Soạn văn bài: Phong cách ngôn ngữ khoa học – SGK- ngữ văn 12 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong SGK đều được trả lời một cách rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn dưới đây giúp các bạn học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học.
Tham khảo thêm:
- Soạn bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống
- Nghị luận xã hội (bài làm văn số 2)
- Mục lục ngữ văn 12 tập 2
A. Văn bản khoa học và ngôn ngữ khoa học
1. Văn bản khoa học
Đọc kỹ và nắm bắt cách diễn đạt của các văn bản dưới đây:
a) Văn bản về hình ảnh một đất nước thống nhất của Phan Ngọc.
b) Văn bản định nghĩa về vectơ trong Hình học 10, 2006.
c) Văn bản về hiện tượng trẻ em suy dinh dưỡng của Lê Thị Hải.
Nhận xét: Tất cả các văn bản trên đều được diễn đạt bằng ngôn ngữ khoa học (khoa học xã hội nhân văn hay khoa học tự nhiên); tất cả chúng đều là văn bản khoa học, một kiểu văn bản rất thông dụng và rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay của chúng ta.
Tuy các văn bản trên đều sử dụng ngôn ngữ khoa học và phục vụ giao tiếp trong lĩnh vực khoa học, nhưng bên cạnh đó các văn bản khoa học có thể phân chia thành ba loại:
- Những văn bản chuyên sâu, bao gồm: chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học, dự án,… Những văn bản này đòi hỏi sự chính xác cao về thông tin, tính logic trong lập luận, phải chặt chẽ nghiêm ngặt trong kiến giải. Loại văn bản này thường được giới hạn trong những chuyên ngành khoa học. (văn bản a)
- Các văn bản thường dùng để giảng dạy các môn khoa học, bao gồm:các giáo trình, giáo án…giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Những văn bản này không chỉ yêu cầu về khoa học mà còn có yêu cầu về sư phạm, nghĩa là phải trình bày nội dung kiến thức từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ học sinh theo từng cấp, từng lớp, có định lượng kiến thức cho từng tiết, từng bài. (văn bản b)
- Các văn bản phổ biến khoa học (khoa học đại chúng), bao gồm: sách phổ biến khoa học, các bài báo, bút ký khoa học, phê bình, điểm sách, nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học trong đông đảo các bạn đọc. Loại văn bản này yêu cầu viết thế nào cho dễ hiểu, hấp dẫn. Vì thế có thể dùng lối miêu tả, bút ký, dùng cách ví von so sánh và các biện pháp tu từ, làm thế nào cho ai cũng có thể hiểu được và có thể đưa khoa học vào cuộc sống, (văn bản c).
Chú ý:
Các kiểu đề văn về nghị luận (giải thích, phân tích, chứng minh và bình luận) là những bài tập luyện kỹ năng lập luận nhằm tạo ra các văn bản khoa học từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.
2. Ngôn ngữ khoa học
– Ngôn ngữ khoa học được hiểu là ngôn ngữ được dùng trong các loại văn bản khoa học, trong phạm vi giao tiếp và truyền thụ kiến thức khoa học: khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh,…) và khoa học xã hội nhân văn (Triết học, Xã hội học, Giáo dục học, Tâm lý học, Sử học, Chính trị kinh tế học,…).
– Ngôn ngữ khoa học phần lớn thường sử dụng dưới dạng viết, cũng có thể sử dụng ở dạng nói (hội thảo, diễn giải, nói chuyện,…), nhưng dù ở dạng nào thì nó cũng có những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học.
B. Tính đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học
Ngôn ngữ khoa học khác với ngôn ngữ thuộc các phong cách về mặt từ ngữ và cú pháp, đặc biệt là về cách trình bày, lập luận trong một văn bản khoa học.
1. Nhận xét về các từ ngữ và những câu văn trong văn bản khoa học
a) Từ ngữ trong các văn bản khoa học hầu hết là những từ ngữ thông thường.
Ví dụ như: Ta hãy, Thế nào là, và luôn thể… (xuất hiện trong văn của Hoài Thanh).
Nhưng những từ ngữ này thì chỉ có một nghĩa. Văn bản khoa học không bao giờ sử dùng từ đa nghĩa, không dùng từ theo nghĩa bóng và ít dùng các biện pháp tu từ.
b) Trong văn bản khoa học các thuật ngữ khoa học có một số lượng nhất định.
Ví dụ: vectơ, đoạn thẳng (trong hình học); thơ, thơ cũ, thơ mới, thơ tự do… (nghiên cứu văn học). Thuật ngữ khoa học là những từ ngữ chứa đựng khái niệm cơ bản của chuyên ngành khoa học, là công cụ để tư duy khoa học. Tất cả những thuật ngữ đó có thể được xây dựng từ những từ ngữ thông thường, ví như trong hình học có: điểm, đường, đoạn thẳng, góc,…, cũng có thể vay mượn từ hệ thống ngôn ngữ khoa học nước ngoài như: oxi, hidro, cacbonat canxi (hóa học),…
Những thuật ngữ về lớp từ vựng khoa học chuyên ngành mang tính khái quát, tính trừu tượng và tính hệ thống cao, không giống với từ ngữ thông thường mà người dân sử dụng trong giao tiếp hằng ngày.
c) Ngoài ra, trong các văn bản khoa học còn sử dụng các kí hiệu bằng chữ số Ả Rập (1,2, 3,…),những chữ số La Mã (I, II, III,…), những con chữ (a, b, c,…), những biểu đồ, những công thức trừu tượng. Như vậy, tính trừu tượng chính là một đặc trưng khái quát của ngôn ngữ khoa học.
d) Câu văn trong văn bản khoa học chính là một đơn vị thông tin, một đơn vị phán đoán, logic, được xây dựng nên từ hai khái niệm khoa học trở lên theo một quan hệ nhất định.
Ví dụ:
– Trái đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời.
Câu văn trong văn bản khoa học đòi hỏi tính chính xác không phải bằng cảm nhận mà bằng phán đoán lý trí chặt chẽ, đúng đắn. Câu phải dựa trên cú pháp chuẩn, không dùng những câu từ đặc biệt, không dùng biện pháp tu từ cú pháp. Văn bản khoa học đòi hỏi phải chính xác về từ ngữ, khái niệm, các nhận định đánh giá cũng phải chuẩn xác .Như vậy, tính lý trí cũng là một đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học.
e) Một trong những nét chung nhất của ngôn ngữ khoa học là thứ ngôn ngữ phi cá thể: ít mang màu sắc cá thể. Tính phi cá thể trong sử dụng ngôn ngữ chính là đặc trưng thứ ba của ngôn ngữ khoa học, nó khác với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mang dấu ấn cá thể của người sử dụng.
2. Định nghĩa về phong cách ngôn ngữ khoa học
Phong cách ngôn ngữ khoa học là phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong các văn bản khoa học mang những nét đặc trưng cơ bản là tính trừu tượng, tính lí trí và tính phi cá thể, thể hiện ở những yêu cầu về việc dùng từ đặt câu và tạo văn bản.
C. LUYỆN TẬP
Trả lời câu 1 trang 76 Ngữ văn 12 tập 1
Bài Khái quát văn học nền Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX (trong Ngữ văn 12, tập một) cũng chính là một văn bản khoa học. Hãy cho biết:
a) Trong văn bản đó trình bày những nội dung khoa học gì?
b) Văn bản đó được xác định thuộc ngành khoa học nào?
c) Ngôn ngữ khoa học ở dạng viết của văn bản đó có đặc điểm gì dễ nhận thấy hay không? (Cần chú ý đến hệ thống để mục từ lớn đến nhỏ, các thuật ngữ khoa học…)
*Trả lời:
a) Văn bản đó đã trình bày những nội dung khoa học về văn học sử (bối cảnh phát triển của nền văn học, các giai đoạn phát triển, các thành tựu tiêu biểu, những đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX).
b) Văn bản thuộc ngành khoa học xã hội (thiên về lĩnh vực nghiên cứu văn học).
c) Ngôn ngữ khoa học của văn bản có điểm dễ nhận biết:
– Tất cả các hệ thống đề mục đều rõ ràng, mạch lạc, logic, có tính liên kết chặt chẽ. Hệ thống này được sắp xếp theo trật tự từ lớn đến nhỏ, từ khái quát đến cụ thể.
– Hệ thống các thuật ngữ khoa học mang nét đặc trưng của lĩnh vực văn chương có thể kể đến như: chủ đề, hình ảnh, tác phẩm, phản ánh hiện thực, đại chúng hóa, chất suy tưởng, nguồn cảm hứng, phê bình văn học, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn…
Trả lời câu 2 trang 76 Ngữ văn 12 tập 1
Hãy giải thích và phân biệt thuật ngữ khoa học với từ ngữ thông thường qua các ví dụ sau trong môn toán hình học: điểm, đường thẳng, đoạn thẳng, mặt phẳng, góc, đường tròn, góc vuông,…
*Trả lời:
Giải thích và phân biệt thuật ngữ khoa học với từ ngữ thông thường trong bảng dưới đây:
Thuật ngữ khoa học Từ ngữ thông thường Điểm chính là đối tượng cơ bản của hình học. là nơi chốn hay địa điểm. Đường thẳng được hiểu là có 1 và chỉ một đường thẳng đi qua hai điểm khác nhau. là không bị giới hạn, không quanh co, uốn khúc. Đoạn thẳng được hiểu là một đoạn ngắn nhất nối hai điểm với nhau. là đoạn thẳng không gồ ghề, cong queo. Mặt phẳng là một mặt phẳng chứa tất cả các điểm nằm trên một mặt phẳng. được hiểu là bề mặt của một vật dụng không lồi lõm. Góc Góc của một vật nào đó. Phần mặt phẳng giới hạn bởi hai nửa đường thẳng xuất phát từ một điểm. Đường tròn Một nét có hình dạng tròn. được hiểu là đường bao của một hình tròn. Góc vuông Góc cạnh mà người nhìn có thể dễ quan sát nhất. Góc 90 độ
Trả lời câu 3 trang 76 Ngữ văn 12 tập 1
Hãy tìm các thuật ngữ khoa học và phân tích tính lí trí, logic của phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện ở đoạn văn dưới đây:
Những phát hiện của các nhà khảo cổ của nước ta chứng tỏ Việt Nam xưa kia đã từng là nơi sinh sống của người vượn.Vào năm 1960 tìm thấy ở núi Đọ (thuộc Thiệu Hoá, Thanh Hoá) nhiều hạch đá, mảnh tước, rìu tay có tuổi thọ 40 vạn năm. Cùng năm đó cũng phát hiện ở núi Voi, cách núi Đọ 3km, một di chỉ xưởng (vừa là nơi cư trú, vừa là nơi để chế tạo công cụ) của người vượn, diện tích 16 vạn m2. Ở xuân Lộc (thuộc tỉnh Đồng Nai) cũng đã tìm thấy công cụ đá của người vượn.
Trả lời:
– Những thuật ngữ khoa học: khảo cổ, hạch đá, mảnh tước, di chỉ xưởng.
– Phân tích tính lí trí, logic:
- Mỗi câu văn trong đoạn văn là một đơn vị thông tin, đơn vị phán đoán logic.Tất cả các câu đều chứa các thuật ngữ thuộc khoa học lịch sử.
- Đoạn văn đã không sử dụng các biện pháp tu từ, không dùng từ đa nghĩa.
- Cấu tạo đoạn văn rất chặt chẽ, logic và triển khai theo lối diễn dịch. Câu đầu nêu luận điểm, các câu sau đưa ra các minh chứng khẳng định luận điểm đó.
Trả lời câu 4 trang 76 Ngữ văn 12 tập 1
Các bạn hãy viết một đoạn văn thuộc loại văn bản khoa học phổ cập về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sống (nước, không khí và đất) trong cuộc sống ngày nay.
Bài tham khảo 1
Trả lời:
Nước, không khí và đất tất cả đều là những tài nguyên vô giá trên Trái Đất. Chẳng những tất cả các yếu tố này tác động mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu mà còn quyết định cả sự sống của muôn loài, trong đó có con người chúng ta. Trải qua nhiều thập kỷ, những yếu tố này đã bị xâm phạm một cách thô bạo và ngày càng cằn cỗi, cạn kiệt. Điều đó kéo theo những hậu quả nhãn tiền ập xuống cuộc sống của chính con người chúng ta. Những hiệu ứng nhà kính, hiện tượng En-ni-nô, động đất, sóng thần, các loài động vật quý hiếm dần bị tuyệt chủng… Tất cả chỉ là bước dạo đầu cho cuộc hủy hoại môi trường sống khủng khiếp trong tương lai nếu con người còn không nỗ lực sửa sai đối với Trái Đất.
Bài tham khảo số 2:
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của con người : cơ thể con người 70% là nước. Nước chiếm một lượng lớn trong các tế bào, có vai trò vận chuyển, đưa máu đi khắp cơ thể và thanh lọc thận,…Đối với đời sống hàng ngày, nước là thứ bất di bất dịch không thể thay thế : nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nước dùng để uống, để chế biến thực phẩm, để tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh… Không những vậy nước còn được sử dụng trong việc phát triển các ngành kinh tế: cung cấp nước cho tưới tiêu nông nghiệp, phát triển ngành thủy điện, sử dụng trong các nhà máy lọc sàng nguyên liệu… Nếu không có nước sạch, cuộc sống của con người sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nguồn nước sạch ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang bị ô nhiễm ở mức đáng báo động, nhiều dòng sông trở thành “dòng sông chết”. Hậu quả là trên thế giới rất nhiều quốc gia hiện nay đang thiếu nước sạch trầm trọng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải ra sức bảo vệ nguồn nước.
Bài tham khảo 3
Nước là tài nguyên quý giá nhất và cần thiết nhất đối với mỗi con người. Trên thực tế, có thể thấy rằng, khi nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm đã gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một khi nguồn nước bị ô nhiễm nguy cơ mắc ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai sản,…sẽ ngày càng tăng lên. Theo một thống kê của Bộ y tế và Bộ tài nguyên môi trường, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 9000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện sinh hoạt kém. Bên cạnh đó có gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mà nguyên nhân chính đó là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Do đó, việc bảo vệ nguồn nước là hết sức quan trọng và cần thiết không chỉ ở mỗi quốc gia mà đó còn là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân loại. Để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nguồn nước thì cần phải có chiến lược cụ thể. Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cần có ý thức bảo vệ môi trường nước xung quanh chúng ta để cùng nhau hướng tới một môi trường thân thiện và tốt đẹp hơn đối với mỗi con người.