Trái tim có nhiệm vụ thu thập máu nghèo oxy, mang đến phổi để được oxy hóa. Sau đó, tim vận chuyển máu đã được oxy hóa từ phổi và phân phối đến tất cả các bộ phận khác trong cơ thể.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hoài Vũ, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Quả tim là gì?
Trái tim là một cơ quan cơ rỗng hình nón, nằm ở trung thất giữa và được bao bọc trong màng ngoài tim. Là bộ phận trung tâm của hệ tuần hoàn, tim chịu trách nhiệm bơm máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng; đồng thời loại bỏ chất thải chuyển hóa ra khỏi các mô trong cơ thể. Trái tim và mạng lưới các động mạch, tĩnh mạch tạo nên hệ thống tim mạch.
Tim bơm khoảng 7.200 lít máu giàu chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể trong một ngày. Trung bình mỗi ngày tim đập khoảng 100.000 lần, tức là trong cả đời người sẽ đập khoảng 3 tỷ nhịp. Tim người lớn đập khoảng 60-80 lần mỗi phút và tim trẻ sơ sinh đập nhanh hơn người lớn, khoảng 70-190 lần mỗi phút.
Vì là một cơ quan quan trọng của cơ thể, do đó những rối loạn chức năng hoặc bất thường trong tim có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. (1)
Cấu tạo của tim
Cấu tạo của tim gồm có: thành tim, buồng tim, van tim, mạch máu và hệ thống dẫn truyền.
1. Thành tim
Phần lớn bề dày của thành tim là do cơ tim tạo ra. Hoạt động của thành tim là giúp đưa máu từ tim đi khắp cơ thể thông qua việc co lại và giãn ra theo chu kỳ. Thành tim được phân chia ra thành tim bên trái và bên phải bởi lớp mô cơ. (2)
Thành tim có 3 lớp: Lớp bên trong, lớp cơ giữa và lớp bảo vệ bên ngoài.
- Nội tâm mạc: Bao gồm một lớp đồng tâm ở giữa và một lớp dưới nội tâm mạc.
- Cơ tim: Lớp cơ giữa của thành tim, có mô dễ bị kích thích và hệ thống dẫn truyền.
- Ngoại tâm mạc: Lớp ngoài của thành tim và được hình thành bởi lớp nội tạng của màng ngoài tim huyết thanh.
2. Buồng tim
Trái tim của cơ thể người có 4 buồng tim. Mỗi buồng tim sẽ có vai trò khác nhau để đáp ứng được chức năng bơm máu của tim. Hai khoang ở phía trên là vị trí của tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải. Tâm thất trái và tâm thất phải nằm ở hai buồng dưới. Buồng tim lớn nhất và khỏe nhất trong tim là tâm thất trái, có độ dày chỉ khoảng 1cm nhưng vẫn đảm bảo đủ lực đẩy máu đi qua van động mạch chủ đi nuôi cơ thể.
3. Van tim
Van tim giống như “cánh cửa” giữa các buồng tim, thường xuyên mở và đóng để máu chảy qua. Tim được tạo thành từ bốn van: van hai lá, van ba lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ.
- Van hai lá: Van nằm ở giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Hoạt động đóng mở của van hai lá giúp máu giàu oxy đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, đảm bảo máu không bị rò rỉ ngược trở lại vào tâm nhĩ.
- Van ba lá: Khi van ba lá mở ra, máu sẽ chảy từ nhĩ phải xuống thất phải. Khi máu được bơm từ thất phải vào động mạch phổi, đưa máu đến phổi thì van ba lá đóng lại.
- Van động mạch phổi: Đảm bảo máu chảy đúng chiều từ tâm thất phải vào động mạch phổi, không để máu bị trào ngược trở về tim.
- Van động mạch chủ: Đóng mở theo chu kỳ, giúp cho máu lưu thông đúng chiều từ tim đến các cơ quan khác.
4. Hệ thống tuần hoàn (mạch máu)
Máu từ tim đi đến các bộ phận của cơ thể và ngược lại thông qua một mạng lưới các mạch máu phức tạp, bao gồm:
- Các động mạch: Đưa máu từ tim đến các mô khác trong cơ thể.
- Các tĩnh mạch: Mang máu trở lại tim, lúc này là máu nghèo oxy.
- Các mao mạch: Động mạch và tĩnh mạch được liên kết với nhau bằng những mạch máu nhỏ hơn gọi là mao mạch. Thông qua các mao mạch này, cơ thể có thể trao đổi được lượng máu nghèo oxy và máu giàu oxy với nhau.
5. Hệ thống dẫn truyền
Nhờ hệ thống dẫn truyền phát tín hiệu, tim sẽ nhận biết được thời điểm nào nên co lại và khi nào nên giãn ra để giúp cho hoạt động bơm máu được nhịp nhàng và đều đặn. Tín hiệu điện sẽ được bắt nguồn từ nút xoang nhĩ hay còn gọi là nút SA, đây được xem là “máy tạo nhịp tim tự nhiên” của tim.
Nút SA sẽ tạo ra xung điện, lan tỏa đến tế bào của tâm nhĩ và tâm thất và làm chúng co lại. Ở trạng thái bình thường, nút xoang nhĩ sẽ gửi các tín hiệu điện đi với một tốc độ ổn định. Tuy nhiên, nó vẫn có thể bị thay đổi trong trường hợp bạn đang hoạt động thể chất mạnh hay nghỉ ngơi, cảm xúc cũng có sự ảnh hưởng đến nhịp tim bình thường của bạn.
Chức năng của tim
Tim là một máy bơm cơ cung cấp lực cần thiết để lưu thông máu đến tất cả các mô trong cơ thể. Chức năng của tim rất quan trọng vì để tồn tại, các mô cần được cung cấp oxy và trao đổi chất dinh dưỡng liên tục. (3)
Trong khi máu là phương tiện vận chuyển thì tim là cơ quan giữ cho máu di chuyển qua các mạch. Trái tim người trưởng thành bình thường bơm khoảng 5 lít máu mỗi phút trong suốt cuộc đời. Nếu tim mất hiệu quả bơm dù chỉ trong vài phút, tính mạng chúng ta sẽ bị đe dọa.
Trái tim được cung cấp máu bởi hai động mạch vành chính:
- Động mạch vành chính trái mang 80% lưu lượng máu đến cơ tim. Động mạch vành chính được chia thành hai nhánh:
- Động mạch liên thất trước cung cấp máu cho 2/3 phía trước của vách ngăn liên thất và phần liền kề của thành trước thất trái.
- Động mạch mũ: có vai trò cung cấp máu cho các phần bên và sau của tâm thất trái.
- Động mạch vành phải: các nhánh cấp máu cho tâm thất phải, tâm nhĩ phải và thành dưới của tâm thất trái.
Hầu hết các tĩnh mạch vành hợp lại thành xoang vành chạy trong rãnh nhĩ thất sau bên trái và đổ vào tâm nhĩ phải. Các tĩnh mạch nhỏ khác, được gọi là tĩnh mạch thebesian (tĩnh mạch nhỏ nhất của tim) mở trực tiếp vào cả bốn buồng của tim.
Tim hoạt động như thế nào?
Máu nghèo oxy từ phần còn lại của cơ thể chảy vào tâm nhĩ phải của tim qua hai tĩnh mạch lớn. Sau đó, máu chảy vào tâm thất phải và được bơm vào các động mạch phổi có trong phổi. Sau khi thu thập oxy, máu chảy ngược trở lại vào tâm nhĩ trái thông qua các tĩnh mạch phổi và sau đó đến tâm thất trái. Động mạch chủ mang máu được cung cấp đầy đủ oxy đến các bộ phận còn lại của cơ thể.
Vị trí của trái tim nằm ở đâu?
Tim nằm ở bên trái của cơ thể. Vị trí cụ thể của tim là ở giữa phổi phải và trái, nằm phía sau và bên trái xương ức. Do tim chếch về bên trái của lồng ngực nên phần phổi trái sẽ nhỏ hơn một chút để nhường chỗ cho tim. Tim và các cơ quan bên trong khác được bảo vệ bởi lồng ngực.
Kích thước và khối lượng trung bình của tim
Kích thước trái tim của một người gần bằng kích thước nắm tay của người đó. Nữ giới có kích thước tim nhỏ hơn so với nam giới. Các vận động viên tham gia tập luyện cường độ cao cũng có xu hướng có trái tim lớn hơn.
Trái tim nặng trong khoảng từ 200 – 425 gram. Khi trai tim kết thúc một cuộc đời, nó có thể đã mở rộng và co lại hơn 3,5 lần. Đây là dấu hiệu cho thấy trái tim con người đang hoạt động bình thường. (4)
Các bệnh lý tim mạch thường gặp
Bệnh tim mạch có ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hiệu quả của tim, bao gồm:
- Bệnh mạch vành: Xảy ra khi các mạch máu của tim (động mạch vành) bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, không thể cung cấp đủ máu cho tim.
- Nhồi máu cơ tim: Xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần cơ tim bị tắc nghẽn hoàn toàn. Tình trạng này thường do một mảng xơ vữa vỡ ra và cục máu đông hình thành trong động mạch vành, gây tổn thương cho phần cơ tim mà động mạch vành cụ thể đó đang cung cấp.
- Suy tim: Nếu hoạt động bơm máu của tim không hiệu quả, cơ tim không thể đáp ứng nhu cầu về máu và oxy của cơ thể. Lúc này sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau như mệt mỏi, khó thở, gây suy tim.
- Rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường): Cơ tim có hệ thống điện học riêng giúp kích thích nhịp tim. Nếu các tín hiệu điện trong tim bị gián đoạn hoặc bị rối loạn, tim có thể đập quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (nhịp tim chậm) và/hoặc không đều.
- Bệnh van tim: Hoạt động đóng, mở của van tim có vai trò điều chỉnh lưu lượng máu qua tim. Nếu van tim gặp trục trặc có thể làm tăng khối lượng công việc của tim và gây căng thẳng cho cơ tim, dẫn đến một loạt các triệu chứng, như: hụt hơi, phù mắt cá chân, mệt mỏi, đau ngực (đau thắt ngực hoặc đánh trống ngực), chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Bệnh tim bẩm sinh: Xảy ra khi có bất thường hoặc khiếm khuyết về cấu trúc tim của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Nếu không được tầm soát kỹ, phát hiện và điều trị sớm, một số dị tật bẩm sinh ở tim có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Làm gì để có trái tim khỏe mạnh?
Nếu đang điều trị bệnh tim mạch, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra. Đồng thời, đến tái khám theo định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi sát sao được tình trạng bệnh cũng như mức độ hồi phục. Những người có yếu tố nguy cơ và chưa có yếu tố nguy cơ cần thay đổi lối sống lành mạnh để giữ cho trái tim khỏe mạnh, chẳng hạn như:
- Cố gắng đạt và duy trì cân nặng ở mức độ ổn định, phù hợp;
- Không uống nhiều rượu bia;
- Bạn nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, tốt cho tim mạch bằng cách bổ sung thêm nhiều trai cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt,…;
- Có thói quen vận động thường xuyên, nên tập vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khỏe, tốt nhất là cố gắng tập ít nhất 150 phút/tuần;
- Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày;
- Kiểm soát căng thẳng (stress) bằng các hoạt động lành mạnh;
- Bỏ hút thuốc, tránh hút thuốc thụ động;
- Chủ động kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát bệnh tim mạch định kỳ.
Để đặt lịch khám, tầm soát, điều trị bệnh tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Trái tim là cơ quan quan trọng trong cơ thể với một mạng lưới các mạch máu bơm máu đi khắp cơ thể. Do đó, giữ trái tim luôn khỏe không chỉ duy trì sự sống mà còn bảo vệ hệ cơ quan trong cơ thể.