Thực quản là cầu nối giữa hầu họng và dạ dày, đảm nhận vai trò vận chuyển thức ăn và các chất từ miệng xuống dạ dày. Vậy thực quản nằm ở đâu, cấu tạo ra sao và có các bệnh lý thường gặp nào? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Thực quản nằm ở đâu trong cơ thể?
Thực quản (Esophagus) là một ống cơ dài rỗng, nối giữa hầu họng với dạ dày để đưa thức ăn từ miệng xuống tiêu hóa ở dạ dày. Thực quản nằm ở phía sau khí quản và tim, ở phía trước cột sống và xuyên qua cơ hoành trước khi tới dạ dày. Ở người trưởng thành, thực quản có chiều dài khoảng 23 – 25 cm với cơ thắt thực quản ở hai đầu thực quản gồm cơ thắt thực quản trên và cơ thắt thực quản dưới.
Giải phẫu cấu tạo của thực quản
Thực quản là một trong những cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa với cấu tạo bao gồm 4 lớp mô và cơ như sau:
- Lớp niêm mạc (Mucosa): Niêm mạc là lớp lót mô mềm bên trong thực quản và có cấu tạo gồm lớp biểu mô, lớp đệm và lớp cơ niêm.
- Lớp dưới niêm mạc (Submucosa): Lớp dưới niêm mạc có chức năng liên kết niêm mạc với lớp cơ ngoài. Giống như lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc cũng tạo ra các nếp gấp chạy dọc ống thực quản.
- Lớp cơ (Muscularis): Lớp cơ này gồm các sợi cơ tròn bên trong và dải cơ dọc ở bên ngoài.
- Lớp áo ngoài (Tunica Adventuretitia): Đây là lớp mô sợi ngoài cùng, có vai trò nâng đỡ và nối thực quản với các cấu trúc xung quanh để giữ thực quản ở đúng vị trí.
Ngoài ra, thực quản còn được chia làm 3 đoạn là phía trên, ở giữa và phía dưới.
- Phía trên: Phía trên thực quản bắt đầu từ cơ nhẫn hầu và kết thúc ở rãnh trên xương ức. Phần này đi qua vùng cổ, nằm trước cột sống và ngay sau khí quản. Tại đây có cơ thắt thực quản trên (UES) giúp bảo vệ lối vào của thực quản.
- Ở giữa: Đoạn này nằm giữa cột sống và khí quản ở trung thất trên, kéo dài từ rãnh trên xương ức đến cơ hoành.
- Phía dưới: Đoạn này bắt đầu từ cơ hoành và kết thúc tại dạ dày. Thực quản sẽ di chuyển xuyên qua cơ hoành phải trước khi đến dạ dày ở vị trí đốt sống thứ 11. Đoạn cuối thực quản này có một bộ phận là cơ thắt thực quản dưới (LES) giúp đưa thức ăn từ thực quản vào dạ dày, đồng thời giữ dịch dạ dày không trào ngược lên thực quản.
Chức năng của thực quản
Chức năng chính của thực quản là đưa thức ăn và chất lỏng từ miệng xuống dạ dày. Theo đó, khi nuốt thức ăn và chất lỏng, cơ thắt thực quản trên (UES) sẽ nhận được tín hiệu và tạm thời giãn ra để thức ăn và chất lỏng đi vào thực quản, sau đó đóng lại. Lúc này thức ăn và chất lỏng sẽ được các cơ bên trong thực quản đẩy xuống đến phần thực quản dưới. Tại đây, cơ thắt thực quản dưới (LES) sẽ giãn ra để thức ăn, chất lỏng di chuyển xuống dạ dày và đóng lại.
Các bệnh lý thường gặp ở thực quản
Tương tự các cơ quan khác trong cơ thể, thực quản cũng có thể bị tổn thương nếu không được chăm sóc cẩn thận. Rối loạn vận động thực quản bao gồm các hoạt động bất thường gây ảnh hưởng đến chức năng của thực quản và dẫn đến một số bệnh lý. Dưới đây là 7 bệnh lý thường gặp ở thực quản.
Viêm thực quản
Viêm thực quản là tình trạng viêm gây tổn thương niêm mạc thực quản, dẫn đến các triệu chứng như, khó nuốt, ho khan, đau ngực, ợ nóng,… Các nguyên nhân gây viêm thực quản có thể kể đến như trào ngược axit, tăng bạch cầu ái toan, tăng số lượng tế bào lympho trong niêm mạc thực quản,…
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày – thực quản là hiện tượng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng niêm mạc thực quản và dẫn đến ợ nóng, ợ trớ, đau tức ngực, khó nuốt, viêm thanh quản,… Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày – thực quản có thể là do cơ thắt thực quản dưới (LES) không đóng kín, khiến axit và thức ăn từ dạ dày trào lên thực quản.
Giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng tĩnh mạch bị giãn trong niêm mạc thực quản, nếu không sớm điều trị có thể dẫn đến vỡ tĩnh mạch và chảy máu. Bình thường, người bệnh sẽ không có dấu hiệu gì đến khi có dấu hiệu chảy máu. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Túi thừa thực quản
Túi thừa thực quản là phần cấu trúc có dạng túi, phình ra tại những điểm yếu của thành thực quản và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong niêm mạc thực quản. Bệnh có thể khiến người bệnh bị đau cổ, khó nuốt, trào ngược thức ăn, ho,… Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây túi thừa thực quản vẫn chưa được xác định rõ.
Hẹp thực quản
Hẹp thực quản là hiện tượng thắt chặt hoặc thu hẹp bất thường của thực quản, gây khó nuốt, cảm giác nóng rát nơi cổ họng, thường xuyên mắc nghẹn,… Bệnh có thể xuất phát từ các nguyên nhân như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, ung thư thực quản,…
Barrett thực quản
Barrett thực quản là tình trạng tế bào niêm mạc thực quản bị biến đổi thành tế bào tương tự như tế bào ở niêm mạc ruột. Nguyên nhân gây Barrett thực quản chủ yếu xuất phát từ bệnh trào ngược dạ dày – thực quản mạn tính.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là sự phát triển bất thường của các tế bào niêm mạc thực quản, có thể lan rộng ra các khu vực xung quanh hoặc cơ quan khác của cơ thể. Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư thực quản là hút thuốc, lạm dụng bia rượu, trào ngược dạ dày – thực quản, Barrett thực quản,… Bệnh thường không có biểu hiện ở giai đoạn đầu, chỉ khi tiến triển nặng hơn các dấu hiệu mới thể hiện rõ, chẳng hạn như khó nuốt, sụt cân, đau ngực, khàn giọng, khó tiêu,…
Có thể thấy, các bệnh lý thực quản ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Do vậy, để điều trị bệnh hiệu quả và dứt điểm, Cô Chú, Anh Chị nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng điều trị thích hợp.
Cách chăm sóc thực quản khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh lý
Xây dựng thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố góp phần ngăn ngừa các bệnh lý thực quản. Để có lối sống và chế độ dinh dưỡng phù hợp, Cô Chú, Anh Chị có thể hỏi ý kiến bác sĩ để có lời khuyên chính xác.
Các cách chăm sóc thực quản khỏe mạnh có thể kể đến như:
- Hạn chế một số thực phẩm không tốt như đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, thực phẩm có tính axit (cà chua, cam quýt,…), đồ uống có ga và caffeine.
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm nhai kỹ và không nên ăn gần giờ đi ngủ.
- Hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Rèn luyện sức khỏe thường xuyên và duy trì cân nặng ổn định.
- Kê cao đầu giường hoặc kê cao gối khi đi ngủ.
Bài viết trên là các thông tin giải đáp cho thắc mắc thực quản nằm ở đâu, cấu tạo cũng như có các bệnh lý thường gặp nào. Nhìn chung, thực quản có nhiệm vụ chính là vận chuyển thức ăn, chất lỏng xuống dạ dày. Nếu không chăm sóc cẩn thận, thực quản có thể bị tổn thương và dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu bất thường, Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Câu hỏi thường gặp
Tài liệu tham khảo:
1. The Healthline Editorial Team. Esophagus. 20 01 2018. https://www.healthline.com/human-body-maps/esophagus#1 (đã truy cập 08 08 2023).
2. Cleveland Clinic. Esophagus. 04 08 2021. https://my.clevelandclinic.org/health/body/21728-esophagus (đã truy cập 08 08 2023).
3. Shazia R. Chaudhry; Bruno Bordoni. Anatomy, Thorax, Esophagus. 25 07 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482513/ (đã truy cập 08 08 2023).
4. Mark Gurarie. The Anatomy of the Esophagus. 08 02 2021. https://www.verywellhealth.com/esophagus-anatomy-5093339 (đã truy cập 08 08 2023).
5. Cleveland Clinic. Esophageal Disorders. 10 08 2021. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16976-esophageal-disorders (đã truy cập 08 08 2023).
6. Cleveland Clinic. Esophageal Varices. 23 05 2023. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15429-esophageal-varices (đã truy cập 08 08 2023).
7. Cleveland Clinic. Esophageal Strictures. 27 11 2020. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21456-esophageal-strictures (đã truy cập 08 08 2023).
8. Joseph Saling. Barrett’s Esophagus: Symptoms, Causes, and Treatments. 12 09 2021. https://www.webmd.com/heartburn-gerd/barretts-esophagus-symptoms-causes-and-treatments (đã truy cập 08 08 2023).
9. WebMD Editorial Contributors. Esophageal Cancer. 20 01 2022. https://www.webmd.com/cancer/esophageal-cancer (đã truy cập 08 08 2023).