Quyền con người được hiểu là những phẩm giá, nhu cầu, lợi ích, năng lực vốn có và chỉ có ở con người – với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại, được thể chế trong pháp luật của mỗi quốc gia và pháp luật quốc tế. Theo đó, quyền con người là sự thống nhất giữa đặc trưng tự nhiên vốn có và đặc trưng xã hội của con người – Sinh vật xã hội. Với tính chất là đặc trưng tự nhiên vốn có, quyền con người là tổng thể những giá trị chung nhất, phổ biến nhất đối với mọi xã hội, quốc gia, dân tộc. Với tính chất là đặc trưng xã hội, quyền con người mang tính đặc thù của chế độ chính trị, xã hội, đặc trưng văn hóa và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn lịch sử xã hội quy định. Quyền con người thể hiện ở “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1], bao gồm quyền dân sự – chính trị và quyền về kinh tế, văn hóa xã hội; nó vừa mang tính cá nhân, tính giai cấp, tính lịch sử, tính nhân loại và tính dân tộc.
Các nhà triết học duy tâm và duy vật trước Mác đều quan niệm duy tâm và siêu hình về con người, xem con người là con người trừu tượng, phi hiện thực. Do đó, ở họ, quyền con người là trừu tượng, phi hiện thực, thoát ly khỏi đời sống xã hội. Theo quan điểm của Chủ Nghĩa Mác con người là “động vật xã hội”[2], là con người hiện thực với “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” cụ thể. Mác cho rằng, con người là một bộ phận vốn có của tự nhiên và là bộ phận cao nhất của giới tự nhiên, rằng: “con người không phải là sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ngoài thế giới” mà “con người chính là thế giới con người, là Nhà nước, là xã hội”[3] loài người. Về bản chất, Mác cho rằng: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[4], Mác khẳng định: Quyền con người phát sinh từ những quan hệ vật chất giữa người với người và sự đấu tranh giữa người với người do chính những quan hệ đó tạo ra.
Từ quan điểm biện chứng về con người và hiện thực của sự tha hóa con người trong xã hội tư bản, theo Mác, cần phải có một cuộc cách mạng để giải phóng con người khỏi sự tha hóa đó, đồng thời, chỉ ra con đường hiện thực để giải phóng con người – Con đường cách mạng vô sản, để xây dựng một xã hội mới – Xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Do đó, quyền con người vừa là điểm xuất phát, đồng thời cũng là mục tiêu cuối cùng của Chủ nghĩa xã hội, gắn với nó là bản chất của một chế độ chính trị xã hội mới, một nhà nước kiểu mới.
Xuất phát từ quan điểm “con người hiện thực”, Chủ nghĩa Mác đã xem xét một cách tổng quát, toàn diện vấn đề quyền con người, quyền công dân theo quan điểm mới, khoa học và cách mạng.
Phê phán quan điểm xem xét một cách tách biệt độc lập về quyền con người và quyền công dân, Mác cho rằng: Cái gọi là nhân quyền khác với quyền công dân chẳng qua chỉ là những quyền của thành viên xã hội công dân, nghĩa là, con người vị kỷ tách khỏi bản chất cộng đồng người. Mác không tách biệt độc lập và đối lập giữa quyền con người và quyền công dân mà đặt chúng trong mối quan hệ thống nhất nhau ở quyền con người, trong đó bao hàm cả quyền công dân, đó là sự phản ánh tổng thể nhu cầu của con người hiện thực trong điều kiện tồn tại xã hội, tồn tại Nhà nước. Tuy nhiên, trong quan niệm của mình, Mác cũng có sự tách biệt tương đối về quyền con người và quyền công dân, xem đây là hai bộ phận khác nhau trong cùng một thể thống nhất. Mác cho rằng: Quan sát cái gọi là nhân quyền và hơn thế nữa quan sát nhân quyền dưới hình thức thực chất của chúng, thì một phần nhân quyền là quyền chính trị, là tham gia vào cộng đồng chính trị và tham gia nắm giữ quyền lực chính trị Nhà nước. Phần khác của bản chất nhân quyền là quyền tự do của con người về đặc quyền tín ngưỡng, tôn giáo được thừa nhận trực tiếp, đó cũng là một trong những quyền cơ bản của con người – quyền công dân.
Trong tư tưởng của Mác, không có sự đối lập tuyệt đối, cũng như không có sự đồng nhất thuần túy giữa quyền con người và quyền công dân, mà đó là sự đối lập và thống nhất tương đối của các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan của xã hội hiện thực. Nghĩa vụ của con người là phải đòi quyền con người và quyền công dân, không những cho bản thân mình mà còn cho bất kỳ người nào thực hiện nghĩa vụ của mình. Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi.
Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác, quyền con người là một phạm trù mang tính lịch sử và do trình độ phát triển kinh tế – xã hội quy định và quyết định. Quyền con người theo đó muốn được bảo vệ và phát triển phải được quy định thành luật và ghi nhận trong luật, luật là “kinh thánh” cơ bản của quyền con người và bảo vệ quyền con người. Quyền con người phải gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; và quyền con người theo đó, luôn mang tính giai cấp và tính nhân loại (tính xã hội).
Trước hết, Theo Mác, con người là con người xã hội, bản chất con người “trong tính hiện thực của nó, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Do đó xét về khía cạnh xã hội, thì “quyền con người, ngay từ khi có xã hội loài người, bên cạnh bản tính tự nhiên còn in đậm bản tính xã hội”[5]. Theo Mác: “Quyền con người là những đặc quyền chỉ có ở con người mới có, với tư cách là con người, là thành viên xã hội loài người”[6]. Vì vậy, trong xã hội có giai cấp, quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc, thể hiện ở chổ, tự do của một giai cấp là sự mất tự do của giai cấp đối lập. Trong xã hội có giai cấp, không thể có sự bình đẳng của các giai cấp đối lập. Sự bình đẳng chỉ tồn tại trong nội bộ của giai cấp có cùng lợi ích, “những quan hệ cộng đồng mà những cá nhân của một giai cấp tham gia trong đó, những quan hệ được quy định bởi những lợi ích chung của họ chống lại một giai cấp khác… đó là những quan hệ mà họ đã tham gia, không phải với tư cách là những cá nhân, mà với tư cách là thành viên của giai cấp”. “Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”. Vì vậy, Thực chất nhân quyền trong xã hội tư bản chỉ là “quyền tự do chiếm hữu tư liệu sản xuất”, “quyền bóc lột một cách công nhiên”, “quyền vị kỷ chủ nghĩa” của giai cấp tư sản; và rằng “đó không phải là pháp luật mà là đặc quyền, người này có quyền làm cái việc mà người kia không có quyền làm”. Tính giai cấp của quyền con người là một trong những đặc tính cơ bản quy định bản chất của quyền và hàm nghĩa giai cấp khác nhau của tự do. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, quyền con người là đặc quyền của giai cấp thống trị và cũng là sự mất quyền của giai cấp bị trị. Trong xã hội ấy, sự bình đẵng bị khúc xạ bởi quyền lực và lợi ích của giai cấp cầm quyền.
Bên cạnh tính giai cấp, quyền con người còn mang tính nhân loại, đó là thành quả đấu tranh lâu dài của lịch sử nhân loại, do vậy, nó mang dấu ấn sâu sắc, rõ nét của giá trị nhân loại và nhân văn, “sự tồn tại có tính lịch sử thế giới của các cá nhân, có nghĩa là sự tồn tại của những cá nhân trực tiếp gắn liền với lịch sử toàn thế giới”. Sự giải phóng cá nhân riêng lẻ sẽ được thực hiện theo chừng mực lịch sử và biến thành lịch sử thế giới, lịch sử đấu tranh cho quyền con người là lịch sử đấu tranh của những người lao động và các dân tộc bị áp bức, bóc lột, giành quyền và tự do chân chính của con người, giải phóng cá nhân và phát triển toàn diện nhân cách con người.
Trong thời đại ngày nay, quyền con người không chỉ được thực hiện trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc mà phải là sự nghiệp giải phóng nhân loại, “giai cấp vô sản chỉ có thể phục sinh lại bản thân mình bằng cách hoàn toàn phục sinh lại con người” và “yêu sách về bình đẳng phải mang một tính chất chung, vượt ra ngoài ranh giới của quốc gia riêng biệt, là tự do và bình đẳng phải được tuyên bố là những quyền con người”.
Trong xã hội có giai cấp, do lợi ích giai cấp chi phối đã làm cho nhân thức về quyền con người trở nên phức tạp và bị che đậy bởi ý chí và lợi ích giai cấp, giai cấp cầm quyền đã biến lợi ích đặc thù của mình và tuyên bố đó là lợi ích phổ biến của toàn xã hội; và như vậy, lợi ích phổ biến của toàn xã hội chỉ tập trung một cách đặc quyền vào lợi ích đặc thù của một số cá nhân. Trong xã hội có đối kháng giai cấp thì lợi ích phổ biến chỉ có thể đứng vững với tư cách là lợi ích đặc thù chống lại lợi ích đặc thù, chừng nào cái đặc thù tự đối lập với cái phổ biến, với tư cách là cái phổ biến.
Muốn giải phóng con người, hiện thực hóa quyền con người cho tất cả các tầng lớp nhân dân lao động thì phải xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới, với chế độ nhà nước dân chủ thực chất, cũng tức là tạo ra cơ sở cho sự thống nhất giữa tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người.
Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về tính giai cấp, tính nhân loại, tính phổ biến và tính đặc thù về quyền con người xuất phát từ con người hiện thực và xem xét chúng trong các mối quan hệ giữa cá nhân – cộng đồng – Nhà nước. Trên cơ sở khẳng định quyền con người theo quan điểm khoa học và cách mạng, Chủ nghĩa Mác – Lênin đã phê phán sâu sắc và bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa tư bản về “nhân quyền”.
Trong xã hội ta hiện nay, quyền con người – quyền công dân có xu hướng ngày càng được mở rộng, nó không chỉ dừng lại ở những quyền thiết yếu của con người, mà trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị tư tưởng – kinh tế – văn hóa – xã hội và các quyền đó được ghi nhận, bảo vệ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và trong thực tiễn của việc thực hiện và bảo vệ quyền con người trên thực tế. Thông qua quá trình dân chủ hóa trên các lĩnh vực của đời sống chính trị – xã hội, quyền con người được bảo đảm bảo vệ và phát triển, tạo động lực to lớn cho sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã đề cao vai trò của con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế – xã hội. Nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta được phát triển và hoàn thiện theo hướng thực chất và toàn diện, tạo điều kiện cho nhân dân ngày càng làm chủ trên các lĩnh vực và tham gia ngày càng nhiều vào các quá trình xã hội.
Với cơ chế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, Đảng ta đã khơi dậy, phát huy quyền làm chủ, khả năng và sức sáng tạo, tinh thần nhiệt tình lao động sản xuất của mọi người, làm cho mọi người tự do, tự chủ, tự giác và tích cực tham gia vào các quá trình sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, tạo ra điều kiện và cơ hội về việc làm cho người lao động.
Với chủ trương “xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”[7], chúng ta đã tập trung được sức mạnh trí tuệ của toàn dân tham gia vào hoạt động chính trị, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở và phát huy cao quyền dân chủ của nhân dân trong quá trình tham gia vào quản lý Nhà nước và xã hội.
Với chủ trương “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[8], đã tạo ra được sự ổn định của xã hội, tạo ra khả năng và sức sáng tạo của con người trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, tạo điều kiện cho mọi người có thể tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại và làm cho văn hóa, cùng với chính trị tư tưởng ngày càng trở thành chổ dựa tinh thần vững chắc cho mọi người dân. Thực hiện tốt chính sách xã hội, một mặt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mặt khác, góp phần vào giải quyết vấn đề bảo đảm, bảo vệ quyền con người – quyền công dân trong chế độ chính trị xã hội mới.
Trong điều kiện hiện nay, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá chế độ Nhà nước ta dưới nhiều hình thức, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình” mà trọng tâm của nó là “nhân quyền”. Dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, chúng ra sức tuyên truyền để phá hoại vệ chính trị tư tưởng, chống phá chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân danh kẻ “bảo vệ nhân quyền”, chúng tập hợp các lực lượng cơ hội, phản động, bất mãn chế độ, tha hóa, biến chất tổ chức gây mất ổn định về chính trị tư tưởng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện thực hiện cơ chế kinh tế mở và phụ thuộc lẫn nhau, nhiều vấn đề phức tạp nãy sinh mà tự thân mỗi quốc gia không thể tự giải quyết, do đó, cần phải có sự hợp tác quốc tế để giải quyết, nhưng sự hợp tác đó đòi hởi phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Để bảo đảm bảo vệ và thực hiện và phát huy quyền con người – quyền công dân, chúng ta cần nhận thức rõ vấn đề thực chất của cuộc đấu tranh thực hiện và bảo vệ nhân quyền – bảo về quyền con người, quyền công dân hiện nay, từ đó, vạch rõ âm mưu và hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền để vi phạm nhân quyền của các thế lực thù địch, tạo điều kiện và cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện và phát huy, phát triển quyền con người, quyền công dân thực chất trong tình hình mới. Để làm được điều đó, trước hết, phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, với hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ; xây dựng cơ chể chính trị dân chủ thực chất, gắn với việc tổ chức và thực thi quyền lực Nhà nước trên cơ sở của sự phân công rành mạch và phối hợp chặc chẽ các quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cơ sở; xây dựng, củng cố hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần và ý thực trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi con người trong quản lý Nhà nước và xã hội. Mặt khác, phải tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có điều kiện và cơ hội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo cho nhân dân thực sự làm chủ về tư liệu sản xuất, làm chủ quá trình lao động và sản phẩm lao động của mình; tạo điều kiện cho con người có thực quyền trên lĩnh vực sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa và quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… làm cho mọi người có điều kiện hiểu biết và nắm bắt pháp luật, tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người – quyền công dân và cũng là điều kiện cơ bản để người dân có năng lực nhận biết và ứng phó với mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch. Bảo đảm cho họ có điều kiện để thực hiện và phát huy quyền con người – quyền công dân trên thực tế.