1. Vị trí địa lý, địa hình
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiện 1.525,73km2. Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.
Tỉnh Vĩnh Long là một tỉnh thuộc trung tâm đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu, có đường Quốc lộ (QL) 1A, QL53, QL54 chạy qua; phía Bắc giáp tỉnh Tiền giang, phía Đông giáp 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, phía Nam giáp tỉnh Cần Thơ, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm của tỉnh (Thành phố Vĩnh Long) cách Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học của cả nước) 136 Km, theo Quốc lộ 1A về phía Bắc; cách Thành phố Cần Thơ 35km (Trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) theo Quốc lộ 1A về phía Nam. Toàn tỉnh được phân chia thành 8 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Vĩnh Long, Thị xã Bình Minh và 06 huyện: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân; với 14 phường, 6 thị trấn, 87 xã, và 752 khóm/ấp.
Sông Tiền và sông Hậu là 2 cửa ngõ ra biển Đông của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thông qua sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có thể mở rộng giao lưu kinh tế với quốc tế đặc biệt với các quốc gia có sông Mê Kông chảy qua như: Trung quốc, Lào, Campuchia.
Vĩnh Long có địa hình tương đối bằng phẳng, ở trung tâm có dạng lòng chảo và cao dần về hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Măng Thít.
Với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.525, 73 km2 (tính đến ngày 31/12/2022); trong đó diện tích đất nông nghiệp là 119.570,3 ha (đất trồng cây hàng năm 67.137,4 ha, đất trồng cây lâu năm 51.499,6 ha, đất nuôi trồng thủy sản 878,7 ha, đất nông nghiệp khác 54,6 ha) có độ màu mỡ cao nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm.
2. Dân số – lao động.
Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2022 ước đạt là 1.028.822 người (nam 508.715, nữ 520.107 người). Trong đó, khu vực thành thị có 233.940 người, chiếm 22.74%; khu vực nông thôn có 794.882 người, chiếm 77,26%.
Vĩnh Long là tỉnh có cơ cấu đa dân tộc sinh sống, bao gồm người Kinh, người Khmer, Người Hoa,….. Theo thống kê năm 2019, Vĩnh Long có 24 dân tộc thiểu số sinh sống (26.596 người dân tộc thiểu số), chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người Khmer có 22.630 người chiếm 2,21% (nữ 11.717 người); người Hoa có 3.627 người chiếm 0,35% (nữ 1.765 người); các dân tộc khác có 339 người chiếm 0,03 % (nữ 201 người). Người Kinh phân bố đều ở các nơi; người Khmer sống tập trung ở 48 ấp, 10 xã và 01 thị trấn thuộc 04 huyện Trà Ôn, Tam Bình, thị xã Bình Minh, Vũng Liêm; người Hoa tập trung ở thành phố Vĩnh Long và các thị trấn.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh năm 2022 đạt 582.943 người, trong đó lao động nam là 316.896 người, chiếm 54,36%; lao động nữ là 266.047 người, chiếm 45,64%. Trong tổng số, lực lượng lao động khu vực thành thị là 126.534 người, chiếm 21,71%, khu vực nông thôn là 456.409 người, chiếm 78,29%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2022 đạt 568.495 người, tính theo tiêu chuẩn ICLS19 (khung khái niệm mới tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19 được các quốc gia thống nhất sử dụng). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo năm 2022 đạt 16,46%, trong đó lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị đạt 30,89%; khu vực nông thôn đạt 12.45%.
4. Thời tiết – khí hậu – thủy văn
Thời tiết – khí hậu: Khí hậu Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào. Nhiệt độ trung bình 27,4 oC; số giờ nắng trong năm là 2.097 giờ; độ ẩm không khí trung bình 84%; lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.742 mm đến 1.864,1 mm.
Thuỷ văn: Vĩnh Long cách biển Đông gần 200 Km nên hầu như không có nước mặn. Toàn tỉnh chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông thông qua 2 sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Đặc điểm thuận lợi của tỉnh là có nguồn nước ngọt quanh năm dồi dào, hệ thống kênh rạch khá dầy, phân bố đều, kết hợp tác động thủy triều, khả năng tải lượng nước lớn, trữ lượng nước cao, tạo điều kiện cho tưới tiêu chủ động, có thể khai thác thích hợp cho thâm canh, tăng vụ, cải tạo đất và ngọt hóa môi trường nông nghiệp.
Mực nước trên sông Tiền tại Trạm quan trắc Mỹ Thuận năm 2022 cao nhất là 217 cm và thấp nhất là -150 cm.