Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin liên quan đến thuốc chữa mất ngủ Mimosa, cũng như một số mẹo giúp dễ ngủ hơn trong trường hợp uống Mimosa vẫn không ngủ được.
Mimosa là thuốc gì?
Công dụng của Mimosa
Thuốc Mimosa là thuốc thuộc nhóm an thần, có nguồn gốc thảo dược với thành phần chính là cao bình vôi 49,5mg và cao mimosa 242mg (bao gồm trinh nữ 638mg, vông nem 600mg, lạc tiên 600mg, lá sen 180mg). Với các hoạt chất trên, Mimosa đem lại những công dụng sau:
- Bình vôi: Có tác dụng chữa mất ngủ.
- Trinh nữ: Có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, giúp vết thương mau lành. Bên cạnh đó, cây trinh nữ còn có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương giúp an thần và gây ngủ.
- Vông nem: Có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp an thần và gây ngủ. Ngoài ra, vông nem còn có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, hạ thân nhiệt và co cơ.
- Lạc tiên: Có tác dụng an thần.
- Lá sen: Phối hợp với tâm sen giúp điều trị mất ngủ.
Chỉ định và chống chỉ định thuốc Mimosa
Với những công dụng trên, thuốc Mimosa với dạng bào chế viên nén bao phim được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người bị khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu, ngủ hay chập chờn, ngủ giấc ngủ ngắn.
- Người bị suy nhược thần kinh.
- Sử dụng thay thế diazepam trong trường hợp người bệnh bị quen thuốc.
Thuốc Mimosa chống chỉ định cho các trường hợp quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc và trẻ em dưới 5 tuổi. Trường hợp phụ nữ mang thai và cho con bú chỉ được sử dụng thuốc Mimosa khi có chỉ định của bác sĩ.
Cách dùng Mimosa
Liều dùng thuốc Mimosa
Tùy từng đối tượng mà liều dùng thuốc Mimosa sẽ khác nhau:
- Người lớn: Uống từ 1 – 2 viền/lần.
- Trẻ em từ 5 – 15 tuổi uống liều bằng một nửa so với liều người lớn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc Mimosa uống 1 lần duy nhất trong ngày, uống trước khi ngủ từ 30 – 60 phút để thuốc đạt hiệu quả chữa mất ngủ cao nhất.
Quá liều thuốc Mimosa có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, có khả năng gây tử vong nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp sử dụng quá liều Mimosa bị ngộ độc, cần tìm cách gây nôn và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được rửa dạ dày trong thời gian sớm nhất.
Một số lưu ý trong quá trình dùng thuốc Mimosa
Hiện nay, các nghiên cứu về thuốc Mimosa chưa ghi nhận tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu thấy bất cứ biểu hiện bất thường nào của cơ thể khi dùng thuốc, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ để được hỗ trợ. Không quá lạm dụng thuốc Mimosa, điều này có thể gây tình trạng quá liều và ngộ độc thuốc.
Cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng thuốc Mimosa ở trẻ em để đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của trẻ. Việc dùng Mimosa ở trẻ em cần có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, đồng thời theo dõi trẻ chặt chẽ để kịp thời phát hiện các bất thường do thuốc gây ra.
Thuốc Mimosa chưa phát hiện có tương tác với các thuốc khác. Tuy nhiên, để đảm bảo thuốc có hiệu quả tốt nhất, cần tránh dùng thuốc cùng các loại thuốc ức chế hấp thu hoặc các chế phẩm có hàm lượng lớn kim loại nặng. Cần sử dụng Mimosa cách các thuốc khác tối thiểu 2 giờ để không ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc.
Một số mẹo dễ ngủ hơn nếu uống Mimosa vẫn không ngủ được
Mất ngủ là tình trạng rất phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần sử dụng thuốc mới có thể chữa mất ngủ. Có trường hợp uống Mimosa vẫn không ngủ được. Vậy đâu là các mẹo giúp dễ ngủ hơn mà không cần dùng thuốc?
Bạn có thể tham khảo một số mẹo dễ ngủ dưới đây:
- Hạ thấp nhiệt độ trong phòng ngủ: Nhiệt độ phòng cao có khả năng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Do đó, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho cơ thể cảm thấy thoải mái, mát mẻ và dễ chịu.
- Tắm nước nóng với vòi sen: Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự hạ nhiệt độ của cơ thể, giúp gửi tín hiệu đến não rằng bạn muốn đi ngủ.
- Tập thở theo phương pháp 4 – 7 – 8: Khi bạn nằm xuống giường, hãy thử phương pháp thở 4 – 7 – 8 bằng cách chuyển động lưỡi đến phía sau răng hàm trên. Sau đó, lần lượt thực hiện các động tác thở: Thở bằng miệng thật mạnh như thở gấp; hít vào nhẹ bằng mũi và nhẩm đếm từ 1 đến 4; duy trì giữ nguyên hơi thở đồng thời đếm đến 7; lặp lại các động tác thở trên một lần nữa và thở ra bằng miệng trong 8 giây. Kỹ thuật thở này có khả năng đem lại sự thư giãn thần kinh cho bạn.
- Thiết lập đồng hồ sinh học: Đặt lịch đi ngủ vào một khoảng thời gian nhất định trong đêm và duy trì thực hiện nó trong nhiều ngày sẽ giúp hình thành đồng hồ sinh học cho bạn. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.
- Tập yoga hoặc thiền: Các bài tập yoga hoặc thiền sẽ giúp bạn thư giãn cơ thể, xoa dịu tâm trí và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Không ngủ vặt trong ngày: Nhiều người bị mất ngủ vào ban đêm là do có thói quen ngủ vặt ban ngày. Dù những giấc ngủ vặt có thời gian ngắn nhưng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ ban đêm.
- Nghe nhạc thư giãn: Điều này giúp thúc đẩy bạn chìm vào giấc ngủ nhanh và sâu hơn.
- Tập thể dục: Các hoạt động luyện tập thể chất như chạy bộ, đạp xe… với cường độ vừa phải sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, không nên luyện tập với cường độ cao và hạn chế tập vào cuối ngày. Bạn nên tập thể dục vào buổi sáng.
- Hạn chế sử dụng caffeine: Đây là chất kích thích có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn do kích thích sự tỉnh táo. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn loại thức uống nhẹ nhàng như trà hoa cúc để thư giãn và thúc đẩy giấc ngủ.
- Không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ: Các thiết bị điện tử là một trong các nguyên nhân gây mất ngủ do ánh sáng xanh từ các thiết bị này ngăn chặn sự sản sinh hormone melatonin của cơ thể. Do vậy, bạn nên tránh xa các loại máy móc điện tử trước khi ngủ.
- Đảm bảo sự thoải mái cho cơ thể khi ngủ: Bạn cần chú ý đến mức độ cứng của đệm, chất lượng chiếc gối cũng như chất liệu của quần áo ngủ để đảm bảo cơ thể cảm thấy thoải mái nhất khi ngủ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Mimosa cũng như một số mẹo giúp bạn dễ ngủ hơn nếu uống Mimosa vẫn không ngủ được. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc có thể tìm được giải pháp để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec