(Xây dựng) – Nói đến Xuân Hòa (thị xã Phúc Yên – Vĩnh Phúc) hiện nay, những thế hệ 6x, 7x nếu từng sinh sống ở đó đều có chút tự hào “thú vị” vì là từng trải ở “thủ đô mới” một thời. Mặc dù hiện nay nó chỉ là một phường của thị xã Phúc Yên.
Đường phố Xuân Hòa hôm nay.
Thật vậy, Xuân Hòa ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã có vóc dáng một đô thị cỡ thành phố, đó là đã xuất hiện hàng chục nhà cao tầng, có chung cư, có khách sạn, có nhà máy và… có trường đại học. Vì sao một phường lại ưu ái xây dựng một cách hoành tráng hiện đại như vậy cách đây hàng chục năm trên đất trung du như thế?
Sau này, theo lời một cựu quan chức cũ của Bộ Xây dựng, tôi mới được biết khoảng năm 1968 – 1969, khi Bộ Chính trị dự đoán máy bay Mỹ có thể đánh phá ác liệt vào Hà Nội. Nếu bị ném bom, đê vỡ, thì rất nguy hiểm vì Hà Nội đất thấp, sẽ thành vùng trũng. Do đó, ngày 02/8/1969, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc lúc đó là ông Bùi Quang Tạo đã có báo cáo và trình bày Quy hoạch mở rộng Thủ đô. Bộ Chính trị quyết định: Xuân Hòa là địa điểm mở rộng Hà Nội. Ngày 22/11/1969, Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký Quyết định 128/TTg về việc xây dựng lại thị xã Phúc Yên và xây dựng mới Xuân Hòa.
Tuổi thơ tôi chứng kiến khi xây dựng Xuân Hòa và mở rộng Hà Nội.
Xuân Hòa ở thập kỷ 70, 80 như một công trường xây dựng khổng lồ. Dãy đồi Thằn Lằn bị phát trụi để khai thác lấy đất đá, từ làng quê theo cha vào công tác ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, tôi thấy lạ lẫm khi nhìn thấy “đường bê tông hai chiều”. Hai bên đường là những cửa hàng, hiệu sách, bách hóa… mà Xuân Hòa lúc ấy chỉ là một thị trấn nhỏ.
Thời đấy, chiến tranh phía Bắc vẫn chưa ngơi tiếng súng, Xuân Hòa vừa phải xây dựng vừa chiến đấu, trên dãy đồi Thằn Lằn tím ngắt hoa sim, hoa mua… hàng chục mô hình xe tăng đất được đắp nổi, giao thông hào chạy chằng chịt, thậm chí giao thông hào còn chạy quanh trường PTCS Xuân Hòa của chúng tôi. Lại nói về trường học, nếu nói về chuẩn quốc gia theo tiêu chí hiện nay, thì trường tôi là mô hình mẫu của cả nước. Đó là có những dãy nhà học nhiều tầng, có hội trường cực lớn và sân khấu hoành tráng, dãy nhà ở của giáo viên cũng ở luôn trong trường. Cả huyện Mê Linh duy nhất có trường Xuân Hòa là học sinh được học… ở nhà tầng. Ông chú tôi khi đó là hiệu trưởng, ưu ái cho bố con tôi mượn hẳn một phòng thí nghiệm (dĩ nhiên là bỏ trống) làm nhà ở.
Khi đó vẫn trong thời kỳ bao cấp, nên mọi chế độ sinh hoạt của tầng lớp cán bộ công nhân viên, sinh viên tại khu vực “Hà Nội mở rộng” chẳng khác gì nội thành. Hàng tuần ra phố, Xuân Hòa chỉ có một con phố không tên, có đường hai chiều từ bùng binh lớn, ngay cửa ngõ thị trấn cho đến cuối thị trấn cũng có một bùng binh nhỏ mà người dân hay gọi là “vòng tròn một”, “vòng tròn hai”. Tôi được chứng kiến hàng đoàn người xếp hàng mua gạo, thực phẩm. Tôi từng được bố cho đi xếp hàng mua thịt, đến lúc đến lượt thì bị một ông công nhân đen như Tây Phi chen bật ra ngoài, ấm ức tủi thân mà không làm gì được.
Đến năm 1982, Xuân Hòa lúc đó là hình thành như một đô thị, tốc độ xây dựng nhanh khủng khiếp, bố tôi khi đó công tác trong Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II mà sau giờ làm việc còn phải tham gia làm thợ xây, các sinh viên khoa Văn Trường ĐH Sư phạm còn tự xây dựng hẳn hai dãy ký túc xá mà thơ mộng gọi là “Làng Văn”. Trên địa bàn thị trấn hình thành các trường đại học: ĐH Sư phạm Hà Nội II, ĐH Kiến trúc rồi Trường Công nhân Việt – Xô, trường Cơ điện… cùng nhiều nhà máy như Nhà máy Pin, Nhà máy xe đạp đều mang thương hiệu “Xuân Hòa”.
Một nếp sống đô thị theo kiểu các miền hội nhập đã tràn lên trung du, ra chợ Xuân Hòa, tôi nghe đủ các thứ tiếng Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình… Đặc biệt, gần chợ Xuân Hòa có một khách sạn dành cho Tây, đấy là nơi ở của các chuyên gia các nước XHCN sang giúp ta xây dựng đô thị mới. Khu này như một “tô giới” riêng, bọn trẻ chúng tôi không có cách nào vào được, chỉ đứng ngoài hàng rào nhìn vào, lần đầu tiên trong đời, trẻ trung du nhìn thấy các nhãn hiệu: 7UP, Cocacola, 555… trên những thảm cỏ, có đứa còn lấy que khều về rồi lau sạch bày vào tủ kính!
Đô thị mới Xuân Hòa khi ấy phải đối mặt một vấn đề nan giải: “Nước”! Nhà máy nước Xuân Hòa được xây dựng trên một quả đồi nhưng quy mô nhỏ, chỉ đủ cung cấp cho một số chung cư mà thỉnh thoảng lại trục trặc. Thật khủng khiếp khi nhớ lại những ngày hè thiếu nước ở Xuân Hòa, các sinh viên muốn tắm thì chỉ có đường ra sông Cà Lồ. Bây giờ thỉnh thoảng xem trên mạng, thấy các phượt thủ khoe ảnh ngắm gái Thái tắm suối bỗng bật cười, dân Xuân Hòa khi ấy ngắm các sinh viên nữ tắm sông từ ngày xưa rồi, trắng nuột và đẹp bằng mấy ấy chứ!
Tôi xa Xuân Hòa từ năm 1984, khi Xuân Hòa vẫn còn ngổn ngang công trường, kho thép và trạm trộn xi măng. Sau này trở lại Xuân Hòa học đại học thì Xuân Hòa đã lột xác hoàn toàn, đó là nhà dân đã ở kín hết các quả đồi thấp, đất Xuân Hòa bỗng có giá khi khu du lịch Đại Lải hình thành, cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài đã nối Mê Linh với Hà Nội gần hơn.
Giờ đây, lứa bạn học cùng chúng tôi thời đó nếu ai ở lại Xuân Hòa cũng đều có nhà riêng ở những vùng đồi mà ngày xưa tím hoa sim, hoa mua. Nay đến thăm nhà các bạn thấy nhà đã có số, phố có tên. Nhắc lại chuyện suýt là công dân của “Hà Nội mở rộng” thấy vui buồn man mác.
Giờ đây, “đô thị Xuân Hòa thời mở rộng Hà Nội ngày xưa” qua hơn 40 năm đã trở thành 2 phường Đồng Xuân và Xuân Hòa. Xuân Hòa trong quy hoạch mới của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ là vùng du lịch, cụm công nghiệp hứa hẹn nhiều tiềm năng.