Truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh đã diễn tả được những kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, đặc biệt là buổi đầu đi học. Tác phẩm sẽ được hương dẫn tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn lớp 8.
Hôm nay, Download.vn sẽ giới thiệu đến các bạn học sinh tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học. Mời tham khảo ngay sau đây.
Dàn ý phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học
1. Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:
- Tác giả Thanh Tịnh là nhà văn với những sáng tác toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.
- Văn bản “Tôi đi học” in trong tập “Quê mẹ” xuất bản năm 1941, kể lại những kỉ niệm và cảm xúc của nhân vật tôi trong buổi tựu trường đầu tiên.
– Khái quát về nhân vật tôi: nhân vật tôi là một cậu học trò với những cảm xúc ngây thơ và non nớt trong ngày đầu tiên theo mẹ đến trường.
2. Thân bài
a. Cơ sở để nhân vật tôi có những liên tưởng về ngày đầu tiên đi học của mình
– Biến chuyển của cảnh vật sang thu: cuối thu, thời điểm tựu trường, cảnh thiên nhiên với lá rụng nhiều, mây bàng bạc khiến lòng người nhẹ nhàng mà bồi hồi nhớ lại
– Hình ảnh những em bé núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường,…
=> Gợi nhớ, cơ sở liên tưởng tương đồng tự nhiên.
b. Những hồi tưởng của nhân vật tôi
– Tâm trạng khi cùng mẹ đi trên đường đến trường
- Cảnh vật, con đường vốn rất quen nhưng lần này cảm thấy lạ.
- Tự cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình, cảm thấy trang trọng, đứng đắn hơn.
- Bỡ ngỡ, lúng túng
=> Từ ngữ gợi tả, nghệ thuật so sánh, chọn lọc chi tiết tiêu biểu, cụ thể: tâm trạng bỡ ngỡ của tôi trong buổi tựu trường đầu tiên.
– Khi đứng giữa sân trường và nghe gọi tên vào lớp học
- Không khí của ngày hội tựu trường: náo nức, vui vẻ nhưng cũng rất trang trọng.
- Cảm thấy nhỏ bé so với trường, lo sợ vẩn vơ.
- Hồi hộp, lo sợ chờ nghe gọi tên mình.
- Khi sắp vào lớp học thì lo sợ, bật khóc
=> Diễn tả sinh động tâm trạng của nhân vật tôi với từng cung bậc, cảm xúc, có nhiều trạng thái cảm xúc đối lập, tâm trạng phức tạp.
– Khi ngồi trong lớp học
- Cảm thấy vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật, với người bạn ngồi bên …
- Làm quen, tìm hiểu phòng học, bàn ghế, …
=> Tâm trạng, cảm giác của nhân vật tôi khi ngồi trong lớp học, đón nhận giờ học đầu tiên hợp tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.
3. Kết bài
- Khẳng định lại dòng cảm xúc của nhân vật tôi, vai trò với việc thể hiện ý nghĩa của truyện.
- Cảm nhận của em về nhân vật tôi.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 1
Thanh Tịnh đã diễn tả được những kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, đặc biệt là buổi đầu đi học qua dòng suy tư, hồi tưởng của nhân vật tôi trong truyện ngắn “Tôi đi học”.
Mở đầu, tôi đã nhắc đến cơ sở để nhớ lại những kỉ niệm của buổi tựu trường. Đó là thời gian, không gian quen thuộc: “hằng năm cứ vào cuối thu khi lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc” hay hình ảnh vẫn thường thấy: “những em bé núp dưới nón mẹ trong buổi đầu đến trường”. Trong lòng của nhân vật tôi lúc này: “lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man”, “quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy”, “lòng tôi lại tưng bừng rộn rã”. Các từ láy được sử dụng để diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật khi nhớ lại buổi tựu trường như nao nức, mơn man, tưng bừng, rộn rã,… đã góp phần thể hiện sự chuyển biến của tâm trạng từ trong sâu kín đang dần bộc lộ ra bên ngoài. Đó là những cảm xúc trong sáng, thuần khiết biết bao.
Tiếp đến, nhân vật tôi hồi tưởng lại kỉ niệm khi cùng mẹ đến trường. Cảnh vật, con đường vốn đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng nhiên thấy lạ. Tôi cũng cảm nhận thấy bản thân dường như đã thay đổi: “Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn”. Đặc biệt suy nghĩ của tôi khi muốn thử sức tự cầm sách vở. Và chính bản thân tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ trong buổi đầu đến trường.
Khi đến trường, khung cảnh trước sân trường Mĩ Lí dày đặc người, ai cũng quần áo sạch sẽ. Không khí tựu trường vui tươi, nhộn nhịp. Điều đó khiến tôi cảm thấy bỡ ngỡ, có chút rụt rè. Đến khi ông đốc gọi tên, tôi lo sợ và nép vào lòng mẹ bật khóc. Nhưng những lời an ủi của ông đốc vang lên khiến đám học sinh an tâm hơn, theo thầy giáo bước vào lớp học.
Khi ngồi trong lớp học, tôi đã cảm thấy mùi hương lạ xông vào lớp học, ngắm nhìn mọi vật xung quanh, không cảm thấy xa lạ với người bạn bên cạnh, nhìn theo cánh chim ngoài kia để nhớ lại kỉ niệm cũ. Và rồi, t ôi trở lại với không khí của lớp học: “Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc: Bài viết tập: Tôi đi học”. Đó là cách kết thúc tự nhiên, bất ngờ. Dòng chữ: “Tôi đi học” khép lại truyện ngắn nhưng mở ra một bầu trời mới.
Văn bản Tôi đi học đã nói hộ được những suy nghĩ và tình cảm của rất nhiều người đọc: những cảm xúc của buổi đầu tựu trường, gợi lên trong mỗi người nhớ về những kỉ niệm đó.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 2
Ai trong số người học sinh chúng ta đều có cho mình kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên, đó mãi là những kỉ niệm đẹp nhất, sâu sắc và in đậm nhất trong tâm trí mỗi người. Nhà văn Thanh Tịnh – một nhà văn trữ tình với những vẻ đẹp đằm thắm, êm dịu và trong trẻo đã mang đến cho chúng ta truyện ngắn “Tôi đi học” (in trong tập “Quê mẹ”), người đọc như được sống lại với chính kỉ niệm của mình với tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật tôi trong buổi tựu trường đầu tiên.
Nhân vật tôi nhớ lại kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường và gọi đó là “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Tiết trời cuối thu đặc trưng với những buổi sáng dày sương và gió heo may lạnh, cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay đi trên con đường làng tới trường dự buổi tựu trường đầu tiên. Bước đi trên con đường quen thuộc nhưng nhân vật tôi lại cảm nhận được những thay đổi lớn, cảm thấy bản thân mình đã lớn, đã chững chạc và đứng đắn hơn, “cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn”, “trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”.
Cậu nhìn những cậu nhỏ khác nhí nhảnh trao sách vở cho nhau xem mà “thèm”, đó là nỗi khao khát của một cậu bé cũng có sách vở mới nhưng chưa có bạn, cậu cẩn thận và nâng niu giữ chặt hai quyển vở mới của mình. Bước vào trong sân trường, nhân vật tôi có phần ngỡ ngàng trước cảnh tượng “dày đặc cả người” bởi cậu nhớ lại lần cậu ghé trường “trước mắt tôi trường Mĩ Lí trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp…”. Trước khung cảnh có phần khác lạ ấy, cậu bé đâm ra lo sợ những nỗi sợ vẩn vơ, cùng với sự bỡ ngỡ cậu trở nên rụt rè, khép nép bên người thân “chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ”.
Nỗi lo lắng, e dè và lo sợ của cậu khiến cậu ước muốn được là những người học sinh cũ, đã quen thầy, quen trường và quen lớp không còn rụt rè trước cảnh xa lạ như bây giờ. Cậu cảm thấy những người học trò mới “như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Tâm trạng bơ vơ, lạc lõng và lúng túng nhất chính là lúc nhân vật tôi nghe tiếng trống vào lớp, khi xung quanh các học sinh cũ đã xếp hàng vào lớp cả thì các học trò mới như cậu không đi, không biết đi và không muốn đi “hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi như đá một quả banh tưởng tượng”.
Nghe tiếng đọc tên của ông đốc mà cậu bé cảm thấy “quả tim tôi ngừng đập”, “quên cả mẹ tôi đứng sau”, khi nghe đến tên lại giật mình lúng túng, quả thực đó chính là những phản xạ tự nhiên vô điều kiện đã xảy đến với cậu. Tuy có phần nhút nhát và lo sợ nhưng cậu vẫn cảm nhận được sự hiền từ và tận tình của ông đốc, đã vơi đi phần nào sự bỡ ngỡ với trường với thầy. Bước đến lớp, dường như bước đi của cậu không hề theo ý muốn “người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ”, rồi bất chợt nghe đâu tiếng khóc, mọi cảm xúc dồn nén trong lòng cậu đã vỡ òa, tuôn trào ra “Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo”.
Rồi giây phút đó cũng qua đi, cậu trở lại với nhiệm vụ của mình – vào lớp, chấp nhận xa mẹ dù cậu đã từng xa mẹ cả ngày nhưng chẳng lần nào lạ như lần này. Ngồi trong lớp, nhân vật tôi cảm thấy cái gì cũng lạ và hay, bạn mới tuy chưa quen biết nhưng lại cảm thấy gần gũi “sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật”. Tâm trạng cậu đan xen giữa những kỉ niệm trong quá khứ và hiện tại, tiếng chim và cánh chim gợi kỉ niệm đi bẫy chim còn tiếng phấn thầy gạch trên bảng là hiện thực về một chặng đường mới, giai đoạn mới – trở thành người học sinh.
Buổi tựu trường đầu tiên của nhân vật tôi đã được tác giả Thanh Tịnh tái hiện rất chân thực, sinh động và tràn đầy cảm xúc, từng trạng thái và diễn biến tâm trạng của nhân vật được thể hiện theo trình tự không gian, thời gian rõ ràng. Với mỗi không gian, thời gian tâm trạng ấy lại thay đổi, lại có những điểm nhấn riêng, chung quy lại tất cả những tâm trạng ấy đã làm nên một kỉ niệm sâu sắc, đẹp đẽ, khó có thể phai mờ trong tâm trí của nhân vật nói riêng và người đọc nói chung.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 3
Thanh Tịnh là một nhà văn khá thầm lặng trên nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Nhưng những tác phẩm của ông với một phong cách riêng đủ sức làm ông nổi bậc một cách kín đáo và nhã nhặn. Truyện ngắn Thanh Tịnh hướng đến những góc khuất nhẹ nhàng và êm ái của đời thường. Ông rất chú trọng đến việc khắc họa cảm xúc nhân vật một cách chân thực và sâu sắc. Bởi thế, văn ông rất gần với sự thật cuộc sống. Truyện ngắn Tôi đi học phản ánh đậm nét văn phong ấy.
Kết cấu truyện khá đơn giản. Dường như lúc nào, Thanh Tịnh cũng muốn đơn giản trong xây dựng cốt truyện cho tác phẩm để tìm kiếm một lối khai phá sáng tạo nhất. Tác phẩm là hồi ức của nhân vật tối về những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường đầu tiên bao năm trước. Từ nhà đến trường, rồi bước vào lớp học, mỗi khoảnh khắc đều khiến cho nhân vật tôi nảy nở biết bao cảm xúc mới mẻ.
Tác giả đã rất khéo léo khi trình bày những kỉ niệm theo trật tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Bắt đầu với tiết trời cuối thu se lạnh, hình ảnh các em nhỏ trong chiếc áo mới vui vẻ đến trường gợi cho nhân vật tôi nhớ lại những kỉ niệm của buổi tựu trường năm xưa. Tiếp đó, từng từng kỉ niệm được được khắc họa một cách nhẹ nhàng, tinh tế theo trật tự không gian, thời gian. Tất cả trở nên thật lung linh và đầy rung cảm khi nhà văn phủ lên nó một lớp mờ của hồi ức.
Kỉ niệm bắt đầu bằng cảm giác quen thuộc mà lạ lẫm trên con đường đến trường. Cảnh vật chung quanh dường như có sự thay đổi lớn theo sự thay đổi tâm trạng của nhân vật tôi. Đây không phải là lần đầu tiên nhân vật tôi bước đi trên con đường ấy. Như cậu trình bày: “con đường ấy tôi đã đi lại nhiều lần”. Thế nhưng, lần này thật khác. Tự nhiên cậu thấy lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Lối đi dài hơn, hoa cỏ xanh mượt, những tàn lá cứ xòe ra như trêu đùa với cậu. Cậu thấy cái gì cũng đẹp, cũng xinh, và tràn trào sức sống.
Khi đứng trước sân trường, tâm trạng của nhân vật tôi cũng có nhiều biến chuyển. Những cảm giác khác lạ cứ liên tục nảy nở. Cũng sân trường ấy, ngôi trường ấy, gắn bó với cậu từng ngày, ấy thế mà sáng nay nó bỗng trở nên oai nghiêm lạ thường. Mọi người xung quanh đều quen thuộc cả nhưng giờ có cái gì đó thật nghiêm trang. Khi nhìn các bạn học sinh lần lượt xếp hàng bước vào lớp học, nhân vật tôi bắt đầu thấy lo sợ vẩn vơ. Cậu lo sợ là bởi sẽ phải rời xa bàn tay mẹ, tự mình làm mọi việc khi ở trong lớp. Cậu vẫn biết mẹ ở ngoài kia thôi và sau buổi học này cậu sẽ trở về. Ấy thế mà cậu có cảm giác cách xa mẹ hàng bao thế giới. Thế nên, khi nghe gọi đến tên mình, tim cậu như muốn ngừng đập, hai chân không thể đứng vững. Phút chốc, cậu mới lấy được bình tĩnh và bước vào lớp.
Khi bước vào chỗ ngồi, tâm trạng nhân vật tôi có sự chuyển biến mạnh mẽ. Lúc đầu, cậu còn bỡ ngỡ nhưng sau thấy thân thuộc dần. Cậu tự lạm nhận đó là chỗ ngồi của mình. Còn các bạn xung quanh là bạn bè của cậu. Tất cả các sự kiện được kể theo trình tự thời gian tuyến tính hết sức tự nhiên và sinh động. Cùng tham gia với các em học sinh còn có hững người lớn. Họ đại diện cho gia đình và xã hội cùng chăm lo cho việc học tập của các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước.
Nhân vật người lớn xuất hiện trong buổi học đầu tiên khá đông đảo. Đầu tiên là các bậc phụ huynh cũng náo nức đưa con em đến tựu trường. Các bậc phụ huynh chuẩn bị chu đáo và cùng dự buổi học đầu tiên cùng con để con yên tâm và tin tưởng vào tiến trình vĩ đại này. Về phía nhà trường có ông Đốc và thầy giáo trẻ. Ông Đốc hiền từ, nhân ái, giọng nói trầm ấm là đại điện cho nền học vấn và tâm hồn dân tộc. Thầy giáo trẻ với nụ cười tươi niềm nở đón từng học sinh vào lớp. Thầy giáo trẻ là đại điện cho nền giáo dục năng động, tận tâm và cống hiến vì sự tiến bộ.
Điều đó chứng tỏ xã hội rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ tương lai và thái độ xem trọng việc học, kính trọng thầy giáo của mọi người. Những việc làm đó tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong các em học sinh ngay những ngày đầu đi học. Đó là nền tảng quyết định chất lượng giáo dục đạo đức cho con người trong giáo dục.
Tác phẩm kết thúc với hình ảnh nhân vật tôi “đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm sống lại đầy rẫy trong trí tôi” nhẹ nhàng đóng khép lại cảm xúc của người đọc. Từ tâm trạng của nhân vật tôi, ta cũng thấy lâng lâng, hồi hộp và vui sướng khi nghĩ về ngày đầu tiên đi học. những kỉ niệm thơ ngây bỗng sống lại, cuộn trào trong từng hơi thở.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 4
“Tôi đi học” như là một bức tranh tuổi thơ nhiều màu sắc mà mảng màu nào cũng rộn ràng, cũng đẹp đẽ. Song có thể nói tất cả những màu sắc đều gắn với “màu nền” là dòng cảm xúc của cậu học trò. Những biến thái liên tiếp ấy trong dòng cảm xúc của nhân vật tôi thực giống như những đốm lửa hồng thắp dần lên những kỷ niệm tuổi học trò.
Có thể nói, những cảm xúc “ngây thơ và non nớt” của cậu học trò trong truyện ngắn của Thanh Tịnh cũng là cảm xúc của tôi, của bạn và của tất cả chúng ta, những ai đã từng một lần chập chững cấp sách tới trường. Dòng cảm xúc của nhân vật tôi tôi đã khái quát cảm giác chung của mọi người.
Tôi nghĩ, nếu như truyện không phải là dòng hoài niệm thì hẳn những ấn tượng về mặt thời gian ở đầu truyện chỉ là một sự tình cờ. Cái đầu tiên được cảm nhận bằng ấn tượng chứ không phải theo kiểu một thói quen. Người đọc hình dung khá dễ cảm xúc của nhân vật tôi trong truyện ngắn này. Đó là dòng cảm xúc được kết nối từ ba mạch ngắn độc lập mà thống nhất.
Phần đầu truyện, ta bắt đầu xúc động và dường như cũng giống nhân vật, ta “mơn man” với những kỷ niệm ngày xưa. Ôi, kỷ niệm đó dù đã rất xa nhưng sao vẫn ngọt ngào biết mấy. Nhớ lúc đó vào quá nửa mùa thu, mùa của ngày hội khai trường. Ta ngại ngùng theo chân mẹ bước từng bước trên con đường quen thuộc mà lòng đầy băn khoăn thắc mắc. Con đường với ta đã quá quen nay sao có cái gì xa lạ. Phải chăng vì ta đã lớn khôn, ta đã bắt đầu cắp sách tới trường. Cảm xúc ấy hẳn chúng ta đều đã từng trải qua. Trong cái ngày khó quên ấy có một thứ hiện diện quen thuộc với tất cả những cô cậu học trò: Đồ dùng học tập. Nhân vật tôi cảm nhận về nó mới độc đáo làm sao “hai quyển vở mới ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng”. Tôi “ghì chặt” mà “một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất”. Thế là từ nay ta bắt đầu gắn với cái nợ bút nghiên, đèn sách.
Cổng trường mở ra, cũng mở luôn tiếp phần tiếp theo của dòng cảm xúc. Bây giờ không phải lạ lẫm với con đường, cảnh vật mà là lạ lẫm với ngôi trường tiểu học. Ngôi trường trông “xinh xắn và oai nghiêm”. Cái liên tưởng của nhân vật tôi thật là thú vị. Tất cả đều lạ, nhưng đang dần thân thiện và hòa hợp. tôi xúc động và xao xuyến nhất là khi nghe tiếng trống giục tiết học đầu tiên. Nhưng rồi “tôi sợ”, tôi ngập ngừng nghe theo lời ông đốc. Cảm giác lúc ấy đúng là sung sướng nhưng quả thật sao ta lại thấy xa mẹ ta đến thế. Ta nhớ mẹ vô cùng, muốn sà ngay vào lòng mẹ và chẳng còn muốn đi đâu nữa.
Rồi buổi học đầu tiên cũng bắt đầu. Nhân vật tôi miễn cưỡng bước vào trong lớp sau những lời dỗ ngọt ngào của mẹ. Phòng học mới có bao điều lạ, lạ thầy, lạ bạn và cả chỗ ngồi của mình đây nữa. Nhưng sao rồi ta lại thấy quen thân nhanh thế: Chỗ ngồi ngày sẽ là của ta, nhưng cậu bạn kia chưa biết tên, chưa dám hỏi tên nhưng sao vẫn thấy quen quen. Cái cảm giác đầu tiên vào lớp ấy đúng như cái cảm giác vừa quen vừa lạ.
Dòng cảm xúc của nhân vật tôi là dòng biến thái giản dị mà tinh tế. Những cảm xúc đầy ấn tượng chắc chắn không chỉ khơi lại trong tôi mà còn là ở tất cả mọi người những kỉ niệm về cái ngày đầu tiên chạy lon ton theo mẹ đến trường. Cái ngày ấy đầy ý nghĩa. Nó khởi đầu cho con đường chinh phục tri thức của mỗi người chúng ta.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 5
Tác phẩm của Thanh Tịnh luôn mang đậm chất trữ tình, mỗi câu văn tựa như một câu thơ. Những câu chuyện của ông luôn khai thác sâu các cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật về một khoảnh khắc, thời điểm quan trọng nào đó trong cuộc đời. Trong tác phẩm Tôi đi học, Thanh Tịnh đã xuất sắc khi cho người đọc thấy được những cung bậc cảm xúc, tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường đầu tiên.
Tác phẩm kết cấu theo dòng hồi tưởng của nhân vật, trình tự thời gian của buổi tựu trường, với ba phân đoạn chính: trên đường đến trường, ở sân trường và trong lớp học. Với lối kết cấu này giúp tác giả vừa miêu tả được sự việc diễn ra vừa thể hiện được tâm trạng của nhân vật một cách tinh tế, hợp lí.
Không gian đậm chất thu với “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” chính là những tác nhân khiến nhân vật tôi mơn man nhớ đến những kỉ niệm về ngày đầu tiên đến trường. Và cũng từ đây những cảm xúc, những kỉ niệm về ngày đầu tiên ấy cứ thế ùa về trong tâm trí nhân vật tôi.
Trên con đường đến trường là cảm giác mới lạ. Cảnh vật cậu bé đã đi lại lắm lần, vốn thân quen mà hôm nay bỗng nhiên thấy lạ. tôi cảm thấy mình “trang trọng” “đứng đắn” khi lần đầu tiên mặc bộ quần áo học sinh do mẹ kĩ lưỡng chuẩn bị, cảm giác trang trọng ấy còn là bởi lần đầu tiên cậu được cầm sách vở, được đến trường. Cảm thấy bản thân đã khôn lớn, trưởng thành, bởi vậy cậu còn mạnh dạn đề nghị mẹ cho cầm thêm bút, thước. Cảnh vật bên ngoài và bản thân nhân vật đều có sự thay đổi, bởi trong lòng chính tôi đã có sự thay đổi lớn: “hôm nay tôi đi học”, tôi đã bước sang một ngưỡng cửa mới của cuộc đời, tôi khôn lớn và trưởng thành, tôi ý thức được trách nhiệm của bản thân.
Nhưng đứng trước sân trường Mĩ Lí lại là cảm giác e ngại, có chút bâng khuâng, sợ hãi: trường Mĩ Lí dày đặc cả người, ai cũng quần áo tươm tất, gương mặt tươi vui, sáng sủa. Ngôi trường vừa xinh xắn mà lại vừa oai nghiêm và nhân vật tôi bỗng thấy mình thật bé nhỏ trong không gian đó, đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Khi chuẩn bị vào lớp học là hàng loạt trạng thái cảm xúc xen lẫn nhau được tác giả miêu tả hết sức tinh tế. Tiếng trống “vang dội cả lòng”, cậu cảm thấy mình “chơ vơ”. Cậu hồi hộp đứng trong hàng nghe gọi đến tên mình, khi nghe gọi đến tên cậu đâm ra giật mình và lúng túng. Không chỉ vậy, khi phải xa bàn tay mẹ, cậu thấy sợ hãi và chỉ muốn mãi nắm đôi bàn tay mềm mại, ấm áp ấy, có lẽ trong cuộc đời cậu chưa bao giờ cậu cảm thấy xa mẹ của mình đến vậy. Có những hôm cậu “đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn”, lòng “vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ chút nào hết” nhưng lần này chỉ xa mẹ trong chốc lát mà thấy “chưa lần nào thấy xa mẹ như lúc này”. Cậu thấy như vậy bởi, đến trường là một môi trường hoàn toàn mới, thế giới mới khác hẳn với trước đây, không có những người thân quen, bạn và thầy cô hoàn toàn xa lạ, bởi vậy trong lòng dễ nảy sinh cảm giác “xa mẹ” đến như thế. Chính vì vậy mà cậu khóc nức nở giống như các bạn khác, người thì “ôm mặt khóc”, người thì “tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ họng”
Bước vào lớp học cũng là những cảm xúc đầy tinh tế của cậu. Nhân vật tôi quan sát xung quanh, thấy mọi thứ vừa xa lạ, vừa gần gũi, có chút ngỡ ngàng nhưng cũng rất tự tin. Cậu thấy những người bạn mới nhưng lại không hề thấy xa lạ, có sự quyến luyến xuất hiện bất ngờ và tự nhiên. Cậu lạm nhận chỗ ngồi là của riêng mình. Bất chợt thấy cánh chim, cậu chợt nhớ về những kỉ niệm cũ. Và cậu vòng tay lên bàn chăm chỉ học bài đầu tiên Tôi đi học.
Tác phẩm đã cho thấy một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu cảm xúc của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đến trường. Không chỉ vậy, cậu bé còn là một người có ý thức, ý thức được sự trưởng thành của bản thân, ý thức được ngưỡng cửa quan trọng trong cuộc đời mình. Cậu bé vừa mang trong mình những nét hồn nhiên, ngây thơ vừa có nét khôn lớn, trưởng thành.
Tác phẩm là sự kết hợp hài hòa các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm. Vừa kể được diễn biến câu chuyện, vừa cho thấy tâm hồn nhạy cảm, cung bậc cảm xúc phong phú của nhân vật. Sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh: “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”,… những hình ảnh so sánh mang vẻ đẹp thơ mộng, tinh tế đã góp phần tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm. Ngôn ngữ kể chuyện nhẹ nhàng, giàu chất thơ.
Tác phẩm đã cho thấy những cung bậc cảm xúc phong phú, đa dạng của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đến trường. Những kỉ niệm, những cảm xúc này sẽ in đậm dấu ấn trong lòng mỗi chúng ta, là động lực để mỗi chúng ta không ngừng phấn đấu, vươn lên.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 6
Những câu văn mà tựa như áng thơ nhẹ nhàng và trong trẻo, ấy chính là để nhắc về tác phẩm Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh. Lấy điểm nhìn của cậu bé non nớt, khi bước chân vào lớp một, nhà văn đã cho ta thấy những cảm xúc trong sáng, tươi trẻ của tuổi học trò trong buổi tựu trường đầu tiên.
Tác phẩm chảy trôi theo dòng cảm xúc của nhân vật tôi, bắt đầu bằng một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, nhớ về kỉ niệm ngày đầu tiên đến trường. Trên con đường làng dài và hẹp mà cậu bé đã quen đi lại lắm lần, bỗng dưng hôm nay cảm thấy lạ lẫm, bởi trong lòng cậu bé có sự thay đổi lớn, hôm nay cậu bé đi học. Cậu vừa bỡ ngỡ, hồi hộp vừa hào hứng đón chờ ngày trọng đại đầu tiên trong cuộc đời mình. Đọc đến đấy bất giác trong lòng chúng ta cũng trào dâng cảm xúc về ngày đầu tiên đến trường.
Cậu bé cũng có những suy nghĩ thật ngây thơ, non nớt, cậu thấy mình đã khôn lớn, trưởng thành. Cậu không đi chơi cùng thằng Sơn, thằng Quý nữa, cậu giờ đây đã khôn lớn, trang trọng và đứng đắn trong bộ quần áo vải dù đen. Cậu tranh cầm đồ với mẹ, hai tay ghì thật chặt những thứ cầm trên tay mà vẫn cảm thấy thật nặng. Và trong suy nghĩ non nớt của nhân vật tôi đã cho rằng: “Chắc cỉ người thạo mới cầm nổi bút thước” . Ý nghĩa ấy vừa cho thấy sự ngây thơ, non nớt, nhưng cũng lại cho thấy một cậu bé có ý thức, có trách nhiệm.
Đứng trước cổng trường, cảm giấc bâng khuâng đã nhường chỗ sự hồi hộp, lo lắng. Nhân vật tôi cùng các bạn của mình như những chú chim non, vừa rời khỏi vòng tay mẹ để đến với một thế giới mới đầy mới lạ. Chú bé có những quan sát hết sức tường tận, kĩ lưỡng về những bạn xung quanh, ai cũng sạch sẽ, sáng sủa và vui tươi, còn mái trường cao ráo, sạch sẽ hơn các nhà trong làng, nó vừa oai nghiêm lại vừa xinh xắn như cái đình làng Hòa Ấp. Giữa một không gian rộng lớn nhường vậy, câu bé đâm ra lo sợ vẩn vơ. Cậu bé bỡ ngỡ đứng nép bên mẹ, chỉ dám hé đôi mắt nhìn mọi người xung quanh, và thật chính xác với hình ảnh so sánh “như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sơ”. Đó là những cảm xúc hết sức chân thực về ngày tựu trường đầu tiên của mình.
Trong khoảnh khắc tập trung trước sân trường, bị gọi đến tên cậu bé đâm giật mình, lúng túng, cảm thấy chơ vơ là lúc này. Cậu cứ dềnh dàng, trìu níu không dám bước đi. Quả tìm nhỏ bé, non nớt như ngừng đập khi ông đốc gọi đến tên cậu. Và chính khoảnh khắc chuẩn bị rời vòng tay mẹ, nhân vật tôi đã òa lên khóc nức nở.
Cảm xúc của nhân vật tôi liên tục có sự chuyển biến. Khi bước vào lớp học không còn sự ngập ngừng, rụt rè, mà thay vào đó là sự mạnh dạn, tự nhiên. Cậu cảm nhận được một mùi hương lạ bay lên mũi, thấy mọi vật được treo trong lớp học đều hay hay. Những bàn những ghế vốn là của chung nhân vật tôi cũng lạm nhận là của riêng mình. Đặc biệt với người bạn ngồi kế bên, dù chưa một lần gặp gỡ cậu vẫn cảm thấy có một sự thân thuộc, quyến luyến đến lạ…
Bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, với dòng kí ức của nhân vật tôi, Thanh Tịnh đã tái tiện lại chân thực và đầy cảm xúc về buổi tựu trường đầu tiên. Những kỉ niệm trong sáng, đẹp đẽ ấy sẽ là hành trang theo chúng ta đi suốt cả chặng đường đời tương lai.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 7
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm hoang mang của buổi tựu trường” là những dòng cảm xúc còn đọng mãi trong lòng người đọc về truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Với ngòi bút đậm chất thơ nhẹ nhàng, lâng lâng, Thanh Tịnh đã khéo léo đưa người đọc ngược về với những khoảnh khắc tựu trường lần đầu tiên ấy. Tác giả đã khắc họa tinh tế cảm xúc nhân vật tôi một cách chân thực mà đầy xúc động.
“Tôi đi học” của Thanh Tịnh như một bản tự vấn tâm trạng, cảm xúc của chính tác giả khi mùa thu về, hồi tưởng lại khoảnh khắc ngày xưa ấy. Là ngày đầu tiên cắp sách tới trường với bao nhiêu dòng cảm xúc bâng khuâng, xa lạ.
Một lối viết giản dị, nhưng đầy lôi cuốn Thanh Tịnh đã đưa người đọc vào một không gian trong lành và dịu êm nhất. Nhân vật tôi hoài tượng lại và “không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Thật vậy, dòng cảm xúc từ trái tim lan tràn ra bên ngoài nghẹn ngào ở cổ họng khi nhớ về những ngày tháng đó.
Trong dòng hoài tưởng, tôi đã lâng lâng với khung cảnh của mùa thu “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ.
Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Có lẽ ít ai có thể quên đi được giây phút đầu tiên nép sau lưng mẹ đến trường, và nhân vật tôi cũng vậy. Cảm xúc tuôn trào một cách tự nhiên và đầy xúc động, gieo vào lòng người đọc những bồi hồi khó quên.
Có một sự thay đổi lớn trong chính suy nghĩ và hành động “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa”. Điều này chứng tỏ nhận thức của nhân vật tôi đã thực sự trưởng thành và lớn lên nhờ việc: Hôm nay tôi đi học.
Bằng cách diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, đầy lôi cuốn, tác giả đã tái diễn lại đoạn hội thoại giữa tôi và mẹ trong ngày đầu đến trường. Những ý nghĩ vừa ngây ngô vừa dễ thương khiến cho người đọc không thể nào quên được.
Cảm xúc của nhân vật tôi khi được đặt chân đến ngôi trường làng Mỹ Lý được tác giả tái diễn chân thực, sinh động, giàu cảm xúc. Và lại có thêm một sự thay đổi, một sự so sánh giữa khoảng thời gian trước khi đi học. Chính sự so sánh sự khác nhau này khiến nhân vật tôi trưởng thành hơn. Ngôi trường trong mắt của cậu bé “trường mỹ lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ”. Liệu rằng nhân vật tôi lo sợ điều gì? Có lẽ lo sợ vì những năm tháng ngồi trên ghế nhà trước có học tốt không, có vi phạm điều gì không và rất nhiều điều nữa. Một sự chân thật đến tinh nghịch.
Nhân vật “tôi’ đã tinh tế quan sát xung quanh “chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi, các cậu chỉ theo sức mạnh dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng…”. Hình như tâm trạng của những cậu bé lần đầu tiên đi học đều như nhau, ngơ ngác và sợ hãi.
Tuy nhiên hình ảnh thầy hiệu trưởng “hiền từ và cảm động” khiến cho nhân vật tôi và những cô cậu học trò khác cảm thấy yên tâm hơn. Hình ảnh thầy và tiếng trống trường trong buổi đầu tiên đi học đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời của các em.
Đặc biệt “bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước” của người mẹ đã khiến cho nhân vật tôi can đảm và tự tin hơn. Những giọt nước mắt, những tiếng khóc thút thít ấy có lẽ là những khoảnh khắc neo giữ mãi trong lòng nhân vật tôi, hay nói đúng hơn là lòng tác giả một cách chân thực và sâu sắc nhất.
Hình ảnh tuổi thơ lúc ấy bỗng nhiên ùa về “tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy trong tâm trí thôi. Những tiếng phấn của thầy gạch mạnh trên bảng đen đưa tôi về cảnh thật”. Một dòng suy nghĩ trong sáng và đáng trân trọng của cậu bé sắp phải bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời vì bài tập viết: Tôi đi học.
Thanh Tịnh như một con người chèo lái con thuyền cảm xúc, đưa người đọc trở về với những kí ức của ngày đầu tiên đi học. Lời văn mượt mà, nhẹ nhàng và sâu sắc đã khiến người đọc không thể quên được năm tháng đó.
Phân tích nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Mẫu 8
Em dám chắc rằng, tất cả những ai đã đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh đều sẽ rất xúc động, rất bâng khuâng. Bởi nó gợi cho chúng ta về buổi đầu tựu trường, về ngày trọng đại đầu tiên trong cuộc đời, mà nhân vật tôi trong truyện cũng như chính chúng ta đang quay về cái ngày đầu đẹp đẽ xen lẫn chút lo lắng, hồi hộp đó.
Nhà văn thật tài tình khi dẫn dắt cảm xúc của chúng ta xuyên suốt, liền mạch theo dòng cảm xúc của nhân vật tôi khi nhớ về buổi đầu đi học. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.” Mùa thu, mùa của sự dịu dàng, thanh bình, mùa của những cái nắng vàng nhạt không cháy da cháy thịt như mùa hè nữa, đó cũng là mùa tựu trường của không chỉ nhân vật tôi mà của tất cả các bạn học sinh khác nữa.
Và cái cảm giác, cái dư vị mà tôi cảm thấy rõ rệt nhất, không thể nào bị pha trộn được đó là “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.” hay “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều có sự thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học.”
Những xúc cảm đầu đời, những trải nghiệm thú vị như đang ùa về theo từng thước phim quay chậm được Thanh Tịnh miêu tả thật nhẹ nhàng, sâu lắng, thật trong sáng nhưng cũng rất rụt rè, sợ sệt. Cái “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.” Đó là buổi sáng đẹp nhất, đáng nhớ và nhiều kỷ niệm nhất của nhân vật tôi. Buổi sáng làm thay đổi con người, thay đổi suy nghĩ, nhận thức của tôi và không những thế còn làm thay đổi cả cảnh vật xung quanh tôi nữa, bởi “Hôm nay tôi đi học.” tôi thấy trước mắt mình “trên con đường làng dài và hẹp.
Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần.” vậy mà giờ tôi lại thấy là lạ, cảnh vật dường như đều có sự đổi thay. Và điểm quan trọng nhất chính là sự thay đổi trong chính con người tôi. “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi thấy mình trang trọng và đứng đắn.” Nhờ việc “Hôm nay tôi đi học” mà nhân vật tôi đã trưởng thành hơn, đã thấy mình dường như đang trở thành người lớn, không còn có ý thích chơi mấy trò chơi con nít như thằng Quý, thằng Sơn nữa. tôi coi mình như một người khác hoàn toàn, một người có trách nhiệm và chững chạc hơn.
Nhưng cái ngây ngô, dễ thương của một cậu bé lần đầu tiên đi học đã được Thanh Tịnh khắc họa hết sức tài tình và tinh tế qua ý nghĩ “vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.” Thật là trẻ con và hồn nhiên quá. Chỉ vì “Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa.
Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.” tôi cũng muốn mình làm được như các bạn nên xin mẹ cầm luôn cả bút thước nhưng mẹ tôi trả lời lại là “Thôi để mẹ nắm cũng được.” Vậy là cái ý nghĩ chắc chỉ người thạo mới cầm nổi xuất hiện như thế, nó xuất hiện “nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.”
Dòng hồi tưởng về những ký ức đẹp đẽ này được đánh dấu, được in đậm rõ nét nhất là lúc nhân vật tôi đến trường học. Trước mắt tôi “sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.” Có lẽ đây là lần đầu tiên nhân vật tôi đến một nơi đông người như vậy.
Và cũng giống như tôi, “mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ.” Đây là tâm trạng chung không chỉ của nhân vật tôi mà là của tất cả chúng ta khi lần đầu tiên đến trường, lần đầu được gặp nhiều bạn bè, nhiều thầy cô như vậy.
Trước đó mấy hôm, nhân vật tôi đã từng ghé trường, đối với tôi trường lúc đó là “một nơi xa lạ”, mà tôi chỉ thấy là “nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà khác trong làng”. Nhân vật tôi lúc đó dường như cảm thấy trường là một nơi gì đó rất khác biệt lạ lẫm và không thuộc tầm với của tôi.
Thế nhưng, giờ trước mặt tôi “Trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp.” Cảm giác trong nhân vật tôi hoàn toàn thay đổi. tôi nhìn ngôi trường với ánh mắt vừa quen thuộc nhưng cũng vừa trang trọng, nghiêm túc. Có lẽ chính vì vậy mà nhân vật tôi cảm thấy “lo sợ vẩn vơ”.
Nhưng qua sự so sánh này, nhân vật tôi đã thêm thay đổi hơn, dường như tôi đang dần trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Phải chăng tất cả chúng ta kể cả nhân vật tôi lần đầu đến trường đều cảm thấy rụt rè, e ngại, nhất là khi các bạn không quen trường, không quen lớp. “Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước.
Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả bóng tưởng tượng.” Tất cả các cậu đều sợ sệt, nhùng nhằng mãi, không dám đi, nhưng cũng không nỡ đứng lại, rồi bỗng nhiên có “một cậu đứng đầu ôm mặt khóc.
Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ.” Nhưng ông đốc trường Mỹ Lý là một người hiền từ, nhân hậu, nhẫn nại, có lẽ vì thế mà ông đã làm cho các cậu bớt sợ hãi hơn, các cậu bắt đầu từ từ bước vào lớp.
Một điều đáng ngạc nhiên đã xảy ra, cái cảm giác xa lạ, hay hay khi thấy những cái treo trên tường trong lớp học bỗng nhiên biến mất và thay vào đó là một cảm giác thân thương, quen thuộc, thậm chí tôi còn tự nhận bàn ghế, chỗ ngồi đó là của riêng mình, ngay cả đến người bạn ngồi cạnh “ một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào.” Dường như đang có một sợi dây liên kết vô hình nào đó đang gắn kết các bạn lại với nhau.
“Một con chim liệng đến đứng trên bờ của sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm đầy dẫy trong tri tôi.” Một kỷ niệm thời còn là một đứa trẻ ngây ngô, vô tư vui đùa bỗng ùa về trong dòng ký ức của nhân vật tôi, nó trái ngược với con người hiện tại của tôi. tôi đã thấy mình trở nên trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn, bởi giờ tôi đã bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời mình “Bài tập viết: Tôi đi học.”
Nhà văn Thanh Tịnh thật là tài hoa, những câu văn, những dòng cảm xúc của ông đưa đến cho ta thật nhẹ nhàng, thật mơ hồ nhưng cũng thơ mộng. Ông giống như một người lái đò trên một con sông bình lặng đưa chúng ta từ cảm xúc này tới xúc cảm khác. Dòng tâm trạng của nhân vật tôi về buổi đầu đi học cũng là dòng tâm trạng của tất cả những ai được lần đầu tiên cắp sách tới trường.
……….Tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây……….