Vợ chồng nhà thơ Trần Dần năm 1994
Codet Hanoi
Nàng thơ K. trong thơ Trần Dần
Trong bài thơ Tình yêu của Trần Dần có dòng chữ: “Thư gửi K.” Rất nhiều người đã thắc mắc: K. là ai, có liên quan gì tới nhà thơ mà có hẳn lời đề từ tặng K?
K. chính là bà Bùi Thị Ngọc Khuê, người con gái Hà Nội đã khiến trái tim của nhà thơ Trần Dần chao đảo. Thời hòa bình lập lại ở miền Bắc sau năm 1954, bà Bùi Thị Ngọc Khuê là thiếu nữ Hà Thành có tiếng xinh đẹp, độ tuổi đôi mươi, dòng dõi tư sản. Còn anh bộ đội Cụ Hồ Trần Dần hơn bà dăm sáu tuổi, quê quán Nam Định, đã là nhà thơ nổi tiếng rồi.
Ông Trần Dần tham gia đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, tiếp quản Thủ đô. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến kể lại bà Khuê hồi ấy “đẹp từ vóc dáng đến nước da, xinh từ điệu cười đến lời nói, nhất là đôi mắt như phảng phất nét đẹp nguyên sơ…”.
Quân đội không cho phép vị cán bộ tuyên huấn Tổng cục Chính trị Trần Dần yêu bà Ngọc Khuê, vì gia đình bà là thành phần tư sản. Mặc cho tổ chức cấm đoán, tình yêu của nhà thơ Trần Dần dành cho bà Khuê vẫn bừng lên. Ông bộc bạch nó qua thơ ca, gửi tới nhân vật ghi tắt chữ K. Ông hướng cả trái tim tới bà và cũng mong người con gái mình yêu thương hiểu cho tình yêu của ông luôn vẹn nguyên.
Nhà thơ Trần Dần năm 1996
Codet Hanoi
Và vì cô K. cũng là cô Ngọc Khuê ấy, trùng tên một ngôi sao trên trời, nên nhà thơ đã ví von việc tìm thấy rồi yêu bà Khuê như tìm thấy một vì sao sáng nhất giữa cả bầu trời đầy sao. Bà là một “vì – sao – em hay khóc”. Còn ông trở thành một “vì – sao – anh rốc lửa xém bên trời”. Làm sao có thể chia cắt hai ngôi sao rất đỗi “bù trừ” cho nhau. Hai vì sao, qua nhiều biến cố, cũng nên vợ nên chồng.
Hai người rất yêu nhau ở phố Sinh Từ
Sau năm 1955, ông bà hiến ngôi nhà 29 Trần Phú cho nhà nước, với số tiền đền bù ít ỏi. Họ chuyển sang ngôi nhà trên phố Sinh Từ của gia đình bà Khuê. Ngôi nhà ấy đã đi vào thơ ca của nhà thơ Trần Dần trong trường ca Nhất định thắng. Ông viết: “Tôi ở phố Sinh Từ. Hai người một gian nhà chật. Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?”. Ông cũng viết về bà bé nhỏ trong mưa, đi tìm việc làm. “Mỗi ngày đi lại cúi đầu về”… “Em ơi, em có biết đâu/Ta khổ thế này/Vì sao?/Em biết đâu?”. Câu hỏi vì sao ấy không riêng gì chuyện của hai người, mà có lẽ do hoàn cảnh xã hội thời đó, khiến nhà thơ tài hoa, cá tính mạnh mẽ ngậm ngùi, gắng gượng vượt lên hoàn cảnh.
Đến năm 1958, ông Dần bà Khuê tiếp tục chuyển nhà từ phố Sinh Từ về số 7 phố Vũ Lợi. Ở đó, ông bà cùng 3 người con sống chung trong một căn hộ 30 m2 chật chội và ẩm thấp. Bà Khuê đã khéo léo thu xếp cho chồng mình có một không gian riêng để làm thơ, viết văn và dịch thuật kiếm sống. Đến khi nhà thơ ốm nặng do bệnh tai biến mạch máu não, bà xin thôi dạy học về nhà thuốc thang cho chồng ngày đêm. Bà cũng mở một quầy hàng nho nhỏ trên vỉa hè trước cửa, để bán sách và bán cả giày dép mưu sinh.
Ngôi nhà phố Vũ Lợi nơi hai ông bà ở đã đi vào trong thơ
Codet Hanoi
Bà không hề trách móc chồng, la mắng con mà gắng sức hơn dạy dỗ chúng phải vượt qua những định kiến, quyết chí học cho giỏi để thành tài. Nhờ sự đảm đang tháo vát của bà Khuê mà 3 đứa con thơ không bị thiếu ăn, đói mặc hoặc bị ảnh nhiều tới học tập. Ngược lại, các con của ông bà học rất giỏi. Chị lớn Trần Thị Băng Kha học chuyên toán phổ thông, rồi khoa toán Trường ĐH Sư phạm, sau này là giáo viên uy tín và giỏi cấp TP.Hà Nội. Con trai Trần Trọng Văn học Trường ĐH Sân khấu điện ảnh khóa 1 Khoa quay phim, sau được Nhà nước phong Nghệ sĩ ưu tú. Con trai út là họa sĩ đương đại nổi tiếng Trần Trọng Vũ, tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, hiện sinh sống ở Paris – Pháp.
Ba người con của ông bà phương trưởng, đều hết mực yêu thương kính trọng bố mẹ, mỗi người theo một cách riêng. Anh Vũ hay đọc nhật ký của ông để tìm hiểu tâm tư và sáng tác của một người bố, một người chồng, một người yêu. Từ năm 1973 thì những sổ nhật ký của ông có tên là những sổ thơ; và từ năm 1979 là những sổ bụi hoặc vở bụi. Từ đọc nhật ký, lại được sự động viên của mẹ, Vũ đã biên soạn và xuất bản thành công nhiều tác phẩm lớn của bố mình, để đóng góp cho văn học nước nhà.
“Những ngọn sóng nhỏ, từ tốn”
Sống với người chồng vốn đa tài, có tầm vóc về tư tưởng và về cách tân ngôn ngữ, hẳn bà Khuê cũng không phải người bình thường. Bà ý thức chồng mình là một người tài hoa, biết trăn trở vì đất nước. Do vậy bà ủng hộ ông hết mức. Bà chỉ cần ông luôn ở bên bà, cùng chia sẻ ngọt bùi gian khó, thì mọi thứ khác có nghĩa lý gì.
Theo đạo diễn Trần Trọng Văn, trong các tác phẩm thơ ca và tiểu thuyết quan trọng của cha mình, bóng hình bà hiện lên thực đẹp như nhân vật Sứa trong Đêm núm sen, hay Cốm trong Những ngã tư và những cột đèn…
Vợ chồng nhà thơ Trần Dần khi còn trẻ
Codet Hanoi
Nhà thơ Dương Tường cho rằng, nếu nhà thơ Trần Dần là sóng to, gió lớn, mạnh mẽ, thì ngược lại, bà Khuê vợ ông lại là những ngọn sóng nhỏ, từ tốn. Cả hai cùng biết nương vào nhau để sống. “Tôi còn nhớ hồi giáp Tết năm ấy, khi chị Khuê trở dạ, vét cả nhà còn chưa đầy chục bạc, bạn bè góp lại được 30 đồng đưa chị vào nhà hộ sinh. Trong những điều kiện như vậy, nhà cửa vợ con nheo nhếch, sự nghiệp dang dở, hàng chồng bản thảo vẫn nằm không biết bao giờ mới được ra đời”, ông Tường nói.
Thời gian nhà thơ Trần Dần bị tai biến kéo dài 25 năm, bà chăm nom ông suốt ngày đêm, không một lời phàn nàn, lời than thân trách phận. Một khuôn mẫu điển hình của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Chính vậy, nhà thơ Trần Dần tin yêu bà, biết rằng ông đã nợ bà một ân tình. Ông hằng mong, mình sẽ là người chết sau bà, để an lòng lo đám tang cho bà được chu đáo. Cuối cùng, chính bà lại là người vợ tiễn đưa chồng trước. Bà – “vì sao hay khóc”, âm thầm tiễn đưa “vì – sao – rocket” tới dải ngân hà.
Ngày đưa ông, nhiều vòng hoa phúng viếng chất như núi, còn bà và các con vẫn âm thầm như vậy.
Vợ và ba người con của nhà thơ Trần Dần
Codet Hanoi
Tới nay, 92 tuổi, nhưng hằng ngày bà vẫn lặng lẽ quẩn quanh bên bàn thờ, lau di ảnh của ông, sống trong không gian có tranh và di cảo của ông. Không gian ấy còn có những bức tranh vẽ cha mình của Vũ nữa. Tuy trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng khi hỏi bà có nhớ ông không, bà bẽn lẽn cười, gật đầu nói: “Nhớ!”.
Có lẽ, bà nghĩ rằng, ông chỉ đang đi công tác, hay đang trong một chuyến “bụi”, tới một đường chân trời mà ông từng mong. Ở đó, qua chiều thứ ba sạch, qua ĐH Bách Khoa sạch, qua nhà ga sạch, qua Bà Triệu sạch, qua vòng Bờ Hồ sạch, ông thấy em – Khuê của lòng mình.