Năm 1070, nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu và Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
Cuối năm 1009, tại Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn được lập làm vua, sáng lập vương triều Lý. Chưa đầy một năm sau (1010), ông dời đô ra thành Đại La và đổi thành Thăng Long.Trên cơ sở thành Đại La, Lý Công Uẩn xây dựng một kinh thành mới. Kinh thành được giới hạn bằng 3 con sông, phía Đông là sông Hồng, phía Bắc và phía Tây là sông Tô Lịch, phía Nam là sông Kim Ngưu. Khu Hoàng thành ở gần hồ Tây là nơi thiết triều, tất cả được bao bọc bằng một tòa thành gọi là Hoàng thành. Phần còn lại là khu dân sự, chia ra làm các phường, trong đó có những phường nông nghiệp, phường thủ công nghiệp và phường thương nghiệp, tách biệt hoặc đan xen. Cả hai khu được gọi là kinh thành, được bao bọc bằng một tòa thành bằng đất, phát triển từ đê của 3 con sông nói trên.Trong khu dân sự có những kiến trúc tôn giáo: năm 1028, xây đền Đồng Cổ trên bờ sông Tô Lịch, năm 1049 xây chùa Diên Hựu (Một Cột) ở phía Tây Hoàng thành, năm 1057 xây chùa tháp Báo Thiên, năm 1070 xây Văn Miếu và nhà học cho thái tử, sau phát triển thành Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Từ điện Giảng Võ trong Hoàng thành, năm 1170 phát triển thành Xạ đình (sân bắn) đặt ở phía Nam kinh thành.Như vậy, trong khoảng một trăm năm, sau khi trở thành Kinh đô, Thăng Long đã được xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Thành lũy, đê điều, các loại kiến trúc cung điện, lễ hội dân gian, văn hoá, tôn giáo… tất cả hoà quyện với thiên nhiên tạo nên dáng vẻ riêng của kinh thành.Tại Thăng Long, nhà Lý trong giai đoạn thịnh đạt của vương triều đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trên quy mô lớn, mở ra kỷ nguyên văn minh Đại Việt trong lịch sử Việt Nam.Trong thế kỷ XI và XII, trên cơ sở độc lập và thống nhất vững chắc, nền kinh tế và văn hoá của nước Đại Việt phát triển mạnh. Mối đe dọa của các vương triều phía Bắc, phía Nam, nhất là cuộc xâm lược của nhà Tống (1075-1077) đã bị đập tan, góp phần bảo vệ an toàn cho kinh thành Thăng Long cũng như vùng đồng bằng đông đúc dân cư. Nhân dân Thăng Long đã góp phần cùng nhân dân cả nước tạo nên nền văn minh đó và lập chiến công bảo vệ tổ quốc mà hai nhân vật tiêu biểu nhất là Thái úy Lý Thường Kiệt và nguyên phi Ỷ Lan.Lý Thường Kiệt (1019-1105) người phường Thái Hòa bên bờ nam Hồ Tây đã tổ chức và lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược (1075-1077). Nguyên phi Ỷ Lan, vốn họ Lê tên Yên Lan, người làng Sủi nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, là một hoàng hậu giỏi việc coi sóc trăm dân. Bà từng ban bố những chính sách phát triển nông nghiệp và chăm lo đời sống dân nghèo.Nền văn học Thăng Long dưới thời Lý đã có những tác phẩm trở thành niềm tự hào của văn học Việt Nam với những bài như Nam Quốc Sơn Hà, thơ của Mãn Giác, Quảng Nghiêm, Không Lộ…
(Nguồn TTXVN/Vietnam+)