HỘI LÀNG YÊN XÁ
Làng Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì xưa là một làng cổ thuộc tỉnh Hà Đông, nằm bên bờ sông Nhuệ. Từ xưa Yên Xá vốn là nơi tụ hội giao lưu văn hóa và là nơi trao đổi mua bán một vài loại hàng thủ công, mỹ nghệ của địa phương. Hơn thế nữa, nằm ngay bên cạnh làng Triều Khúc nổi tiếng, làng Đơ Thao xưa kia, Yên Xá cũng không kém phần tên tuổi ở trong khu vực….nếu như Thành hoàng làng Triều Khúc thờ là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng thì dân làng Yên Xá lại thờ đức thánh Linh Lang, mà nơi thờ nổi tiếng là đền Thủ Lệ, quận Ba Đình hiện nay.
Ngài đã có công đánh giặc và được vua nhà Lý ban thưởng, nhưng từ chối tất cả về quê sống và hóa ở Hồ Tây, vì thế vua cho lập đền thờ và giao cho dân trong vùng cúng tế hàng năm. Có một chi tiết của truyền thuyết liên quan đến việc thờ ngài ở Yên Xá là trước khi qua đời, hoàng tử Linh Lang xin vua cho tung lá cờ trận mà ngài từng dùng lúc sinh thời. Lá cờ bay lên và bay qua vùng nào thì nơi đó lập đền thờ ngài. Lá cờ đó đã bay qua nhiều nơi và trong đó có làng Yên Xá, vì thế ở đây dân mới lập đền thờ Linh Lang đại vương được thờ tại đền Thượng trên một khu đất phía đông bắc của làng.
Cùng với ngôi đền, làng Yên Xá còn có một ngôi đình được đặt ở trung tâm làng có ngai thờ Linh Lang đại vương. Theo những tài liệu cho biết, đình được xây dựng muộn hơn so với đền. Quy mô của đình cũng được xây dựng khá bề thế
Năm 1990, đình và đền Yên Xá được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đó là một sự ghi nhận giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của làng.
Hội làng Yên Xá bắt đầu ngày 10 tháng Giêng với đám rước Thành hoàng từ đền lên đình nơi mở hội. Đám rước đầy đủ nghi thức, như các hội làng truyền thống ở Bắc Bộ. Do được chuẩn bị từ trong năm và đầu năm mới, trong không khí vui xuân, đám rước lại càng tưng bừng hơn. Cả làng trong không khí phấn khởi, cầu chúc cho một năm làm ăn may mắn, nhân khang, vật thịnh. Đám rước huyên náo, vui vẻ nhiều màu sắc trên con đường sạch sẽ lát gạch. Đây là gạch *nộp cheo* của các cô gái Yên Xá lấy chồng thiên hạ (lệ là 300 viên/người). Khi đám rước đã dừng trên sân đình, cờ quạt, đồ tế khí đã sắp đặt đâu vào đấy, lễ vật đã dâng lên thì các bô lão cử hành tế lễ, để trình báo với đức thánh việc làm ăn của dân làng năm qua, đồng thời cầu mong sự che chở của ngài vào năm mới được nhiều may mắn hơn nữa. Tiếng nhạc, tiếng trống chiêng cùng tiếng hô của các vị xướng tế trầm bổng trong hương khói nghi ngút ngày đầu xuân hấp dẫn người làng cũng như người ở các nơi khác đến xem. Đồng thời người ta cũng đợi lúc các cụ tế xong để đến lượt mình vào dâng hương cầu mong thánh ban cho một năm mới may mắn. Trên sân đình, những trò chơi truyền thống diễn ra ở chỗ này, chỗ kia, lôi cuốn người xem vào cuộc. Màu sắc của đủ loại trang phục ngày hội nổi bật lên trong khung cảnh trời xuân làm hội làng Yên Xá vừa thiêng liêng, vừa thơ mộng.
Cứ như vậy, hội diễn ra trong hai ba ngày sau đó, rồi kết thúc bằng lễ rước hoàn cung về đền. Những năm gần đây, không chỉ người Yên Xá mà du khách các nơi đến đây có thể dự hội làng Yên Xá và hội làng Triều Khúc ở bên cạnh do thời gian tổ chức lễ hội cùng diễn ra vào khoảng từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng. Như vậy, chẳng riêng người Yên Xá mà người thập phương có thể dự hội của hai làng vào một dịp đầu xuân.