Thuốc tiêm tránh thai được nghiên cứu từ thập niên 60, bán rộng rãi đầu thập niên 70 đến đầu thế kỷ này đã có khoảng 100 triệu phụ nữ ở 90 nước dùng. Người dùng cần hiểu về phương pháp này trước khi quyết định việc có sử dụng hay không.
Thuốc tiêm tránh thai là gì?
Thuốc tiêm tránh thai đã được thực hiện cách đây khoảng nửa thế kỷ nhằm kế hoạch hóa gia đình, hiện nay đã có khoảng 100 triệu người dùng. Thuốc tiêm tránh thai là dạng thuốc có chứa lượng lớn hormone progesterone, chỉ được tiêm vào bắp và mỗi lần tiêm có tác dụng tránh thai khoảng 3 tháng.
Phương pháp này mặc dù có hiệu quả tránh thai nhưng không thể bảo vệ phụ nữ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Vì vậy trong trường hợp có nguy cơ nhiễm STDs, các cặp đôi vẫn cần phải sử dụng bảo vệ bổ sung như bao cao su.
Các loại thuốc tiêm tránh thai
Có 2 nhóm thuốc tiêm tránh thai:
- Nhóm thứ nhất thành phần có progestin, estrogen;
- Nhóm thuốc tiêm tránh thai thứ hai chỉ có progestin. Trong nhóm thứ hai có loại DMPA và NETEN. Loại DMPA hiện được phép và khuyến khích dùng tại nước ta từ 1990 đến nay đã triển khai ở hầu hết tỉnh thành.
Ưu thế của thuốc tiêm tránh thai DMPA
- DMPA ức chế rụng trứng 100% đồng thời ức chế tiết chất nhầy ở cổ tử cung rất mạnh làm cho tinh trùng không thâm nhập được vào buồng tử cung nên có hiệu quả tránh thai cao (99,6%).
- DMPA dùng liều cao (150mg/lần) sẽ hấp thu chậm, có hiệu lực kéo dài nên chỉ dùng 1 lần có thể tránh thai trong 3 tháng, giống như đình sản tạm thời.
- DMPA không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, muốn có thai lại chỉ cần ngừng thuốc vài tháng.
- DMPA duy trì, làm tăng sự tiết sữa, có tiết vào sữa với lượng rất nhỏ (0,02 – 0,08 µg/kg/ngày). Trẻ bú sữa mẹ có tiêm DMPA sẽ có chiều cao cân nặng, trí tuệ phát triển bình thường. Thích hợp với người cho con bú.
- DMPA gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, rong kinh, rong huyết nên không dùng cho người bị rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân.
- DMPA không gây ra rối loạn về mạch, huyết áp, không ảnh hưởng đến việc sản xuất steroid và miễn dịch, không gây phù, không làm phát triển u xơ tử cung nên có thể dùng cho người u xơ tử cung. DMPA có thể dùng cho người có bệnh van tim chưa có biến chứng song không dùng cho người bị bệnh tim nặng như: nhồi máu cơ tim, viêm tắc tĩnh mạch.
Cách sử dụng thuốc tiêm tránh thai
Thuốc tiêm tránh thai thường được tiêm vào cơ bắp hông hoặc cơ bắp trên cánh tay mỗi 1 – 3 tháng, tùy thuộc vào loại thuốc bạn sử dụng, vì vậy đây được coi là phương pháp đình sản tạm thời. Để đảm bảo an toàn với đúng liều lượng cần thiết, việc tiêm thuốc cần được thực hiện bởi các chuyên gia y tế. Trong một số trường hợp, chị em có thể chủ động tiêm thuốc sau khi đã có hướng dẫn từ bác sĩ.
Sau sử dụng thuốc tiêm tránh thai, bạn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và thực hiện tiêm lại đúng hẹn theo lịch được đề ra. Tuân thủ lịch tiêm rất quan trọng để đảm bảo hiệu suất tránh thai cao nhất.
Sử dụng thuốc tiêm tránh thai có an toàn không?
Thuốc tiêm tránh thai là biện pháp ngừa thai hiệu quả và có tác dụng lâu dài mà chị em không cần phải uống thuốc hàng ngày hay chuẩn bị trước khi quan hệ. Các ưu điểm của phương pháp này gồm:
- Hiệu quả tránh thai lên tới 96,9%: Thuốc tiêm tránh thai tạo ra progesterone có khả năng ức chế quá trình rụng trứng, vì vậy có khả năng tránh thai gần như tuyệt đối.
- Thuận tiện: Người dùng chỉ cần tiêm một lần sau mỗi 1 – 3 tháng, không cần nhớ dùng hàng ngày như các loại thuốc tránh thai uống,.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng: So với các phương pháp tránh thai khác như bao cao su, thuốc tiêm tránh thai giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng nội tiết.
- An toàn với phụ nữ có thai và đang cho con bú: Theo các nghiên cứu, thuốc tiêm tránh thai không ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa của mẹ. Vì vậy, trong quá trình mang thai mẹ có thể an tâm sử dụng thuốc mà không cần lo lắng.
- Chỉ là biện pháp tránh thai tạm thời, sau khi hết tác dụng thì vẫn có thể mang thai.
Trường hợp không được dùng thuốc tiêm tránh thai
- Chưa đủ 16 tuổi;
- Có thai hoặc nghi có thai. Nếu nghi thì phải kiểm tra chắc chắn không có thai mới được dùng;
- Đang bị ung thư vú hoặc ung thư vú đã khỏi;
- Có u ở vú chưa xác định được (kể cả u lành nhưng chưa chữa khỏi);
- Có ung thư buồng trứng;
- Có xuất huyết bất thường;
- Có các bệnh nội tiết;
- Có và đang dùng thuốc chữa động kinh (kể cả trường hợp có cơn co giật chưa xác định);
- Bị và đang dùng thuốc chữa lao;
- Đang bị bệnh tim mạch (thiếu máu cục bộ), tăng huyết áp;
- Bị trầm cảm, nhức đầu do các nguyên nhân khác nhau (như thiên đầu thống);
- Bị bệnh gan mật (kể cả vàng mắt vàng da chưa xác định được);
- Bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV);
- Bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Đã từng bị tác dụng phụ của thuốc tránh thai;
Một số tác dụng phụ của thuốc tiêm tránh thai và cách xử lý
Mất kinh khi tiêm thuốc tránh thai
- Khi dùng DMPA chỉ chứa progestin thì lượng progestin sẽ cao hơn estrogen so với tỷ lệ lúc bình thường, nên niêm mạc tử cung không phát triển mạnh dày ra và bị bong, chảy máu như lúc hành kinh thông thường, gọi là hiện tượng mất kinh.
- Khoảng 60% người dùng bị hiện tượng này (nếu tính cả những người chỉ bị vài lần trong năm).
- Hiện tượng này không có hại gì cho sức khỏe hay sinh sản về sau, nên vẫn tiếp tục dùng DMPA.
- DMPA có hiệu quả tới 96,6% nên hiện tượng này thường không phải là dấu hiệu có thai, tuy nhiên để chắc chắn, cần kiểm tra.
- Nếu có thai (có thể có thai trước khi dùng DMPA mà không biết, hay do dùng DMPA mà không có hiệu quả, tuy rất hiếm) thì có thể giữ lại thai hay phá thai. Trong trường hợp muốn giữ thai thì ngừng dùng DMPA và theo dõi như thai bình thường vì DMPA dùng trước đó không có hại cho thai.
Rong kinh khi tiêm thuốc tránh thai
- Khi dùng DMPA cũng có thể bị rong kinh, rong huyết, băng kinh.
- Rong kinh là kinh kéo dài (7 – 8 ngày) lượng máu ra bằng hay nhiều hơn bình thường (50 – 80ml). Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong những mũi tiêm đầu DMPA sau đó hết dần, đi vào ổn định, nên vẫn cứ tiếp tục dùng DMPA.
- Rong huyết là xuất huyết một ít giữa chu kỳ hành kinh. Hiện tượng này không nghiêm trọng và không cần điều trị, sẽ tự hết. Băng kinh là lượng máu nhiều hơn hành kinh bình thường, rất ít khi xảy ra.
Tiêm thuốc tránh thai gây tăng cân
- DMPA làm tăng cân nhanh chóng, thường tăng 5% trong vòng 6 tháng, tình trạng tăng cân vẫn tiếp tục kéo dài. Có tới 25% nữ tham gia khảo sát đã tăng tới 10kg sau 3 năm dùng DMPA.
- Nếu khi dùng DMPA mà bị tăng cân nhanh chóng thì nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và có thể chuyển sang dùng biện pháp tránh thai khác.
Tiêm thuốc tránh thai có thể loãng xương
- DMPA làm giảm độ kết dính của xương, gây loãng xương nữ ở bất cứ độ tuổi nào, thường xảy ra nhanh và tồi tệ khi dùng kéo dài quá 2 năm, còn dùng trong phạm vi 2 năm thì không hay rất hiếm xảy ra.
Tâm trạng thất thường do thuốc tiêm tránh thai
- DMPA còn làm cho người dùng thay đổi tâm trạng giống như khi có thai (khi buồn, giận, chán nản, mỏi mệt) nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thì cần điều trị.
- Ngoài ra nhức đầu, đau bụng dưới, cương vú, buồn nôn nhưng không nặng, có thể xử lý bằng các cách thông thường.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/