Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victo Vũ được công chiếu từ đầu tháng 10 đang tạo nhiều xúc cảm cho người xem. Ngoài câu chuyện cảm động về thế giới tuổi thơ, nhiều lời khen ngợi đã dành cho bối cảnh của phim, với “bức tranh” làng quê thanh bình, tuyệt đẹp ở Phú Yên. Đằng sau những khuôn hình khiến khán giả trầm trồ là chuyện đi tìm bối cảnh ít người biết.
Đạo diễn Victo Vũ (thứ 2 từ phải qua) và đoàn làm phim đi tìm cảnh ở xã An Định (huyện Tuy An)
Lặn lội khắp “hang cùng ngõ hẻm”
Từ giữa tháng 7/2014, anh Long Hải – diễn viên điện ảnh, đồng thời cũng là chủ nhiệm nhiều bộ phim truyện – gọi cho tôi báo tin chuẩn bị làm một bộ phim lớn của Cục Điện ảnh phối hợp với tư nhân. Bối cảnh sẽ chọn quay phần lớn ở Phú Yên vì kịch bản là câu chuyện diễn ra ở một địa phương miền Trung những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi và anh Long Hải quen biết nhau khi tôi giúp HTV làm bộ phim truyện truyền hình Màu xanh đôi mắt quay ở Bãi Xép và nhiều nơi ở xã An Chấn (huyện Tuy An). Tôi đã đưa anh đi xem nhiều cảnh đồng quê Phú Yên nên anh biết đất và người ở đây phù hợp với bộ phim chuẩn bị quay và anh biết tôi là người có thể giúp được.
Bãi Xép
Các anh ở Công ty Galaxy M&E lần lượt ra Phú Yên chọn cảnh và tiền trạm. Trong nhiều ngày, chúng tôi lặn lội ở nhiều vùng quê Tuy An, Đông Hòa và Phú Hòa để tìm cho được bối cảnh là hình ảnh của những năm 80 thế kỷ trước. Chúng tôi đã đến gành đá Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), sục vào xóm gần đó để tìm những căn nhà còn ghi trên tường con số năm xây dựng: 1977, 1982, 1985…, vào khu phố 3, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) tìm được một xóm nhà còn nguyên mái ngói vảy trúc và mái ngói âm dương cũ; lội qua con suối trong xanh ở Bãi Môn, leo lên ngọn hải đăng Mũi Điện để chọn được cảnh quay đàn bò lội qua suối; trở đi trở lại nhiều lần ở Long Thủy (TP Tuy Hòa) để chọn căn nhà toàn tranh, tre, nứa, lá và con đường đắp bằng đá san hô dẫn vào nhà…
Một hôm, sau khi đã đi tìm chán chê ở An Hải mà chưa vừa ý, chúng tôi về TP Tuy Hòa, đi men theo sườn phía tây núi Chóp Chài. Và bất ngờ, khi đi vào thôn Ngọc Phong, một con đường đẹp như mơ, được ôm trọn dưới vòm lá lộc vừng điểm những chùm hoa đỏ rực bỗng hiện ra, dẫn vào một căn nhà ở sâu phía trong. Lần theo con đường, qua một khúc cua, một cái chuồng bò xuất hiện, rồi một cái giếng nước cũ, chủ nhà xách nước từ giếng lên bằng cái cần vọt tre mà bây giờ có lẽ ít ở đâu còn dùng đến. Tiếp đó là căn nhà ngói cũ kỹ của thời xa xưa còn sót lại mà vừa nhìn thấy là Victo Vũ “đứng hình” ngay.
Căn nhà của Thiều và Tường (phiên bản ngoài đời)
Đó là căn nhà mà sau này đoàn làm phim quay cảnh anh em Thiều, Tường ở với cha mẹ và trải qua những ngày mưa lũ kinh hoàng. Cái giếng nước, cái chuồng bò, khung cửa sổ cũ kỹ… đã trở thành bối cảnh khá “độc” đi vào phim. Chúng tôi cũng tìm được ở thôn 6, xã An Ninh Đông (trên đường đi Gành Đá Đĩa) một ngôi trường mà ai đã trải qua những năm tháng của thời bao cấp sẽ hình dung ngay: mái ngói lỗ chỗ đen, tường vôi cũ kỹ, bong tróc từng mảng… Bên cạnh trường là cái “căn tin” treo lủng lẳng mấy dây bánh, kẹo phục vụ đám học trò nghèo… Đạo diễn đi một vòng ra sau và: “Ok, đây là ngôi trường dành cho “chúng nó” chứ còn tìm đâu nữa!”.
Chúng tôi còn tìm thấy nhiều khung cảnh nên thơ với đỉnh núi và bãi cỏ xanh lan ra tận mé biển ở Bãi Xép (xã An Chấn) để các em tung tăng chạy nhảy, thả diều hoặc khung cảnh vừa đẹp, vừa pha chút kinh dị với những tàng cây sà nhánh sát xuống đất ở đập Đồng Cam để gợi ý tưởng cho đạo diễn dựng lên ngôi nhà của công chúa; hay chiếc cầu tre bắc qua sông từ vùng 9 sang vùng 10 xã An Định (huyện Tuy An). Có điều, khi đi khảo sát thì gặp chiếc cầu tre rất đẹp, nhưng hai tháng sau, khi quay phim thì chiếc cầu tre đã dỡ đi để thay bằng chiếc cầu bằng xi măng.
Những người bạn
Trong tổ đi tìm bối cảnh cho phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi có nhiều kỷ niệm với hai anh Long Hải và Nguyễn Chí Dũng. Dạo ấy, truyền hình đang chiếu bộ phim Hương phù sa được khán giả Phú Yên yêu thích; anh Long Hải diễn xuất cùng với Tăng Thanh Hà trong vai cha con tạo nhiều ấn tượng nên đi đến đâu, khỏi cần giới thiệu, người ta cũng biết là đoàn làm phim. Bà con hiểu sự cần thiết của bối cảnh để làm phim nên vui vẻ hợp tác. Có lần, chúng tôi đang loay hoay tìm cảnh ở Long Thủy, có cô gái lại nhìn anh Long Hải cười cười rồi hỏi thật tình: “Chú ơi, chú lại nhà cháu coi thử có làm chỗ đóng phim được không? Cháu muốn các chú quay phim ở nhà cháu…”. Tiếc rằng anh Long Hải không đi trọn con đường với đoàn làm phim vì một buổi trưa, vừa tìm xong cảnh ở đập Đồng Cam thì anh bị tai biến, phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu rồi chuyển gấp về TP Hồ Chí Minh ngay trong đêm. Bây giờ, anh đã đi được vài bước một cách khó khăn.
Nguyễn Chí Dũng là một người Hà Nội tử tế đúng nghĩa. Anh tiếp tục công việc còn dở dang của anh Long Hải. Chí Dũng từng làm chủ nhiệm phim Cánh đồng bất tận ở đồng bằng sông Cửu Long, Chuyện của Pao ở Hà Giang và rất am hiểu về nông thôn các vùng miền. Có lẽ vì anh có duyên với những phim có bối cảnh đẹp nên đạo diễn mời anh tham gia phim này. Làm việc với Chí Dũng, tôi đặc biệt thích tính cẩn thận, chỉn chu và ân cần mang đậm chất Hà Nội. Là con “nhà nòi”, cha mẹ đều là nhà khoa học, anh được đào tạo khoa học bài bản ở nước ngoài nhưng số “trời hành”, anh lại mê cái nghề lặn lội đi trước về sau.
Tuy nhiên, Chí Dũng đã không sai khi chọn nghề chủ nhiệm phim. Anh làm việc tất bật và rất khoa học chứ không tài tử một chút nào. Chỉ với chiếc xe máy thuê của khách sạn, buổi sáng anh ở Tuy An, buổi trưa đã nghe alô từ Đông Hòa hỏi tôi về cái nọ, cái kia rồi. Anh bảo: Đạo diễn yêu cầu tìm cho được một con đường đất không phải đất, nhựa không phải nhựa, một con đường mà chỉ nhìn qua người ta biết là thời còn bao cấp để quay cảnh chiếc xe lam chở con bé Mận đi lên thành phố! Tôi đã chạy từ An Ninh Tây qua An Hải, rồi An Mỹ, An Chấn, vào đến Hòa Hiệp… – nơi những con đường làng cát còn chưa được bê tông hóa để chụp ảnh và gửi email cho Chí Dũng.
Nhưng cuối cùng, chỗ thì dính trụ điện, chỗ thì có cột cây số, chỗ thì vướng nhà ngói, nhà đúc hiện đại, không chọn được cảnh nào cả. Vậy mà tự anh đã mày mò tìm ra được cảnh để lên phim. Thế mới tài! Khi đoàn làm phim đã hoàn tất và rút về hơn một tháng, Chí Dũng từ Hà Nội gọi điện cho tôi nhờ lên chỗ nhà ông Năm ở thôn Ngọc Phong để xem đoàn làm phim đã gửi tiền nhưng ông có sửa lại nhà, có quét vôi mới hay không, và ông có hài lòng không, bởi hôm quay cảnh ở đây, đạo diễn đã thay đổi nhiều cảnh trí trong nhà, nếu ông chưa sửa thì cho anh biết, anh có cách để xử lý, kẻo… mang tiếng đoàn làm phim. Chu đáo đến vậy là hết cung bậc.