1. Quy định chung về bằng lái xe máy:
Bằng lái xe (giấy phép lái xe) là chứng chỉ được cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với mục đích để xác nhận và cho phép cá nhân được phép tham gia lưu thông, tham gia điều khiển xe máy trên đường. Và chỉ khi cá nhân được cấp bằng lái xe mới có thể đủ điều kiện về mặt pháp lý để tham gia giao thông.
Hiện nay, giấy phép lái xe theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT bao gồm:
– Giấy phép lái xe hạng A1:
+ Cấp cho đối tượng là người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.
+ Người điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
– Giấy phép lái xe hạng A2:
+ Cấp cho người lái xe điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên.
2. Hồ sơ thi bằng lái xe gồm những gì?
Để được cấp bằng lái xe, cá nhân phải tham gia thi bằng lái xe được Bộ giao thông vận tải tổ chức đào tạo, sát hạch cũng như cấp giấy phép.
Hồ sơ thi bằng lái xe máy gồm những giấy tờ sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT hồ sơ thi bằng lái xe máy mà cá nhân phải chuẩn bị bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (theo mẫu quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT).
– 2 ảnh chân dung 3×4.
– Giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng đối với công dân người Việt Nam; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần hộ chiếu còn thời hạn.
– Trường hợp người nước ngoài: cung cấp hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng; thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ.
– Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Lưu ý: trường hợp nếu là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt khi học lái xe thì cần có thêm giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt (theo mẫu Thông tư 01/2021/TT-BGTVT).
3. Nộp hồ sơ và thi bằng lái xe máy Hà Nội ở đâu? Hết bao nhiêu?
3.1. Nộp hồ sơ và thi bằng lái xe máy Hà Nội ở đâu?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, cá nhân khi có nhu cầu thi bằng lái xe máy sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ như trên sẽ nộp tại trung tâm đào tạo và thi sát hạch lái xe.
Hiện nay, tại địa bàn Thành phố Hà Nội, cá nhân có thể nộp hồ sơ tại Trung tâm thi bằng lái xe Hà Nội.
Cá nhân nộp hồ sơ thông qua hình thức sau:
– Nộp trực tiếp tại trung tâm (địa chỉ tại: số 49, ngõ 335 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).
– Thu hồ sơ miễn phí tại nhà: nếu không thể đến nộp trực tiếp được thì cá nhân có thể để lại số điện thoại cũng như địa chỉ, cán bộ bên trung tâm sẽ thu hồ sơ tận nhà.
Ngoài ra, cá nhân cũng có thể tìm hiểu đăng ký thi bằng lái xe tại một số điểm sau ở Hà Nội, cụ thể là:
– Sân thi là số 243 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
– Sân thi Trường giao thông Công Chính (Nhổn): địa chỉ là Quốc lộ 32, Minh Khai, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
– Sân thi Sài Đồng: địa chỉ là 136B Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội.
– Sân thi sát hạch lái xe máy Trường đại học Thành Đô.
– Sân thi trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Thái Việt (Thường Tín): địa chỉ là Chợ Cầu, Thôn Kiều Thị, QL1A, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội.
– Sân thi Số 1 Quốc Tử Giám: chuyên tổ chức cho các thí sinh là người nước ngoài thi.
– Sân thi sát hạch Cao đẳng nghề số 17.
– Sân thi sát hạch Trung cấp nghề số 10.
3.2. Chi phí thi bằng lái xe máy hiện nay:
Chi phí thi bằng lái xe hạng A1 hiện nay gồm lệ phí làm hồ sơ và lệ phí thi. Trong đó:
– Lệ phí thi bằng lái xe A1:
+ Lệ phí thi bằng xe máy phần thi lý thuyết A1: 40.000 đồng.
+ Lệ phí thi bằng xe máy phần thi thực hành A1: 50.000 đồng.
+ Phí cấp bằng lái xe A1 chất liệu nhựa PET: 135.000 đồng.
– Học phí thi bằng lái xe A1:
Học phí thi bằng lái xe A1 học viên sẽ đóng cho Trung tâm đào tạo lái xe đăng ký thi. Trong đó có khoản phí học lý thuyết và học thực hành:
+ Học phí học lý thuyết bao gồm: Tiền lương trả cho giáo viên hay người hướng dẫn ôn thi lý thuyết; chi phí chi trả cho cơ sở vật chất.
+ Học phí học thực hành: Tiền trả cho người hướng dẫn thực hành (chi phí sân tập và thuê xe máy tập).
Thực tế, chi phí học rơi vào khoảng từ 500 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng.
– Phí khám sức khỏe: phí khám sức khỏe tại các cơ sở y tế có thẩm quyền hiện nay rơi vào từ 150 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
– Ngoài ra có các chi phí khác như: phí chụp ảnh thẻ, phí mua hồ sơ;…
4. Quy trình học và thi bằng lái xe máy hạng A1:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại trung tâm.
Bước 2: Học lý thuyết và thực hành tại trung tâm:
Sau khi đã hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ, cá nhân có thể đăng kí học lý thuyết và thực hành lái xe tại trung tâm dựa trên khoảng thời gian phù hợp của bản thân.
Bước 3: Tham gia kỳ thi sát hạch để cấp giấy phép lái xe máy:
Thông thường từ 7-10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ thi bằng lái xe máy thì cá nhân nhận được thông báo lịch thi.
Theo đó, học viên lựa chọn đăng ký sân thi theo địa bàn gần khu mình sinh sống.
Đến ngày thi, học viên làm thủ tục nộp lệ phí sân thi và lưu ý mang giấy tờ tùy thân gốc đến để đối chiếu.
Đầu tiên là làm bài thi lý thuyết, sau đó là làm bài thi thực hành (thi trong một buổi).
– Hiện nay, thi lý thuyết lái xe sẽ là 25 câu/19 phút làm bài. Đối với bằng lái xe hạng A1, thí sinh cần đảm bảo đạt ít nhất 21 câu hỏi trong tổng số 25 câu và đặc biệt không được sai câu điểm liệt nào của bài thi lý thuyết.
– Và sau khi vượt qua được bài lý thuyết, người thi mới có thể thực hiện thi bài thực hành (chạy sa hình): lái xe theo hình số 8, đường quanh co, và đường nhấp nhô. Số điểm thí sinh cần phải đạt là 80/100 điểm.
Thực tế, thí sinh cần lưu ý những lỗi hay bị trừ điểm thi thi thực hành như xe chạm vạch, chết máy, chống chân,… : mỗi một lần phạm lỗi trừ 5 điểm, học viên để xe ngã hoặc đi sai hình sẽ bị loại trực tiếp.
Lưu ý: khi thi thực hành, thí sinh sẽ sử dụng xe do trung tâm tổ chức thi cấp.
Bước 4: Nhận bằng lái xe:
Người thi có thể đăng ký nhận lấy bằng lái xe trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện và tự trả phí.
5. Mẫu đơn đề nghị học, sát hạch lái xe để cấp bằng lái xe máy:
Phụ lục 7
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỌC, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ảnh màu
3 cm x 4 cm
chụp không quá 06 tháng
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỌC, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE
Kính gửi:……………………………………………………………………
Tôi là:………………Quốc tịch………………..
Sinh ngày: ….. /….. / ….. Nam, Nữ: …..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:……………..
Nơi cư trú:……………….
Số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (hoặc hộ chiếu):…….Cấp ngày: ….. /….. / ….., Nơi cấp: ……………..
Đã có giấy phép lái xe số:………………..hạng………………..do:………………… cấp ngày: ….. /….. / …….
Đề nghị cho tôi được học, dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng: …….
Đăng ký tích hợp giấy phép lái xe
Xin gửi kèm theo:
– 01 giấy chứng nhận đủ sức khỏe;
– 02 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm, chụp không quá 06 tháng;
– Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài);
– Các tài liệu khác có liên quan gồm:……………………..
Tôi xin cam đoan những điều ghi trên là đúng sự thật, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
………., ngày ….. tháng ….. năm 20 …..
NGƯỜI LÀM ĐƠN (Ký và ghi rõ họ, tên)
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
– Thông tư 01/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành.