước nữa. Vào năm 541, theo ĐVSKTT, Lý Bí “dấy binh đuổi giặc (nhà Lương), xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên”. Những người dịch ĐVSKTT ghi chú: “Vị trí của thành Long Biên đến nay vẫn chưa xác định được, có thể ở vùng gần thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc”. Ghi chú này có liên quan đến chương về Sỹ Nhiếp cũng trong ĐVSKTT, tại đây ghi Sỹ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu, “đóng đô ở Liên Lâu (tức Long Biên)”, tuy nhiên những người dịch ĐVSKTT lại ghi chú: “Liên Lâu: cũng thường đọc là Luy Lâu, ở Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, nay còn di tích thành, theo nhiều nhà khoa học, thành Liên Lâu không phải là Long Biên”. Thế thì Long Biên ở đâu?
Lần theo sử Trung Quốc thì sẽ thấy Lương thư ghi rằng: Lý Nam Đế “dựng thành lũy bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch” (dẫn theo Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo VN tập II). Đối chiếu với lời của nhà sư La Quý (chú ý: La Quý là người sống cùng thời với Cao Biền) ghi trong Thiền uyển tập anh đã dẫn ở trên “Trước kia, Cao Biền xây thành ở Tô Lịch…”, chúng ta có thể thấy nơi mà Lý Nam Đế đóng đô chính là nơi Cao Biền dựng thành. Thành Long Biên của Lý Nam Đế là tiền thân xưa nhất của thành Đại La. Thành này Lý Nam Đế đã dựng cung Vạn Thọ làm nơi triều hội và xây chùa Khai Quốc tồn tại đến ngày nay (nay là chùa Trấn Quốc). Mãi đến năm 602, Lý Phật Tử còn sai anh là Lý Đại Quyền giữ thành Long Biên, nghĩa là nó tồn tại suốt hơn 60 năm trước khi bị quân xâm lược phương bắc chiếm giữ.
Có thể dẫn thêm một số chi tiết khác “ẩn” trong sử sách để minh chứng cho điều này, nhưng chừng ấy cũng đủ để khẳng định Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên đóng đô ở nơi mà sau này Lý Thái Tổ dời đô đến, nơi trở thành Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm. Nó do chính người Việt Nam ta phát hiện, chứ không phải do người Trung Quốc.
Hoàng Hải Vân