Di tích lịch sử khá đặc biệt ấy là Trường Tiểu học Thăng Long ở số nhà 20 Ngõ Trạm – Phường Hàng Bông – Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội. Tôi cũng đã mấy lần qua đây. Lần nào cũng vào dịp 22/12, kỷ niệm ngày thành lập quân đội. Những ngày kỷ niệm trong tháng 12 năm nay, tôi đến cùng các nghệ sĩ của đoàn Nghệ thuật Cựu Chiến binh. Họ là các ca sĩ rất nổi tiếng của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và Đoàn ca múa Quân khu II.
Trong những năm chiến tranh, một bài hát có thể bằng sức mạnh của một binh đoàn. Đã từng có một đại đội chiến đấu rất dũng cảm, mang tên một nữ ca sĩ mà họ yêu thích. Đó là Đại đội Tô Lan Phương.
Các ca sĩ trong đoàn nghệ thuật Cựu chiến binh này cũng đã nhiều năm có mặt hầu khắp các chiến trường. Có người có hàng chục bài hát được lưu giữ trân trọng trong kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều bài hát họ biểu diễn trên làn sóng phát thanh trong những năm kháng chiến gian khổ ấy, vẫn được liên tục phát lại trong các chương trình ca nhạc truyền thống của Đài.
Tôi vốn là ngưởi cả nể, lại không học được phép từ chối, nên vào những ngày kỷ niệm, hay những ngày lễ lớn trong năm, tôi hay bị “lôi kéo” vào các buổi hoạt động ngoại khóa của các trường phổ thông, hay các trường Đại học, Cao đẳng. Ở khu vực nội thành Hà Nội, có rất nhiều ngôi trường khang trang, nề nếp. Một trong những ngôi trường để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp là Trường Tiểu học Thăng Long. Ngôi trường này có bề dày lịch sử khá đặc biệt. Trường được thành lập từ năm 1929. Trước cách mạng tháng Tám là trường Trung học tư thục do một nhóm thanh niên yêu nước thành lập. Nhiều thầy giáo của trường đều là những người rất nổi tiếng. Có người là Danh nhân Văn hóa, như thầy Đặng Thai Mai, thầy Nguyễn Lân, và đặc biệt là thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Như có lần tôi nói, điều đặc biệt không có trong lịch sử quân sự trong nước cũng như trên thế giới, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa từng qua bất kỳ một trường đào tạo quân sự nào. Ông nói vui: “Về Quân sự, tôi chỉ được học có mỗi một trường, đó là trường Bụi rậm”. Chính thực tiễn của Chiến tranh Cách Mạng đã đào tạo ông. Ông bảo: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là thầy giáo dạy sử”. Và rồi sau này, khi đã thành vị tướng lừng danh, ông vẫn thích được làm thày giáo dạy sử.
Điều đó chứng tỏ, nghề thày giáo, và cụ thể hơn là thày giáo dạy sử quan trọng và cao đẹp biết chừng nào. Thày Võ Nguyên Giáp đã nhiều năm dạy học ở ngôi trường Thăng Long này. Vậy mà rồi, không biết bằng phép nhiệm màu nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện được khả năng thiên tài quân sự trong một ông giáo dạy sử bạch diện thư sinh, rồi phong thẳng ông lên Đại tướng, trao cho ông toàn quyền điều hành quân đội: “Chú là tướng ngoài biên ải. Mọi việc chú cứ tự quyết rồi báo cáo Bác sau!”.
Có lẽ trong lịch sử quân sự Việt Nam, rất hiếm có vị tướng nào lại được Bác tin và giao trọng trách như thế. Theo nữ nhà báo Mỹ Lady Borton, một nhà Việt Nam học đã có công sưu tầm tư liệu để ra cuốn sách ảnh rất có giá trị về Nguyễn Ái Quốc trong vụ án ở Hồng Công, người cũng được trực tiếp chứng kiến cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo Quốc tế. Cũng trong cuộc gặp ấy, một nhà báo Pháp đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng Đại tướng là phong theo tiêu chí nào?” Câu hỏi rất hóc hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cười rất vui: “Nước chúng tôi là nước du kích. Đánh giặc theo lối du kích thì phong hàm cũng phải phong theo kiểu du kích thôi. Tướng Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các vị tướng tài giỏi của Pháp, thì ông ấy phải là Đại tướng thôi!”.
Câu trả lời thật bất ngờ, vừa hóm hỉnh, thông minh, lại rất hài hước, uyên bác, mang đậm màu sắc Á Đông. Theo bà Lady Borton, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tài hóa giải những gì phức tạp, có thể biến mọi hóc hiểm thành những trò đùa.
Cũng may cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông đã sớm gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Võ Nguyên Giáp cũng không thành được Võ Nguyên Giáp. Một trong những thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghệ thuật dùng người. Nếu chỉ căn cứ vào bằng cấp, chỉ chú trọng bằng cấp như một số nơi trong thời đại của chúng ta hiện nay, thì những thiên tài không có bằng cấp như Võ Nguyên Giáp liệu có “đất” để “dụng võ” không?.
Càng lùi về thời gian, tên tuổi Võ Nguyên Giáp sẽ càng rực sáng. Ta hiểu vì sao nhân dân cả nước đã giành cho ông một tình cảm hết sức đặc biệt. Trong tháng 12 lịch sử này, dù không phải ngày sinh, hay ngày mất của ông, mà hàng ngàn người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc vẫn tìm đến nhà ông, viếng nơi ở xưa của ông. Và rồi ngày nào cũng như ngày nào, dù mưa hay nắng, ngay cả những hôm thời tiết rất xấu nhất, vẫn có hàng ngàn người dân lặn lội vào tận Vũng Chùa tìm viếng mộ ông. Chả ai có được niềm hạnh phúc như thế.
Trường Tiểu học Thăng Long, ngôi trường ngày xưa Võ Nguyên Giáp từng nhiều năm là thày giáo dạy sử, dù chưa được chính thức công nhận, nhưng đã là một di tích lịch sử đặc biệt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đến thăm ngôi trường này. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đã tám lần về trường. Hiện, gia đình Đại tướng vẫn gắn bó chặt chẽ với trường. Năm nào phu nhân Đại tướng cũng gửi sách tặng các cháu học sinh. Trong trường, còn có một tủ sách đặc biệt. Tủ sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Điều vô cùng thú vị là các cháu nội của thày Võ Nguyên Giáp cũng theo học tại đây. Như cháu Võ Nguyên Phong mấy năm trước, và hiện là cháu Võ Trường Giang đang học tại lớp 5A của trường.
Ngôi trường cũng rất xứng đáng với người thày vĩ đại của mình. Trường có nhiều giáo viên giỏi, nhiều học sinh giỏi. Trường được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý nhất: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trường Thăng Long cũng tích cực có nhiều hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh: Vui tết Trung thu, đón năm mới, rồi sinh hoạt theo chủ điểm 20/11, 22/12, hay phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ đọc ngàn cuốn sách hay”. Rồi “Hội thi viết chữ đẹp”, hội thi “Thiếu nhi ngoan”, hội thi “Thiếu nhi học giỏi”.
Cũng có người gợi ý, vì ý nghĩa lịch sử đặc biệt, trường nên đổi tên thành “Trường Võ Nguyên Giáp”. Nhưng tôi thấy không nên. Bản thân “Trường Thăng Long”, gắn với tên tuổi Võ Nguyên Giáp, tên tuổi của nhiều người thày lỗi lạc mà tôi đã nói ở trên cũng đã đủ thành hiện thân của lịch sử rồi. Ta nên có những con đường, những ngôi trường ở Hà Nội hay ở các địa phương mang tên Võ Nguyên Giáp. Còn ở đây, có chăng, nhà trường chỉ nên dựng bức tượng Võ Nguyên Giáp, không phải tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà tượng thày giáo Võ Nguyên Giáp. Rồi đằng sau bức tượng thày Giáp là bức tường mang phù điêu của các thày: Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân… và các thày giáo lỗi lạc khác của trường.
Cùng với bức tượng thày Võ Nguyên Giáp, trường cũng có thể thành lập là Quỹ Võ Nguyên Giáp. Đây là Quỹ học bổng đặc biệt, không chỉ khuôn trong phạm vi nhà trường mà có thể vươn ra xa hơn, dành trao tặng cho các thày cô và các em học sinh dạy giỏi môn sử, học giỏi môn sử trong phạm vi toàn quốc. Đây là môn học rất cần được khuyến khích, cũng là môn học có nhiều vấn đề nan giải mà báo chí đã đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Đừng để các em học sinh quay lưng lại với cha ông, quay lưng lại với lịch sử dân tộc.
Để làm được điều ấy, cũng không cần phải xin tiền nhà nước. Tôi có nói với cô giáo Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long rằng, chỉ cần cô lên tiếng kêu gọi, tôi tin các thế hệ học sinh của trường Thăng Long sẽ hỗ trợ, giúp sức. Dù không được là học sinh của trường, nhưng tôi cũng vô cùng hạnh phúc nếu được góp một giọt đồng cùng các thế hệ học sinh ở đây dựng bức tượng thày Võ Nguyên Giáp. Nhiều người dân khác chắc cũng như tôi. Chúng ta cần tôn vinh những người thày mẫu mực, là những tấm gương sáng để các em vươn tới…/.