Xét nghiệm nội tiết tố nữ giúp bác sĩ kiểm tra các tình trạng đáng lo ngại về tuổi dậy thì, khả năng sinh sản, tình trạng mãn kinh và các vấn đề khác. Các xét nghiệm này lần lượt là estrone (E1), estradiol (E2), estriol (E3) hoặc hormone estrogen. Vì vậy các phương pháp kiểm tra sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ như xét nghiệm nội tiết tố luôn được quan tâm hàng đầu. Vậy xét nghiệm nội tiết tố nữ là gì? Quy trình gồm những bước nào?
Xét nghiệm nội tiết tố nữ là gì?
Xét nghiệm nội tiết tố nữ là cách kiểm tra, đánh giá các tình trạng đáng lo ngại về tuổi dậy thì, khả năng sinh sản, tình trạng mãn kinh và các vấn đề khác. Do đó bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm estrogen để kiểm tra xem nguyên nhân bị bệnh có phải vì cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít một loại estrogen hay không (1). Một xét nghiệm máu đơn giản và có thể đo được tới ba loại estrogen này:
- E1: Estrone (hormone chính sau mãn kinh)
- E2: Estradiol (hormone chính)
- E3: Estriol (hormone chính khi mang thai)
Xét nghiệm nội tiết tố có thể được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi và sàng lọc (2):
- Chẩn đoán: xét nghiệm nội tiết tố thường được sử dụng để xác định nguyên nhân gây ra các tình trạng như chậm phát triển, vô sinh, mãn kinh, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và một số loại khối u.
- Theo dõi: việc xét nghiệm liên tục dùng để theo dõi bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe, bao gồm cả việc liệu các phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Xét nghiệm nội tiết tố cho phụ nữ có thể được sử dụng để theo dõi những người đang điều trị vô sinh hoặc ung thư. Xét nghiệm cũng có thể giúp theo dõi nồng độ hormone ở những phụ nữ chuyển giới đang điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế.
- Sàng lọc: xét nghiệm hormone cũng có thể được sử dụng để sàng lọc nhằm tìm kiếm các vấn đề sức khỏe trước khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Ví dụ, xét nghiệm một số hormone có thể được thực hiện trong thai kỳ để sàng lọc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ có thể được xét nghiệm nội tiết tố để xem họ có thai hay không trước khi phẫu thuật hoặc nhập viện.
Ai nên thực hiện xét nghiệm nội tiết tố nữ?
Xét nghiệm nội tiết tố ở phụ nữ thường được chỉ định nhất khi người bệnh có các triệu chứng cho thấy cơ thể mất cân bằng nội tiết tố nữ. Các bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nội tiết tố nếu người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Dấu hiệu mãn kinh: khô âm đạo, bốc hỏa hoặc khó ngủ ở người dưới 40 tuổi
- Khó mang thai hoặc giữ thai
- Dấu hiệu mang thai: trễ kinh, ngực mềm, buồn nôn và đi tiểu thường xuyên
- Chảy máu âm đạo bất thường (bao gồm chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường hoặc chảy máu khi kỳ kinh đã kết thúc)
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc bị mất kinh nguyệt
- Mọc mụn
- Số lượng tóc phát triển bất thường
Xét nghiệm nội tiết tố cũng được sử dụng để phát hiện tình trạng tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ và phụ nữ sắp sinh. Các triệu chứng của tình trạng tuyến giáp bao gồm:
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Cơ thể lạnh đi
- Thay đổi tâm trạng
- Tăng cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
- Nhịp tim chậm hoặc không đều
- Cáu gắt
- Khó ngủ
- Thay đổi da hoặc tóc
Các bác sĩ cũng có thể đề xuất xét nghiệm nội tiết tố nếu trước đây người bệnh từng xuất hiện các tình trạng sức khỏe liên quan đến mất cân bằng nội tiết tố. Những người từng thay đổi nồng độ hormone bằng các liệu pháp y khoa cũng cần được kiểm tra mức độ hormone liên tục để theo dõi điều trị. Tìm đến bác sĩ ngay nếu bạn xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự mất cân bằng nội tiết tố. Bác sĩ có thể giúp xác định liệu xét nghiệm nội tiết tố có phù hợp hay không và nên thực hiện xét nghiệm nội tiết tố nào.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ có cần nhịn ăn?
Không. Không cần thiết phải nhịn ăn hay uống bất cứ thứ gì trước khi thực hiện xét nghiệm nội tiết tố nữ như khi thực hiện một số loại xét nghiệm máu. Nhưng trước khi xét nghiệm, các chị em nên nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc và thực phẩm bổ sung mà mình đang sử dụng, đặc biệt là trường hợp dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. (3)
Xét nghiệm nội tiết nữ bao gồm những gì?
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm 1 hoặc kết hợp nhiều loại nội tiết tố nữ để lên phác đồ điều trị thích hợp cho từng ca bệnh khác nhau.
1. Chỉ số Testosterone
Testosterone không chỉ là nội tiết tố nam mà còn tồn tại trong cơ thể của phụ nữ. Lượng testosterone thường dao động trong khoảng từ 15 đến 70 mg/dL và xét nghiệm này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào vì kết quả sẽ không bị ảnh hưởng.
2. Chỉ số Estrogen
Estrogen là một trong những nội tiết tố quan trọng nhất ở phụ nữ. Mức độ estrogen thường nằm trong khoảng 70-220 pmol/L. Estrogen được sản xuất ở buồng trứng dưới 3 dạng chính:
- E1 – Estrone: là loại estrogen yếu nhất, và cũng là loại duy nhất được cơ thể duy trì sản sinh sau thời kỳ mãn kinh. (4)
- E2 – Estradiol: là dạng phổ biến nhất của estrogen và là chỉ số chính trong xét nghiệm estrogen. Việc sở hữu quá nhiều E2 có thể gây đau đầu, rụng tóc, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và thậm chí là tăng nguy cơ ung thư vú.
- E3 – Estriol: Thường được kiểm tra ở phụ nữ mang thai để xem xét những bất thường liên quan đến sức khỏe thai nhi.
3. Chỉ số Progesterone
Đối với phụ nữ, nồng độ progesterone tăng cao có thể dẫn đến đau vú, mệt mỏi, mụn trứng cá, giảm ham muốn, trầm cảm… Tuy nhiên khi mang thai thì nội tiết tố này đóng vai trò mật thiết để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi. Mức độ progesterone là từ 5 đến 20 ng/mL và thường được thực hiện vào ngày 21-22 của chu kỳ.
4. Chỉ số FSH
FSH sẽ kích thích tế bào noãn phát triển và bài tiết estrogen. Vì vậy, nếu FSH dư thừa có thể cho thấy khả năng dự trữ buồng trứng kém và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Thông thường chỉ số FSH sẽ rơi vào khoảng từ 1,4 – 9,6 IU/L và được thực hiện vào ngày thứ 2 – 4 của chu kỳ kinh nguyệt.
5. Chỉ số AMH
AMH là chỉ số có giá trị cao nhất và chính xác nhất trong chẩn đoán và điều trị hiếm muộn ở phụ nữ. Với những ai có chỉ số AMH thấp có nghĩa là người đó sẽ ít phản ứng với thuốc hơn khi thụ tinh ống nghiệm và ngược lại, nếu chỉ số AMH quá cao cũng có thể làm buồng trứng bị kích thích quá mức dẫn đến vô sinh. Nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2 đến 6,8 ng/ml và có thể xét nghiệm bất cứ lúc nào.
6. Chỉ số LH
LH được tiết ra bởi thùy trước tuyến yên và kích thích buồng trứng sản xuất estradiol. Nồng độ LH cao đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc bệnh buồng trứng đa nang. Nồng độ LH trung bình dao động từ 0,8 đến 26 IU/L và thường được thực hiện vào ngày thứ 2-4 của kỳ kinh nguyệt.
7. Chỉ số Prolactin
Prolactin đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiết sữa ở phụ nữ đang cho con bú. Hormone này ngăn chặn sự rụng trứng bằng cách ức chế các hormone sinh sản. Vì vậy phụ nữ cho con bú có nồng độ prolactin cao là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nồng độ prolactin bình thường ở nữ giới trên ngưỡng an toàn có thể dẫn đến vô sinh. Nồng độ prolactin thường dao động từ 127 đến 637 μU/mL.
Khi nào cần làm xét nghiệm nội tiết nữ?
Các bác sĩ có thể đề nghị thử nghiệm estradiol hoặc estrone nếu chị em gặp các triệu chứng như:
- Chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh
- Các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt
- Vô sinh
- Các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và chu kỳ kinh nguyệt không đều
Trường hợp đang dùng liệu pháp hormone để giảm bớt các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành xét nghiệm E1 hoặc E2 để quan sát tiến triển của việc điều trị. Các bé gái có cơ quan sinh dục phát triển sớm hơn hoặc muộn hơn bình thường cũng có thể được xét nghiệm E1 và E2. Xét nghiệm E3 thường sẽ dùng cho các bà bầu khi chúng là estrogen chính. Nồng độ estriol bất thường có thể là dấu hiệu sức khỏe của thai nhi đang gặp vấn đề. Các xét nghiệm sẽ giúp theo dõi sự thay đổi nồng độ estrogen theo thời gian.
Nên xét nghiệm nội tiết nữ vào thời điểm nào?
Nồng độ của nội tiết tố nữ có thể thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt. Một số xét nghiệm cụ thể cần được tiến hành vào khoảng thời gian nhất định để đảm bảo kết quả được chính xác, có thể là sau chu kỳ kinh nguyệt, hoặc trước chu kỳ kinh nguyệt:
- Xét nghiệm LH và FSH: từ ngày thứ 2 – 4 của vòng kinh.
- Xét nghiệm Progesterone: ngày thứ 21 – 28 của chu kỳ kinh nguyệt.
- Các xét nghiệm AMH, Testosterone, Estrogen và Prolactin có nồng độ khá ổn định nên có thể thực hiện vào bất cứ thời điểm nào.
Bảng giá xét nghiệm nội tiết tố nữ bao nhiêu tiền?
Hiện nay, có rất nhiều loại xét nghiệm được sử dụng với những mục đích khác nhau như phát hiện nguy cơ mắc bệnh buồng trứng đa nang, tìm ra nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, kiểm tra khả năng sinh sản của nữ giới,… Các xét nghiệm điển hình không thể bỏ qua đó là: xét nghiệm Testosterone, Estrogen, Progesterone, FSH, AMH, LH, prolactin,,… Tùy theo nhu cầu mà bác sĩ sẽ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp nhất. Chi phí xét nghiệm nội tiết tố nữ cho mỗi lần sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau:
- Số lượng xét nghiệm: sau khi thăm khám và đánh giá tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ, tùy vào trường hợp khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định cần làm một hay nhiều xét nghiệm. Số lượng xét nghiệm sẽ tỷ lệ thuận với mức chi phí.
- Phương pháp xét nghiệm: Trang thiết bị và kỹ thuật càng tối tân sẽ cho ra kết quả càng chính xác, đồng thời rút ngắn thời gian xét nghiệm. Vì vậy các phương pháp truyền thống so với các phương pháp hiện đại sẽ có sự chênh lệch về mức giá nhất định.
- Cơ sở tiến hành: Các bệnh viện uy tín với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu, máy móc và kỹ thuật tân tiến thường sẽ có mức giá xét nghiệm cao hơn.
Địa chỉ xét nghiệm nội tiết tố nữ ở đâu uy tín?
Xét nghiệm nội tiết tố sao cho chính xác, nhanh chóng và an toàn là mối quan tâm của hầu hết chị em phụ nữ. Vì vậy việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tầm soát nội tiết tố là điều cần thiết. Khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại sẽ giúp người bệnh an tâm điều trị và hài lòng với dịch vụ cũng như chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.
Việc chủ động xét nghiệm nội tiết tố nữ cần được thực thực hiện mỗi năm 1 lần để chị em nắm bắt được tình trạng sức khỏe, đồng thời sẽ phát hiện và điều trị kịp thời nếu xuất hiện tình trạng bất thường trên cơ thể.