TỔNG QUAN DI TÍCH – VĂN HÓA – DU LỊCH HUYỆN TRẢNG BOM
Trảng Bom là một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong kháng chiến chống Pháp, đối với chính quyền ngụy, Trảng Bom thuộc quận Châu Thành tỉnh Biên Hòa. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1948, Trảng Bom thuộc quận Châu Thành tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1948 đến 1954, Trảng Bom là một xã của huyện Vĩnh Cửu. Đến tháng 10/1966, do tính chất quan trọng của vùng, đặc biệt là để đảm bảo sự lãnh đạo chặt chẽ và kịp thời, Tỉnh ủy Biên Hòa thành lập huyện Trảng Bom, trong đó, xã Trảng Bom (nay là thị trấn Trảng Bom) là trung tâm của huyện. Đến tháng 10/1973, căn cứ đặc điểm huyện Trảng Bom có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống lại có nhiều tín ngưỡng tôn giáo, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định đổi huyện Trảng Bom thành huyện Thống Nhất. Ngày 01/01/2004 Huyện Trảng Bom được thành lập theo Nghị định 97/NĐ-CP ngày 21/8/2003 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện Thống Nhất cũ.
Huyện Trảng Bom có diện tích 326,11 km2, nằm cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 20 km. Là một huyện trung du, phía nam giáp huyện Long Thành, phía đông giáp huyện Thống Nhất, phía tây giáp thành phố Biên Hòa, phía bắc giáp huyện Vĩnh Cửu.
Nhân dân huyện Trảng Bom có truyền thống đấu tranh anh dũng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, do vị trí chiến lược quan trọng cần phải bảo vệ quốc lộ 1, quốc lộ 20, tuyến đường sắt, bảo vệ nguồn lợi cao su, thực dân Pháp xây dựng yếu khu quân sự ở Trảng Bom (nay thuộc thị trấn Trảng Bom). Nhân dân bị gom ở hai bên quốc lộ 1 và quanh yếu khu quân sự. Trong chín năm kháng Pháp, nhân dân và công nhân cao su Trảng Bom hầu hết tham gia kháng chiến, vào bộ đội, du kích, tham gia phá hoại cầu đường, cao su của thực dân, đóng góp ủng hộ lương thực, góp phần để chi đội 10 đánh các đoàn tàu quân sự Pháp di chuyển trên đường sắt (Bàu Cá) và trận phục kích giao thông La Ngà thắng lợi (1/3/1948). Các cơ sở cách mạng trong công nhân và nhân dân Trảng Bom đã cung cấp tin tức và thực hiện tốt nhiệm vụ hậu cần để tiểu đoàn 303, đội biệt động tỉnh, Đại đội Lam Sơn huyện Vĩnh Cửu tấn công tiêu diệt yếu khu quân sự Trảng Bom ngày 20/7/1951. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhằm tuyên truyền, giáo dục đồng bào có đạo và đồng bào dân tộc (Hoa và Nùng), từ năm 1955 Tỉnh ủy Biên Hòa thành lập Ban cán sự di cư công tác khu vực Trảng Bom, Bàu Hàm đã lãnh đạo nhân dân huyện Trảng Bom hăng hái tham gia kháng chiến cùng các lực lượng quân chủ lực. Trong cuộc tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với bộ đội, du kích, nhân dân, công nhân cao su đồn điền Trảng Bom xuống đường cùng bao vây đồn bót địch, làm chủ khu vực trung tâm Trảng Bom 3 ngày đêm. Phối hợp với chiến dịch Xuân Lộc 1975, quân và dân Trảng Bom đã phục vụ và chiến đấu sát cánh cùng các đơn vị chủ lực đánh địch, cắt đứt quốc lộ 1 ngăn chặn viện binh địch từ quân đoàn 3 (Biên Hòa) lên ứng cứu, góp phần bao vây cô lập địch trong thị xã Long Khánh và giành thắng lợi, giải phóng Trảng Bom ngày 27/4/1975 và toàn huyện Thống Nhất ngày 29/4/1975.
Bia chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom
Với những thành tích đóng góp cho kháng chiến, ngày 02/8/1998, nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Trảng Bom và xã Bàu Hàm được Chủ tịch nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 03/11/2004, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định 826/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho quân và dân huyện Trảng Bom.
Để gìn giữ và phát huy những truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần vào việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ huyện Trảng Bom, huyện đã đầu tư trùng tu, xây dựng Khu di tích căn cứ tỉnh ủy Biên Hòa (U1), Bia chiến thắng yếu khu Trảng Bom. Hiện nay huyện đang xây dựng Đền tưởng niệm căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (xã Thanh Bình) với nguồn kinh phí do Công ty xổ số kiến thiết một thành viên tỉnh Đồng Nai tài trợ và đang chuẩn bị các thủ tục kêu gọi các tổ chức cá nhân tài trợ xây dựng Đền thờ Hùng Vương (Khu phố 3-Thị trấn Trảng Bom).
Trên cơ sở khai thác tối đa và hài hòa các nguồn lực của địa phương, huyện đã xây dựng và từng bước hoàn chỉnh cơ sở vật chất văn hóa thể thao đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong toàn huyện. Hầu hết mọi vùng nông thôn của huyện đều có cơ sở vật chất hiện đại và trình độ dân trí tương đối phát triển, giao thông đã được từng bước nhựa hóa các con đường trong huyện.
Về giáo dục: Huyện có 01 trường Đại học: Trường ĐH Lâm Nghiệp (Cơ sở 2); 02 trường cao đẳng: Trường CĐ Kinh thế kỹ thuật TP.HCM (Vinatex), Trường cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi; có 08 Trường THPT, 18 trường THCS, 31 trường tiểu học và 24 trường mầm non, mẫu giáo (công lập). Trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia.
Về văn hóa – thể thao: Hiên nay, huyện có 01 Trung tâm Văn hóa, 01 Trung tâm Thể thao có hồ bơi và sân bóng đá đạt chuẩn quốc gia, 01 Thư viện – Nhà truyền thống huyện, 07 Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng xã, 02 Khu liên hợp văn hóa thể thao tư nhân và trên 35 CLB thể thao tư nhân được đầu tư sân bãi, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân trên địa bàn huyện.
Về du lịch: Huyện có 04 khu, điểm du lịch đang hoạt động hiệu quả gồm:
+ Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền (thuộc xã Giang Điền), được chính thức đưa vào hoạt động năm 2006 với nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu dịu mát trong lành và nhiều dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch hàng năm.
Khu du lịch Thác Giang Điền
+ Sân Goft Đồng Nai (thuộc Thị trấn Trảng Bom và xã Sông Trầu), được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyên nghiệp nhưng đồng thời vẫn gìn giữ và khai thác các vẻ đẹp của thiên nhiên. Sân goft có 27 lỗ là một trong những khu du lịch thể thao giải trí hấp dẫn và được bầu chọn là một trong 10 sân goft có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam.
Sân Gofl Đồng Nai
+ Khu du lịch sinh thái Thác Đá Hàn (xã Sông Trầu): chính thức đưa vào khai thác hoạt động năm 2011, với cảnh quan thiên nhiên còn đậm chất hoang sơ, khu du lịch thích hợp cho các hoạt động dã ngoại. Hiện đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của đông đảo các du khách.
Khu du lịch Thác Đa Hàn
+ Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) (xã Thanh Bình): được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 21/04/2005. Căn cứ đã đứng vững trong suốt thời gian kháng chiến (1961-1975) làm nên những chiến công vang dội: chiến thắng Sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, Quân đoàn III ngụy, Tòa hành chính Biên Hòa.
Thị Trấn Trảng Bom đang ngày càng khang trang, xinh đẹp với các khu nhà phố liền kề, các khu quy hoạch đô thị lớn ngày càng được mở rộng. Trong tương lai gần Trảng Bom sẽ trở thành đô thị loại 4.