Tại Nghị quyết được thông qua, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức sau khi thành lập giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Cùng với việc thành lập, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức được sắp xếp lại, theo đó nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; Quận 1, Quận 4 và quận Bình Thạnh.
Nghị quyết cũng cho phép thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An.
Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người, giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Quận 7 và quận Bình Thạnh.
Với các phương án sắp xếp trên, TP Thủ Đức sẽ có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Cùng với nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trình bày, quá trình xây dựng đề án chính quyền đô thị TPHCM được thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm, khảo sát, đánh giá nhiều chiều, trong đó có việc thành lập thành phố Thủ Đức theo mô hình “thành phố trong thành phố”. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, thành phố đang lên kế hoạch đầu tư để phát triển 8 trung tâm trọng điểm của thành phố Thủ Đức.
Đáng lưu ý, sau sắp xếp, có hơn 600 cán bộ dôi dư, TPHCM đã có phương án để giải quyết theo lộ trình 5 năm, nhưng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ hoàn thành sớm vào năm 2022. Song song với đó, thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch đào tạo cán bộ để ít nhất sẽ đạt chuẩn quốc tế ở 8 ngành nghề như y tế, du lịch, tài chính ngân hàng, quản lý đô thị…
Về chính sách với thành phố Thủ Đức, theo Đề án chính quyền đô thị TPHCM, TPHCM có thẩm quyền trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức mô hình “thành phố trong thành phố” theo hướng để tạo đột phá, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong điều hành.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã xây dựng đề án để uỷ quyền với 85 đầu việc cho Chủ tịch UBND cấp quận. Theo tinh thần này, thành phố chủ trương uỷ quyền ở mức cao nhất cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức.