Giới thiệu khái quát thành phố Vĩnh Yên
Thành phố Vĩnh Yên là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ở tọa độ 21015’-21022’ độ vĩ Bắc; 105033’-105038’ độ kinh Đông. Phía Đông giáp huyện Bình Xuyên; phía Tây giáp huyện Yên Lạc và Tam Dương; phía Bắc giáp huyện Tam Đảo, Tam Dương; phía Nam giáp huyện Yên Lạc, Bình Xuyên.
Tính đến năm 2014, thành phố Vĩnh Yên có tổng diện tích tự nhiên là 5.080,21 ha, dân số 122.568 người. Thành phố Vĩnh Yên có 9 đơn vị hành chính trực thuộc là phường: Ngô Quyền, Liên Bảo, Tích Sơn, Đồng Tâm, Hội Hợp, Khai Quang, Đống Đa và 2 xã là Định Trung, Thanh Trù. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, Vĩnh Yên còn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Cách thủ đô Hà Nội 55 km, là cầu nối giữa miền núi trung du phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ; có đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc), đường quốc lộ số 2 Hà Nội-Hà Giang chạy qua, đã tạo cho Vĩnh Yên khả năng phát triển công nghiệp, giao lưu hàng hóa, phát triển các loại hình dịch vụ, tiếp cận nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hóa thông tin của cả nước.
Ngược dòng thời gian, Vĩnh Yên là vùng đất được hình thành sớm trong lịch sử. Thời Hùng Vương thế kỷ VII TCN đến năm 210 TCN, Vĩnh Yên thuộc Bộ Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương năm 221 TCN đến 179 TCN thuộc Bộ Mê Linh. Thời kỳ phong kiến phương Bắc đô hộ, Vĩnh Yên thuộc quận Giao Chỉ, sau đó thuộc quận Phong Châu. Thời kỳ nhà Trần (TKXIII đến TK XIV) thuộc huyện Dương, trấn Tuyên Quang. Năm 1428 nhà Lê đặt Vĩnh Yên nằm trong Bắc Đạo (Bắc Đạo gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng).
Năm 1466, thời Hậu Lê chia lại địa giới hành chính cả nước, Vĩnh Yên được tách làm hai: Một phần nhập vào đạo Bắc Giang (còn gọi là Kinh Bắc), một phần nhập vào đạo Thái Nguyên (còn gọi là Ninh Sóc). Về sau nhà Lê xếp Vĩnh Yên thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây.
Thời kỳ nhà Nguyễn, lúc đầu vua Gia Long cắt vùng đất Vĩnh Yên cho các trấn: Thái Nguyên, Kinh Bắc và Sơn Tây. Thời vua Minh Mạng vẫn duy trì tổ chức hành chính đó. Phần lớn vùng đất Vĩnh Yên thuộc phủ Tam Đái, phần nhỏ thuộc phủ Đoan Hùng, còn lại thuộc trấn Sơn Tây. Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng thực hiện chính sách chia để trị, cắt xén, chia cắt các tỉnh, thành lập các đơn vị hành chính mới. Ngày 20/10/1890, thực dân Pháp tách phủ Vĩnh Tường và 5 huyện là Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc, Yên Lãng của tỉnh Sơn Tây, huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên, sáp nhập với nhau thành đạo Vĩnh Yên ([1]). Sáu tháng sau, ngày 12/4/1891 toàn quyền Đông Dương giải thể đạo Vĩnh Yên, chuyển vùng đất này sang tỉnh Sơn Tây; ngày 29/12/1899 toàn quyền Đông Dương lại ban hành Nghị định thành lập tỉnh Vĩnh Yên.
Từ năm 1899 đến 1904, diện tích đô thị của Vĩnh Yên chưa đầy 2 km2. Các công sở của chính quyền đô hộ Pháp đóng trên dải đồi An Sơn. Quan lại Nam Triều, công chức bản xứ và dân nông nghiệp ở các xóm, làng của xã Tích Sơn cũ. Hai bên đường “phố cũ” (còn gọi là phố “Hàng Mành”) và trên khu đất bằng trước đồi An Sơn ra đến đầm Láp rất nhiều người buôn bán, thợ thủ công và dân phi nông nghiệp cư trú… dần hình thành hai phố Vĩnh Thịnh và Vĩnh Thành. Đến năm 1954, trong nội thị chỉ có 7 phố được đặt tên: Lomé (Lô-me) mang tên viên Chánh sứ đầu tiên của tỉnh Vĩnh Yên, phố Mai Trung Cát mang tên viên Tuần phủ đầu tiên của Vĩnh Yên; phố Lê Quân Duyệt, phố chợ tỉnh (Rue du stade), phố nhà thương (Rue de I hooopoital), phố ga (avennue de la gare). Kháng chiến chống Pháp thành công, chính quyền ta tiếp quản Vĩnh Yên đã thay các tên phố mang dấu ấn thời Pháp thuộc bằng những tên mới như: Lô-me đổi thành Vĩnh Thịnh, Mai Trung Cát đổi thành Trần Quốc Tuấn, Lê Quân Duyệt đổi thành Tân Lập, phố ga đổi thành phố Ngô Quyền. Thời kỳ này, danh giới thị xã Vĩnh Yên là một hình thái tứ giác được quy định như sau:
– Phía Bắc giáp tuyến đường sắt.
– Phía Đông bởi một đường thẳng hướng Bắc-Nam tiếp tuyến với quai đê.
– Phía Tây bởi một đường thẳng chạy qua tâm giếng Tích Sơn (là giếng mắt rồng hiện nay).
– Phía Nam bởi một đường thẳng (Đông sang Tây) cắt ngang đường nói trên cách giếng Tích Sơn 820 m. Tổng diện tích chưa đến 2 km2.
Đến năm 1903, đô thị Vĩnh Yên được xác định gồm 2 phố: Vĩnh Thành, Vĩnh Thịnh và 9 làng: Cổ Độ, Bảo Sơn, Đạo Hoằng, Hán Lữ, Định Trung, Đôn Hậu, Khai Quang, Nhân Mỹ, Xuân Trường.
Cùng với việc quy hoạch thị xã Vĩnh Yên, thực dân Pháp tiến hành dồn dân khu Cao Sơn (khu đồi cao), khu vực giếng Sậu sang các xóm Sậu, xóm Gẩu; bắt dời chùa Ngũ Phúc trên đỉnh Sơn Cao đi nơi khác. Chúng chiếm toàn bộ dải đồi cao từ cống tỉnh ra đến đầm Vạc để lấy đất xây dinh Chánh sứ, Phó chánh sứ và các công sở do người Pháp đứng đầu như: Sở Cẩm (đồi cao trước rừng Lim); tòa án, đề lao, kho bạc (địa điểm Đài Truyền hình ngày nay).
Đến năm 1914, sau 15 năm phát triển, Vĩnh Yên có đủ tính chất là một thị xã tỉnh lỵ nhưng quy mô còn hạn hẹp. Theo lược đồ trung tâm đô thị Vĩnh Yên được lập năm 1914 cho thấy diện tích nội thị Vĩnh Yên rộng chưa đầy 2 km2. Tổ chức hành chính trên được duy trì ổn định cho đến năm 1945. Sau khi dẹp xong bọn Quốc dân đảng phản động, tháng 8/1945 Tỉnh ủy Vĩnh Yên quyết định thành lập Thành ủy Vĩnh Yên, Thành ủy phụ trách phong trào cách mạng các xã: Tích Sơn, Vĩnh Yên, Hợp Thịnh, Đồng Tâm (Vân Hội), Hạnh Phúc (Khai Quang). Bước vào thực hiện tiêu thổ kháng chiến, tháng 8/1947 do yêu cầu của nhiệm vụ lúc đó, Thành ủy Vĩnh Yên giải thể, các xã Hạnh Phúc, Đồng Tâm, Định Trung lại chuyển về huyện Tam Dương.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 459/TTg ngày 01/02/1955 tái lập thị xã Vĩnh Yên, vào thời điểm này Vĩnh Yên có 4 phố chính là: Ngô Quyền, Lê Văn Duyệt (sau đổi thành Tân Lập), Trần Quốc Tuấn, Vĩnh Thịnh và 4 xóm: Vĩnh Tân, xóm Đình, Tân Phúc và xóm Dinh. Xã Tích Sơn lúc này thuộc huyện Tam Dương.
Sau cải cách ruộng đất năm 1955, có sự điều chỉnh về địa giới hành chính, một số đơn vị mới được nhập vào Vĩnh Yên như:
– Xã Tích Sơn có các xóm: Khâu, Tiếc, Hạ, Gạch, Mới, Sậu, An Định, Gẩu.
– Xã Định Trung có 3 làng Yên Lập (Láp).
– Xã Hạnh Phúc (Khai Quang) có xóm Bầu.
Sau khi bổ sung các đơn vị mới chuyển về Vĩnh Yên, thị xã được tổ chức thành 4 khu là: Tích Sơn, Đống Đa, Ngô Quyền và Liên Minh.
Sau giải phóng năm 1954, các cơ quan đầu não của tỉnh Vĩnh Phúc đóng ở Phúc Yên đến năm 1960 mới chuyển về thị xã Vĩnh Yên. Giữa năm 1960, 2 xã Định Trung và Khai Quang lại chuyển về huyện Tam Dương.
Năm 1962, khu Tích Sơn được chia thành 2 tiểu khu gồm: Phố Vĩnh Thịnh, xóm Khâu, xóm Tiếc và tiểu khu Lam Sơn gồm xóm: Gạch, xóm Hạ. Khu Đống Đa được chia thành tiểu khu An Sơn gồm xóm Gẩu, xóm An Định và tiểu khu Đống Đa gồm xóm Sậu, xóm Mới, xóm Dinh. Sau đó tiểu khu An Sơn lại hợp nhất với tiểu khu Đống Đa thành khu Đống Đa. Cuối năm 1967, thôn Bảo Sơn được tách ra từ xã Khai Quang chuyển về khu Liên Minh thành khu Liên Bảo, khu Lam Sơn lại hợp nhất với khu Tích Sơn.
Năm 1968, tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh lỵ của tỉnh đóng tại Việt Trì, Vĩnh Yên là một trong 3 thị xã của tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ). Năm 1977 theo Quyết định số 178/CP ngày 5/7/1977 của Hội đồng chính phủ, 2 xã Định Trung, Khai Quang và thị trấn Tam Đảo (trước đó thuộc huyện Tam Dương) nay chuyển về thị xã Vĩnh Yên. Năm 1981 theo quyết định của Chính phủ nâng ban đại diện của tiểu khu hành chính thành phường có vị trí ngang thị xã, có HĐND phường, UBND phường. Tình hình trên được duy trì cho đến khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập.
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết “Về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”, trong đó có tỉnh Vĩnh Phú được tách thành 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997 có 6 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Vĩnh Yên và 5 huyện là Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo và Mê Linh. Tỉnh lỵ của tỉnh đặt tại thị xã Vĩnh Yên.
Do yêu cầu phát triển của trung tâm tỉnh lỵ, ngày 18/8/1999 Chính phủ ra Nghị định số 72/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Vĩnh Yên. Thực hiện nghị định trên, thị xã Vĩnh Yên được thành lập thêm phường Đồng Tâm, Hội Hợp và xã Thanh Trù. Ngày 01/9/1999 các đơn vị trên chính thức bước vào hoạt động, lúc này Vĩnh Yên có 5.079,27 ha diện tích đất tự nhiên và 65.727 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị hành chính là: Ngô Quyền, Đống Đa, Liên Bảo, Tích Sơn, Đồng Tâm, Hội Hợp, xã Định Trung, Khai Quang, Thanh Trù và thị trấn Tam Đảo núi.
Ngày 09/01/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2003/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo. Thực hiện nghị định trên, thị trấn Tam Đảo thuộc thị xã Vĩnh Yên chuyển về huyện Tam Đảo mới; thị xã Vĩnh Yên còn 4.983 ha diện tích đất tự nhiên và 76.523 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 phường và 2 xã.
Ngày 01/12/2006, Chính phủ ra Nghị định số 146/2006/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Vĩnh Yên trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính hiện đang trực thuộc. Thành phố Vĩnh Yên khi thành lập có 9 đơn vị trực thuộc là: P.Ngô Quyền, P.Liên Bảo, P.Tích Sơn, P.Đống Đa, P.Hội Hợp, P.Đồng Tâm, P.Khai Quang và các xã Định Trung, Thanh Trù tồn tại cho đến hiện nay.
([1]) Đạo Vĩnh Yên có trụ sở đặt tại Hương Canh, do đó tỉnh Vĩnh Yên lúc này (10/1890) còn có tên nôm là tỉnh Canh.
* Dân số Vĩnh Yên.
Thành phố Vĩnh Yên cũng là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội tỉnh Vĩnh Phúc Với diện tích tự nhiên 50,8 km2 Số dân 108.327 người (tính đến hết năm 2017) Trong đó: – Ngô Quyền: 6.003 người – Liên Bảo: 18.676 người – Tích Sơn: 8.402 người – Đồng Tâm: 17.657 người – Hội Hợp: 12.972 người – Khai Quang: 18.643 người – Đống Đa: 8.275 người – Xã Định Trung: 9.054 người
– Xã Thanh Trù: 8.645 người
Danh sách một số di tích – văn hóa trên địa bàn thành phố VĨNH YÊN
1/ Đình Đông Đạo – phường Đồng Tâm
2/ Chùa Tích Sơn – phường Tích Sơn
3/ Đền Đức Thánh Trần – phường Ngô Quyền.
4/ Di tích Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (2/3/1963) – phường Ngô Quyền
5/ Chùa Linh Sơn – phường Hội Hợp
6/ Đình Hội Thượng – phường Hội Hợp
7/ chùa Tiên Sơn – phường Hội Hợp
8/ Di tích lưu niệm Chủ tịch HCM – phường Đồng Tâm
9/ Chùa Cói – phường Hội Hợp
10/ Đình Lạc ý – phường Đồng Tâm
11/ Chùa Phú – phường Khai Quang
12/Chùa Hà Tiên – Xã Định Trung
13/ Đền Bà – Xã Thanh Trù
14/ Đình Thượng, Đình Hạ – Xã Thanh Trù
15/ Đình Trung – Xã Thanh Trù
16/ Miếu Đậu – Xã Định Trung
17/ Đền Đậu, Chùa Long Đậu – Xã Định Trung